Sông băng Mendenhall bên hồ Mendenhall, ở Juneau, Alaska, Mỹ, ngày 30/05/2022. AP - Becky Bohrer
Theo một công trình nghiên cứu khoa học công bố vào hôm qua, 05/01/2023 trên tạp chí Mỹ có uy tín Science, một nửa số sông băng trên Trái Đất, đặc biệt là những con nhỏ băng nhất, sẽ biến mất vào năm 2100 do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu hạn chế được đà hâm nóng của Trái Đất, còn có thể cứu được những sông băng khác.
Theo hãng tin Pháp AFP, công trình nghiên cứu này đã cung cấp những dự đoán toàn diện nhất từ trước đến nay về tương lai của khoảng 215.000 sông băng (còn gọi là băng hà) trên thế giới. Điểm đặc sắc của công trình là nghiên cứu tác động trực tiếp lên sông băng của một số kịch bản Trái Đất bị hâm nóng (+1,5°C, +2°C, +3°C và +4°C), nhằm giúp ích cho các nhà làm chính sách.
Nếu mức tăng nhiệt độ được giới hạn ở 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu tham vọng nhất của hiệp định khí hậu Paris - thì 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100, tương đương với khoảng 26% tổng khối lượng băng, dẫn đến việc mực nước biển dâng cao thêm khoảng 9cm.
Đồng tác giả công trình, bà Regine Hock, giáo sư tại Đại Học Oslo, Na Uy, người đã nghiên cứu sông băng trong suốt sự nghiệp, giải thích: “Các khu vực có tương đối ít băng, chẳng hạn như dãy Alpes ở châu Âu, dãy núi Kavkaz ở Trung Á, dãy Andes ở Nam Mỹ, hay vùng núi miền tây Hoa Kỳ, sẽ mất gần như toàn bộ băng vào cuối thế kỷ này, bất kể kịch bản phát thải là gì”. Theo bà, số phận những sông băng đó ít nhiều đã an bài.
Còn nếu mức tăng nhiệt độ lên tới 4°C, theo kịch bản tồi tệ nhất được dự đoán, các sông băng lớn nhất, chẳng hạn như ở Alaska, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, với 83% sông băng sẽ biến mất, chiếm 41% tổng khối lượng băng của Trái Đất, và mực nước biển sẽ dâng cao 15cm.
Trả lời AFP, chuyên gia Hock nhận định: “Mức tăng từ 9 cm đến 15 cm có vẻ không nhiều lắm”, nhưng đó là một “điều đáng lo ngại”, bởi vì mực nước biển càng cao thì càng gây ra lũ lụt lớn trong trường hợp có bão, và do đó “thiệt hại nặng nề hơn”. Đây là trường hợp đã và đang xảy ra, khi mực nước biển dâng cao thêm khoảng 3 mm mỗi năm.
Các tác giả đã cảnh báo về tầm quan trọng của các hành động giảm khí thải nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế sự tan chảy của các sông băng này và hậu quả của nó.
Bà Hock nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng có một tia hy vọng nhỏ và một thông điệp tích cực trong nghiên cứu của chúng tôi, bởi vì nó cho biết rằng ta có thể tạo ra sự khác biệt, rằng những hành động giảm khí phát thải đó rất quan trọng”.
Theo RFI