logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 17/05/2023 lúc 10:12:58(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Pháp : Liên hoan Cannes lần thứ 76 khai mạc với bộ phim gây tranh cãi trong bầu khí xã hội khó khăn

UserPostedImage
Áp phích Liên hoan Phim Cannes 2023. © Cannes Festival

Liên hoan Phim Cannes lần thứ 76 chính thức khai mạc tối nay 16/05/2023, với 21 phim tranh giải Cành Cọ Vàng cùng sự góp mặt của nhiều đạo diễn, diễn viên kỳ cựu trong nền Nghệ thuật thứ bảy. Bên cạnh những tranh cãi về sự trở lại của nam tài tử Johnny Depp trong phim “Jeanne du Barry” khai màn liên hoan, sự kiện đáng chú ý nhất của điện ảnh quốc tế tại Pháp còn diễn ra trong bối cảnh nước Pháp vừa trải qua những cuộc biểu tình lớn phản đối cải cách hưu trí.

Từ Cannes, đặc phái viên Chi Phương tường trình :

“Cannes là một liên hoan phim "linh thiêng" đối với người Pháp”, một du khách đã khẳng định như vậy khi đứng chụp ảnh trước Cung liên hoan Cannes, trong lúc các nhân viên đang trải thảm đỏ, chuẩn bị những khâu cuối cùng cho buổi lễ khai mạc tối nay.

Phim Jeanne du Barry của đạo diễn Maïwenn sẽ được trình chiếu mở màn đêm khai mạc và không nằm trong danh sách tranh giải. Bộ phim nói về chuyện tình giữa vua Louis XV của Pháp và nàng Jeanne du Barry lại gây tranh cãi vì sự trở lại của Johnny Depp, sau phiên tòa xét xử bạo hành gia đình với vợ cũ là nữ diễn viên Amber Heard.

Tuy nhiên, sự góp mặt của nam tài tử Hollywood đã khiến một số người hâm mộ chọn đến Cannes để ngắm thần tượng bước trên thảm đỏ, như trường hợp của cô Aurore Tavernier, chủ nhân của một trang mạng quy tụ người hâm mộ : Johnny Depp tại Pháp - French DeppHeads. Cô nói : “Thật tuyệt vời khi Johnny Depp có thể đến Cannes, điều này giúp khôi phục hình ảnh của ông ấy. Tuy nhiên, phải nói rằng ý kiến của tôi đến từ người hâm mộ Johnny Depp và tôi cho rằng vụ kiện đó đáng lẽ ra không nên xảy ra”.

Liên hoan Phim Cannes, còn được gọi là “liên hoan của những nhãn hàng xa xỉ (như nhận định của Telegram), diễn ra trong bối cảnh nước Pháp vừa trải qua các cuộc biểu tình, huy động hàng triệu người tham gia, phản đối cải cách hưu trí, thêm vào đó là tình trạng lạm phát gia tăng, sức mua giảm. Cô Gwendolin Choppin, dù không có dự tính bước lên thảm đỏ tại Cung liên hoan “vì không có váy hiệu trong tủ quần áo”, nhưng cô hy vọng liên hoan phim diễn ra suôn sẻ. Cô cho biết : “Nói thực là tôi đã lo sợ liên hoan bị hủy, bởi vì tình hình khá là căng thẳng, bạo lực gần đây nhưng tôi cho rằng dù sao cũng đã dịu xuống và may là đã không ảnh hưởng đến không khí lễ hội của liên hoan”.

An ninh đã được siết chặt, thành phố Cannes ra lệnh cấm biểu tình trong hai tuần, từ ngày 16/05 đến ngày 27/05/2023. Tuy nhiên, công đoàn CGT của Pháp cho biết sẽ tổ chức biểu tình, “đến Cannes làm phim”, tập trung các lao động trong lĩnh vực khách sạn ngay trước cửa khách sạn 5 sao Carlton tại thành phố biển vào thứ Sáu 19/05 tới”.
Theo RFI
song  
#2 Đã gửi : 17/05/2023 lúc 10:17:05(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Liên hoan Cannes 2023 khai mạc với Cành Cọ Vàng danh dự giành cho Michael Douglas

UserPostedImage
Đạo diễn Michael Douglas (G) nhận giải Cành Cọ Vàng danh dự trong lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes 2023. © Festival de Cannes

Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, một trong những sự kiện danh giá nhất của điện ảnh quốc tế, đã chính thức khai mạc tối ngày 16/05/2023, với giải Cành Cọ Vàng danh dự được trao tặng cho nam diễn viên kỳ cựu Michael Douglas. Nhiều ngôi sao quốc tế xuất hiện trên thảm đỏ. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của Johnny Depp, vai chính trong phim Jeanne du Barry, được nhiều người hâm mộ vỗ tay, nồng nhiệt chào đón, bất chấp những ''lời ra tiếng vào'' về vụ kiện bạo hành gia đình.

Tấm rèm đỏ của rạp Louis Lumière tại Cannes chính thức được mở ra với tiếng hát của ca sĩ, diễn viên Chiara Mastroianni, dẫn chương trình tại Lễ khai mạc liên hoan. Cũng như những năm gần đây, đêm khai mạc cũng là đêm trao giải Cành Cọ Vàng danh dự, và năm nay giải thưởng danh giá đó thuộc về nam diễn viên gạo cội Michael Douglas, để tri ân hơn 50 năm cống hiến cho nền nghệ thuật thứ bảy của nam diễn viên người Mỹ. Đứng cạnh Douglas, nữ minh tinh người Pháp Catherine Deneuve, người xuất hiện trên tấm áp phích quảng bá cho Liên hoan năm nay được mời phát biểu, bà khẳng định “lý do mà Liên hoan tồn tại, đó là nhằm tôn vinh sự tự do, tự do tưởng tượng, tự do sáng tạo, tự do nói về quyền lực cũng như sự mong manh của chúng ta”. Nữ diễn viên phim Đông Dương cũng không quên nhắc lại sự ủng hộ đối với nhân dân Ukraina trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, trước khi tuyên bố chính thức“khai mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 79”, trình chiếu phim Jeanne du Barry.

Từ Cannes, đặc phái viên Chi Phương cho biết thêm :

“Dòng người chen lấn trước Cung liên hoan Cannes, hy vọng có thể tận mắt nhìn thấy các ngôi sao màn bạc tỏa sáng trên thảm đỏ. Bên cạnh dàn sao quốc tế như Naomi Campbell, Elle Fanning hay Phạm Băng Băng, mọi ánh nhìn dường như chú ý đến đội ngũ của phim khai màn liên hoan Jeanne du Barry, nữ diễn viên kiêm đạo diễn Maïwenn và tài tử Hollywood Johny Depp. Cả hai tay trong tay bước trên thảm đỏ trong những tràng vỗ tay của người hâm mộ. Sau lễ khai mạc, bộ phim Jeanne du Barry chính thức được trình chiếu trong các rạp của Cung liên hoan cũng như tại các rạp chiếu phim trên toàn nước Pháp.

Một đạo diễn “liều lĩnh” khi chọn Johny Depp thủ vai chính, một bộ phim “đưa người xem lật lại những trang sử của nước Pháp, dù đó không phải là những trang sử tươi sáng”, như nhận định của ông Paul Millier, một khán giả bước ra từ rạp Louis Lumière.

Hành trình của Jeanne, từ một cô gái xuất thân hèn mọn, trải qua bao thăng trầm của đời người phụ nữ và rồi trở thành người tình được vua Louis XV yêu thích nhất. Quyến rũ, tự do, phóng túng, hiểu thời thế nhưng có phần đạo mạo và thô thiển, dù không có danh phận, nhưng Jeanne lại độc chiếm tình yêu của một người đứng trên vạn người. Sự ra đi trong cô độc của nhà vua đã khép lại một trang sử của nước Pháp, cũng như khép lại một mảnh tình và ánh hào quang của Jeanne.

Không có nhiều lời thoại, máy quay của đạo diễn dường như muốn trêu đùa khán giả bởi những ánh nhìn sâu lắng, chất chứa cảm xúc của các nhân vật. Bộ phim đưa người xem quay trở lại thế kỉ 18, với những lễ nghi hoàng gia tại cung điện Versailles, được đạo diễn Maïwenn khai thác dưới khía cạnh hài hước và có phần châm biếm, như cảnh nhà vua thức dậy vào mỗi sáng bị vây quay bởi gia đình cùng hàng tá người phục vụ.”

Sau bộ phim mở màn, cuộc đua giành Cành Cọ Vàng chính thức bắt đầu hôm nay với sự tái xuất của đạo diễn Nhật Bản Korre-Eda qua bộ phim Monster và một trong 7 nữ đạo diễn tại liên hoan năm nay, bà Catherine Corsini với phim Le Retour (Sự trở lại). Theo AFP, phim của nữ đạo diễn Pháp đã gây tranh cãi và từng đứng trước nguy cơ bị loại khỏi danh sách tranh giải về điều kiện làm phim và đáng chú ý nhất là việc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (CNC) đã rút khoản hỗ trợ tài chính 680 000 euro vì đã thêm một cảnh quay tình dục liên quan đến trẻ vị thành niên mà không thông báo cho uỷ ban chịu trách nhiệm xem xét các yêu cầu quay phim với trẻ em.

Về ban giám khảo năm nay, đa số là những tài năng trẻ, hai trong số 9 thành viên đã từng giành giải Cành Cọ Vàng, là nam diễn viên người Thụy Điển Ruben Östlund (The Square - 2017, Triangle of Sadnes -2022) kiêm chủ tịch ban giám khảo, và nữ đạo diễn Pháp Julia Ducournau (Titane - 2021).

Theo RFI
song  
#3 Đã gửi : 18/05/2023 lúc 10:12:51(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cannes 2023 : Những góc tối trong xã hội Nhật Bản qua phim của Kore-Eda

UserPostedImage
Đoàn phim Monster của đạo diễn Nhật Bản, Kore Eda (phải) trong buổi ra mắt khán giả Liên hoan Cannes, Pháp, 17/05/2023. Vianney Le Caer/Invision/AP - Vianney Le Caer

Năm năm sau khi giành được giải Cành Cọ Vàng qua bộ phim gia đình Shoplifters (Kẻ trộm siêu thị), đạo diễn Nhật Hirokazu Kore-Eda trở lại Liên hoan điện ảnh Cannes với bộ phim Monster (Quỷ dữ) hôm qua 17/05/2023. Vẫn với phong cách nhẹ nhàng và tinh tế nhưng đậm tính nhân văn, Kore-Eda lột tả một cách chân thực nhất những vấn đề đời thường nhưng đầy bất cập, đáng lo ngại trong xã hội hiện đại Nhật Bản. 

Từ Cannes, đặc phái viên RFI Chi Phương cho biết thêm về Monster, bộ phim chính thức mở màn cuộc đua tranh giải Cành Cọ Vàng 2023:  
Gia đình, bạo lực học đường, hệ thống giáo dục khuôn mẫu, đồng tính,… tất cả là những mảnh ghép khác khau tạo lên bức tranh cuộc sống muôn hình vạn trạng, được vẽ lại trong bộ phim mới nhất của đạo diễn gạo cội xứ hoa anh đào. Với những cảnh tĩnh, máy quay ít di chuyển, Kore-Eda từ từ đưa người xem bước vào câu chuyện của Minato, một cậu bé tuổi niên thiếu, mới mất cha, được mẹ bao bọc quan tâm ‘dường như quá mức’.
Bầu không khí lo lắng mở đầu phim với vô số những điều không được lý giải, kích thích trí tò mò của khán giả, với câu hỏi : Ai là quỷ dữ ? Ai là người khiến Minato bị thương, quần áo nhem nhuốc, tâm lý bất ổn ? Câu trả lời dần được hé lộ trong câu chuyện của mỗi người. Một người mẹ đơn thân, tin rằng con trai là nạn nhân của bạo lực học đường, phẫn nộ trước sự giả tạo, thờ ơ của nhà trường.
Một thầy giáo nhiệt huyết, quan tâm đến học trò, nhưng thanh danh bị hủy hoại, mất việc, bị cộng đồng tẩy chay, bị dán nhãn “bạo lực học sinh” bởi chính những lời đồn, nhận, xét, cáo buộc từ những đứa trẻ đó. Những lời nói dối vô tư của trẻ thơ thật đáng sợ, đến mức mà người thầy đó leo lên mái của trường học, dường như có ý định tự tử.
Nhưng có lẽ Kore-Eda quá nhân văn nên không để cảnh đó xảy ra, mà thay vào đó, tiếp tục trao cơ hội cho nhân vật tìm ra lời giải đáp để tháo gỡ khúc mắc.  
Khi những trò chơi của lũ trẻ trở thành những điều kinh dị dưới con mắt của người lớn. Khi thế giới của trẻ thơ, tươi sáng hồn nhiên, chan hòa dưới ánh nắng bao nhiêu, thì thế giới của người lớn lại tối tăm và đầy bão táp bấy nhiêu.
Những hành động kỳ lạ gây khó hiểu của Minato ở đầu phim thực ra đến từ những rung động đầu đời với một cậu bé khác cùng lớp. Khi sống trong một xã hội không có đối thoại giữa các thế hệ và tình yêu đồng giới bị coi như một căn bệnh cần chữa trị, nhân vật chính dường như bị nhốt trong một căn phòng không có lối thoát. Mong ước đơn thuần của người mẹ, muốn con trai lấy vợ sinh con, lại trở thành ác mộng đối với đứa trẻ. Những thay đổi trong diễn biến tâm lý của nhân vật, từ việc tự coi mình là quỷ dữ đến khi chấp nhận mở lòng, chấp nhận theo đuổi hạnh phúc, khiến người xem không khỏi trầm ngâm suy tư, sâu chuỗi lại tất cả các câu chuyện đó, chần chừ, nán lại, không muốn bước ra khỏi phòng chiếu phim tại Cung liên hoan Cannes.  
Theo RFI
song  
#4 Đã gửi : 19/05/2023 lúc 08:52:12(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cannes 2023 : "The Animal Kingdom" và thông điệp về chung sống với thiên nhiên

UserPostedImage
Ê kíp làm phim "La Règne animale" tại Liên hoan Cannes ngày 18/05/2023: Từ trái sáng phải: Diễn viên Adele Exarchopoulos, Romain Duris, Paul Kircher, đạo diễn Thomas Cailley, diễn viên Tom Mercier và Billie Blain. AP - Daniel Cole

Ba năm sau đại dịch Covid-19, không khí lễ hội của Liên hoan phim Cannes trở lại với những người yêu điện ảnh. Thế nhưng, nỗi ám ảnh về sự cách ly và căn bệnh truyền nhiễm không rõ nguồn gốc bao trùm các rạp chiếu bộ phim  The Animal Kingdom (Vương quốc quái thú) của đạo diễn Pháp Thomas Calley . Phim được trình chiếu trong ba ngày từ 16 đến 18/05/2023, trong khuôn khổ cuộc tranh giải « Nhãn quan độc đáo »  cùng với 18 bộ phim khác tại Liên hoan Cannes 2023. 
Từ Cannes, đặc phái viên RFI Chi Phương tường trình:   
“ Bộ phim gây lo lắng, sợ hãi, hồi hộp, cùng những lời thoại hài hước, nhưng cũng lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Đạo diễn Pháp Thomas Calley trở lại Cannes lần thứ hai với một đề tài vốn đã được khai thác nhiều : một loại virus bí ẩn làm con người hóa thành loài vật, nửa người nửa thú (bạch tuộc, khỉ, tắc kè, chim…) và không có biện pháp chữa trị.
Tuy nhiên, nội dung của bộ phim không tập trung vào câu hỏi căn bệnh bắt nguồn từ đâu, mà dẫn dắt người xem bước vào câu chuyện của Emile, một thiếu niên tuổi dậy thì, lứa tuổi của những biến đổi thể chất và tâm lý. Một người cha bao bọc cùng đứa con trai bất cần trong hành trình tìm lại người mẹ đã bị biến đổi nửa người nửa thú, dường như là đã trở thành vô tri, phải đối diện với sự tắc trách của chính quyền.
Trước những kỳ thị từ mọi người xung quanh, Emile nén cơn tức giận, không ngần ngại nói rằng mẹ mình đã chết. Cuối cùng Emile bị nhiễm virus, cơ thể bắt đầu biến đổi, lo sợ, hoảng loạn, tâm trí bị dày vò, giống như những đứa trẻ mới lớn, không biết chia sẻ với ai. Quá trình này như giúp cậu kết nối với thiên nhiên hơn, để hiểu con thú ở trong mình và phải chăng trong mỗi con người đều hiện diện một con thú ?
Những người nhiễm bệnh bị coi là quái vật, bị cô lập, cách ly, buộc phải tách biệt với xã hội loài người và bất cứ lúc nào cũng có thể bị sát hại không thương tiếc. Nhân vật François, người chồng, người cha, do tài tử điện ảnh Pháp Romain Duris thủ vai, với tình yêu thương vô bờ bến, không hề e sợ trước sự biến đổi đó, mà ông hành xử như là một chiếc cầu nối giữa hai thế giới.
Bộ phim khoa học viễn tưởng thuộc thể loại kinh dị, nhưng không khiến người xem sợ hãi, mà thay vào đó nhắc nhở tầm quan trọng của thiên nhiên đang bao bọc che chở con người và cần phải được bảo tồn.”  
Hôm qua, tại Cung liên hoan Cannes, diễn viên gạo gội Hoa Kỳ Harrison Ford đã bước trên thảm đỏ cùng dàn diễn viên phim Indiana Jones and the Dial of Destiny đã được trao tặng giải Cành Cọ Vàng danh dự một cách bất ngờ, ngay trước buổi chiếu phần 5 của bộ phim mà ông thủ vai nhà khảo cổ học. Huyền thoại điện ảnh Hollywood 81 tuổi đã từng đảm nhận nhiều vai chính trong các bộ phim ăn khách như Chiến tranh giữa các vì sao hay Blade Runner.  
Theo AFP, vào năm ngoái, diễn viên kỳ cựu Tom Cruise có mặt trong buổi ra mắt phim Top Gun : Maverick tại Cannes, cũng đã bị bất ngờ khi nhận được giải Cành Cọ Vàng danh dự.  
Theo RFI
song  
#5 Đã gửi : 20/05/2023 lúc 08:05:21(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cannes 2023: Nước Mỹ nhuốm màu thuốc súng và bạo lực trong 2 bộ phim tranh giải

UserPostedImage
Nhóm làm phim 'Black Flies' tại liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp), ngày 19/05/2023. Scott Garfitt/Invision/AP - Scott Garfitt

Trong những năm gần đây, nước Mỹ đã bao lần phải đối mặt với những thảm kịch vì súng đạn, từ tai nạn trong phim trường, cho đến những vụ xả súng ở trường học, hay những vụ thanh toán giữa các băng đảng, dấy lên câu hỏi về việc có nên hạn chế quyền sử dụng súng. Riêng trong năm 2023, ít nhất 200 vụ xả súng hàng loạt đã được ghi nhận tại Hoa Kỳ. Đây cũng là chủ đề hai bộ phim Mỹ được giới thiệu tại Liên Hoan Cannes năm nay: Black Flies (Ruồi đen) và The Sweet East (Phía đông ngọt ngào).  

Từ Cannes, đặc phái viên RFI Chi Phương tường trình :  
Được chuyển thể từ tiểu thuyết 911 của Shannon Burke, bộ phim Black Flies (Ruồi đen) được thêm vào danh sách tranh giải Cành Cọ Vàng chỉ vài ngày trước khi liên hoan diễn ra.
Phim của đạo diễn người Pháp Jean Stéphane Sauvaire mô tả một New York tăm tối, bạo lực và chết chóc dưới góc nhìn của một nhân viên cứu thương mới vào nghề, cố gắng cứu người mà không phân biệt giai cấp, tầng lớp hay xuất thân. Các cuộc đọ súng giữa các băng đảng ma túy được lồng ghép với sự cô đơn, nghèo khổ cùng cực, xen lẫn với mùi máu tanh, hôi hám của những khu ổ chuột tại New York chẳng khác nào địa ngục trần gian. Mặc dù được sự góp mặt của tài năng trẻ Tye Sheridan và diễn viên gạo cội Sean Penn, bộ phim dường như lạm dụng ánh sáng và tiếng còi xe cảnh sát, xe cứu thương inh ỏi, cũng như cốt truyện không thực sự có điểm mới mẻ.  
Trong hạng mục Quinzaine des cinéastes (Hai tuần của đạo diễn), bộ phim The Sweet East của đạo diễn Mỹ Sean Price Williams cũng đề cập đến bạo lực và những cảnh thảm sát bằng súng, nhưng với một cách tiếp cận có chút nhẹ nhàng hơn, có phần hài hước và châm biếm, qua con mắt ngây thơ của nhân vật nữ chính Lillian (do Talia Ryder thủ vai).
Cô gái tuổi đôi mươi chạy trốn khỏi cuộc sống hiện tại bước vào hành trình khám phá nước Mỹ, với những cuộc gặp đầy bất ngờ, bắt đầu từ một vụ xả súng của một tên khủng bố tại một quán rượu, tin rằng có những đứa trẻ bị nhốt trong hầm làm nô lệ tình dục. Lillian bước vào thế giới của một trí thức da trắng tự cho là thượng đẳng luôn hồi tưởng về quá khứ, rồi vô tình lấn sân vào thế giới điện ảnh Hollywood và chứng kiến cuộc thảm sát đẫm máu trên phim trường. Tiếp tục trốn chạy, cô bị lạc vào khu vực của những người theo đạo Hồi yêu thích nhạc điện tử và nhảy với súng. Những câu chuyện tưởng chừng vô lý nhưng đã vẽ ra một nước Mỹ đầy rẫy những góc tối, đằng sau sự hào nhoáng của những tòa tháp chọc trời.”   
Còn tại Cung liên hoan Cannes hôm qua, vào khoảng 13h30, cảnh sát đã can thiệp sơ tán, phong tỏa một số khu vực vì phát hiện một hành lý đáng ngờ, nhưng sau đó được biết hành lý này là do một khách du lịch bỏ quên. Theo AFP, tại Cannes thường xuyên có các vụ báo động bom, nhưng đó thường là những đồ đạc mà những người đến dự liên hoan bỏ quên. Tuy nhiên vào năm 1978, một hộp nhựa nặng 500 gram có kíp nổ đã được phát hiện gần phòng chiếu phim của liên hoan gây ra sự hoảng loạn. Lực lượng an ninh đã mang thiết bị này ra bãi biển để cho nổ.   
Theo RFI
song  
#6 Đã gửi : 21/05/2023 lúc 09:00:33(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cannes 2023 : Các nhà hoạt động môi trường lên án lối sống xa xỉ của những kẻ siêu giàu tại Liên hoan điện ảnh

UserPostedImage
Những người biểu tình giăng tấm băng tôn "không để những kẻ siêu giàu phá hủy hành tinh", tại Cannes, Pháp, ngày 20/05/2023. © Chi Phuong

Cannes, Pháp – Trong lúc các ngôi sao màn bạc bước trên thảm đỏ ở Cung liên hoan Cannes, những chiếc xe sang ra vào tấp nập trước cửa các khách sạn 5 sao cùng những chiếc du thuyền sang trọng cập cảng thành phố biển của Pháp, các nhà hoạt động thuộc tổ chức Attac, tập trung trước cảng biển ở Croisette hôm 20/05/2023 để truyền tải thông điệp khí hậu, lên án lối sống thượng lưu của những kẻ siêu giàu, vô trách nhiệm với hành tinh.
Từ Cannes, đặc phái viên Chi Phương tường trình : 
Cách cung liên hoan Cannes khoảng 2 km, trước du thuyền Le Montkaj, dài 78 mét và được cho là tiêu thụ 800 lít dầu diesel trong mỗi giờ lái (par heure de navigation), gần 20 người biểu tình thuộc tổ chức Attac giăng tấm băng rôn “Không để những kẻ siêu giàu phá huỷ hành tinh”, đồng thời hô vang : “Hãy đánh thuế, đánh thuế những kẻ siêu giàu vì khí hậu và vì công lý xã hội”. Vì thành phố đưa ra lệnh cấm biểu tình nên trước đó, hoạt động này được giữ kín và chỉ tiết lộ riêng với báo chí mà không kêu gọi tập trung công khai. Đại diện của Attac, ông Rafael Pradeau, cho biết “chúng tôi chỉ cần 15 người có mặt ở đây, đủ để giữ tấm băng rôn và không muốn bị cảnh sát ngăn cản”.  
Theo dữ liệu từ tổ chức chuyên theo dõi hoạt động của các du thuyền Yacht CO2 Tracker, 41 du thuyền sang trọng có mặt tại cảng Canto, tiêu thụ khoảng 32000 lít dầu diesel mỗi giờ, tức là thải ra 85 tấn CO2 mỗi giờ, cao hơn gấp 3700 lần so với mức phát thải của một cá nhân. Một đại diện khác của Attac, bà Maelle Delavaud nhận định : “Trong thời gian diễn ra liên hoan, chúng tôi ghi nhận một sự tập trung lớn của những người siêu giàu đến Cannes, ngay sau tôi là những loại du thuyền xa xỉ. Tôi cho rằng đó là một điều không thể chấp nhận được khi vẫn sản xuất và cho phép những du thuyền này hoạt động, tiêu thụ năng lượng rất lớn. Đến khi nào thì người ta mới nhận thức được là cần phải chấm dứt điều này ? Ngay cả với những người siêu giàu này, khi mà không còn không khí để thở nữa thì con cái họ cũng liên quan và tiền của họ không thể mua được một hành tinh khác”. 
Không lâu sau đó, 3 xe cảnh sát đã xuất hiện, tịch thu cờ và băng rôn, 2 người đã bị câu lưu và đã được thả ra sau hơn 2 tiếng ở đồn cảnh sát mà không bị truy tố. Cũng trong ngày hôm qua, các nhà hoạt động môi trường thuộc tổ chức Extinction Rébellion đã thả bom khói tại sân bay Cannes-Mandélieu nhằm làm gián đoạn hoạt động của các phi cơ tư nhân, tố cáo việc sử dụng các máy bay cá nhân gia tăng trong hai tuần diễn ra liên hoan.”
Hôm nay, công đoàn CGT tại Cannes cũng kêu gọi biểu tình trước bãi biển nơi chiếu phim Amor, Mujeres y Flores, cho công chúng, để phản đối điều kiện làm việc của các lao động trong ngành dịch vụ, cũng như bày tỏ phẫn nộ về cải cách hưu trí được thông qua gần đây. Trước đó, ngày 19/05, khoảng 50 người đã đến biểu tình, tập trung trước khách sạn 5 sao Carlton. 
Theo RFI
song  
#7 Đã gửi : 23/05/2023 lúc 04:41:41(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cannes 2023: "In the Rearview" và số phận người Ukraina tị nạn chiến tranh

UserPostedImage
Đoàn làm phim tài liệu "In the Rearview" tại Liên Hoan Điện ảnh Cannes ngày 21/05/2023, trên một tấm thảm bị bom phá hủy ở thị trấn Lukashivka (Ukraina). Từ trái sang phải: Maciek Hamela, Kseniia Marchenko, Larysa Sosnovtseva, Yura Dunay và Anna Palenchuk. AP - Daniel Cole

Chiến tranh ác liệt đã khiến các bộ phim do Ukraina sản xuất và giới điện ảnh Ukraina ít hiện diện tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2023. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vẫn là một đề tài được đề cập đến tại liên hoan phim lớn nhất thế giới năm nay, cho dù không nhiều như năm ngoái, khi chiến tranh Ukraina mới nổ ra.

Cho dù không chiếm nhiều vị trí ở Cannes, nhưng những bộ phim về đề tài chiến tranh Ukraina vẫn có một chỗ đứng đặc biệt trong chương trình của Liên hoan, trong đó phải kể đến bộ phim « Mariupol 2 » của đạo diễn nổi tiếng người Litva Mantas Kvedaravicius, đã bỏ mạng hồi năm ngoái khi đi tìm hiểu thành phố Mariupol, vùng Donetsk của Ukraina đã bị quân Nga tàn phá ra sao.
Một bộ phim khác đáng nói là phim tài liệu « In the Rearview » của đạo diễn người Ba Lan, Maciek Hamela. Bộ phim phản ánh cái nhìn chân thực, đầy xúc động về số phận của những di dân Ukraina đang trên đường chạy trốn cuộc chiến phá hủy đất nước. Maciek Hamela cũng là người đã tổ chức quyên góp tiền cho quân đội Ukraina và đích thân tổ chức di tản người Ukraina sang Ba Lan, đến những nơi an toàn từ khi chiến tranh mới nổ ra hồi tháng 02/2022. 
Đặc phái viên Benjamin Dodman của đài France 24, thuộc tập đoàn truyền thông FMM mà đài RFI là thành viên, cho biết bộ phim của Maciek Hamela đã được quay trong vòng 6 tháng. Bộ phim hợp tác giữa Ba Lan, Pháp và Ukraina được trình chiếu tại LHP Cannes trong khuôn khổ chương trình tranh giải ACID, Hiệp hội phát hành phim độc lập.
Như tựa đề « In the Rearview », camera trên xe của Maciek Hamela chủ yếu tập trung vào những hành khách ngồi phía sau xe tải, ghi lại nỗi đau buồn, lo lắng của họ sau những khó khăn, khi cuộc chiến đang lùi xa lại phía sau, cũng là khi họ phải bỏ lại những người con trai, những người chồng và bỏ lại nhà cửa để ra đi. Một số hành khách ngồi đó, bình tĩnh, câm lặng, nhưng cũng không giấu được vẻ choáng váng. Một số khác kể lại những câu chuyện về sự tàn phá, những ngón đòn tra tấn và sự chết chóc. Cũng có những khoảnh khắc nhẹ nhàng hơn, khi những người này chia sẻ niềm hy vọng và những khát vọng khi chiến tranh kết thúc.
Phía ngoài xe, ống kính máy quay của nhà làm phim đôi khi bắt được những khung cảnh tang thương, hoang tàn, với những chiếc xe cháy đen, cây cầu bị gẫy sau vụ oanh kích, mìn gài trên đường và nhiều hiểm nguy khác đang rình rập.
Theo RFI
song  
#8 Đã gửi : 24/05/2023 lúc 05:05:15(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cannes 2023: « Bắt cóc », bộ phim Ý lên án chế độ toàn trị

Tại Liên hoan điện ảnh Cannes 2023 ngày thứ tám, 24/05/2023, một trong các bộ phim được đặc biệt quan tâm là « Rapito » (Bắt cóc) của đạo diễn kỳ cựu người Ý Marco Bellocchio, 83 tuổi, tranh giải Cành Cọ Vàng. Phim lật lại một giai đoạn dữ dội trong lịch sử nước Ý. Vào giữa thế kỷ 19, Công Giáo tiếp tục thống trị toàn bộ xã hội Ý, nhưng nước này cũng đang trước ngưỡng cửa thay đổi lớn.

UserPostedImage
Ảnh chụp màn hình quảng cáo phim Rapito ( Bắt cóc ) của đạo diễn Ý Marco Bellocchio tại Liên hoan Điện ảnh Cannes 2023. © Festival-cannes.com / Capture d'écran


Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật, đó là vụ bắt cóc một bé trai 6 tuổi theo đạo Do Thái, để nuôi dạy theo đức tin Công Giáo, theo lệnh của Giáo hoàng Piô IX. Một phần chủ yếu của bộ phim nói về cuộc chiến của gia đình Mortara giành lại bé Edgardo. Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ghi nhận bộ phim đã rất thành công trong việc chuyển tải không khí áp bức bao trùm nước Ý, dưới sự cai trị của Vatican, nắm trọn cả quyền lực tâm linh cũng như quyền lực thế tục. Theo tờ báo, đây là một lĩnh vực mà đạo diễn Marco Bellocchio « là một bậc thầy ».
Phim « Bắt cóc » gắn chặt với những chuyển động lớn của lịch sử nước Ý thời cận - hiện đại. Đạo diễn Marco Bellocchio nhấn mạnh « đây là một giai đoạn quan trọng lịch sử nước Ý, bởi (vụ bắt cóc bé Edgardo) là một trong những vụ bắt cóc cuối cùng do Giáo Hội chỉ đạo tại Ý ». Vụ bắt cóc đã trở thành đấu trường giữa Giáo hội và « các lực lượng tự do, cấp tiến, coi đây là một hành động man rợ, và sự việc được coi là nhỏ này đã gây ra một sự phản đối dữ dội trên toàn thế giới ».
Sự trỗi dậy của nước Ý hiện đại gắn liền với sự trỗi dậy của các thế lực thế tục, thu hẹp quyền lực của Công Giáo. Phim khép lại với việc một tòa án thế tục xét xử viên thẩm phán của Tòa án dị giáo, từng được Giáo hội sử dụng để xử những người theo tôn giáo khác. Chính viên thẩm phán này là người tổ chức vụ bắt cóc bé Edgardo. 
Nhưng « Bắt cóc » không chỉ là một bộ phim về lịch sử. Thế giới tinh thần của nhân vật chính, bé Edgardo Mortara, trở thành linh mục sau khi được nhà thờ nuôi dạy, là trung tâm của câu chuyện.
Thế giới tinh thần giằng xé của người bị quyền lực toàn trị nhào nặn, đến mức trở thành công cụ cho ý thức hệ, là điều gây ấn tượng đặc biệt trong phim. Trong suốt cuộc đời mình, Edgardo Mortara luôn bị giằng xé giữa hai tình cảm, sự nhớ thương gia đình và lòng trung thành với Công Giáo. Người linh mục, đứa trẻ Do Thái bị bắt cóc năm xưa, đã nỗ lực đến cùng để vận động chính mẹ mình cải đạo Thiên Chúa.
Tuy nhiên, « Bắt cóc » không chỉ nói về sức mạnh nô dịch con người của ý thức hệ toàn trị, mà còn hé mở khát vọng tự do. Một trong những hình ảnh mạnh nhất của « Bắt cóc » là cảnh linh mục Edgardo rút những chiếc đinh đóng vào tay và chân của một bức tượng Chúa Giêsu trên Thập giá.
Phim « Bắt cóc » nói về lịch sử nước Ý cách đây đã gần hai thế kỷ ắt hẳn tiếp tục có nhiều đồng vọng với xã hội đương đại. Trả lời AFP, đạo diễn Marco Bellocchio cho biết ông đã rất bị chấn động khi được biết trẻ em Ukraina bị bắt cóc sang Nga kể từ đầu chiến tranh. Nạn bắt cóc, giáo dục cưỡng bức, nhồi sọ để nô dịch con người tiếp tục là thảm cảnh mà nhân loại luôn phải đối mặt. 
Theo RFI

Sửa bởi người viết 24/05/2023 lúc 05:05:52(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#9 Đã gửi : 25/05/2023 lúc 08:16:51(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Điện ảnh Hàn Quốc vẫn hiện diện đông đảo tại Liên hoan Cannes 2023

Mặc dù không có phim nào trong danh sách tranh giải Cành Cọ Vàng, nhưng điện ảnh Hàn Quốc năm nay tiếp tục hiện diện đông đảo tại Cannes với 7 bộ phim, trong đó có những phim tranh giải trong các hạng mục như Nhãn quan độc đáo, Tuần lễ phê bình, hay Hai tuần lễ đạo diễn.

UserPostedImage
Hình ảnh từ phim Sleep của đạo diễn Hàn Jason Yu. Phim được lọt vào tranh giải tại Tuần lễ phê bình, trong khuôn khổ liên hoan phim Cannes lần thứ 76. © CannesFestival/ La semaine de la critique

Trong hạng mục Nhãn quan độc đáo, phim « Hopeless » của đạo diễn Kim Chang-hoon nói về hành trình của một chàng trai trẻ, bất chấp tất cả làm mọi thứ để thoát khỏi một cuộc sống nghèo túng đầy bạo lực, nhưng lại quyết định gia nhập vào một băng đảng xã hội đen. Với 12 lần được mời tới Cannes, đạo diễn Hong Sang-soo không phải là một tên tuổi xa lạ với liên hoan điện ảnh danh giá nhất của Pháp. Phim « In our day » của ông đã được chọn để bế mạc giải La Quinzaine des cinéastes (Hai tuần lễ đạo diễn).
Được giới thiệu trong phiên chiếu nửa đêm, không tranh giải, phim kinh dị « Project Silence » của Kim Tae-gon quy tụ nhiều ngôi sao Hàn như Lee Sun-kyu và Ju Ji-hun. Bộ phim là một câu chuyện về sự tồn tại, về những người bị mắc kẹt trên một cây cầu, cố gắng thoát khỏi cuộc tấn công từ những con chó hung dữ do quân đội huấn luyện.
Đáng chú ý nhất là phim của đạo diễn trẻ Jason Yu (Yoo Jae-Sun), lần đầu tiên đến Cannes ra mắt bộ phim dài đầu tay, được lọt vào hạng mục La Semaine de La Critique (Tuần lễ phê bình ), một giải song song với giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan Cannes. Sleep là một bộ phim kinh dị được lấy cảm hứng từ chính giấc ngủ của một cặp vợ chồng đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Một người chồng với sự nghiệp điện ảnh bấp bênh, một người vợ hết mực vì gia đình, ủng hộ chồng, với phương châm được khắc trên tấm gỗ treo đầu giường : « Chỉ cần ở cùng nhau thì có thể vượt qua tất cả ». Nhưng rồi một ngày, cuộc sống gia đình tưởng chừng bình yên đó trở thành cơn ác mộng, khi người chồng mắc chứng mộng du và làm những điều quái dị nửa đêm : tự cào mặt, ăn thịt sống, nhét chó vào tủ lạnh… Đón đứa con đầu lòng không còn là niềm vui hay hạnh phúc để sẻ chia, mà trở thành nỗi sợ hãi, căm phẫn đến uất ức của người vợ đối với người chồng mộng du, sợ rằng chính người kề vai ấp gối có thể ra tay làm tổn thương chính đứa con ấy. Giữa y học hiện đại và mê tín dị đoan, Sleep là một bộ phim kinh dị nhưng đạo diễn cũng không ngần ngại đan xen những lời thoại gây cười. Sleep là một cơn ác mộng đến từ cuộc sống thường nhật, là những bí ẩn, giấu sau cánh cửa của mỗi gia đình, là một thông điệp về sự sẻ chia, thông cảm, hiểu nhau.
Tại Cannes, RFI đã có dịp trao đổi với đạo diễn kiêm nhà viết kịch bản Jason Yu, từng có 8 năm hoạt động trong nền nghệ thuật thứ bảy và được biết đến với tư cách là trợ lý của Bong Joon Ho, từng đoạt giải Cành Cọ Vàng và Oscar cho phim xuất sắc nhất với Parasite (Ký sinh trùng).
Xin cảm ơn đạo diễn Jason Yu đã dành thời gian trả lời RFI. Trước tiên, anh có thể cho biết cảm hứng làm một bộ phim kinh dị Sleep đến từ đâu ? Tại sao lại làm một bộ phim về giấc ngủ và mộng du ?
Tôi nghĩ rằng bất cứ ai, vào một lúc nào đó trong cuộc sống, đều có thể vô tình đọc một câu chuyện kinh hoàng về chứng mộng du, có thể là ai đó nhảy khỏi một tòa nhà vì mộng du, lái xe khi đang ngủ, hay làm hại những người mà họ yêu thương. Tôi đã rất sốc khi đọc những tin đó, khiến tôi chú ý đến những câu chuyện này. Tôi đã thử hình dung về cuộc sống hàng ngày của họ như thế nào và quan trọng hơn là cuộc sống của những người thân yêu của họ sẽ ra sao. Bởi vì khi trời tối, khi ta đi ngủ, dường như luôn có một nỗi sợ hãi lờ mờ, về điều gì khủng khiếp, nguy hiểm có thể xảy ra. Những người mà mình yêu thương vào ban ngày thì ban đêm lại trở thành mối đe dọa, dù cho họ có tốt bụng, dịu dàng bao nhiêu đi chăng nữa khi tỉnh thức.
Trong bộ phim, diễn biến tâm lý của nữ chính, người vợ, rất thú vị : Từ một người vợ yêu thương chồng hết mực, dần dần trở nên sợ hãi, phát điên đến mức mà cầm dao cứa cổ người chồng. Anh đã tạo dựng nhân vật này như thế nào?
Khi tôi viết kịch bản, tôi nghĩ rằng có khá nhiều yếu tố đến từ cá nhân tôi được đưa vào trong câu chuyện này. Lúc đó tôi chuẩn bị kết hôn với người bạn gái lâu năm của mình, tôi nghĩ vì vậy mà tôi viết một câu chuyện về hôn nhân. Nhân vật chính là một cặp vợ chồng. Người vợ có chút gì đó giống vợ tôi hiện tại và hình ảnh của tôi cũng hiện hữu đâu đó trong người chồng. Lúc đó tôi thất nghiệp, không có công việc ổn định, tôi không hiểu tại sao cô ấy lại muốn cưới một người như tôi. Cô ấy có công việc ổn định về kinh tế, kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi thì mọi người biết là vẫn muốn trở thành một nhà làm phim, vẫn chưa có nhiều thành công. Giống như nữ chính trong phim, vợ tôi có quan điểm là « mọi thứ không quan trọng, tất cả chỉ là những trở ngại cần vượt qua và điều quan trọng là chúng ta ở bên nhau ». Kiểu tâm lý, triết lý về hôn nhân của cô ấy thực sự đã ám ảnh tôi. Tôi vô thức đã đưa những điều đó vào trong nhân vật chính của phim.
Trong bộ phim đầu tay này, anh là đạo diễn nhưng cũng là người kiêm viết kịch bản, liệu điều này có tạo thuận lợi cho quá trình làm phim hay không ?
Đúng vậy, tôi nghĩ rằng tôi không có nhiều lựa chọn khi bắt đầu sự nghiệp đạo diễn ở Hàn Quốc, vì thường họ phải tự viết kịch bản, nếu không thì không ai thuê họ làm phim cả. Đó là yêu cầu cần có để có thể tìm kiếm nhà sản xuất, các hãng làm phim thuê chúng tôi. Tôi nói với họ rằng, tôi có một câu chuyện hay, nhưng để biến nó thành phim, thì cách duy nhất đó là họ phải thuê tôi làm đạo diễn. Đó là cấu trúc của nền công nghiệp điện ảnh này. Đó là lý do tại sao tôi tự viết kịch bản và đạo diễn. Điều mà tôi thấy dễ dàng khi chính tôi là người viết kịch bản, đó là tôi thấy mình là người có quyền cao nhất trong câu chuyện về các nhân vật, cũng như có thể hiểu cách hành động của mỗi nhân vật. Nếu tôi không viết kịch bản thì tôi sẽ kém tự tin hơn và cách diễn giải của tôi về kịch bản sẽ chỉ là cách lý giải của tôi. Nhưng nếu tôi là người viết ra nó, thì đó là câu cuyện của tôi. Do vậy, tôi có thẩm quyền cao nhất để giải thích cho dàn diễn viên, đoàn làm phim về nội dung cũng như cách tạo ra câu chuyện đó.
Jason Yu là một cái tên mới lạ trong điện ảnh, do vậy mọi người khi nhắc đến anh thường gắn thêm mác « trợ lý của Bong Joon Ho ». Anh suy nghĩ như thế nào về điều này ?
Đầu tiên, đó là sự thật và tôi thấy vui vì tôi đã từng làm trợ lý cho đạo diễn Bong, và tôi không phủ nhận điều đó. Kinh nghiệm này giúp tôi rất nhiều về cách làm phim. Tôi từng là một trong các trợ lý của ông ấy trong phim Okja. Tôi rất biết ơn về kinh nghiệm này và tôi cũng biết ơn khi mọi người nghĩ đến tôi như là một người làm phim thú vị, có tiềm năng vì tôi đã từng làm việc với ông ấy. Điều này cũng gây áp lực cho tôi, vì tôi nghĩ rằng cái mác này sẽ khiến mọi người kỳ vọng nhiều, liệu tôi có thể trở thành một đạo diễn thành công hay tài năng như đạo diễn Bong hay không. Theo tôi, điều này là không thể, ông ấy là bậc thầy về điện ảnh với tất cả khả năng sáng tạo. Tôi đáng lẽ ra có thể rất vui, nhưng tôi không phải là người như đạo diễn Bong. Tôi hi vọng rằng phim của tôi sẽ thể hiện tôi là một đạo diễn như thế nào và hy vọng rằng mọi người sẽ thích bộ phim đầu tay này, dù nó được gắn những tên tuổi khác.
RFI xin cảm ơn chia sẻ của đạo diễn Jason Yu. 
Phim Sleep sẽ được ra mắt công chúng tại rạp ở Pháp và Hàn Quốc vào tháng Sáu.
Tại Liên hoan Điện ảnh Cannes lần thứ 76, ngày 22/05, thành phố Busan và Cannes đã kí thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật, sáng tạo. Đối với hai thành phố được coi là một trong những trung tâm điện ảnh ở châu Âu và châu Á, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy trao đổi văn hóa, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục điện ảnh nghệ thuật, cũng như các dự án hợp tác sản xuất phim giữa hai bên.
Theo RFI
song  
#10 Đã gửi : 25/05/2023 lúc 08:19:10(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cannes 2023: Nghệ thuật ẩm thực Pháp qua ống kính của Trần Anh Hùng

La Passion de Dodin Bouffant của đạo diễn Trần Anh Hùng là bộ phim thứ 8 tranh Cành Cọ Vàng ra mắt ban giám khảo Liên hoan phim Cannes tối  24/05/2023. Ba mươi năm sau Ống Kính Vàng với Mùi Đu Đủ Xanh, lần này đạo diễn Pháp gốc Việt vinh danh nghệ thuật ẩm thực của Pháp.

UserPostedImage
Nhóm làm phim "La Passion de Dodin Bouffant" (The Pot-au-Feu) trên thảm đỏ Liên Hoan Cannes (Pháp) ngày 24/05/2023. Từ trái sang phải: Juliette Binoche, đạo diễn Trần Anh Hùng, Benoit Magimel). REUTERS - YARA NARDI

Trần Anh Hùng chuyển thể một tác phẩm của nhà văn Marcel Rouff nói về nhân vật Dodin Bouffant, chủ nhân một tòa lâu đài và cũng là một người rất sành ăn. Những người hâm mộ từng mệnh danh Dodin là một « Napoléon của nghệ thuật ăn uống » Pháp. Trần Anh Hùng đã trao vai chính này cho Benoit Magimel. Dodin đem lòng yêu thương cô chủ bếp Eugénie do nữ diễn viên Juliette Binoche thể hiện.
Tình yêu và nghệ thuật ẩm thực của người Pháp ở thế kỷ thứ 19 là kim chỉ nam trong suốt tác phẩm hơn 2 tiếng đồng hồ. Xem phim xong, khán giả « no nê » ra về với rất nhiều món ăn thượng thặng. Để thực hiện bộ phim này Trần Anh Hùng đã mời một đầu bếp trứ danh, một ngôi sao trong làng ẩm thực Pháp là Pierre Gagnaire làm cố vấn. Ông đã hướng dẫn cặp diễn viên chính Binoche-Magimel một số những cử chỉ để thể hiện hoàn hảo nhất, có tính thuyết phục nhất trong vai đầu bếp.
Nhà phê bình của tờ Le Monde, Clarisse Fabre hơi tiếc là « 20 phút đầu của bộ phim đưa khán giả vào thế giới của bộ phim » với thông điệp chính như Trần Anh Hùng đã xác nhận : Tình yêu thể hiện qua những món ăn ! Để chinh phục người đẹp Eugénie, Dodin Bouffant đã tìm cách « thi vị hóa » thực đơn của tòa lâu đài nơi ông ngự trị. Tác giả bài báo ngạc nhiên là ban giám khảo Cannes năm nay đã chọn một tác phẩm khá bài bản để tranh Cành Cọ Vàng.
Một nhà phê bình khác của Pháp cho rằng phim của Trần Anh Hùng hơi « kém đậm đà » dù có nhiều hình ảnh đẹp. 
Theo RFI
song  
#11 Đã gửi : 25/05/2023 lúc 08:25:55(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,589

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
"Bên trong vỏ kén vàng": Đấu tranh nội tâm tìm lại linh hồn, phá vỡ vỏ bọc của xã hội

Ba năm sau khi đoạt giải Illy dành cho phim ngắn hay nhất với Stay Awake, Be Ready (Hãy tỉnh thức và sẵn sàng), đạo diễn trẻ Việt Nam Phạm Thiên Ân trở lại Liên hoan Điện ảnh Cannes lần thứ 76 với bộ phim dài đầu tay Bên trong vỏ kén vàng. Bộ phim dài 3 tiếng được trình chiếu tại Cannes ngày 24/05/2023 trong hạng mục La Quinzaine des cinéastes (Hai tuần lễ đạo diễn).




Hình ảnh nhân vật Thiện trong bộ phim "Bên Trong Vỏ Kén Vàng" của đạo diễn Phạm Thiên Ân, được trình chiếu tại Liên hoan Cannes lần thứ 76, trong hạng mục La Quinzaine des réalisateurs (Hai tuần lễ đạo diễn) © Cercamon/Cannes Festival
Với những góc máy ấn tượng, ẩn sau những cảnh sương giăng bao phủ núi đồi, phim của Phạm Thiên Ân nói về một tuổi trẻ lạc lõng, đi tìm lẽ sống trong cơn mơ, tăm tối.
Thế nào là cuộc sống vĩnh hằng và làm sao để tỉnh thức, bước vào hành trình đi tìm chân lý cuộc sống ? Một chủ đề mà có lẽ đáng ra được đề cập đến khi cầm trong tay ly trà, đàm đạo về đời, nhưng lại được chọn là những câu thoại mở đầu, ngay trong một quán nhậu nhộn nhịp tấp nập tại Sài Gòn và cảnh lộn xộn do tai nạn xe máy.
Nhân vật Thiện, dẫn dắt khán giả vào hành trình đi tìm lẽ sống, tìm lại linh hồn bị đánh mất, bắt đầu từ việc đưa thi thể người chị dâu về quê an táng, đi cùng với đứa cháu vừa mất mẹ, cha thì đã bỏ nhà ra đi, ngây ngô hỏi về thiên đàng. Làm sao để giải thích cái chết cho trẻ nhỏ ? Đạo diễn Phạm Thiên Ân đã chọn một cách tiếp cận rất nhẹ nhàng mà nhân văn, qua hình ảnh của một chú chim thoi thóp, lạc đàn, được cứu sống, nhưng rồi lại chết đi, để cho chính đứa trẻ đó tự tay chôn cất.  
Nhân vật Thiện quyết định lên đường tìm anh trai, Tâm, đã bỏ nhà ra đi. Với những cuộc gặp bất ngờ, hành trình ấy gặp đầy mưa, gió, bùn lầy nhem nhuốc, đôi lúc không rõ đâu là thực đâu là mơ, như là để nhân vật đối diện với chính linh hồn của mình, đang trôi giạc trong làn sương. 

Nhân dịp này RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với đạo diễn Phạm Thiên Ân tại Cannes.

Trước tiên, xin cảm ơn đạo diễn đã dành thời gian trả lời RFI. Anh đã giành được giải phim bộ phim ngắn xuất sắc nhất tại Cannes vào năm 2019 qua phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, điều này đã tạo ra thay đổi gì với anh và hoạt động nghệ thuật của anh hay không ? 
Phạm Thiên Ân : Qua bộ phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, tôi đã có cơ hội để thử nghiệm khả năng đạo diễn về việc thể hiện mình, trong sự nghiệp đạo diễn, cũng như cách dàn cảnh. Bộ phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng là bước đệm lớn để tôi gặp được những chuyên gia trong ngành công nghiệp điện ảnh tại Cannes năm 2019. Quan trọng nhất là, với bộ phim đó, tôi đã xin được nhiều quỹ điện ảnh để thực hiện bộ phim dài đầu tay. Những quỹ điện ảnh mà tôi xin được trong quá trình trong vòng hai năm đã hỗ trợ nhiều về tiền kỳ, kịch bản.., quỹ lớn nhất mà tôi nhận được là quỹ của Singapore, giúp tôi khoảng 30% kinh phí của bộ phim, 30% nữa từ những quỹ khác như của Hà Lan Rotterdam… và 40% là kinh phí đến từ Việt Nam.  
Bên trong vỏ kén vàng là phần tiếp nối của bộ phim ngắn đó, cả hai đều được mở ra từ một quán nhậu. Theo anh, quán nhậu có vị trí như thế nào trong xã hội Việt Nam ?
Phạm Thiên Ân : Nhậu là văn hoá của người Việt, là nơi mọi người có thể kết bạn, giao lưu, tạo mối quan hệ. Thực ra tôi thấy quán nhậu là nơi mà mọi người có thể bày tỏ tâm sự mà không sợ bị người khác lên án và là nơi mà người ta có thể thấy được lát cắt của cuộc sống, nhiều hoàn cảnh của các con người khác nhau hội tụ tại đây. Bên cạnh đó, trong phim của tôi, sử dụng hình ảnh quán nhậu ở Sài Gòn là để thể hiện sự tương phản giữa con người, thành thị và nông thôn.
Hành trình của nhân vật cũng là hành trình tìm kiếm linh hồn của anh ấy. Về tỉnh thức thì ngay từ đầu phim, tôi muốn đưa câu chuyện này vào, để nhấn mạnh thông điệp của bộ phim, sau đó tạo ra sự đối lập, bình thường những điều mang tính giáo huấn về con người, thường rất nghiêm trang, nhưng mình thử đưa vào một bối cảnh lộn xộn, xô bồ, tạo ra sự giữa đối lập, tương phản. 
Mưa, gió, tối tăm, sương mù và bùn lầy, không có một cảnh ánh nắng nào, nhân vật Thiện như bước trong cơn mơ dài, không rõ đâu là thực đâu là hư. Ánh sáng duy nhất đến từ đèn xe máy ở cuối con đường, phủ kín màn hình, ngụ ý của đạo diễn là gì ? Phải chăng thế giới, tâm hồn của những người trẻ lại được chiếu sáng từ một loại ánh sáng nhân tạo ?
Phạm Thiên Ân : Tôi muốn sử dụng thời tiết thiên nhiên để khắc hoạ tâm hồn của nhân vật chính, một tâm hồn khá là u tối, bế tắc. Thời tiết ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của người xem. Tiếp theo, hình ảnh về hình ảnh nguồn ánh sáng cuối con đường, thì nhân vật chính trải nghiệm nó, dường như là một giấc mơ. Nó là một sự báo trước, anh ta sẽ được tự do và sẽ tìm thấy con người thật của mình sẽ biến đổi, giống như bên trong vỏ kén, mình phá vỡ vỏ kén thì sẽ trở thành con ngài, giống như những con bướm được nhìn thấy được trong đêm u tối.
Bộ phim giống như là một bức tranh tổng thể với xã hội, nhân vật chính là người kết nối để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh hơn về xã hội và con người, giống như nhịp sống về thành thị và nông thôn, do đó, trong bộ phim, nhân vật chính khá là ít thoại, gần như là một người đàn ông khá là suy tư, kết nối những câu chuyện khác nhau. Bộ phim dựa trên trải nghiệm của tôi về ơn gọi. Tôi tin rằng ơn gọi sẽ xuất hiện ở mọi thời điểm nào trong cuộc đời của họ. Dựa vào ơn gọi, tôi muốn khắc họa nhân vật và phần nhiều phản ánh đến bản thân tôi hiện tại và quá khứ. Trong bộ phim của tôi, những nhân vật của tôi tạo ra đều có ơn gọi, tức là sống một cuộc đời cống hiến. Họ đang cố gắng trở thành một con người mới.  

UserPostedImage
 Đạo diễn Việt Nam Phạm Thiên Ân có mặt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, ngày 21/05/2023, Cannes, Pháp. © Chi Phuong/RFI

Khi làm phim này, anh có gặp những khó khăn nào hay không ?
Phạm Thiên Ân : Đối với Bên trong vỏ kén vàng, khó khăn lớn nhất vẫn đến từ kinh phí. Bình thường đối với một bộ phim, kinh phí thường được xin trước khi quá trình bấm máy. Trong phim của tôi thì quá trình đó diễn ra song song. Đôi lúc cũng phải xoay sở vấn đề về kinh phí, điều này giúp mình trưởng thành hơn sau bộ phim.
Tiếp theo, khó khăn thứ hai tôi nghĩ đến đó là kịch bản của bộ phim. Khi bắt đầu bấm máy thì kịch bản đó chưa hoàn chỉnh, với bản năng của mình, giống như hai bộ phim ngắn trước đó, kịch bản được hoàn thiện hơn trong quá trình tìm kiếm bối cảnh và trong quá trình làm việc với diễn viên. Và khó khăn lớn nhất đó là thời tiết của phim, được quay vào mùa mưa sương mù, chia làm ba thời điểm chính.
Vỏ kén vàng là hình ảnh tượng trưng cho điều gì, liệu anh có đang ở trong vỏ kén nào hay không ?
Phạm Thiên Ân : Về tiêu đề của bộ phim, Bên trong vỏ kén vàng là từ mà tôi dùng để ẩn dụ cho vỏ bọc của xã hội, những thứ chi phối, kéo theo họ vào một vòng lặp của cuộc sống, khiến họ chạy vào một vòng lặp bất tận của tìm kiếm danh vọng và tiền bạc, thì bên trong vỏ kén là hình ảnh của con nhộng, tượng trưng cho linh hồn của con người.
Nói về bản thân của mình trong bộ phim, tôi cũng đã từng là một người như là nhân vật chính trong phim, cũng phải xoay quanh sự hối hả của cuộc sống để tìm kiếm con người thật của mình, bộ phim này giống như một sự phơi bày về những trăn trở của đức tin của cuộc sống, giống như rất nhiều người trẻ hiện đang phải đối mặt.
Bộ phim được hình thành dựa trên những trải nghiệm cá nhân, những điều mà tôi gọi là ơn gọi. Điện ảnh đến với tôi như là một ơn gọi vậy. Điện ảnh không có giới hạn. Người làm phim có quyền tạo ra thế giới của mình. Trong phim, tôi phải thành thật với bản thân mình, trong khi tôi tạo ra thế giới riêng của mình. Tôi phải tìm ra điều mà tôi tự tin, truyền đạt đến khán giả. Đó là những trăn trở về đức tin, cũng như về cuộc sống, những thứ ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân tôi trong hiện tại và quá khứ. Bộ phim cũng để trả lời cho câu hỏi: Mục đích sống của mình là gì?

Đạo diễn Phạm Thiên Ân
Phạm Thiên Ân, sinh ra tại Lâm Đồng. Từng theo học ngành công nghệ thông tin nhưng với đam mê với điện ảnh, anh đã tự học cách quay, dựng, chỉnh sửa phim. Bộ phim ngắn đầu tay Câm lặng đã nhận được nhiều giải ở các liên hoan phim như Palm Springs, Tampere, hay Uppsala. Gần đây nhất là bộ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (Stay Awake, Be Ready), Phạm Thiên Ân đã giành giải Illy cho phim ngắn xuất sắc nhất trong hạng mục La quizaine des cinéastes (Hai tuần lễ đạo diễn), thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes năm 2019. Phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng cũng đã được trình chiếu tại các liên hoan phim Clermont-Ferrand, Locarno Open Doors và Busan. Bên trong vỏ kén vàng (Inside the yellow cocoon Shell) là bộ phim dài đầu tay của đạo diễn, được lọt vào danh sách tranh giải trong hạng mục La quinzaine des cinéastes, tại Liên hoan điện ảnh Cannes 2023.
Theo RFI
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.425 giây.