Làm sao để có được cuộc sống bình an hạnh phúc là mối quan tâm, là điều ước mơ chính đáng của mọi người, Đông phương hay Tây phương, Bắc hay Nam, giàu hay nghèo, đều có giấc mơ chung đó. Sở dĩ chúng ta có cuộc sống không được bình an hạnh phúc là vì chúng ta có tầm nhìn sai, nhận thức sai, về cuộc sống hiện tại của chúng ta. Từ tầm nhìn sai lầm này, đã đưa chúng ta đến lối sống không đúng, không phù hợp với giá trị của thực tế của cuộc sống chúng ta đang có. Do đó đã gây ra lo âu, phiền não triền miên cho ta.
Thông qua những kinh nghiệm bản thân đã từng hưởng thụ lợi lạc ái dục, quyền lực trong cung điện và sau 6 năm tu khổ hạnh mà không đạt được kết quả tốt đẹp nào, Đức Phật mới đúc kết một bài hoc học để khuyên những kẻ đi tìm Đạo:
– Những kẻ đắm chìm trong dục lạc, ái dục, danh lợi, quyền lực, những kẻ đó tin chết là hết. Người ta chỉ sống trong một kiếp này mà thôi. Cho nên họ quay cuồng chay theo thỏa mãn dục vọng, họ không thể có giây phút an lạc, không có được cuộc sống binh an thật sự.
– Những kẻ đi tìm Đạo tu theo lối khổ hạnh, tự đầy đọa thân xác, giày vò tâm linh mình, chỉ vì họ hy vọng làm như thế họ có thể hưởng một kiếp sau an lạc hạnh phúc. Họ đã vô tình đánh mất hiên tại, giây phút nhiệm màu và thực tế cần thiết cho cuộc sống hiện tại trong kiếp này.
Đức Phật, người tu hoc phải biết con đường Trung Đạo, đừng để mình đi lạc vào cái quan điểm thái quá cực đoan, bất cập, giả định của cuộc đời. Để có cuộc sống binh an hạnh phúc chúng ta nên nhớ về quá khứ để rút ra những bài học, những kinh nghiệm sống thông qua những sư kiện trong quá khứ. Nhưng chúng ta không để mình bị lôi cuốn, trói buộc, vào những sự kiện, những lỗi lầm trong quá khứ mà thấy phiền não về hiện tại. Chúng ta nhìn về quá khứ với cái nhìn tích cực. Chúng ta có những mong cầu về tương lai, mong muốn xây dựng cuộc sống thế này, quyết chí tu học thế kia. Nhưng chúng ta không để những mong muốn đó làm sao nhãng cuộc sống hiện tại. Tương lai ra sao chính là do việc tu học, trau dồi nhân cách, đạo đức của chúng ta hôm nay quyết định. Hãy trân quí giây phút hiện tại, giây phút nhiệm mầu. Hãy biết tu tập, trau dồi nhân cách, đạo đức, yêu thương mọi người với tất cả phút giây mà chúng ta đang có trong lúc này. Đó là con đường chính để có được cuộc sống bình an, an lạc và hạnh phúc. Đạo Phật là để sống chứ không phải để cầu. Đạo Phật hướng dẫn chúng ta đi, chứ không hứa đưa chúng ta tới đích. Chúng ta không thể tìm thấy bình an, hạnh phúc, chỉ bằng cách cầu nguyện. Phải tự mình nỗ lực, phải trau dồi thân tâm và rèn luyện tu tập, nhân cách, đạo đức, phải biết cố gắng xả bỏ Tham-Sân-Si. Chúng ta không phải chỉ cần vào chùa, cúng bái, cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, trợ lực, cứu khổ, cứu nạn, là sẽ được giải thoát các khổ đau, tai ương và bệnh tật.
Khác với các tôn giáo khác, đạo Phật không thừa nhận có Thượng Đế, hay một đấng siêu quyền lực như đấng Allah có toàn năng chi phối đời sống của con người cũng như ban phát ân huệ hay trừng phạt con người. Không có Đức Phật tự sinh. Tất cả phải thông qua một quá trình tu tập, rèn luyện đầy nghị lực với tất cả Bi-Trí-Dũng của bản thân mình. Đức Phật đã từng nói: “Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sắp thành”.
Bình an, hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm đang ở chính tại đây và trong lúc này. Hãy trân quí giây phút hiện tại, giây phút nhiệm mầu. Hãy biết tu tập, rèn luyện nhân cách và phải biết yêu thương mọi người với tất cả giây phút mà chúng ta đang có trong tinh thần triết lý Vị Tha của đức Phật.
May 19, 2023
Đào Như