Tác giả Việt Thanh Nguyễn (trái) tại sự kiện Viet Book Fest, Santa Ana, California, ngày 3/6/2023.
Vào ngày 3/6, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (The Vietnamese American Arts and Letter Association) cùng Hội Nghệ sĩ người Việt hải ngoại (Diasporic Vietnamese Artist Network) tổ chức sự kiện Sách Việt (Viet Book Fest) tại thư viện Santa Ana, California. Đây là dịp để tôn vinh nền văn học của người Việt hải ngoại.
Được bắt đầu từ năm 2020, Sách Việt là sự kiện giới thiệu đến công chúng những tác phẩm văn học của người Việt hải ngoại. Năm nay là năm đầu tiên sự kiện Sách Việt tổ chức trực tiếp với đông đảo khán giả tham dự sau hơn ba năm tổ chức dưới dạng online vì ảnh hưởng bởi đại dịch.
Chương trình năm nay được tổ chức để đánh dấu 25 năm ấn bản Watermark: Vietnamese American Poetry and Prose, một tập thơ và văn xuôi nói về người Mỹ gốc Việt với việc thiết lập lại các ranh giới và ràng buộc về chủ đề chiến tranh, được xuất bản. Diễn đàn có sự góp mặt của Khôi Lưu, một trong những biên tập viên của tác phẩm Watermark; Isabelle Thuy Pelaud, một trong những nhà sáng lập Hội Nghệ sĩ người Việt hải ngoại; và nhà thơ Lan Dương, tác giả tập thơ Nothing Follows nói về hồi ức của một cô bé khi sống tại hải ngoại.
Nhà văn đoạt giải Pulitzer với cuốn tiểu thuyết The Sympathizer, Nguyễn Thanh Việt, điều khiển buổi hội luận.
Khán giả đến tham dự có dịp được hỏi và trò chuyện cùng các tác giả xung quanh tác phẩm của họ cũng như khía cạnh và vai trò của người Việt hải ngoại được thể hiện trong những tác phẩm này. Vào cuối buổi thảo luận, khán giả được các tác giả ký tặng sách và chụp hình lưu niệm.
Bấm vào để nghe xem
https://av.voanews.com/V...42-f108-08db66d145e4.mp4Đến tham dự buổi thảo luận, nhà văn Lan Cao trao đổi với đài VOA rằng nói rằng buổi thảo luận này những chia sẻ của những tác giả có ý nghĩa quan trọng cho cộng đồng người Việt. Bà Lan cho biết rằng việc kỳ thị người Việt Nam ở hải ngoại cần phải được nói nhiều hơn trong những tác phẩm văn học của người Việt hải ngoại.
“Người Việt mình tới Mỹ không hiểu được lịch sử người thiểu số đã ở đây trước vì người Việt chỉ lo tới chuyện gì là của họ thôi mà không hiểu được sự kết nối giữa người Việt với những người thiểu số,” bà Lan nói. “Những gì họ đã làm để giúp cho người Việt được tới đây và được hiểu về Quyền Công Dân; vì nếu không có những cộng đồng thiểu số đó thì người Việt không có gì hết.”
Bà Bích Liên, cư dân Thành phố Garden Grove, California, cho đài VOA biết bà rất hân hạnh khi được đến dự chương trình và bà cũng rất ngưỡng mộ những nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ sau này.
“Tôi rất ủng hộ và khuyến khích những nhân tài và mong cho trong tương lai cộng đồng người Việt chúng ta sẽ có thêm nhiều nhà thơ, nhà văn sau này nói lên những cảm nghĩ của họ đối với cộng đồng người Việt hiện nay với lối sống ở Mỹ,” Bà Liên nói.
Bà Isabelle Thuy Pelaud, người sáng lập và Giám đốc Điều hành của Hội Nghệ sĩ Người Việt hải ngoại, trao đổi với đài VOA rằng bà rất vui khi thấy cộng đồng người Việt hiện diện đông đủ ở đây và những người tổ chức sự kiện này đã làm việc cùng nhau để tạo nên sự kiện tuyệt vời này. Bà Isabella nói rằng những nhà văn người Mỹ gốc Việt không nên bị áp lực bởi nên viết về chủ đề gì và bà khuyến khích là để các nhà văn và nhà thơ viết theo cách riêng của họ, và tôn trọng những ý tưởng về quyền tự do ngôn luận cho các nhà văn Việt Nam hải ngoại.
“Chúng tôi ủng hộ hình thức nội dung như bài viết hay và tác phẩm hay. Nhưng gần đây, với nhà văn Việt Thanh Nguyễn đang nói nhiều về sự phong phú, nghĩa là người da trắng có nhiều tác phẩm không hay ngoài kia,” Bà Isabelle nói. “Vì vậy, có thể đối với cộng đồng người Việt, có tác phẩm hay hay tác phẩm không hay cũng không sao, đôi khi có rất nhiều câu chuyện được sản xuất và nghe, và cùng nhau chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử, tính chủ quan, trí tưởng tượng và những gì quan trọng đối với chúng ta.”
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói với đài VOA rằng đây là một sự kiện tuyệt vời, được tổ chức tại thành phố Santa Ana mà ông cho rằng là trung tâm của một cộng đồng rất đa dạng, bao gồm cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như cộng đồng người Latin, và ông thực sự vui mừng khi có nhiều người đến để tìm hiểu về văn học Mỹ gốc Việt.
Khi được hỏi liệu những tác phẩm do người Việt hải ngoại viết có thiếu những chi tiết liên quan đến kỳ thị người Việt không thì ông Nguyễn Thanh Việt cho rằng Việt Nam đã phải chịu rất nhiều, từ chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc trong hàng thiên niên kỷ. Và người Việt Nam tại Việt Nam chắc chắn nói về 1000 năm đô hộ của Trung Quốc và những gì người Pháp đã làm, người Mỹ đã làm, và người Mỹ gốc Việt cũng là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Và do đó, chủ đề phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân này rất quan trọng đối với cả Việt Nam và cộng đồng hải ngoại.
“Cũng không nghi ngờ gì khi có rất nhiều sự phân biệt chủng tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ. Và vì vậy, đối với tôi, một trong những vấn đề quan trọng là nếu chúng ta với tư cách là những người Việt phản đối phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân chống lại chúng ta, thì chúng ta nên phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, cho dù nó có biểu hiện như thế nào,” ông Việt nói. “Và tôi nghĩ chắc chắn có những người Mỹ gốc Việt chống phân biệt chủng tộc ở các độ tuổi khác nhau, nhưng tôi chắc chắn có các nhóm tổ chức hoạt động đang thực hiện công việc chống phân biệt chủng tộc đó.”
Là một trong những nhà văn Mỹ gốc Việt thành công nhất hiện nay, ông Việt chia sẻ rằng trở thành một nhà văn đòi hỏi thời gian và sự cống hiến của họ. Ông muốn nhắn nhủ đến những người muốn theo nghiệp cầm bút thì cần làm hai việc. Một là cần phải đọc rất nhiều. Và hai là cần phải viết nhiều.
“Và tôi thực sự nghĩ rằng nếu bạn sẵn sàng dành 10.000 giờ để viết, bạn sẽ trở thành một nhà văn,” Ông Việt nói. “Tôi sẽ không hứa rằng bạn là một nhà văn giỏi hay bạn sẽ được xuất bản nhưng bạn sẽ là một nhà văn bởi vì đó là hành động ngồi xuống và viết trong 10.000 giờ. Điều đó biến bạn thành một nhà văn.”
Theo VOA