Nhà hàng thường bán đủ các món ăn. Nhiều restaurant quảng cáo hàng trăm món, ăn quán chỉ một vài, có khi một món mà thôi, nhưng lại rất đặc biệt mà nơi khác không có, hoặc có mà không ngon bằng. Đến Huế mới thấy Huế phong phú về các món ăn lặt vặt. Bánh Khoái (xèo) Đò Cồn, Bà Đỏ, Phố Đêm Cơm Hến Trương Định, Bánh Ướt Thịt Nướng Huyền Anh Kim Long, Bánh Bèo Núi Ngự, Nguyễn Du… nhiều vô kể.
Xưa nay Huế được tiếng là cổ kính, êm đềm, trầm lắng. Ngay từ thập niên 50, ở Sài Gòn, học sinh ngồi ăn sáng hai bên lề đường người qua lại, thì ở Huế, mỗi khi học trò vào quán cứ phải nhòm chừng để tránh gặp thầy cô hay người quen. Ngày nay (2002) Huế đã phát triển mạnh về ăn uống. Con Đường Hàn Thuyên trong Thành Nội, vào buổi chiều, bàn nhậu bày hàng dài hai bên đường. Một chiếc bàn nhỏ, vài cái ghế, thế là thành quán. Tôi không rõ người bán có phải thuế má gì không. Có một điều lạ là nhiều con đường mang tên các vị nổi tiếng về văn học, lại là nơi ăn nhậu hoặc là nơi trú ngụ của gái làng chơi: Hàn Thuyên, Nguyễn Đình Chiểu, Ôn Như Hầu, Nguyễn Du…
Hôm đến Huế, tôi tìm thăm người bạn cũ, anh Ngô Kim Thùy, ở Bao Vinh. Mời anh đi ăn cơm, anh vui vẻ nói:
- Đi mô cho xa, ra quán ông Xê dưới chân cầu Bao Vinh, ngon mà rẻ.
Tôi đồng ý ngay, hẹn chiều tối trở lại. Ăn uống cốt hạp khẩu vị và vui chứ cần gì lầu son gác tía. Mấy chục năm rồi mà làng Bao Vinh vẫn không thay đổi, con đường ngày xưa rải đá nay đã tráng nhựa nhưng không rộng hơn tí nào. Những ngôi nhà cửa gỗ bàn khoa vẫn còn đó. Quán xá hai bên đường có sáng sủa hơn mà đời sống vẫn trầm lặng. Bao Vinh không cách xa trung tâm phố Huế bao nhiêu, song do địa thế nên khó phát triển. Về Bao Vinh là đi vào ngõ cụt. Bao Vinh như cái túi phụ của thành phố Huế. Mỗi khi về Huế, tôi đều ghé qua đây bấm vài tấm ảnh. Không nơi nào có hình dáng chiếc đò đẹp như ở Huế. Con đò thon dài mảnh mai, bền chắc vô cùng. Đò là nhà, cả gia đình ăn ở, nuôi heo sau lái, nuôi gà bên hông, lại có cả chó… Bao Vinh đẹp nhờ gối đầu lên ngã ba sông. Buổi chiều đứng trên cầu Bao Vinh ngắm những chiếc đò chen chúc nhau dọc con sông Đào, khói bếp tỏa lên cao, làm sao không nhớ nhà!
Trong khi chờ đến giờ hẹn, tôi và người bạn trẻ chạy một vòng qua Bãi Dâu. Ngày trước gọi là bãi, hồi ấy nhà cửa thưa thớt, Bãi Dâu qua Bao Vinh bằng con đường đất sau làng Phú Hậu, mùa mưa sình lầy, lại phải đi đò, nay đã có cầu xi măng, đường tráng nhựa nhà cửa lầu hai, lầu ba. Chừng mười phút chúng tôi đã đến Chợ Dinh, ngôi chợ của bà Nhiêu ngày trước (nhân vật trong Mùa Nước Lũ) vẫn không thay đổi. Chợ họp buổi sáng, buổi chiều chỉ là bãi đất trống trơn. Phía dưới bến đò, một chiếc cầu xi măng bắc qua Tây Thượng đang được thi công. Chạy một vòng quanh xóm tôi thấy sinh hoạt vẫn như thuở nào. Ghé vào một nhà trong kiệt Cây Gòn hỏi thăm gia đình bà Nhiêu bây giờ đi đâu thì không ai biết. Tin tức chung chung là sau 75 bà bán nhà theo con vào Nam rồi đi luôn. Nhiều gia đình cùng xóm với bà Nhiêu cũng thế. Sau 75, họ bỏ đi và không thấy về nữa. Cảnh cũ mà người thì đã đổi thay nhiều.
Lên bến đò Cồn, thấy một hàng ốc bưu vừa dọn, người đàn bà đang xáo trở một soong ốc bự. Những con ốc bưu màu vàng đen, mùi thơm hấp dẫn. Hai chúng tôi dừng xe, gọi một dĩa. Ốc bưu xào với sả ớt cùng gia vị ngon cách lạ lùng. Trong lúc thưởng thức món ốc, tôi hỏi:
- Làm sao mà ốc chị luộc nó teo cái bầu đất, và thịt không bở, ngon lắm.
- Dạ công phu lắm chú ơi. Ốc mua về phải ngâm nước gạo, luộc chín, xả nước cho sạch rồi mới xào với gia vị…
- Ngày nào chị cũng bán ở đây?
- Dạ, nhưng mùa ốc không có thì cũng chịu.
- Mùa nào không có ốc?
- Dạ, mùa mưa bão.
Chị bán ốc vừa trả lời vừa dọn bàn cho mấy người mới vào. Thực khách dường như toàn các đấng nam nhi sồn sồn.
Nước mắm ốc cũng đặc biệt, có pha gừng nhưng không như nước mắm gừng ăn thịt vịt. Tôi tin không một người ngoại quốc nào hiểu được cách pha chế nước chắm của người Việt. Vẫn là nước mắm, song tùy món mà biến chế khác nhau. Thịt heo ba chỉ chấm nước mắm thịt vịt là trật chìa. Rau muống chấm mắm tôm là hỏng bét. Người đầu bếp Việt Nam tôi cho là số một. Đến bây giờ, đã mấy chục năm, tôi vẫn còn nhớ những bữa cơm, rau muống luộc chắm nước tôm đánh, ăn không biết no.
Lại thêm dĩa nữa. Biết là chiều nay còn bữa nhậu nhưng ngon miệng cứ tiếp tục. Hết hai dĩa ốc, bụng đã ngang mà thực sự thì chưa đã. Khi hỏi để trả tiền, tôi rất đỗi ngạc nhiên, chỉ có 5 ngàn đồng (35 cent). Chưa có xứ sở nào có món ăn ngon mà rẻ như vậy. Tự nhiên tôi thấy hình ảnh người dân buôn bán bên đường thật đáng mến, đáng thương. Họ không bao giờ có ý mánh mung lường gạt, bởi công việc làm ăn của họ quá đơn sơ, rõ ràng và nhỏ nhoi. Kiếm sống qua ngày.
Xe chạy đến cầu Gia Hội, tôi sực nhớ bác Nguyễn Khoa Lợi, nhà nhiếp ảnh lão thành, là thân sinh của người bạn quen. Ngày còn ở Nha Trang, mỗi khi bác vào thăm con, thường đến nhà tôi chơi để ngắm Cây Kiểng, Non Bộ, nghe chim hót… Rồi bên tách trà, bác kể những kỷ niệm về cuộc đời nhiếp ảnh của bác từ mấy thập niên qua. Những phong cảnh bác chụp ngày trước, một vài nơi nay không còn nữa. Cây Tùng trong Đại Nội ngã mình nằm nghiêng, dáng thế dũng mãnh, bây giờ phải có cột chống đỡ vì tuổi quá già, lại không được chăm nom đúng mức. Bác cũng thích chơi Non Bộ nên hầu chuyện với bác rất lý thú.
Vào một đại lý điện thoại bên đường, tôi gọi xin địa chỉ để đến thăm bác. Qua mấy câu trao đổi với người trong máy, tôi bỗng khựng lại một lúc: Bác Lợi đã qua đời từ sáu tháng nay. Tôi quay qua nói với người bạn: “Ông không còn nữa, mình đến thắp cho ông cây nhang, số 25 Hàn Thuyên”.
Trời chiều xuống mau, chúng tôi trở lại Bao Vinh để thăm quán ông Xê. Quán ngay cạnh chân cầu, nằm sát bờ sông. Chọn một bàn phía ngoài, vừa nhâm nhi vừa nhìn cảnh thuyền đò trên sông, gió đưa hơi nước từ mặt sông vào, mát rượi. Nhìn lên vách quán, mấy bảng thực đơn viết chữ nguệch ngoạc, một dọc nào Lươn, Cua, Ốc, nào Bò nướng chảo, Bò lúc lắc, Cá gỏi, Cá hấp….
Quán đông khách, chỉ hai ba người làm, nên phải ngồi đợi. Cứ thong thả, ốc bưu hồi chiều vẫn chưa vơi. Bạn tôi từ mười năm nay sống nhờ công việc dịch sách, tôi hỏi:
- Ông dịch một cuốn bán được bao tiền?
- 3 đến 5 triệu.
- Ông lấy sách ở đâu để dịch?
- Bạn bè ở ngoại quốc mua giùm gởi về.
- Dịch như vậy có xin phép tác giả không?
- Chẳng phép tắc gì, phép nhà nước thì có.
- Tác phẩm bán chạy nhất là cuốn nào?
- Diana của Andrew Mortol.
Ở đâu thì mối thương cảm của con người chung chung vẫn giống nhau. Độc giả Việt Nam vẫn dành cho Công Nương mệnh bạc của nước Anh, lòng ưu ái không khác gì người dân tộc khác.
Món bò nướng chảo đã mang lên. Một cái chảo đen úp trên vỉ lò than hồng. Thịt bò thái mỏng, ướp gia vị màu thâm thẩm. Mỗi người tự lấy thịt và nướng cho vừa ăn. Thịt cháy xèo xèo, khói bốc lên cuồn cuộn, mùi thơm tỏa sực nức. Chưa cho vào miệng đã thấy ngon. Mà ngon thực. Thịt mềm, ướp rất khéo, bánh tráng, rau sống, thứ nước chắm cũng lại đặc biệt… Tôi ngại rau và nước đá, nên dù biết thiếu đi là kém ngon, cũng phải chịu. Tại Cali, hằng ngày vẫn nghe tin bà con Việt Nam bị ngộ độc sau những bữa tiệc tùng. Vừa ăn cưới xong là hàng chục người được chở đi nhà thương. Chuyện xảy ra hằng ngày mà chẳng thấy ai kiêng dè, ăn thả cửa, ăn như chưa hề có chuyện họa vì ăn. Chung quanh tôi, mọi người ăn uống chuyện trò thoải mái như diễn viên trên sân khấu, tôi là người ngồi xem. Tôi cho đó là lý thú đích thực về cuộc sống của họ. Sau món bò là món lẩu. Món nào cũng độc đáo. Ba người ăn kể cả bia chỉ có 70 ngàn (5 Mỹ kim), bằng một tô phở Cali. Nhưng, trong các nhà hàng thì một bữa nhậu như vậy có khi lên mấy trăm nghìn.
Sáng hôm sau tôi rủ người bạn đi dọc sông Hương lên hướng Ba Tuần, lối này sẽ có nhiều cảnh để ngắm, để chụp. Hình ảnh mấy gốc cổ thụ trong tape nhạc Nhớ Huế của đạo diễn Đinh Anh Dũng, cũng trên đoạn đường này. Còn quá sớm, tôi bảo Hiệp (bạn mới quen) kiếm chỗ uống cà phê nhưng anh bạn có máu văn nghệ lại muốn chạy, sợ đến nơi trời nắng to, cảnh kém đẹp.
- Anh đừng lo, nhà quê quán thiếu chi.
- Hay lắm, kiếm quán bánh bèo bánh nậm chứ phở bún mãi cũng chán.
Lên đến chỗ đối diện Điện Hòn Chén, tôi tìm được bến đò có mấy gốc si già, đẹp, nhưng không biết chụp với gì đây. Dưới bến, một đám người đang bốc cát sạn lên xe, không nhờ được. Một điều lạ ở Việt Nam là gốc cây đều bị sơn trắng. Có người bảo làm thế để tránh việc tiểu bậy. Cây trong công viên, cây trên đường phố đều không có gốc, ảnh chụp trông rất buồn cười. Mấy gốc cổ thụ nơi bến đò này cũng vậy, chỉ mỗi cây trước cái am nhỏ là không sơn. Một chiếc đò vừa vào bến, tôi nhờ ngay một bà gánh rau quả. Người đàn bà ngập ngừng chưa kịp hiểu, nhưng nghe nói có tiền và thấy vẻ “khẩn trương” của tôi, vội đặt gánh xuống, ngồi vờ sắp xếp “hàng họ” để tôi chụp. Công việc chỉ mấy phút, được mấy nghìn bạc, bà vui mừng thấy rõ. Lên đoạn trên, có một lò đường bỏ hoang. Cơ ngơi kiến trúc khá đồ sộ. Thấy tôi thắc mắc Hiệp giải thích:
- Trước đây dân bên Hương Thọ được khuyến khích trồng mía nên bên này xây nhà máy đường. Về sau mía rẻ vì có đường Cuba, không ai trồng nữa, lò bỏ không.
Cảnh tương tự cũng đã xảy ra nhiều nơi khi người dân nghe hô hào trồng Hạt Điều, Dưa Hấu… Đại Lãnh Nha Trang cũng có một dãy lầu xây lở dở rồi mặc cho gió sương gặm nhấm, dù bạc tỉ đã rót vào đó.
Tôi ra chiếc cầu dùng để bốc mía, nhìn xuôi dòng Hương Giang, con sông quả là đẹp và yên bình. Đò xếp hàng dài nằm im lìm nhả khói lam. Lâu lâu mới có chuyến đò dọc về chợ Đông Ba. Cuộc sống thật êm ả, hiền hòa. Tự nhiên, lòng ước mong một chỗ bên bờ sông, để ngày ngày có những giây phút quên đi “vòng tục lụy”.
Chừng nửa buổi, bụng cồn cào, tôi hỏi một người qua đường:
- Gần đây có quán hàng bán gì ăn không chị?
- Dạ trên ni chút xíu, có quán bánh nậm O Sương.
- Ngoài bánh nậm có bán gì nữa không.
- Dạ không, mấy chỗ ni có ai ăn mà bán.
Chúng tôi tìm quán O Sương không khó. Thực ra là một chiếc lều tranh, rộng chưa tới ba mét, dài chừng mươi mét, nhìn vào chẳng ai biết quán. Sau bếp có mấy người ngồi lúm xúm gói bánh. Tôi gọi vọng vào:
- Có bán chi ăn không?
- Dạ có, mời chú vô.
Một chị trẻ tuổi vội chạy lên kéo đứa con đang chơi nơi chiếc giường tre, vừa nói:
- Con tránh ra cho ôông với bác ngồi.
Tôi ngắm người đàn bà mảnh dẻ, khuôn mặt rất duyên dáng, có lẽ nhờ nụ cười và dáng nhanh nhẹn. Chị thấy chúng tôi ngần ngại nên phân trần:
- Chú thông cảm, ngồi tạm nơi giường.
Tôi không thấy gì bất tiện, ngược lại, vui vui.
- Nhà đang gói bánh, chừng nào mới có ăn.
- Dạ có chừ, mời chú ngồi.
- O là O Sương?
- Dạ phải, răng chú biết, chú ở mô tới rứa?
- Ở xa.
- Ở xa mà biết?
O Sương xuống bếp bưng lên một mâm bánh đang nóng. Nước mắm dầm ớt xanh và pha rất đúng điệu. Phải nói là bánh ngon “hết sẩy”. Chúng tôi đang ăn thì có một bà khách đến mua bánh. Lại vui chuyện, bà khách cho biết, bánh nậm ở đây nổi tiếng. Vùng này ai cũng biết bánh quán Đường Cái. Quán O Sương, quán Đường Cái, chẳng cần văn vẻ, ngon và thực thà thì ở đâu người ta cũng tìm đến. Hai anh em làm một lúc đã vơi nửa mâm, tôi hỏi vọng xuống bếp:
- Tui quên hỏi giá, lỡ không đủ tiền, mắc nợ được không?
- Dạ được chớ.
- Được chớ là chớ được, nghĩa là O không cho nợ?
Cả nhà cười ồ. O Sương ẵm đưa con nhỏ lên tính tiền. Một mâm bánh, hai người ăn no, chỉ có 5000. Tôi cho đứa bé 1000 và dặn: “Con có ăn bánh cũng phải trả tiền cho mẹ”. Người đàn bà cười đỏ mặt nói với con: “Ôông vui quá hè, theo ôông đi con”. Tôi nói nhỏ với Hiệp: “Theo cho ôông đổ nợ”!
Nhiều người thích vẻ sang trọng bên ngoài. Ưa cái hào nhoáng để trộ với người quen. Theo tôi, như thế vừa mệt (phải sắp xếp tính toán) vừa tốn kém, lại không có cái không khí thoải mái, mà chắc gì đồ ăn ngon hơn. Hàng quán bên đường, vừa tiện vừa rẻ, lại có cơ hội cận kề với cuộc sống dân dã, biết được nhiều chuyện linh tinh, cũng là cái thú.
Trần Công Nhung