Tượng Nữ Thần Tự Do được dân chúng Pháp tặng cho dân Hoa Kỳ như là biểu tượng của những giá trị cộng hoà, để vinh danh Hoa Kỳ độc lập (1776), thoát khỏi nền quân chủ Đế quốc Anh, cũng như sự bãi bỏ chế độ nô lệ qua cuộc nội chiến Nam-Bắc. Tượng nữ thần Libertas (Tự Do) cầm ngọn đuốc và bảng luật có ghi ngày của Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ, được nhà điêu khắc Pháp Frédéric Auguste Bartholdi thiết kế và do Gustave Eiffel, một kỹ sư dân sự và kiến trúc sư, xây dựng và khánh thành năm 1886 (1) (Oái oăm thay năm 1886 là năm thực dân Pháp hoàn tất công cuộc chinh phục Bắc Kỳ và chiếm đóng toàn lãnh thổ của nước Việt Nam).
Emma Lazarus, một nữ thi sĩ gốc Do Thái, tranh đấu cho người Do Thái vô tổ quốc bị bạc đãi khắp nơi và vận động sự thành lập lại một quê hương riêng cho người Do Thái (trước khi ra đời chủ nghĩa Zionism). Lazarus viết bài thơ này năm 1883, lúc bà 34 tuổi, để bán đấu giá ủng hộ cho việc gây quỹ xây dựng chân bệ cho ngôi tượng khổng lồ của dân chúng Pháp tặng dân Mỹ. Trái với dự tính ban đầu lúc thi sĩ được yêu cầu sáng tác The New Colossus, bài thơ không được đọc lên trong ngày khánh thành tượng đài. Lazarus mất chỉ 4 năm sau khi sáng tác bài thơ nổi tiếng này. Hai mươi năm sau (1903), để tưởng niệm bà, bài thơ được khắc vào một bảng đồng dưới chân tượng, biến bức tượng khổng lồ này thành một biểu tượng của nước Mỹ soi đường dẫn lối cho những di dân bất hạnh bị Thế giới cũ ruồng bỏ, phế thải, và chào đón họ vào một vùng đất hứa mới.
Tượng Thần Tự Do với người Khổng Lồ Đảo Rhodes (Rhodes Colossus).
Câu đầu bài thơ so sánh tượng Thần Tự Do với người Khổng Lồ Đảo Rhodes (Rhodes Colossus) ngày xưa, là tượng Thần Mặt Trời Hy Lạp Helios, được dựng lên vào năm 280 TCN ở thành phố Rhodes trên một hòn đảo cùng tên. Bức tượng là một trong bảy kỳ quan thế giới thời Cổ Đại, và bị đổ năm 222 TCN trong một trận động đất. Như thi sĩ trong bài thơ, trước đây người ta nghĩ là hai chân của bức tượng Rhodes đứng trên hai bờ của hải cảng, tuy trên thực tế ngôi tượng Rhodes nằm trên đất liền và hai chân khép lại. Cũng theo khung cảnh tưởng tượng hai bên bờ của một hải cảng đó, trong bài thơ này thi sĩ mô tả đôi mắt hiền từ của tượng Thần Tự Do nhìn bao quát về phía dưới, với cây cầu mây (cloud bridge) là cầu Brooklyn mới được xây xong (1883) nối liền Thành Phố New York và Thành Phố Brooklyn, thời đó còn là hai thành phố riêng biệt, song sinh.
Chúng ta có mặt trên mảnh đất này cũng do một cơ duyên hiếm có. Hiện nay hàng triệu người nghèo khó, bất hạnh từ Trung Đông, Châu Phi cũng như Châu Á cũng đang bị ngọn đèn của Mẹ Những Kiếp Lưu Vong thu hút, "co ro khao khát thở không khí tự do" và gõ vào "cánh cửa vàng" xin vào nước Mỹ. Bên cạnh đó có biết bao nhà triệu phú từ Trung quốc đang ngột ngạt vì không khí ô nhiễm và lo sợ đầu độc vì thức ăn nước uống nhiễm độc; họ sẵn sàng trả bất cứ giá nào bằng đô la để đi qua cửa của Nữ Thần Tự Do.
Nhưng một thời đã qua, thế giới đã thay đổi từ ngày Emma Lazarus lưu danh hậu thế với bài thơ khí khái trên đây của một phụ nữ lãng mạn và trẻ tuổi như nước Mỹ thời cuối thế kỷ thứ 19. Tuy New York hiện nay vẫn còn Nữ Thần Tự Do chào đón du khách muôn phương, người di dân không còn đến từ Châu Âu qua ngả Đại Tây Dương và đổ bộ vào Ellis Island trong cảng New York nữa. Người di dân được "chào đón" bởi các nhân viên của cơ quan di trú (ICE) và cơ quan phụ trách an toàn giao thông vận tải (TSA) tại các phi trường. Đồng thời, dọc theo biên giới Mỹ và Mexico, đã mọc lên "Hàng Rào Biên Giới" dài chừng 1000km không phải chỉ để để ngăn chặn di dân bất hợp pháp, mà còn có mục đích cô lập các tội phạm ma tuý cũng như đe dọa về an ninh bên hông phía nam của nước Mỹ.
Nữ thi sĩ Emma Lazarus [1849-1887].
Bài thơ “The New Colossus” của nữ thi sĩ Emma Lazarus (1849-1887)
Not like the brazen giant of Greek fame,
With conquering limbs astride from land to land;
Here at our sea-washed, sunset gates shall stand
A mighty woman with a torch, whose flame
Is the imprisoned lightning, and her name
Mother of Exiles. From her beacon-hand
Glows world-wide welcome; her mild eyes command
The air-bridged harbor that twin cities frame.
"Keep ancient lands, your storied pomp!" cries she
With silent lips. "Give me your tired, your poor,
Your huddled masses yearning to breathe free,
The wretched refuse of your teeming shore.
Send these, the homeless, tempest-tost to me,
I lift my lamp beside the golden door!"
Người Khổng Lồ Mới (Bản dịch Việt ngữ)
Không như tên khổng lồ hống hách tiếng tăm của truyền kỳ Hy Lạp,
Bước chân chinh phục nối liền hai vùng đất;
Sẽ đứng đây, lúc hoàng hôn, trước những cổng vào tràn nước biển của chúng ta,
Một phụ nữ oai hùng cầm cây đuốc, mà ngọn lửa
Là thần sét bị giam hãm, và tên gọi là
Mẹ Của Những Kiếp Lưu Vong. Từ bàn tay hải đăng
Sáng lên lời đón chào toàn thế giới; đôi mắt hiền từ
Bao quát hải cảng với chiếc cầu mây, đóng khung bởi đôi thành phố song sinh.
"Hỡi các miền đất cũ xưa, hãy giữ lại những hào nhoáng già nua", Bà kêu lên
Đôi môi lặng yên. "Hãy trao cho ta
Những đám đông co ro khao khát thở không khí tự do.
Những rác rưởi khốn cùng của vùng đất các người chen chúc,
Gởi cho ta những thứ đó, những kẻ không nhà, lao đao trong bão tố,
Đứng cạnh cánh cửa vàng, giương cao ngọn đèn sáng, có ta."
Hồ Văn Hiền/Việt Báo
_____________________
Chú thích: (1) Gustave Eiffel (1832-1923) cũng là người xây dựng tháp Eiffel (1889) tại Hội chợ Hoàn Vũ Paris, thiết kế Cầu Trường Tiền trên sông Hương ở Huế (năm 1897), lúc đầu được đặt tên là Cầu Thành Thái, sau đó thay tên nhiều lần: Cầu Clémenceau, Cầu Nguyễn Hoàng. Cầu Long Biên ở Hà Nội, cũng do Gustave Eiffel thiết kế, khai trương năm 1902 với tên Cầu Doumer, Paul Doumer là Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương thời bấy giờ.
(2) Quý bạn có thể nghe đọc bài thơ này trên youtube, có kèm theo những hình ảnh đẹp đầy ý nghĩa:
VIDEO