Tranh bày bán những nơi giá trí đảm bảo thì bán không mấy người mua.Trong vài năm trở lại đây, thị trường tranh Việt Nam hay nói khác đi là chuyện mua bán, sưu tập và kinh doanh các bức tranh nghệ thuật đã bị đánh tráo nặng nề bởi kĩ thuật chép tranh và tính cẩu thả, thiếu tôn trọng tác quyền đã dẫn đến chỗ bế tắc. Đặc biệt, các gallery ở thành phố cổ Hội An đang ngày càng trở thành nỗi sợ hãi của người thưởng ngoạn và nó cũng là nơi đẩy những họa sĩ chân chính vào ngõ cụt.
Gallery tranh nghệ thuật thành Chợ lưu niệm
Một họa sĩ trẻ, chuyên vẽ tranh trên chất liệu sơn mài, chia sẻ với chúng tôi:
“Lâu nay tôi bỏ Hội An rồi, sợ Hội An rồi, có bán buôn gì đâu. Lộn xộn quá, nên tranh chán lắm, mình mang tiếng. Lâu nay ai hỏi gallery mày ở đâu, không dám trả lời ở Hội An, kinh quá! Thì nó chép tranh tùm lum giờ mình mở công ty cũng không dám mở ở đó, tranh sáo gì mà chán lắm, do uy tín nó không có, đâu có khách được đâu. Các cửa hàng tranh trở thành chợ lưu niệm rồi. Cho nên nếu mỹ thuật đặt ở chợ lưu niệm thì chết, mỹ thuật mà thành hàng lưu niệm thì không được. Nên mình tránh ở Hội An rồi, bỏ luôn rồi”
Ở độ tuổi hai mươi, với niềm tin sẽ tìm ra những góc khuất, những mảng không gian văn hóa bị chôn vùi vào dĩ vãng của thành phố cổ Hội An, người họa sĩ trẻ này rời bỏ Hà Nội, khăn gói vào Hội An, cặm cụi sáng tác và vay tiền của gia đình gần một tỉ đồng để mở một gallery thật ấn tượng, tạo lối đi riêng trên con đường nghệ thuật của mình.
Nhưng chẳng bao lâu sau đó, anh hoàn toàn thất vọng vì không những tìm không ra hướng đi nghệ thuật mà còn vướng phải nạn chép tranh, ăn cắp tác quyền, ăn cắp ý tưởng của các quầy bán tranh lưu niệm ở đây. Tất cả những tác phẩm tâm huyết mà anh đã bỏ ra hàng tháng trời để chiêm nghiệm sắc độ của tạo hóa rồi chuyển hóa thành tác phẩm, mỗi góc khuất, điểm nhấn trong tranh của anh hàm chứa tâm trạng và thời gian đã bị chép bán một cách rẻ rúng, vô tội vạ, với giá thành của hàng lưu niệm từ vài đô la đến vài chục đô la.
Các tác phẩm bị sao chép vô tội vạCuối cùng, họa sĩ trẻ này phải ngậm ngùi khăn gói trở về Hà Nội để vay thêm tiền vào trả cho chủ mặt bằng. Và sau ba lần chuyển đổi địa điểm với số tiền thuê mặt bằng lên trên 500 triệu đồng, họa sĩ trẻ này phải bỏ Hội An mà chạy ra một thành phố khác mở công ty tư vấn thiết kế nội thất với hy vọng gỡ được số vốn đã đầu tư và mất đi vì tranh nghệ thuật của mình.
Anh chua chát nói thêm với chúng tôi về tình trạng chép tranh vô tội vạ ở Hội An:
“Ở Hội An thì nói vàng cũng chẳng biết ai là vàng, chỉ toàn thau với nhôm. Nói chung tranh ở đây toàn là tranh của bọn chép tranh ở Huế nó vào nó làm. Bất cứ tranh của ai, của cả nước này cứ nỗi lên, miễn là tranh decor bán được là nó chép. Nó bán gì đâu cứ 50 dolla, 70 dolla một bức tranh to đùng một mét vuông, nó ghê gớm lắm.
Ví dụ tranh của mình có xuất hiện ra trên mạng là bị download về chép liền. Quá kinh! Không tin có thể về đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học ấy, có mấy gallery nhỏ nhỏ, mấy gallery to thì toàn là đồ lưu niệm, không thể là gallery được. Thật ra thì mình cũng không muốn có ý kiến gì nhiều tại vì Hội An bây giờ như vậy thì bán tranh tụi mình làm thương hiệu không được!”
Tranh bày bán cùng với những quần áo và đồ lưu niệmMột chủ gallery tranh nghệ thuật khác ở Hội An, yêu cầu giấu tên, cho chúng tôi biết thêm là anh cảm thấy quá mệt mỏi với loại hình nghệ thuật, vì nó chỉ mang lại cho anh sự thua lỗ và khủng hoảng kinh tế. Là một họa sĩ có trường lớp hẳn hoi, nhưng cuối cùng, anh quyết định chép lại chính những bức tranh của anh để bán với giá vài trăm ngàn đồng để sống qua ngày. Mặc dù rất khổ tâm khi chính mình phải chép lại tranh của mình để bán với giá rẻ bèo và hơn nữa, làm như thế cũng đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ tự hạ thấp chuẩn giá trị của mình. Nhưng anh nói rằng nếu anh không tự chép tranh của anh thì người khác cũng sẽ chép, mà họ chép còn tệ hơn chính anh chép và bán với giá rẻ bèo hơn. Thôi thì anh tự hạ bậc của mình trước khi người khác hạ bậc của anh, dù sao như vậy cũng thấy dễ chịu hơn.
Điều đó cũng cho thấy không riêng gì ở Hội An mà phần lớn nhiều họa sĩ mới vào nghề, chưa tìm được chỗ đứng trong làng mỹ thuật đều chấp nhận làm một anh thợ chép tranh để tồn tại qua ngày. Và theo như một sinh viên mới tốt nghiệp đại học mỹ thuật Huế chia sẻ thì hiện tại, toàn bộ sinh viên mỹ thuật cùng khóa với anh ở Huế và ở Sài Gòn đều chấp nhận làm các công việc như chép tranh, thiết kế trang trí nội thất hoặc thiết kế mẫu thời trang… Thậm chí, có người còn cam tâm chịu làm một người chuyên chép các chữ ký và giả các chữ ký ở các công ty, đây là một công việc trái với qui định pháp luật hiện hành.
Bất minh trong quản lý nghệ thuật ở Việt Nam
Một nhà sưu tập tranh có thâm niên trên 30 năm, chia sẻ với chúng tôi rằng sở dĩ có những chuyện hết sức tồi tệ như vậy trong làng mỹ thuật Việt Nam là do hai nguyên do: Sự lạc hậu trong vấn đề đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam và; Tính bất minh trong quản lý nghệ thuật ở Việt Nam.
Cũng theo nhà sưu tập này nhận định thì trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam cũng đã có lắm vấn đề rối rắm trong chuyện chép tranh, thứ nhất là tác phẩm chép vẫn giữ đúng kích cỡ của tác phẩm gốc, điều này hoàn toàn trái với thông lệ nhà nghề trong kĩ thuật chép tranh, hoặc là người chép phải cho khổ tranh nhỏ hơn bức tranh gốc hoặc là lớn hơn.
Nhưng các thợ chép tranh đã cố tính lờ đi điểm này trong lúc chép. Điều này dẫn đến tình trạng vàng thau lẫn lộn, một thời gian ngắn sau đó, người thưởng ngoạn không tài nào phân biệt được giữa tranh thật và tranh chép.
Thậm chí, có nhiều họa sĩ, danh họa Việt Nam chấp nhận để sinh viên vẽ chép theo phác họa của mình rồi ký tên lên tác phẩm. Chính vì kiểu làm việc không có trách nhiệm của họa sĩ đã dẫn đến tình trạng tranh Việt Nam có mức giá rất thấp trên thị trường tranh khu vực. Không phải vì tranh của các danh họa Việt Nam kém chất lượng nghệ thuật mà vì tranh của các danh họa Việt Nam bị xếp vào diện bất minh, khó nhận diện nên trở thành rẻ rúng, không có giá trị. Sở dĩ có hiện tượng này là vì ngay trong giáo dục, đào tạo, các trường mỹ thuật không có một chương trình riêng, hẳn hoi về luật bản quyền, tác quyền và thông lệ chép tranh.
Với môi trường giáo dục bị khiếm khuyết như vậy cộng với cơ chế lỏng lẽo, các cơ quan quản lý văn hóa ở Việt Nam, thậm chí các chuyên viên phòng văn hóa, sở văn hóa vẫn có người chưa phân biệt thế nào là một phòng tranh chợ và thế nào là một gallery tranh nghệ thuật. Và nếu có chăng những chuyên viên văn hóa phân biệt được hai loại hình này thì kiểu quản lý chung chung, cào bằng và không có văn bản pháp qui nào qui định về cơ chế hoạt động, tiêu chuẩn của hai loại hình này cũng làm cho các chuyên viên có hiểu biết phải bó tay trước thực trạng lộn xộn này.
Và, không riêng gì thành phố Hội An rơi vào tình trạng lộn xộn thị trường tranh, ở các thành phố khác như Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đều mắc phải trường hợp tương tự.
Theo RFA