Có bao giờ bạn ngồi bên mẹ chỉ để lắng nghe chuyện cũ của ngày xưa? Có bao giờ bạn thử làm một nhà báo, phỏng vấn mẹ với miên man câu hỏi mà không nhất thiết phải viết thành bài? Có bao giờ bạn quây quần bên cha, loanh quanh hỏi chuyện cũ, việc nhà, điều này phải làm sao, việc kia phải thực hiện thế nào? Dẫu rằng bạn chỉ hỏi và chăm chú lắng nghe thôi, nhưng tôi tin chắc rằng bạn đang dâng lên cha mẹ một món quà hiếu hạnh, đó là ý vị của hạnh phúc từ sự quan tâm.
Đôi khi chúng ta sống cùng nhau, đi ngang đời nhau, đối diện với nhau nhưng lại chẳng thấy nhau. Bất hạnh của cuộc đời chính là chỗ đó. Càng bất hạnh hơn khi chúng ta ứng xử như thế đối với hai đấng sanh thành. Mới sanh ra thì chỉ biết kêu gào cho đỡ đói, lớn lên chút nữa thì vay công cha, mượn sức mẹ để tồn tại và thành công với đời. Thậm chí có những con người đi gần hết cả cuộc đời mà đối với cha mẹ vẫn là con nợ khó đòi đang chờ ngày vỡ nợ.
Cha mẹ mãi luôn là những chủ nợ đầy từ tâm mà đôi khi chúng ta hành xử chưa cân xứng. Chỉ riêng với khoản quan tâm trong giao tiếp, thử hỏi chúng ta đã làm được những gì? Quan tâm trong công việc tại chỗ làm, với cộng sự thân thương…bẳng những biểu hiện tương đồng tùy theo từng quan hệ; thế nhưng đối với cha mẹ, bạn đã hành xử tương đồng và đúng mực hay chưa? Giả như có được một sự tổng kết công bằng từ các phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại, zalo, viber… thì tôi tin chắc rằng, những cuộc gọi hỏi thăm ba mẹ luôn chiếm một tỷ lệ rất thấp, so với hàng loạt những mối quan hệ mà bạn đang đoanh vây.
Vậy thì, tại sao ngay đây chúng ta không thử định tuyến lại công nghệ đang sử dụng, để kết nối với máy chủ yêu thương là mẹ, là cha? Trong quãng thời gian qua, thành tựu của ngành công nghệ đã định hình nên nhiều kiểu kết nối đa nhiệm mà trong đó cũng hàm chứa tôn chỉ vì hạnh phúc, vì an lạc cho nhiều người. Việc quan tâm và trang bị cho cha mẹ một trong những phương tiện kết nối hiện đại, là một trong những phương cách để kết nối những ân tình. Dẫu biết rằng người già thường không rành về công nghệ, nhưng nếu như có được một sự quan tâm đúng mực và hướng dẫn chậm-từng-chút-một của con cái thì đấng sanh thành của bạn sẽ vận dụng phương tiện dễ dàng
Cần phải thấy, một trong nỗi khổ lớn nhất trên cuộc đời là phải sống trong cô đơn. Người già thường sống trong cô đơn ở nhiều trường nghĩa. Hiểu rõ thực tế này sẽ giúp bạn tăng thêm động lực để đem lại cho song thân một đời sống an ổn về tinh thần: Được gần gũi với con cái, được giao tiếp với người thân, được tham gia với những hoạt động cộng đồng… là những phương cách giúp cha mẹ sống khỏe, sống vui, sống có ý nghĩa trong chặng cuối của của cuộc đời. Nếu bạn đang sống cùng thì hãy thường xuyên thăm hỏi, nếu bạn ở xa thì hãy vận dụng cuộc gọi video call để cha mẹ nghe tiếng, thấy hình. Được giao tiếp và giao tiếp trong thâm tình là một trong những liệu pháp đem đến hạnh phúc không những dành cho con người, cho cha mẹ mà còn đối với vạn loại sinh linh.
Nói thì giản đơn nhưng trong thực tế để thiết lập sợi dây liên lạc, truyền thông đôi lúc không hề dễ dàng, đơn giản. Cụ thể là, với một người cha hơi nghễnh ngãng, với một người mẹ hơi đễnh đoảng thì cuộc thăm hỏi của bạn quả là một trải nghiệm với khá nhiều lúng túng, nhiêu khê. Tuy biết rằng, giao tiếp phải thông qua lời nói, nhưng vẫn có những phương cách để hiểu thông tin qua những biểu cảm phi ngôn từ. Từ thực tế cuộc đời có những cuộc hội thoại ông nói gà, bà nói vịt nhưng vẫn chất chứa và đong đầy những tình cảm yêu thương. Vì lẽ mục tiêu của cuộc nói chuyện đó không nhằm để chuyển tải thông tin mà chỉ để thể hiện một khía cạnh nhiệm mầu của cuộc sống: Sống thì phải quan tâm giao tiếp.
Mùa hiếu hạnh về, cũng là lúc những lễ hội báo hiếu hai đấng sinh thành được cử hành đây đó. Nếu như không đủ duyên tham dự thì bạn vẫn có thể tự tổ chức lễ hội đó theo phương cách của riêng mình. Đó là vận dụng mọi phương tiện để kết nối truyền thông với mẹ, với cha. Khi truyền thông giữa con cái và mẹ cha được thiết lập và giữ vững thì đó cũng là lúc mà hạnh phúc sẽ nảy lộc, đâm chồi.
Chúc Phú