Trong thời gian vừa qua, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến video clip thầy giáo “tra tấn” học trò tại một trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 ở tỉnh Thái Nguyên.
AFP. Một lớp học trong trường mầm non tại thành phố Biên Hòa, ảnh chụp trước đây.Nhiều người cho rằng những hình ảnh đánh đập học sinh dã man này là phản giáo dục trong khi hầu hết phụ huynh cho con đến học đều đồng tình ủng hộ. Liệu rằng truyền thống giáo dục “thương cho roi cho vọt” ở Việt Nam còn thật sự có hiệu quả trong thời đại hiện nay? Hòa Ái tìm hiểu trong phần sau.
Có hiệu quả?
Tranh luận về phương pháp dạy học truyền thống cũ ‘thương cho roi cho vọt’ và cách thức giáo dục hiện đại phải tôn trọng học sinh lại nổ ra tại Việt Nam gần đây. Vấn đề cũ lại được nêu ra là liệu biện pháp đánh trẻ vẫn có mức độ hiệu quả nào đó trong giáo dục hay không?
Có thể nói nhiều người bị sốc trước những hình ảnh các học sinh cả nam và nữ bị thầy giáo dùng roi mây to bằng ngón tay út được quấn kín băng keo quất mạnh vào mông tại một trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 ở Thái Nguyên. Khi các em bị lỗi như quên không xin chữ ký của phụ huynh trong bài kiểm tra, bị điểm 5, hay chép bài khi thầy chưa cho phép đều bị đánh từ 1 đến 3 roi mà không được kêu đau. Dư luận cho rằng đây là hành động “tra tấn” học trò rất dã man, phản khoa học và phi sư phạm. Công chúng ‘sốc’ trước cảnh đánh học trò đó lại càng kinh ngạc hơn khi hầu hết phụ huynh có con học tại trung tâm đồng tình với phương pháp giáo dục bằng roi vọt đó với lập luận có thể con cái họ sẽ ngoan và đạt được kết quả học tập tốt hơn.
Không chỉ những phụ huynh có con em bị đánh trong trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 ở Thái Nguyên mà vẫn còn có không ít ý kiến ủng hộ cách thức truyền thống ‘thương cho roi cho vọt” thì con cái mới nên người. Đối với các chuyên gia giáo dục tại Việt Nam thì phương pháp giáo dục ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến không áp dụng phương cách đòn roi. Chuyên gia giáo dục Quỳnh Hương cho biết:
“Nói theo tình hình chung thì tất nhiên phải theo những nước tiên tiến thì sẽ tốt hơn. Còn vẫn giữ theo cách truyền thống thì bây giờ không còn phù hợp nữa. Đời sống xã hội khác rồi, người ta không thể dùng roi vọt hay dùng vũ lực để đàn áp người khác được. Cho dù một đứa trẻ con vẫn phải được giáo dục trong một sự tôn trọng.”
Một em trai đang đọc sách tại một tiệm sách ở ngọai thành Hà Nội, ảnh chụp trước đây. AFP photoBản thân người học trò trẻ cũng không muốn bị đánh đòn khi có sai trái ở trường lớp. Trò chuyện với Hòa Ái hôm 27/7, em Tuyết Mai vừa tốt nghiệp trung học chia sẻ là khi học cấp 2, em thường bị mẹ đánh đòn vì hay nói chuyện trong lớp, không tập trung nên kết quả học tập kém. Em cảm thấy rất buồn và mỗi khi làm sai điều gì ở lớp, em đều có tâm trạng lo sợ rồi sẽ lại bị ăn đòn khi về nhà. Sau nhiều trận đòn rất đau cũng làm cho em nhớ để không tái phạm lỗi cũ. Tuy vậy, Tuyết Mai chia sẻ rằng em sẽ thích hơn nếu được cha mẹ khuyên dạy bằng lời nói thay vì những trận đòn. Tuyết Mai nói:
“Như vậy thích hơn nhưng mà nề nếp nào thì theo từ nhỏ đến lớn. Từ nhỏ đến lớn dạy bằng cách đó rồi nên phải là khuôn khổ y như vậy. Nếu như dạy bằng lời nói từ bé thì lại khác. Mỗi nhà mỗi cảnh.”
Không nên áp đặt
Qua chia sẻ của những học sinh với đài RFA, có em cũng thừa nhận khi còn nhỏ, ngổ nghịch, ham chơi nhưng nhờ vào phương cách đòn roi mà bây giờ học hành chăm ngoan hơn và đậu vào đại học. Tuy nhiên, cũng có nhiều em chia sẻ các em bị rầy la, bị đánh đòn khi có kết quả yếu kém với những môn học mà các em bị mất căn bản hay không yêu thích. Ở tuổi mới lớn, thậm chí có em sống trong môi trường thường xuyên bị đánh đập, có suy nghĩ không ai hiểu mình và có ý định tự tử. Cô giáo Xuân Mai, dạy học hơn 20 năm, không tán thành với phương pháp đánh học trò như giáo viên trong video clip ở Thái Nguyên. Cô Xuân Mai nói:
“Đánh học trò như vậy là dã man lắm. Cô không bao giờ đánh học trò cả. Cô dạy học trò, cô thương nó lắm. Cô nói ngọt, cô dùng tâm lý rồi cô chơi đùa với nó. Mình chơi với nó, mình hòa đồng với nó giống như mình là bạn của nó vậy đó; thì mình mình dạy nó được hà. Nói chung, mình thương nó, chơi đùa với nó nhưng mình phải nghiêm khắc. Thật lòng, cô dạy bằng cách với tấm gương của mình, bằng cách sống của mình để dạy học sinh. Không nói suông cũng không phải áp đặt cho các em.”
Cô Xuân Mai cho biết hồi xưa chính cô cũng bị cha mình bắt cúi xuống đánh những khi làm gì sai trật nhưng cô cho rằng phương cách truyền thống “thương cho roi cho vọt” là cách dạy thụ động dù chỉ đánh một vài roi cho sợ, để răn đe chứ không phải đánh đập. Điều quan trọng của hình ảnh một nhà giáo, đối với cô Xuân Mai phải có lòng thương yêu học sinh và phải là một gương mẫu cho học sinh. Tuy vậy, cô giáo Xuân Mai cũng nêu lên ý kiến rằng trẻ con bây giờ cũng có phần hơi khó dạy bảo do ảnh hưởng xã hội có quá nhiều điều xấu, tiêu cực. Phim ảnh thì tràn lan những cách sống độc ác, gian xảo, thủ đoạn…
Trẻ em tại một trường mẫu giáo ngoại ô Sài Gòn, ảnh chụp trước đây. AFP photo.Dùng hình thức chuyển hướng
Câu hỏi đặt ra là nếu gia đình có một đứa trẻ khó dạy bảo thì bậc làm cha mẹ phải như thế nào nếu không dùng biện pháp đòn roi? Chuyên gia giáo dục Quỳnh Hương cho biết các quốc gia tiên tiến có nhiều phương pháp để dạy dỗ một đứa trẻ được cho là khó dạy, “cứng đầu”. Chẳng hạn như phương pháp dùng hình thức chuyển hướng sự chú ý của trẻ hoặc là dùng người mà đứa trẻ dễ nghe lời người đó. Người trong nhà có thể không nói được nhưng nếu đứa trẻ kính trọng một ai đó dù không phải là thành viên trong gia đình thì những người ngoài lại khuyên bảo được các em. Đây là một trong những phương pháp mà các chuyên viên giáo dục ở nước ngoài có kinh nhiệm rất nhiều. Còn ở Việt Nam, người ta không có nhiều kinh nghiệm giống như vậy thì người ta lại quay về những cách truyền thống là đánh đập. Chuyên gia giáo dục Quỳnh Hương nêu lên nhận định:
“Nếu một đứa trẻ ngay từ bé đã bị đàn áp bằng vũ lực và nó hiểu rằng vũ lực bắt người khác khuất phục được; thì về sau chính nó lớn lên cũng sẽ không thể nào tiếp thu được rằng là đối xử với người khác một cách tôn trọng. Và nó sẽ dùng vũ lực để đối xử lại với những người khác trong xã hội thôi.”
Đối nghịch lại ý kiến tán đồng cách dạy con bằng phương pháp truyền thống đánh đòn, có rất nhiều ý kiến cho rằng con trẻ khi tiếp nhận vũ lực trong quá trình hình thành nhân cách con người sẽ dẫn đến những hiện trạng tội phạm trẻ tuổi ngày càng nhiều trong xã hội.
Trong các bệnh viện nhi đồng cũng như trường học ở các quốc gia tiên tiến, thường có treo những câu như “Một đứa trẻ lớn lên cùng yêu thương sẽ quan tâm đến người khác khi trưởng thành. Một đứa trẻ sống cùng bạo lực sẽ là người thô lỗ, nhẫn tâm về sau.” Theo nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục ở Việt Nam thì phương cách truyền thống “thương cho roi cho vọt” ngày nay không có hiệu quả và đã lỗi thời.
Source: RFA