Không giận sao được, khi bao nhiêu nỗ lực để đem lại hạnh phúc cho con người, thì con người lại hết phản bội này đến bất trung khác!
Không giận sao được, khi bao nhiêu việc mình làm vì yêu thương chúng, thì chúng lại quay lưng phản trắc sụp lạy con một con bò!..
Cơn giận của Chúa đã trút lên đầu ông Môisê: “Ngươi hãy đi xuống. Dân mà ngươi dẫn ra khỏi Ai Cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối của Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó, chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập… Ta thấy dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ hủy diệt chúng”.
Nhưng ông Môise đại diện cho dân Chúa, tin vào lòng khoan dung thương xót của Ngài, đã van xin: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi Ai Cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời; Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm xứ này mãi mãi.”
Và Thiên Chúa đã nhậm lời ông Môisen, đã nguôi cơn giận không thực hiện điều dữ mà Người đe dọa phạt dân Người”.
Giận thì giận mà thương vẫn thương! Đó là tình thương của Thiên Chúa đối với con người.
Thiên Chúa yêu thương hết mọi người. Tình yêu Chúa thật bình đẳng, kiên trì và trung tín; dù cho con người phạm tội, bội phản, bất trung với tình yêu của Ngài, Ngài vẫn mong mỏi, vẫn kiếm tìm, vẫn chờ đợi con người quay trở về với lòng yêu thương của Ngài bằng sám hối ăn năn như người chăn chiên đi tìm con chiên lạc, như người phụ nữ tìm kiếm đồng quan bị mất, như người cha mong mỏi đứa con hoang trở về. Ngài không để ai bị đẩy ra khỏi lòng thương xót của Ngài.
Khi thấy Chúa Giêsu giao du, ăn uống và quan tâm đến người nghèo và người tội lỗi, những người Pharisiêu và biệt phái đã chỉ trích Chúa : “Sao thầy các ông chỉ giao du với những người tội lỗi?”, hay trường hợp ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Chúa Giêsu và các môn đệ tại nhà ông.
Có đông người thu thuế và những người tội lỗi cùng ăn, họ cũng đã lẩm bẩm trách các môn đệ Chúa: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Chúa Giêsu đáp lại: “Người khoẻ mạnh không cần thấy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.
Đó là câu trả lời của Chúa đối với thái độ phân biệt đối xử, thái độ khinh chê người tội lỗi của người Pharisiêu và biệt phái giả hình.
Chương trình cứu chuộc con người không phải chỉ dành riêng cho môt dân tộc nào, cho một số người nào, nhưng là chung cho cả nhân loại.
Người chăn chiên tìm được con chiên lạc trong số 100 con trong đàn, người phụ nữ tìm được đồng bạc bị đánh mất trong số 10 đồng bà có, như người cha tìm được người con bất hiếu trở về với gia đình đoàn tụ, cả ba đều tổ chức tiệc mừng: “vì tôi đã tìm dược con chiên lạc!”, “vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất!” “vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”; cũng thế, khi tìm được một người tội lỗi biết hối cải trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa, thì “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải”, “Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”,
Nhưng tại sao trên trời, các thiên thần của Thiên Chúa “sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải?”
Phải chăng Thiên Chúa chỉ quan tâm, ưu ái đặc biệt với người tội lỗi và người nghèo khó mà không mấy quan tâm đến người công chính! Chín mươi chín con chiên ngoan ngoãn theo đàn, chín đồng bạc còn lại, không đáng gía bằng một con chiên lạc hay một đồng bạc bị đánh mất sao? chín mươi chín người công chính không bằng một người tội lỗi hối cải sao?
Nhưng ai là người công chính, là người vô tội không cần thầy thuốc, không cần hối cải?
Người anh cả sau khi nghe tin em mình sau một thời gian bỏ nhà ra đi nay trở về, cha anh lại tổ chức tiệc mừng; anh đã kể công “bao nhiêu năm trời hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”; có thể đó là tâm trạng tự cho mình là công chính của người anh cả, thế nhưng anh lại là người hẹp hòi, ganh tị với người em tội lỗi biết ăn năn trở về. Nếu ai dám tụ nhận mình là người công chính, người vô tội, sao không cùng Chúa quan tâm đến người tội lỗi, tìm cách cho họ sám hối ăn năn mà lại ganh tị, hẹp hòi!
Sao không biết rằng: “tất cả những gì của cha là của con”, sao anh không cùng cha vui mừng mà lại ganh tị với người em đáng thương của mình hối cải trở về? Lẽ ra, anh đã phải cùng cha đi tìm đứa em hư hỏng, anh lại tự mãn, vui mừng vì phần gia tài đã hoàn toàn thuộc về anh, và anh tỏ ra phân bì, vì sợ cha anh lại chia phần gia tài còn lại cho nó!
Con người sống trong tình trạng bị lạc, bị mất tình yêu Thiên Chúa. Chương trình cứu chuộc con người của Thiên Chúa là đi tìm kiếm để đưa con người thoát khỏi tình trạng ấy bằng hối cải, trở về.
Thánh Phaolô trong thứ nhất gửi choTimôthê đã chứng minh: “ Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời nói đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.”
Đám đông dẫn đến với Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình để xem Ngài kết án thế nào; Ngài đã bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Kết quả là từ già đến trẻ lần lượt âm thầm rút lui!
Câu nói ấy cũng là một lời cảnh cáo đối với nhân loại. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều là bệnh nhân cần chữa trị, cần hối cải để trở về với tình yêu Thiên Chúa, cần sám hối ăn năn để đón nhận ơn cứu rỗi. Ai là người dám tự nhận mình là người công chính, là người vô tội không cần thầy thuốc, không cần hối cải?
LM. Trịnh Ngọc Danh