Nhiệt độ 46°C thủ đô nước Ý vào một ngày mùa hè 2023. © Domenico Stinellis / AP
Năm 2023 chưa kết thúc, nhưng theo đài quan sát khí hậu châu Âu Copernicus, đây là năm nóng nhất trong lịch sử, đặc biệt là sau tháng 11 nhiệt độ cao kỷ lục.
Với nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu là 14,22°C, tháng 11 vừa qua đã vượt kỷ lục trước đó vào tháng 11 năm 2020, cao hơn 0,32°C. Tháng 11 năm 2023 cũng ấm hơn 1,75°C so với trung bình vào tháng 11 trong giai đoạn 1850-1900, tương ứng với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo Copernicus, mùa thu ở phương bắc ( Bắc Bán Cầu ) là nóng nhất trong lịch sử, cao hơn mức trung bình 0,88°C.
Năm 2023 có sáu tháng và hai mùa đạt kỷ lục nhiệt độ. ''Tháng 11 bất thường năm nay có hai ngày nhiệt độ cao hơn 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, có nghĩa là năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử”, bà Samantha Burgess, phó giám đốc bộ phận theo dõi thay đổi khí hậu của Copernicus, cho biết hôm 05/12 trong một thông cáo báo chí. Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu trong năm 2023 sắp qua vượt 1,46°C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp, tức gần vượt quá ngưỡng 1,5°C. Giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C là trọng tâm của Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.
“Chừng nào mức độ tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kinh còn tiếp tục tăng, thì không hy vọng có kết quả khác với kết quả quan sát được trong năm nay. Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng, cùng với các hệ quả như các đợt nắng nóng và hạn hán” là cảnh báo của ông Carlo Buontempo, giám đốc bộ phận biến đổi khí hậu của Copernicus, được trích dẫn trong thông cáo báo chí. Theo chuyên gia này, cách tốt nhất là phải kéo mức phát thải về 0 thì mới có thể hạn chế được các nguy cơ về khí hậu.
Theo RFI