Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Trước tiên, là xin nói lên niềm vui. Anh bạn trẻ Tâm Nhuận Phúc là học trò của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh, một vị thầy từ nhiều thập niên lưu trú như một Thiền khách ở Tu Viện Lộc Uyển thuộc Làng Mai. Vì Thầy Phước Tịnh không có chùa riêng, nên bạn Tâm Nhuận Phúc có nhiều hoạt động khắp nơi, cũng không trụ nơi nào. Có khi bạn hợp tác với Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ từ Sacramento tới để tổ chức các buổi Thiền Chánh Niệm với các giáo viên, học sinh hay đoàn viên Gia Đình Phật Tử. Có khi bạn hoạt động cùng Giới Trẻ Mây Từ trong các Phật sự, mời quý Tăng Ni mở các buổi thuyết pháp hay Thiền tập ở Quận Cam. Khi thấy cần hỗ trợ Thầy Phước Tịnh giảng dạy về Thiền Tập Thập Mục Ngưu Đồ, bạn trẻ này phổ nhạc liền 10 bài ca chăn trâu cho các buổi thuyết giảng dễ nhớ. Có khi, bạn Tâm Nhuận Phúc tham gia cuộc thi viết về các đề tài Phật giáo trong Giải Hương Sen do Ni Trưởng Thích Nữ Giới Hương tổ chức. Và có khi Tâm Nhuận Phúc cầm đàn guitar tới giúp vui cho bất kỳ nơi nào các Phật tử cần tới. Và nhiều Phật sự khác.
Tôi suy nghĩ, những người có tâm, có trình độ, đa tài, và đa năng như thế rất hiếm. Môi trường để hình thành các nhân tài Phật giáo như thế có khi là cơ may, như trường hợp bạn trẻ này, trưởng thành từ một gia đình có giáo dục truyền thống (con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ), có cơ duyên gặp với nhiều vị Tăng và Ni xuất sắc từ trong nước ra tới hải ngoại (khi còn trong VN nhiều thập niên trước, bạn này từng hỗ trợ Thầy Giác Thanh, khi thầy này còn sinh tiền, trong các hoạt động từ thiện và hoằng pháp theo tông phong Thầy Nhất Hạnh), cơ duyên gặp nhiều thiện tri thức (như gặp Cư sĩ Tâm Thường Định, Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, và nhiều bạn khác), và nhiều cơ duyên khác. Câu hỏi nên nêu ra là: Làm sao các giáo hội có thể đào tạo thật nhiều những người trẻ như thế được? Bởi vì, hiển nhiên cần thấy rằng nhiều chỗ các Tăng Ni không nên bước vào, hoặc không thể bước vào, nhưng chỉ cư sĩ mới vào được. Phải chi tất cả các chùa trong và ngoài VN đều có các cư sĩ thuần thành và đa năng như thế.
Khi tôi nói rằng tôi dự định sẽ viết bản tin trên báo về buổi Lễ Tưởng Niệm Đức Thánh Tổ Ni Kiều Đàm Di tổ chức ở Chùa Hương Sen, tại thành phố Perris, quận Riverside, California, bạn Tâm Nhuận Phúc nói là bạn sẽ viết thay cho tôi. Vậy thì tốt lắm, bạn viết giùm nhen, tôi nói, mình mừng lắm. Có anh bạn trẻ này hỗ trợ các Phật sự hiển nhiên là tuyệt vời. Tôi nói rằng viết là một kỹ năng cực kỳ quan trọng. Tôi từng ước mơ rằng tất cả các tăng ni cư sĩ trong và ngoài nước giỏi nghề viết, và giỏi Anh văn.
Cuộc nói chuyện giữa anh bạn trẻ Tâm Nhuận Phúc và tôi tự nhiên chuyển sang Thầy Pháp Hòa, một vị Thầy nổi tiếng trên YouTube về thuyết pháp. Tôi nói, tôi kinh ngạc về hai vị thầy nổi tiếng về hoằng pháp là Thầy Nhất Hạnh và Thầy Pháp Hòa, một người viết và một người nói. Thầy Nhất Hạnh uyên bác và viết tuyệt vời, trong khi Thầy Pháp Hòa thuyết pháp thu phục số lượng người nghe lúc nào cũng kỷ lục. Môi trường đào tạo và cơ duyên để họ xuất hiện phải là nhiều đời, nhiều kiếp. Không thể nào đào tạo một kiếp mà có những vị hy hữu như thế. Nói theo kiểu Tây phương, cả hai nhà sư siêu xuất này là thiên tài. Dĩ nhiên, hai vị này cũng phải tự rèn luyện, tự học, tự mài giũa, chứ không phải tự nhiên.
Cuộc nói chuyện trên xe rồi cũng tự nhiên tới chỗ phân ly bộ phái. Chuyện phân ly bộ phái hiện nay đã hiển lộ ra trên các email, các egroup, Facebook, và cả trên truyền hình. Nghĩa là, khắp mọi nơi. Một số vị Nam Tông thì nói rằng kinh điển Bắc Tông là không phải lời Phật dạy. Một số vị Bắc Tông thì nói rằng tâm của các vị Nam Tông chưa tương ưng, vì còn ngồi ở hóa thành.
Tôi nói với bạn Tâm Nhuận Phúc rằng nếu tất cả các vị sư trong và ngoài nước đều giỏi tiếng Anh để theo dõi các cuộc thảo luận trên nhiều mạng quốc tế về bộ phái thì các vị sư trong và ngoài VN sẽ không bận tâm chuyện bộ phái nữa, và sẽ tự biết cách chọn lọc những gì có ích cho đường tu của bản thân. Nhiều người Theravada tự nhận là “Phật giáo nguyên thủy” là sai lầm, vì Theravada chỉ xuất hiện sau Đức Phật hai thế kỷ, sau thời kỳ khoảng 20 bộ phái xuất hiện và tranh luận. Đúng ra, phải dịch Theravada là Trưởng Lão Bộ.
Trong ngôn ngữ quốc tế hiện nay, chữ “Phật giáo nguyên thủy” là một phẩm tính, mà không phải là bộ phái, vì không có bộ phái nào như thế. Thí dụ, các Kinh Nikaya và các Kinh A Hàm được các học giả dịch là “Early Buddhism” – tức là, Phật giáo sơ thời, hay Phật giáo sơ kỳ. Tuy nhiên, ngay cả trong hai tạng Kinh này, vẫn có một số kinh đời sau chen vào. Có hai nhóm Kinh trong nhóm xưa nhất, được Đức Phật chọn cho các tăng ni cư sĩ dùng làm Kinh Nhật Tụng khi Đức Phật còn sinh tiền là hai phẩm cuối của Kinh Tập, trong Tiểu Bộ. Chúng ta sẽ thấy rằng hai nhóm kinh nhật tụng (tức là tụng đọc lớn tiếng hàng ngày) đều y hệt như ngôn ngữ Thiền Tông Trung Hoa. Độc giả thắc mắc có thể vào Google và gõ nhóm chữ “Kinh Nhật Tụng Sơ Thời” tức là, bản dịch của nhóm Kinh Atthakavagga (Phẩm Tám, Kinh Tập) và nhóm Kinh Parayanavagga (Phẩm Qua Bờ Bên Kia, Kinh Tập). Và trong hai phẩm nhật tụng này, Đức Phật không nói chuyện ngồi, không nói chuyện thở, mà chỉ nói về an tâm, nói về nhận ra sự thật của pháp giới. Vì chuyện ngồi, chuyện thở chỉ là cây gậy dò đường khi cần thiết thôi. Và đọc cho kỹ, người ta sẽ thấy phẩm chất “Phật Giáo nguyên thủy” đó nằm sẵn trong Bát Nhã Tâm Kinh, trong Kinh Kim Cang, trong Pháp Bảo Đàn Kinh.
Tôi nói với bạn Tâm Nhuận Phúc rằng, nếu bạn gặp ai thắc mắc chuyện bộ phái, thì bạn nên nói rằng Đức Phật không bàn chuyện bộ phái. Thí dụ, nếu có ai hỏi tôi, thì tôi sẽ nói với người thắc mắc rằng, bây giờ bạn hãy lắng tâm, nhìn vào tâm bạn xem, ngay giây phút này, đừng nghĩ ngợi gì, nhìn vào tâm xem. Rằng, có phải khoảnh khắc này là "không nghĩ thiện, không nghĩ ác" như lời Lục Tổ Huệ Năng dạy Thượng Tọa Minh, đúng không. Tương tự, Kinh Kim Cương cũng nói "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" (chớ để tâm trụ vào bất kỳ pháp nào, thì đó là tâm giải thoát). Có thấy Nam hay Bắc gì không?
Trong nhiều Kinh Nikaya và A Hàm, Đức Phật cũng dạy "đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác" khi Ngài nói rằng đừng nuối tiếc quá khứ, đừng mơ tưởng tương lai, và cũng đừng nắm giữ hiện tại.
Tương tự Kinh Sn 4.4: Suddhatthaka Sutta trong Kinh Tập, viết rằng, "Thiện và ác không còn dính mắc gì nữa với người đã buông bỏ hết, không còn tạo tác gì." Và nhiều bài kệ trong Kinh Pháp Cú cũng nói phải buông bỏ cả tâm thiện và tâm ác. Thế là đủ rồi, không cần tu gì khác.Nếu không được như thế thì mới nên tu.
Tôi nói với bạn Tâm Nhuận Phúc, bạn hãy hỏi những người thắc mắc đó: "Lúc này, ngay khi bạn đang thấy bông hoa, đang nghe chim hót... không khởi niệm tham sân si nào hết, thì có thấy bộ phái, nam hay bắc gì chen vào trong cái thấy, cái nghe của bạn lúc này không? Hễ có cái gì chen vào là bệnh.”
Trường hợp ngộ đạo của ngài Xá Lợi Phất, tức là Ngài Sariputta, cũng không Nam hay Bắc gì. Khi còn là một ngoại đạo, ngài gặp một môn đệ của Đức Phật là Trưởng lão A-thuyết-thị (Assaji). Ngài Xá Lợi Phất hỏi về pháp, thì được ngài A-thuyết-thị nói "Duyên khởi kệ":
Các pháp nhân duyên sinh
Cũng theo nhân duyên diệt
Nhân duyên sinh diệt này
Phật Đại sa-môn thuyết.
Nghe xong, ngài Xá-lợi-phất liền ngộ được Đạo Lý Duyên Khởi, chứng sơ quả Tu Đà Hoàn, một trong Tứ Thánh Quả. Theo sách "The Life of Sariputta" (ấn bản 1994) của ngài Nyanaponika Thera thì nghe 4 câu xong, Ngài Xá Lợi Phất chứng quả Dự Lưu (tức Tu Đà Hoàn).
Thấy như thế, thì không có yếu tố Nam Tông hay Bắc Tông gì. Hễ khởi tâm Nam hay Bắc là chệch đường liền.
Tương tự, ngài Long Thọ đời sau viết trong Trung Luận:
Chư pháp bất tự sinh/ Diệc bất tùng tha sinh / Bất cộng bất vô nhân/ Thị cố tri vô sinh/
(Các pháp không tự sinh / Cũng không từ tha sinh / Không cộng, không vô nhân / Cho nên mới biết là vô sinh)
Đây là cội nguồn Phật giáo nguyên thủy thực tế đang chan hòa trong Kinh luận của Bắc Tông. Người thường trực thấy như thế, chính là Thấy Tánh, thấy được pháp vô sinh, pháp vô vi… và không cần tu gì nữa, chỉ là giữ gìn cái thấy này thôi. Cả hai nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời đều nói về cái nhìn này. Đó là Thiền Tông, là cái thấy tròn đầy. Thấy Như Thật là thấy như thế, chớ không phải chuyện ngó xanh, đỏ, tím, vàng mà thấy xanh, đỏ, tím, vàng… sẽ là lạc đường.
Những lời ghi trên chỉ là tản mạn, nhân một chuyến đi Phật sự, hoàn toàn không có ý ám chỉ tới bất cứ ai hay bất cứ chuyện gì. Ghi lại những ý này chỉ là muốn đưa ra cái nhìn chân chính để Thấy Phật, để Thấy Pháp. Cái thấy này cũng là trong Bát Nhã Tâm Kinh. Tận thâm sâu cốt tủy kinh điển là như thế. Hễ thấy chuyện Nam hay Bắc gì đều là sai.
Nguyên Giác