Trong một thế giới lúc nào cũng bận rộn, phụ nữ chúng ta đã bình đẳng với nam giới qua những công việc ngoài xã hội. Nhưng bổn phận nội trợ mình lại chẳng san sẻ được với ai: Sau giờ làm việc ngoài hãng xưởng, nhiều bạn còn phải ghé vào chợ mua đồ ăn, về nhà lại phải lăn vào bếp để chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Người đàn ông nào biết đứng dậy lau bàn, rửa chén…. sau bữa ăn đã được tiếng lẫy lừng là “đảm đang,” còn mình làm gấp trăm lần như vậy thì thiên hạ cho là sự đương nhiên, không đáng phải bàn tới.
Máy sấy tóc và người đẹp
Cũng may trong những lúc tất bật như vậy, chúng ta còn có nhiều trợ thủ, do những tiện nghi khoa học mang lại. Trong đó, cái máy sấy tóc thật đáng được tuyên dương! Nhưng hôm nay chúng ta sẽ không nhắc lại những ích lợi vốn đã hiển nhiên của cái máy, mà nói đến những tổn hại nó có thể mang lại cho … nhan sắc của phái đẹp!
Bạn ngạc nhiên lắm phải không? Nhưng nếu đi hỏi các nhà uốn tóc chuyên nghiệp và có lương tâm, chắc chắn chúng ta sẽ nghe được một câu trả lời giống nhau: Dùng máy sấy tóc thường xuyên không đúng cách có thể làm hại tóc, khiến sợi tóc trở nên khô dòn, dễ đứt, và mái tóc mất vẻ mượt mà óng ả…
Theo các nhà khoa học, cách tốt nhất là để cho tóc ướt tự khô trong không khí. Nhưng trong đời sống tất bật hiện nay, với những đêm ngủ trễ, sáng dậy sớm, những công việc phải giải quyết vào giờ chót… thời giờ để ngắm vuốt một chút trước gương đã bị rút ngắn lắm rồi, nói gì tới thời gian để cho mái tóc kịp khô. Thì cái máy sấy tóc vẫn là rất cần thiết…. Sách vở không nói gì về việc sử dụng máy sấy tóc, vì đó là việc nhỏ nhặt, chỉ đáng bàn tới như một thứ mẹo vặt. Nhưng rồi bạn sẽ thấy, ích lợi của nó không phải là nhỏ đâu.
Lau trước bằng khăn
Luôn luôn phải lau tóc bằng khăn trước khi sấy. Không bao giờ dùng máy sấy ngay khi nước còn nhỏ giọt ở đầu sợi tóc. Lau tóc bằng cách quấn khăn trên tóc rồi ép nhẹ, giống như thấm nước qua khăn thôi. Nếu tóc ngắn, bạn có thể vòng khăn trên đầu, rồi xoa tròn trên khăn. Không nên lau cho tóc khô hẳn, mà chỉ cần hút bớt nước ra và tóc vẫn còn đủ ẩm độ trước khi dùng máy sấy.
Sử dụng nhiệt
Mở máy với độ nhiệt cao và độ thổi (blow) thấp nếu máy có nút điều chỉnh độ thổi riêng. Đừng bao giờ sấy cho tóc khô hoàn toàn. Phải làm sao để khi sấy xong, tóc vẫn còn ẩm, không đến nỗi làm ướt vai áo, nhưng tóc có thể tự khô trong vòng 5 hoặc 10 phút sau đó. Nếu bạn sấy quá tay, mái tóc sẽ trở nên khô dòn, rời rạc và dễ đứt. Không kể những sợi tóc dòn và cong, vốn dễ bị tổn hại do hơi nhiệt, ngay cả một mái tóc bình thường cũng không nên để nhiệt tác dụng quá lâu. Bởi vì nhiệt sẽ làm khô ẩm độ và tổn hại các tầng qui-tin bao quanh sợi tóc.
Chính vì nhiệt độ có một “mặt trái” như vậy, các chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo không nên dùng máy sấy quá 3 lần trong một tuần lễ. Nếu có thể được, bạn hãy để cho tóc ướt tự khô trong khí trời là tốt nhất.
Sử dụng hơi lạnh
Máy sấy tóc nào cũng có một nút bấm hơi lạnh. Nhưng nói ra thật mắc cở, dùng qua bao nhiêu đời máy mà bản thân Hằng chẳng động đến cái nút bấm ấy bao giờ, đến nỗi có lần em đã ngạo nó là … cái vú đàn ông (chẳng được tích sự gì!). Thì ngay lập tức, người đàn ông trong nhà xuất hiện cười vào mũi mình, “Đừng ngạo chúng tôi, bà Giời ạ! Cái nút bấm hơi lạnh đấy.” Nhưng tại sao máy sấy lại phải có nút bấm hơi lạnh? Hằng vẫn còn làm cứng, nhưng vô tình càng tỏ ra cái dốt của mình…. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy mắc cở.
Thì ra, cái nút bấm hơi lạnh không phải là đồ thừa, trái lại nó rất quan trọng. David Evangelista, chuyên viên làm đẹp cho những nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ, đặc biệt đề cao vai trò hơi lạnh trong tiến trình uốn tóc. Dù không là diễn viên hay người nổi tiếng, chúng ta cũng cần phải giữ qui luật tối thiểu này khi sử dụng máy sấy:
Sau khi đã dùng hơi nóng, cần phải xả một luồng hơi lạnh để giữ mái tóc vào trong nếp uốn vừa thành hình, còn sợi tóc thì mềm lại và sáng lên. Nếu muốn, bạn có thể thoa thêm dầu chải tóc, hoặc chỉ cần một chút dầu olive là đủ để duy trì những lọn tóc sáng bóng, mượt mà và “trong trẻo” suốt cả ngày.
Từ bài học về nút bấm hơi lạnh trong máy sấy, Hằng nghiệm ra một điều: Muôn sự ở đời đều có mục đích cả; Nếu mình có gì đáng hãnh diện thì cũng đừng chê “cái nọ cái kia” của người khác là vô tích sự nhé!
Vũ Hằng