Mới đây, Havard mở một cuộc thăm dò về gian lận trong số những sinh viên mới toanh của trường, tức là những sinh viên năm thứ nhất. 10% thú nhận đã gian lận bài thi, 17% gian lận trong bài đem về nhà, và 42% gian lận bài tập ở nhà.
Nếu những con số này là đúng, thì học sinh Mỹ đã tiến bộ nhiều trong việc bớt gian lận, vì một thăm dò khác từ năm 1963 cho thấy khoảng 60-70% sinh viên Mỹ có gian lận ít nhất một lần trước khi tốt nghiệp. Không cần phải kiểm chứng chính xác cuộc thăm dò của Havard cũng có thể đoán rằng sinh viên Mỹ không những không bớt gian lận bài ở trường mà còn thêm gian lận trong câu trả lời cuộc thăm dò, vì chuyện thuê làm bài vở trong đại học đã đến mức gần như công khai, và chính Havard là nơi có vụ hơn nửa sinh viên (trong số 250) một lớp môn chính quyền gian lận trong một bài thi cuối khóa.
Gian lận, hay những hành vi bất chính khác, nằm sẵn trong một nửa ác quỷ của con người, chỉ chực chờ có cơ hành động. Lý do luôn luôn là một mối lợi nào đấy, thật hay giả không quan trọng, chỉ cần người ta “nghĩ” sẽ có lợi thì người ấy sẽ sẵn sàng làm, hoặc ít nhất toan tính, những chuyện không chính đáng. Mặt khác, con người cũng có tâm lý hùa theo, và cân nhắc hành động của mình dựa trên những hành động của kẻ khác. Một thí nghiệm nho nhỏ cho thấy rằng khi mấy người bạn chơi golf với nhau, nếu một người nhìn thấy mấy người khác gian lận, người ấy cũng sẽ gian lận thay vì phản đối. Đấy là chuyện tranh đua trực tiếp. Trong trường học, khi tất cả cùng có một mục tiêu giống nhau (tốt nghiệp) nhưng không hẳn tranh đua trực tiếp, gian lận dây chuyền và tập thể là điều không thể tránh. Học sinh chỉ nhau mánh gian lận, giúp nhau gian lận… là chuyện thường.
Vậy có cách nào giảm bớt gian lận trong trường học hay không? James Lang, Giám đốc Trung Tâm Chất lượng Giáo dục ở Đại học Assumption nghĩ rằng có. Theo ông, cấu trúc học và thi hiện nay trong các trường học là nguyên nhân và động cơ cho sự gian lận của học sinh. Chính xác hơn, ông chỉ trích lề lối kiểm tra thông thường của đại học: thành tích học tập dựa phần lớn trên hai bài thi giữa khóa và một bài thi cuối khóa. Ông cho rằng kiểm tra kiểu này chẳng những thúc đẩy sinh viên gian lận, mà còn giảm mức học hỏi và hiểu biết thực sự của sinh viên vì họ không thực tập những nguyên tắc và khái niệm của môn học thường xuyên.
James Lang đề nghị thay đổi lề lối thi cử hiện tại trong hệ thống đại học Mỹ, và tuy ông không đề ra một kế hoạch rõ rệt, có thể hiểu ý ông muốn đi ngược lại lề lối sẵn có, tức là kiểm tra nhiều lần hơn, thường xuyên hơn. Chẳng hạn thay vì thi cuối khóa là 40% điểm, hai bài thi 50% và bài tập về nhà là 10%, các vị giáo sư có thể cho bài kiểm tra hàng tuần hay thậm chí mỗi giờ lên lớp, bỏ phần bài tập về nhà, và cân bằng lại: 20% thi cuối khóa, 30% hai kỳ thi giữa khóa, 50% bài kiểm tra. Hay một pha trộn nào khác.
Trở ngại trong việc thay đổi có thể chỉ đơn giản là vấn đề giờ giấc của các vị giáo sư. Sở dĩ các vị không muốn cho bài kiềm tra quá thường xuyên vì không muốn mất giờ lên lớp, không muốn mất giờ soạn và chấm bài nhiều. Không hẳn là vì các vị lười, nhưng vì địa vị giáo sư đòi hỏi một mức nghiên cứu, tìm tòi nhất định ngoài việc giảng dạy. Trường đại học càng danh tiếng thì sức ép thành quả nghiên cứu càng cao, chắc chắn cao hơn sức ép về chất lượng giảng dạy. Nếu lơ là chuyện kiểm tra, chẳng hạn kiểm tra thường xuyên nhưng không có tài liệu kiểm tra mới, thì sinh viên sẽ đi lùng bài thi cũ làm bài tủ, và gian lận tuýt xuỵt.
Có thay đổi bao nhiêu thì chắc chỉ có thể giảm chứ không thể triệt tiêu sự gian lận trong học vấn, nhất là thời nay khi học sinh có quá nhiều công cụ: sao chép tài liệu trên mạng, gởi tin nhắn cho nhau trong giờ thi.… Vả chăng, nói đến tận cùng, trường học và giáo viên không thể là cảnh sát canh chừng học tập. Một phần lớn ý thức học hỏi và ý chí tránh gian lận phải là trách nhiệm của học sinh.
Tiểu Thư