Rồi đây TV sẽ chết? Đó là câu hỏi được không ít người đang đặt ra. Nghĩ thế cũng phải thôi, kỹ nghệ tân tiến của thời đại digital đã khiến cho bức tranh sinh hoạt đời sống con người đổi khác. Nhiều sản phẩm từng một thời làm mưa làm gió đã bị đánh gục. Dĩ nhiên TV cũng không phải là một ngoại lệ, rồi đây vô tuyến truyền hình cũng khó thoát cảnh lụi tàn. Vậy, điều đó có xảy ra hay không? Và tương lai của các chương trình vô tuyến – the future of TV – sẽ kết thúc như thế nào?
Không lâu lắm, chừng hơn một thập niên gần đây thôi kể từ khi digital technology được áp dụng rộng rãi, hàng loạt những thương hiệu lần lượt chao đảo, từ chới với, tới sính vính, cuối cùng là cáo chung. Bắt đầu là những đầu máy chiếu video, rồi kỹ nghệ cho thuê băng đĩa, máy nhạc, băng cassettes, điện thoại để bàn (land-based telephone), kỹ nghệ in sách bản đồ, niên giám điện thoại, cho thuê băng video Blockbuster, sau đó là các thiết bị GPS, máy chụp ảnh, máy quay phim… Chúng lần lượt theo nhau, không tắt thở thì cũng bán thân bất toại. Phải chăng rồi đây sẽ tới lượt TV?
Sự ra đời của smart phone và những địch thủ mới trên đấu trường kỹ nghệ giải trí như Netflix, Hulu, YouTube (đứa con cưng của Google), nay lại có thêm Amazon Prime nhảy vào tạo ra một sân chơi đầy kịch tính. Thiên hạ gần như loạn cào cào. Hiển nhiên, TV khó tránh không cảm thấy lạnh gáy trước những tấn công tàn khốc của các đối thủ trong thời loạn, mạnh được yếu thua, cờ tới tay ai người đó phất.
Giá như không có thời đại thông tin, không có những kênh tiếp cận với thế giới mạng phong phú, đừng có những thiết bị thông minh cho phép con người lướt mạng, tìm kiếm, kết nối, TV sẽ giữ được thế mạnh của mình. Đằng này, giữa những chọn lựa quá đỗi tiện nghi, nhanh chóng, phong phú, thừa mứa, nhu cầu giải trí và nhu cầu tiếp cận thông tin càng lúc càng trở nên linh động hơn. Và TV đã chứng tỏ nó không thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu đa dạng đòi hỏi sự liên kết (interface) nhanh chóng. Nói khác đi, thế giới các thiết bị truy cập càng lúc càng phong phú, TV nhất định phải nhường chỗ cho các thiết bị truy cập đó.
Ngày nay, màn hình TV không còn giữ được những chức năng độc tôn như trước nữa. Hồi xưa chỉ có người xem, TV và chiếc remote control – That’s it. Không hơn, không kém. Các kênh phát sóng gần như độc quyền, ban gì hưởng nấy. Nhưng hôm nay ngồi trước màn hình, người ta thấy những em nhỏ vừa coi TV vừa có cái tablet trên đùi để các em chọn một bộ phim hoạt hình trong một bộ sưu tập khổng lồ (huge database).
Hoặc một cô bé vừa coi TV vừa bấm phone bình chọn một thí sinh tại một cuộc thi năng khiếu (như American Idol) mà cô yêu thích. Với những thiết bị nối kết mạng tân tiến, TV cuối cùng không còn thuần túy là nơi các kênh phát sóng một chiều, theo lịch trình cố định. Thay vào đó TV trở thành một hệ thống giao thông đa chiều, người xem có nhiều lựa chọn hơn. Họ có thể quyết định mình thích cái gì, không thích cái gì, upload, download, tải lên, tải xuống, share video clip với bạn bè, tất cả nhờ vào các thiết bị nối kết mỗi ngày một thêm hoàn thiện.
Thoạt nhìn ta thấy màn hình có vẻ vẫn như cũ, TV vẫn có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giải trí, thông tin và giáo dục. Tuy nhiên, ngày nay con người tiếp cận thông tin chủ động hơn. Cần biết, một dạo thị trường giải trí (ngoài hệ thống chiếu phim rạp) do TV bá chủ nay đã bị các đối thủ khác xâm nhập. Như vậy, TV đang mất dần vị trí độc quyền của mình. Hơn nữa con người hôm nay bận rộn hơn, lịch làm việc ken đặc, thành ra họ chỉ muốn truy cập từ những nguồn linh động. TV vì thế đã mất một lượng khách lớn. Không những thế, các thiết bị truy cập với vận tốc nhanh đang vô tình làm hỏng khả năng kiên nhẫn của con người. Họ muốn thật nhanh. Now. Now. Now. Họ muốn mì ăn liền. Right now. Right here! Và như vậy TV xem ra không còn đủ hấp dẫn nữa. Để sinh tồn, TV phải có những lần lột xác, điều chỉnh một cách hết sức nghiêm túc.
Vậy, phải chăng ngày tàn của TV không còn xa nữa? Thực tế sẽ không quá ảm đạm như vậy. TV không thể chết được dễ dàng, có điều nó cũng không thể là một gã khổng lồ đầy quyền lực như trước đây. Theo nghiên cứu của Accenture thị trường giải trí đang bị chia năm, xẻ bảy, thời gian khán giả dành cho TV vẫn còn nhiều hơn những kênh truy cập khác. Tuy nhiên chiều hướng cho thấy TV đang đối phó với nhiều áp lực bất lợi.
Như đã biết, TV sinh lợi từ dịch vụ cáp truyền hình và quảng cáo. Đó là truyền thống. Nhưng hôm nay TV đang chứng kiến những thay đổi mang tính trào lưu. Dịch vụ cáp đang mất dần vị trí độc tôn, luôn chật vật để níu kéo khách hàng. Các công ty có nhu cầu quảng cáo cũng đang tìm kiếm những kênh quảng cáo mới mẻ khác. Khán giả không còn đơn thuần là người xem mà đang trở thành những nhà sản xuất, sẵn sàng tung những tác phẩm của mình lên mạng. Như ta thấy tại YouTube chẳng hạn, nếu một video clip hấp dẫn được tải lên, được nhiều người xem tán thưởng, tác giả của video clip đó sẽ biến thành nổi tiếng dù không lâu trước đó anh ta vẫn còn là tay chơi tài tử – amateur. Dĩ nhiên, một khi nổi tiếng là có thể kiếm tiền. Luật chơi là vậy. Hoàn toàn rất công bằng, không chút thiên vị nào cả. Người giỏi sẽ được thần tài búng tay: Ladies and gentlemen, the winner is…
Các trang mạng xã hội giúp cho khán giả chia sẻ và giới thiệu những video clip họ thích một cách thuận tiện hơn. Kết quả những gì được coi là cool stuff sẽ được chuyền tay, giới thiệu cho nhau coi. Và rồi những làn sóng chuyển tiếp giới thiệu liên tục lan rộng, tạo ra hiệu ứng dây chuyền, hiển nhiên ít nhiều gì cũng choán đất của sân chơi truy cập thông tin vốn trước đây chỉ có một mình TV làm chủ. Cần biết, trong quá khứ TV cung cấp thông tin nhanh chóng và sốt dẻo, năng động hơn báo chí, sách vở rất nhiều. Nay thì khả năng này của TV đang được thay thế bởi những kênh khác.
TV không chết. Tất nhiên nó sẽ phải cạnh tranh một cách có hiệu quả hơn với những đối thủ khác nếu không muốn bị tiêu diệt hoàn toàn. Một con cọp có thể là chúa tể sơn lâm. Nhưng cọp sẽ phải vất vả hơn trong việc săn mồi nếu như cánh rừng có thêm nhiều sư tử, beo, báo, sói… đồng thống trị, vì số thú để săn sẽ bị chia ra.
Hiện tượng lấn sân (nghề tay trái) của các đối thủ trong kỹ nghệ cung cấp thông tin đã ép con cọp TV nhả ra những miếng mồi ngon vốn trước đây không bị ai quấy rối. Ví dụ Google chủ yếu về dịch vụ tìm kiếm (search) vậy mà sẵn sàng nhảy vào cung cấp hơn 4 tỷ giờ từ các video clip qua YoutTube. Hay chuyện Amazon là kẻ chuyên bán hàng trên mạng, thế mà vẫn không dừng lại, tấn công TV bằng quả bom Amazon Prime với hàng chục ngàn tựa phim và các chương trình phát sóng truyền hình. Trước những tấn công vũ bão đó, TV nhất định không thể bình chân như vại được.
Dân tiêu thụ các sản phẩm giải trí cũng giống các loại khách hàng khác. Họ muốn thông tin vừa nhanh chóng, vừa hấp dẫn, dĩ nhiên là rẻ nữa. Đón được nhu cầu này, Netflix nhảy vô vòng chiến. Kết quả là hiện nay số lượng khách hàng của Netflix đã vượt lượng khách hàng đăng ký truyền hình cáp tại Mỹ.
Với cộng đồng người Việt sống ở Mỹ, TV xem ra vẫn phát triển đều đặn. Hiện nay tại những nơi đông dân Việt sinh sống, các kênh phát sóng truyền hình tiếng Việt với chương trình phong phú, hấp dẫn, luôn sẵn sàng để bà con xem. Phần lớn bởi nét văn hóa đặc trưng của các di dân Việt. Thói quen tiếp cận với thông tin của khá đông bà con mình vẫn gần với lối cũ so với người bản xứ. Người già và người có khả năng Anh ngữ hạn chế vẫn tiếp tục truy cập thông tin theo lối truyền thống. Tuy vậy, khi lớp trẻ lớn lên, điều này sẽ thay đổi; đặc biệt khi các thiết bị cầm tay thông minh càng lúc càng phổ biến, bình dân hơn.
Nguyễn Thơ Sinh
http://www.accenture.com...of-television-media.aspx