TIN SÀI GÒN - Viện Cây Ăn Quả Miền Nam của Việt Nam vừa bán đứt “bản quyền” giống thanh long ruột tím, ký hiệu LÐ 5, cho một công ty ở Bình Thuận với giá 2 tỉ đồng, tương đương 100,000 đô. Theo viện này, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam thương mại hóa và xác lập bản quyền đối với một giống cây trồng mà họ lai tạo. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây Ăn Quả Miền Nam cho biết, đó là một tín hiệu vui. Theo ông, sự kiện này đánh dấu sự thay đổi “ý thức hệ” của người Việt Nam về “bản quyền giống,” dẫn đến việc xác lập thương hiệu cây ăn trái Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Châu tâm sự, trước đây đã không thu được đồng nào đối với loại giống thanh long ruột đỏ do viện lai tạo. Loại giống này sau đó bị một số quốc gia khác lấy giống mang về trồng. Cũng theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện Cây Ăn Quả Miền Nam sẽ hợp tác với các nhà khoa học New Zealand lai tạo giống thanh long ruột vàng trong thời gian tới. Một phúc trình của Viện Cây Ăn Quả miền Nam trước đó còn cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam xuất cảng đi nhiều nước trên thế giới hồi năm 2011 lên tới 218,000 tấn, trị giá 107 triệu đô. Sản lượng này tăng gần gấp đôi so với năm 2010.
Vẫn theo phúc trình này, khoảng 30 quốc gia nhập cảng thanh long của Việt Nam là Mỹ, Nhật, Canada, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hòa Lan, Chile, Brunei và Greeland,... Trước đây, thanh long chỉ chiếm 20% kim ngạch xuất cảng của nhóm rau quả. Hiện nay, tỉ lệ này lên đến 50%. Riêng sáu tháng đầu năm 2013, giá trị thanh long xuất cảng lên đến 145,000 tấn, trị giá 94 triệu đô, tăng 22.5% so với cùng giai đoạn. Một tài liệu khác còn cho biết, thanh long là một loại xương rồng, được trồng ở Mexico, các quốc gia Trung Mỹ, Nam Mỹ. Sau này, hầu hết các quốc gia Ðông Nam Á đều trồng được thanh long, như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, nam Trung Quốc, Ðài Loan...
SBTN