Dave Lovos là một nhạc sĩ và nghệ nhân làm đàn guitar, và đã quá quen với những âm thanh ồn ào. Trong năm nay, có một đêm Lovos bất ngờ nghe thấy tiếng nổ mạnh trong đầu khi đang lơ mơ chìm vào giấc ngủ. Tiếng nổ bất ngờ khiến ông tỉnh ngủ hẳn.
Lovos kể lại: “Tôi nghe thấy một âm thanh rất lớn trong đầu, gần vùng đỉnh hộp sọ,” và cùng với tiếng nổ chói tai, hình ảnh một vụ tông xe vụt qua trong não. “Cả hai thứ xảy ra gần như là đồng thời.”
Những gì Lovos trải qua được gọi là “Hội Chứng Tiếng Nổ Trong Đầu” (Exploding Head Syndrome, EHS), một thí dụ bí ẩn về tình trạng rối loạn giấc ngủ (sleep disorde hoặc parasomnia, còn được gọi là bệnh ‘mất ngủ giả’). Các dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp bao gồm mộng du, ngủ mớ, bóng đè và giật mình khi ngủ. Hầu hết các dạng rối loạn giấc ngủ này là bình thường và vô hại, trừ khi có gây ra nguy cơ về sức khỏe hoặc cảm giác đau đớn.
Brian Sharpless, chuyên gia tâm lý học về giấc ngủ và là một trong số ít các chuyên gia đang nghiên cứu về EHS, cho biết: “Nếu đầu người ta mà phát nổ thật thì văn phòng của tôi sẽ rất hỗn loạn.” Ông cho rằng EHS là một tình trạng vô hại dù có cái tên khá là đáng sợ.
Sharpless nói: “Miễn là quý vị không có cảm giác đau đớn khi hiện tượng đó xảy ra, ngoài ra thì không có gì phải lo lắng.”
Nguyên nhân gây ra tình trạng EHS
Sharpless cho biết rất ít người gặp phải EHS tìm kiếm tư vấn y tế hoặc trao đổi với với bác sĩ và người thân.
Trong một nghiên cứu, chỉ 11% số người tham gia báo cáo về tình trạng EHS cho chuyên gia y tế, và chỉ 8% bệnh nhân bị tái phát tìm cách phòng ngừa. Một số người cho biết họ cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận “nghe thấy âm thanh” trong đầu; hầu hết đều tiếp tục cuộc sống bình thường khi không có thêm các dấu hiệu khó chịu hay đau đớn.
Jennifer McDonald Slowik, bác sĩ chuyên khoa các vấn đề với giấc ngủ của Frederick Health Medical Group và là thành viên của Hiệp hội Maryland Sleep Society, cho biết bà cũng hiếm thấy ai tìm cách điều trị EHS.
Theo bà, EHS thường được phát hiện trong quá trình đánh giá mở rộng tại phòng khám. Khi người ta đến thăm khám về vấn đề giấc ngủ, các chuyên gia thường hỏi về nhiều khía cạnh về giấc ngủ của họ, bao gồm cả các triệu chứng của các dạng rối loạn giấc ngủ khác như “narcolepsy” (bệnh ngủ thoảng qua).
Cô cho biết thêm: “Nếu có bất kỳ lo lắng nào về một vấn đề nghiêm trọng hơn, chúng tôi sẽ thực hiện [kiểm tra bổ sung] như một phần của nghiên cứu về giấc ngủ để đảm bảo xác định và đánh giá tình trạng của bệnh nhân một cách đầy đủ.”
Các chuyên gia đều cảnh báo rằng khi nói về các vấn đề liên quan đến phần đầu, thì tốt nhất là ‘cẩn tắc vô áy náy.’ Trong trường hợp xấu nhất, khi EHS xảy ra kèm theo cảm giác đau đớn, đây có thể là dấu hiệu của chảy máu não dạng mạch dưới màng não, một tình trạng nguy hiểm và gây tử vong.
Thường xảy ra trong vòng chưa tới 1 giây, quan niệm sai lầm đầu tiên về EHS là về thời gian: EHS thường xảy ra khi một người đang chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang trạng thái ngủ (còn gọi là hypnagogic, trạng thái nửa tỉnh nửa mê), chứ không phải khi đang trong trạng thái ngủ say.
Theo Sharpless, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, bao gồm cả những nghiên cứu theo dõi não bộ bằng máy EEG, nhưng vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng xác định hoạt động của hội chứng EHS trong giấc ngủ. Nói đúng hơn, người ta tin rằng EHS có thể là một dạng rối loạn hoạt động của tế bào thần kinh, xảy ra khi bộ não bắt đầu tắt các khu vực liên quan đến hoạt động của thính giác, thị giác và vận động trong thời gian chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang trạng thái ngủ.
Ông nói thêm: “Có thể nói rằng trong giai đoạn chuyển đổi từ trạng thái tỉnh táo sang trạng thái ngủ, bộ não đang ở trạng thái rất thoải mái, thư giãn. Và có vẻ như đó là lúc xảy ra hiện tượng này (EHS).”
Theo định nghĩa rộng, EHS là một “ảo giác về âm thanh,” còn theo thuật ngữ lâm sàng đây là “chứng rối loạn giấc ngủ kịch phát liên quan đến cảm giác” (paroxysmal sensory parasomnia), hoặc rối loạn giấc ngủ biểu hiện bởi âm thanh “bùng phát bất ngờ.” EHS không phải là bệnh ù tai (tinnitus) như nhiều người vẫn thường lầm tưởng.
Tiếng tông xe, tiếng súng nổ và tiếng đóng sập cửa
Trong trường hợp của Dave Lovos, ông nghe thấy một âm thanh tương tự như một vụ tông xe. Đây là một trong nhiều mô tả được những người tham gia nghiên cứu về EHS đưa ra. Dù người ta có thể nghe thấy nhiều loại âm thanh khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng đều giống nhau: cảm giác khó chịu.
Các mô tả phổ biến về âm thanh mà những người mắc EHS thường trải qua bao gồm tiếng bom nổ, tiếng đóng sập cửa, tiếng đồ vật đập vào tường, tiếng súng hoặc pháo nổ, tiếng kim loại va đập vào nhau, tiếng la hét, tiếng sóng vỗ ập vào bờ, tiếng sét, tiếng gầm và tiếng xe cộ chạy vụt qua.
Sharpless nói: “Quý vị không thể nghe thấy rõ tiếng nhạc, tiếng nói chuyện, bởi vì quý vị đang nghe thấy những tiếng động lớn và mạnh.” EHS lần đầu tiên được phát hiện và đặt tên vào năm 1876 bởi bác sĩ thần kinh Silas Weir Mitchell ở Philadelphia. Ông đã ghi lại trường hợp của những bệnh nhân nghe thấy “tiếng súng nổ” và “tiếng bắn súng lục” trước khi đi vào giấc ngủ. Ông gọi hiện tượng này là “sensory shock” (sốc giác quan). Vào những năm 1980, bác sĩ thần kinh J.M.S. Pearce đã thay đổi tên của hiện tượng này thành Exploding Head Syndrome (EHS). Brian Sharpless và đồng nghiệp Peter Goadsby, một khoa học gia về thần kinh tại King's College London, đang đề nghị thay đổi tên EHS thành “Episodic Cranial Sensory Shock” (Sốc cảm giác ở sọ não theo đợt)
Bác sĩ Pearce đã báo cáo “có rất ít bằng chứng về việc bệnh lý trước đây có liên quan và không có bất kỳ bệnh lý nào khác về CNS [hệ thần kinh trung ương], đồng thời nói thêm rằng, “hiện tượng này hoàn toàn lành tính và khá phổ biến nhưng chưa được báo cáo nhiều.”
“Nguyên nhân gây ra âm thanh như tiếng bom nổ vẫn còn là điều bí ẩn,” Peace viết. Sharpless và các nhà nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận tương tự sau ba thập niên.
Vào năm 2005, Viện Y Học Về Giấc Ngủ Hoa Kỳ đã phân loại ‘tiếng nổ trong đầu’ là một chứng rối loạn giấc ngủ. Một số nghiên cứu đã bác bỏ các tuyên bố lâm sàng trước đó rằng phụ nữ trên 50 tuổi có khả năng mắc hội chứng này cao hơn. Dữ liệu hiện nay chỉ ra rằng số các trường hợp bị EHS xảy ra ở cả đàn ông và phụ nữ. Trong một nghiên cứu tại Đại Học Tiểu Bang Washington, khoảng 13% sinh viên báo cáo từng bị EHS ít nhất một lần.
Mặc dù EHS đã “có tên” từ giữa những năm 1800, nhưng không có tài liệu chính thức nào ghi lại các trường hợp xảy ra trước thời điểm đó, trừ một trường hợp duy nhất. Trong một bài báo năm 2018, có đề cập đến việc triết gia thế kỷ 17 René Descartes có thể đã từng một lần bị EHS. Descartes đã kể lại rằng giữa hai giấc mơ, ông đã nghe thấy ‘tiếng nổ trong đầu,’ giúp ông trả lời câu hỏi “Tôi nên chọn theo con đường nào trong đời mình?”
Bài báo lưu ý: “Mặc dù vô hại nhưng những người bị EHS vẫn thấy lo ngại rằng đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến não. Và họ thường cảm thấy xấu hổ, không muốn kể về trải nghiệm của mình, vì sợ sẽ bị phê phán hoặc không được tin tưởng.”
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “'Exploding head syndrome'? Inside a mysterious, disturbing sleep condition” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.