Màn đêm kéo xuống thật nhanh khi mặt trời khuất hẳn ở phương tây.
Có vẻ như những điều bất thiện được rầm rộ khởi sinh khi bóng tối trùm xuống, hoặc có thể như người ta thường nói, “bóng đêm là đồng lõa của tội ác”; là cơ hội, là nhân duyên thuận lợi cho sự nẩy sinh những điều xấu, ác. Dù vậy, tiền đề nào cũng có giới hạn của nó, không thể luôn mặc định là tuyệt đối.
Trên thực tế, người ta thấy khi kẻ ăn trộm vi hành thì cũng có viên cảnh sát tuần tiễu; khi những tụ điểm chứa chấp và phát sinh các tệ nạn hăng say hoạt động thì cũng có những bệnh viện, phòng cấp cứu mở cửa thâu đêm, suốt sáng. Kẻ ác hay người thiện, thời nào cũng có, nơi nào cũng có, bất kể tối-sáng, đêm-ngày.
Khi mặt trời khuất bóng đêm nay, sẽ có một mặt trời khác xuất hiện sáng mai.
Khi mặt trăng và hàng tỉ vì tinh tú trong vũ trụ mất dạng bởi ánh triêu dương, sẽ có mặt trăng và tinh tú tái hiện vào đêm kế tiếp.
Bậc đại sĩ thời nào cũng có; xuất hiện đúng thời đúng cảnh. Nơi nào cần và đúng duyên, họ xuất hiện. Có khi hiện thân làm bậc lãnh đạo cao tột ai cũng biết, có khi hiện thân làm người quê mùa vô danh không ai để ý. Dù trong hoàn cảnh hay địa vị nào, sự có mặt của họ đều được khởi động từ lòng bi mẫn, yêu thương con người và cuộc đời. Những bậc đại sĩ như thế, không phải từ trời cao giáng hiện mà xuất hiện từ lòng đất (1). Từ những chốn sình lầy dơ nhớp, từ đáy tầng xã hội, từ những nơi mà con người phải sống triền miên trong khổ đau khốn cùng, họ tuần tự xuất hiện, hoặc đồng loạt xuất hiện tùy theo nhân duyên. Có khi vì “chính sự phiền hà” (2) mà dấn mình vào nơi khói lửa, tự đốt huyễn thân để thắp sáng lương tri loài người. Có khi vì đạo vàng đang lúc suy vi, phải ứng hiện làm bậc đại trí đại bi, vì chúng sinh tuyên dương Chánh Pháp, hộ trì Chánh Pháp.
Chánh Pháp được tồn tại là nhờ có người thực hành, chứng nghiệm và ứng dụng vào cuộc sống.
Thực hành Chánh Pháp là vì lợi ích chúng sinh, muốn chúng sinh được thoát khổ, an vui. Hộ trì Chánh Pháp là muốn bảo vệ và phát triển nguồn mạch Từ Bi - Trí Tuệ có khả năng đem lại phúc lạc thực sự cho chúng sinh.
Tâm nguyện thực hành và hộ trì Chánh Pháp ấy, chính là tâm bồ-đề.
Tâm bồ-đề một khi rung động khởi sinh từ lòng bi mẫn, luôn thúc đẩy hành giả hướng về đạo quả giác ngộ. Và giác ngộ là giác ngộ từ mảnh đất tâm (3), từ nơi đại địa trần gian thống khổ này, chứ không từ cảnh giới cao vời xa xăm nào khác.
Hằng tỉ tỉ tinh tú trong khắp các dải ngân hà, trong ba ngàn đại thiên thế giới, từng hằng tỉ tỉ năm qua, đã liên tục động chuyển và sinh diệt không ngừng. Một vì sao rụng thì có một vì sao khác khai sinh. Có vẻ như có một hay nhiều bậc đại sĩ đã tùy thuận nhân duyên, đi vào bóng đêm huyền sử. Nhưng bao hạt giống bồ-đề được ươm mầm từ vô số kiếp qua, vẫn tiếp nối đâm chồi, lớn mạnh trên mặt đất trần gian.
Vĩnh Hảo
______________________
(1) Hiện tượng kỳ diệu hy hữu xảy ra khi Đức Phật đang thuyết pháp, có vô số Bồ Tát từ dưới lòng đất xuất hiện (nhảy vọt lên – dõng xuất) giữa hư không. Đức Phật nói hội chúng rằng, những vị bồ-tát này cùng hằng hà sa số quyến thuộc của họ ở thế giới Ta-bà, sau khi đức Phật nhập diệt, đều có thể hỗ trợ, đọc, tụng, thuyết giảng và truyền bá rộng rãi kinh Pháp Hoa (xem Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm 14 - Tùng Địa Dõng Xuất 從地踴出)
(2) Chữ dùng của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo.
(3) Đất tâm: tâm địa. Từ Mảnh Đất Tâm, tựa một tác phẩm của Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang; ý nói tất cả Phật pháp hay Thế gian pháp đều từ đất tâm này mà sinh ra; hay nói cách khác: “Vạn pháp duy thức.”