Nguyễn Thế Vinh, nghệ sĩ khuyết tật đầy tài năng. Photo Hong Son/vnnetTiếng đàn ngọt ngào với nhạc phẩm Lặng Lẽ Nơi Này của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được tấu lên dưới những ngón tay tuyệt vời một của nghệ sĩ đàn tây ban cầm.
Và nếu chẳng khi nào thấy một người trên sân khấu với cánh tay phải cụt gần sát vai, dùng năm ngón tay của bàn tay trái để vừa đàn guitar vừa thổi harmonica một cách say sưa và điêu luyện, hẳn quí vị hiểu sự khổ công luyện tập như thế nào. Người nghệ sĩ ấy khiến mọi người xúc động khi ngồi đàn trên sân khấu của Ngọc Trong Tim, một nhóm từ thiện dành cho nghệ sĩ khuyết tật ở Hoa Kỳ, đã mời anh qua lưu diễn tại Nam và Bắc California cũng như tại Florida tháng Tám vừa qua.
Chưa hết, Thanh Trúc tin quí vị sẽ cảm kích nhiều lắm khi biết người nghệ sĩ tàn tật này đã sáng lập một trường đào tạo và luyện thi cho học sinh mồ côi và khuyết tật vào đại học với khả năng thi đỗ 100% .
Một bài học về lòng kiên trìĐó là Nguyễn Thế Vinh, mà cha chết trong chiến tranh khi em được 4 tuổi, mẹ mất ba năm sau đó, bỏ Vinh lại với bà ngoại:
Trước 75 gia đình em sống ở Phan Thiết, sau 75 gia đình thuộc diện kinh tế mới, lúc đó nhà em xin được về lại quê nội ở Bắc Bình, Bình Thuận, bắt đầu sống cuộc đời làm nông làm rẫy.
Năm lên tám, Vinh bị té gãy cánh tay phải trong trong một lần đi chăn bò mướn. Vì nhà nghèo, không có tiền đi bệnh viện nên phải băng thuốc Nam. Hậu quả là cánh tay gãy bị hoại tử và đành phải cắt bỏ, chỉ còn một khúc khoảng một tấc dính vào vai.
Tám tuổi là năm 78, lúc đó đã về quê nội rồi.Học hết Lớp 12 em thi vô đại học và em đã đậu Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn. Nhưng trong quá trình học thì thằng em ở ngoài quê lúc đó học xong Lớp Chín, năm thứ hai em đem nó vô Sài Gòn để em có điều kiện dạy nó được tốt hơn. Em đi làm kiếm tiền để hai anh em sống, em đi vá xe đạp ở lề đường rồi có khi đi giữ xe đêm ở chung cư, rồi có khi em đi dạy kèm.
Vì cần toàn thời gian đi làm để kiếm tiền nuôi em cũng như cho mình có thể tiếp tục học, Nguyễn Thế Vinh xin được nghĩ năm thứ hai. Đó là lý do anh tốt nghiệp sau thời gian năm năm thay vì bốn năm như bình thường:
Năm 94 em mới tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế và người em cũng vô được Đại Học Kinh Tế luôn.
Quá trình học tập của Vinh là vừa đi học vừa đi làm, còn quá trình tự rèn luyện để chơi được guitar và harmonica, một khả năng giúp ích rất nhiều cho công việc của anh sau này, cũng là một giai đoạn gian nan vất vả không kém. Hồi tưởng lại những ngày ở Bình Thuận, khi mà tâm hồn cậu bé mồ côi luôn cảm thấy buồn bã, cô đơn, Vinh kể tiếp:
Anh Nguyễn Thế Vinh biểu diễn ở Morioka, Nhật Bản năm 2011. www.huongduong.eduNăm Lớp Sáu, 12 tuổi, em có người cậu đi học tập cải tạo về, mang theo một cây đàn về. Những đêm trăng sáng cậu hay đem đàn ra ngoài sân trước nhà để đàn và hát. Lúc đó em thấy rất là mê mà không biết làm sao đàn được.
Đầu tiên em thử cột cái que hương, là chân nhang đã đốt rồi, cột vô phần cùi còn lại để gảy, còn tay trái thì bấm. Nhưng mà cái tay cùi ngắn quá nên gảy bị sai dây và không đàn được. Sau đó em mới kẹp cái phiếm vô chân phải và em gảy bằng chân. Chân đưa lên đưa xuống nặng nề quá rồi cũng không thể nào đánh đàn được.
Phải đến ba năm sau, lúc học lớp Chín, em chợt nghĩa ra là tại sao mình còn năm ngoán tay mà mình không thử bấm một hai ngón gì đó rồi mình gảy một ngón.
Vinh mê mãi kiên trì tập luyện, trầy trật và khó khăn có lúc nhỏ máu cả năm đầu ngón tay cho đến lúc có thể sử dụng cả năm ngón:
Thiệt sự mà nói đánh đàn như vậy thì người hai tay không biết cách nào để chỉ cho em hết, hoàn toàn là em phải suy nghĩ làm sao cho nó phù hợp để mình có thể đàn được thôi, nhạc lý thì em cũng tự học sách luôn. Đến ba năm Cấp Ba em đã đàn được những giai điệu đơn lẻ. Bắt đầu chuyển sang hợp âm thì cũng là một bước rất dài. Cả năm sau thì em mới có khả năng vừa gảy một ngón vừa chuyển các ngón kia tới cái vị trí của hợp âm mới một cách tức thì luôn. Hai lý do để em đàn được vì cây đàn guitar là người bạn gần gũi với mình. Cái thứ hai là em rất thích làm những chuyện khó và chinh phục được chuyện đó thi em cảm thấy hạnh phúc.
Không chỉ luyện tây ban cầm, Vinh còn tự học harmonica từ người bạn cùng trường cho tới khi có thể kết hợp hai nhạc cụ cùng một lúc:
Lúc đó thì em học theo bằng cái sự cảm âm của mình thôi, trên cây ghi ta thì em biết được nguyên tắc của 6 dây và tính nốt, em mới lấy từ cây guitar so sánh cái đồng âm của cây kèn harmonica rồi ghi nốt lại trên cây kèn.
Khi vô đại học thì em lại muốn làm sao cùng một lúc có thể hòa được hai âm thanh đó với nhau. Em đi làm một cái giá để cây kèn và gắn nó lên cây đàn luôn rồi bắt đầu tập vừa thổi kèn vừa đánh đàn. Cái khó là khi tập trung vô cái kèn thì cái tay nó quên, còn khi tập trung cái trí vô cái tay để đàn thì nó quên cái miệng. Do đó em phải tập từng nốt một, miệng thổi một nốt thì tay đánh một nốt, từng nốt một đó bắt đầu ráp lại nhiều nốt xong mới ráp lại thành một bài. Cả một năm nữa em mới có kỷ năng hòa tấu hai nhạc cụ đó với nhau.
Sau này có duyên may em gặp được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 , ca sĩ như chị Ánh Tuyết, chú Nguyễn Ngọc Thạch là chủ bút báo Tia Sáng trước 75, dẫn dắt em đến với mọi người qua con đường âm nhạc. Đến năm 2004 là em bắt đầu lên sân khấu. May hơn nữa là em được các tổ chức ngoại quốc mời đi trình diễn nơi này nơi kia, để thấy mình được có một giá trị hữu ích nào đó trong cuộc đời này.
Lòng từ thiệnKhông dừng lại ở đó, Nguyễn Thế Vinh bắt đầu hướng đến mục tiêu khác mà anh hằng ấp ủ, Trường Mồ Côi Hướng Dương:
Sau khi tốt nghiệp đại học,đi làm, đi dạy, mỗi khi đi thăm những trại mồ côi thì em thấy lại hình ảnh của em ngày trước và em có một cái trăn trở là mình phải làm một cái gì đó cho các em nhỏ giống mình ngày trước với khả năng và với kinh nghiệm sống của mình.
Em đem chuyện nói với bạn bè là em muốn lập một trường nuôi dạy các em mồ côi cho nó học giỏi để vô đại học với một tương lai tốt hơn. May mắn là mọi người đồng tình với em và giúp em xây được Trường Mồ Côi Hướng Dương ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ngày 25 tháng Chín năm 2010 là em làm buổi lễ khánh thành và đến 25 tháng Chín năm nay là đúng ba năm.
Ba năm qua, Trường Mồ Côi Hướng Dương đã giúp đỡ cho 83 học sinh, đa số mồ côi, trong đó có 8 em khuyết tật như câm hay khiếm thị. Cũng trong ba năm qua, số học sinh của Trường Mồ Côi Hướng Dương đậu vào đại học là 43 em:
Bốn mươi ba thì trong đó 7 em Cao Đẳng, 36 em là Đại Học. Điều kiện là các em phải học được thì em mới dám nhận vô đây tại vì chương trình của em là giúp các em mồ côi và bị tật phải học hết đại học. Năm đầu tiên 16 em đi thi thì có 13 em vô Đại Học và 3 em vô Cao Đẳng . Năm thứ hai có 9 em đi thi, 7 em đậu Đại Học, 2 em đậu Cao Đẳng. Đầu tháng Bảy năm nay, 18 em đi thi thì có 16 em vào Đại Học và 2 em vào Cao Đẳng.
Đến với Trường Mồ Côi Hướng Dương do Nguyễn Thế Vinh sáng lập, học sinh được ăn ở tại trường. Ban ngày các em đi học trường ngoài, tức trường nhà nước như các trẻ bình thường cùng trang lứa. Thời gian còn lại trong ngày, học sinh của Hướng Dương được dạy kèm trong mục đích luyện thi đại học. Sinh hoạt tại Trường Mồ Côi Hướng Dương không khác mấy với một trường nội trú, điểu kiện duy nhất ở đây là phải chịu học và gắng học cho giỏi, Nguyễn Thế Vinh nhấn mạnh.
Hai năm đầu tiên, Vinh kể tiếp, anh là người đảm trách mọi việc, từ giám thị, quản lý, kế toán cho đến dạy học:
Đến năm thứ ba, những người tài trợ thấy em cực quá mới đề nghị kiếm thêm giáo viên và nhân viên, để chia việc bớt cho em để còn phát triển lâu dài hơn. Năm thứ ba tức năm vừa rồi em đã nhờ được năm thầy cô giáo, trong đó ba thầy cô có nhận lương, hai thầy cô dạy tình nguyện.
Thực tế, bên cạnh sự giúp đỡ và tiếp sức của những người giàu lòng hảo tâm trong nước, nguồn tài chính quan trọng của Trường Mồ Côi Hướng Dương đến từ Deutch Bank, một ngân hàng của Đức ở Sài Gòn mà Nguyễn Thế Vinh được người quen biết giới thiệu:
Từ năm 2009 thì lúc đó em đang chuẩn bị làm cái trường này, và thế là em mạnh dạn gởi hết những thông tin qua và bên Ngân Hàng đã giúp cho em một số tiền để chuẩn bị xin được giấy phép là em có tiền xây trường lên. Đó là cái duyên tại sao Ngân Hàng giúp cho em.
Được cái nữa là những tổ chức ngoại quốc khi người ta đã tin rồi thì người ta giúp một cách rất là tận tình. Đầu năm là em làm một bản dự toán dự trù kinh phí, cho năm nay bao nhiêu rồi tiền này tiền kia bao nhiêu, bên Ngân Hàng duyệt cái là chuyển thẳng tiền về cho tài khoản của trường luôn.
Nhưng nếu đòi hỏi một học sinh vào trường mồ côi Hướng Dương là phải chịu học và học cho giỏi thì yêu cầu đó liệu có cao quá hay không? Suy đi từ bản thân mình, anh Nguyễn Thế Vinh cả quyết:
Không phải đối với những em mồ côi lành lặn mà ngay cả những em mồ côi khuyết tật, em luôn luôn nói với các em rằng nếu muồn tìm một cuộc sống tốt đẹp, nhất là trong xã hội của Việt Nam hiện nay chưa đủ điều kiện để mà hỗ trợ cho những người bị tật, thì các em phải cố gắng học giỏi hơn, phải cố gắng có nhiều khả năng hơn người bình thường thì các em mới tìm được một cuộc sống tốt. Các em sống bằng năng lực của mình, đứng vững bằng khả năng của mình, và khi đứng vững rồi mình mới có điều kiện để giúp lại cho đàn em phía sau.
Phải tận dụng ngày hôm nay để xây dựng cho ngày mai, Nguyễn Thế Vinh tâm sự, nhất là ngày mai của những người khuyết tật, tương lai không chỉ quan trọng cho riêng bản thân mình mà còn cho anh em hay con cháu đồng cảnh ngộ:
Em lập cái trường này cái mục đích để tạo thành một chương trình chạy dài, để cho lớp trước giúp lớp sau và cứ thế các em sau này sẽ kế thừa em làm chuyện này.
Với thổ lộ của Nguyễn Thế Vinh, mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi xin được khép lại ở phút này.
Theo RFA