Hôm nay thứ Hai, 5/5, những giải thưởng Pulitzer được gọi tên, như một cơn mưa rào tưới tẩm lên bầu khí quyển cằn cỗi đang bị những vòi bạch tuộc từ Tòa Bạch Ốc hút cạn ô-xy. Cơn mưa làm dịu đi mặt đất đang sắp vỡ toang vì những nhát búa tạ giáng xuống từ một chính quyền không phải của người Mỹ. Từ mặt đất ấy, hoa trái đâm chổi nẩy lộc. Những mầm non hy vọng như đang rướn mình vươn lên khỏi mặt đất.
Về những giải thuộc hạng mục Truyền Thông (Journalist), loạt phóng sự “Life Of Mother” – Cuộc Đời Của Mẹ – gồm 15 bài của nhóm ký giả tờ báo độc lập ProPublica giành giải Public Service (Phục Vụ Cộng Đồng.) Life Of Mother là những bài phóng sự phơi bày sự nguy hiểm chết người của lệnh cấm phá thai dưới chính quyền Donald Trump. 15 bài gồm những câu chuyện trải dài khắp các tiểu bang ở Mỹ, đặc biệt ở những bang rực đỏ, nơi quyền sinh sản của người phụ nữ không do họ định đoạt, mà do chính quyền quyết định.
Giải Tường Trình Quốc Tế (National Reporting) thuộc về The Wall Street Journal, vinh danh các ký giả đã ghi lại sự thay đổi quan điểm chính trị sang hướng bảo thủ của tỷ phú giàu nhất thế giới, Elon Musk. Trong đó có cả việc Musk dùng các loại ma túy và các cuộc trò chuyện riêng tư của Musk với Tổng Thống Nga Vladimir Putin.
Giải Bình Luận (Commentary) thuộc về nhà thơ, tác giả Mosab Abu Toha, cộng tác viên của The New Yorker, cho các bài tiểu luận ông viết về sự tàn phá thể chất và tinh thần mà người Palestine phải chịu đựng ở Gaza. Những bài tiểu luận của Mosab Abu Toha kết hợp thực tế với cách viết nhẹ nhàng, thân thuộc của dạng hồi ký để kể lại những gì người Palestine đã trải qua trong hơn một năm rưỡi chiến tranh với Israel.
Chính Abu Toha, 32 tuổi, đã bị Israel bắt giữ năm 2023 tại một trạm kiểm soát khi anh cố gắng đưa vợ và ba đứa con nhỏ chạy trốn khỏi nhà ở Beit Lahia, phía Bắc Gaza.
Tác giả Abu Toha đã viết về cuộc vật lộn của các thành viên trong gia đình anh để tìm kiếm thức ăn ở Gaza, hòa lẫn trong ký ức về bữa ăn hàng ngày của gia đình trước khi chiến tranh diễn ra.
“Tôi khao khát được trở về Gaza, ngồi vào bàn trong bếp với mẹ và cha, pha trà cho các chị em của tôi. Tôi không cần ăn. Tôi chỉ muốn nhìn họ một lần nữa,” Abu Toha viết như thế.
Giải thưởng cho thể loại Tiểu Thuyết (Fiction) về tay nhà văn Percival Everett với tác phẩm James. Tiểu thuyết James là sự tái hiện nhân vật Huckleberry Finn trong tiểu thuyết Adventures of Huckleberry Finn của văn hào Mark Twain. Nhà văn Percival Everett kể lại góc nhìn của Jim, người bạn đồng hành của Huck bị bắt làm nô lệ trong chuyến du lịch mùa Hè. Trong James, Percival Everett đã trao cho nhân vật của Jim một tiếng nói mới, minh họa cho sự phi lý của chế độ chủng tộc thượng đẳng, mang đến một góc nhìn mới về hành trình tìm kiếm gia đình và tự do.
Giữa những tiếng tí tách “pitter-patter” của cơn mưa rào ấy, có một giai điệu ballad nhẹ nhàng vang lên giữa cơn mưa mùa Hạ đầu tháng 5. Ngày 3/1/2025, họa sĩ vẽ biếm họa Ann Telnaes, đã từ bỏ vị trí chủ biên ở Washington Post để phản đối ban biên tập Wapo, dưới sự lãnh đạo của ông chủ Amazon Jeff Bezos, từ chối đăng bức tranh biếm họa bà vẽ chế giễu những người đứng đầu truyền thông và công ty công nghệ đã chấp nhận cúi đầu trước Tổng thống Donald Trump.
Năm tháng sau, bà đoạt giải Pulitzer năm 2025 cho giải thưởng Tranh Vẽ Tường Trình và Bình Luận (Illustrated Reporting and Commentary.)
Pulitzer là giải thưởng danh giá vinh danh những thành tựu của người Mỹ trong lĩnh vực báo chí, sách, kịch và âm nhạc. Bà Marjorie Miller, đại diện cho Pulitzer Prizes 2025 đã nhấn mạnh khi công bố giải thưởng hôm thứ Hai, 5/5: “Những người vào chung kết và chiến thắng năm nay là tác giả của những tác phẩm dũng cảm có sức ảnh hưởng cũng như các tác giả và nhà biên soạn đã bảo vệ các giá trị của họ.”
Những giá trị đó mà bà Marjorie Miller muốn nhắc đến, chính là giá trị chân chính cốt lõi của một tác phẩm báo chí, văn học, hay nghệ thuật nói chung, được đặt dưới góc nhìn chung của xã hội đương thời. Nghệ thuật không thể tách rời xã hội. Nghệ thuật là tiếng nói bao dung của con người trong xã hội mà họ đang sống. Truyền thông báo chí, văn học nghệ thuật là tiếng nói vạch trần những góc sâu tăm tối nhất trong thời đại.
Giữa cơn ngổn ngang của đế chế độc tài đang sẵn sàng nuốt chửng nước Mỹ, một nét vẽ của họa sĩ biếm họa Ann Telnaes là bài tiếng nói ghi lại lịch sử một giai đoạn. Washington Post có thể từ chối đăng do sợ hãi, nhưng không đo lường nổi thước đo chuẩn mực trong cho tác phẩm của bà.
Giữa chiến tranh và chế độ diệt chủng vẫn đang kéo dài khắp Dải Gaza, gây ra bao thảm cảnh và chết chóc, một bài viết của Mosab Abu Toha là tiếng trống đánh thẳng vào lương tri nhân loại.
Khi quyền thiêng liêng của người phụ nữ vẫn bị kiểm soát, bị quyết định bởi chính quyền của quốc gia họ sống, thì một câu chuyện của ProPublica là một lát cắt phơi bày những tư tưởng bảo thủ, cổ hủ còn tồn tại trong thế kỷ 21.
Nước Mỹ vừa bước qua 100 ngày đầy những u ám và sợ hãi. Mỗi ngày trôi qua với từng sắc lệnh hành pháp như trôi ngược về thời kỳ phôi thai của loài người. Chiến tranh trên thế giới vẫn diễn ra. Sức mạnh quốc gia đánh đổi với thương vong của người dân vô tội. Trong lúc những con người có quyền lực chính trị và quyền lực đồng tiền thờ ơ với nỗi sợ hãi của người dân, quay lưng với thảm cảnh chiến tranh, thì “quyền lực mềm” lên tiếng. Họ không sợ hãi, không lùi bước. Như Ann Telnaes đã viết trong lá thư từ nhiệm: “Tôi sẽ không ngừng gìn giữ sức mạnh của sự thật thông qua các tác phẩm biếm họa của mình, bởi vì như người ta vẫn nói, ‘Nền dân chủ chết trong bóng tối.’”
Để đánh lùi bóng tối, để sống dưới ánh sáng của hệ mặt trời, con người cần có sự can đảm, tự do để hiểu rõ giá trị phẩm giá của chính mình. Nhưng ngược lại, lịch sử ngàn năm đã chứng minh, tự do chưa bao giờ miễn phí. Sinh mạng, tài sản, quyền lợi, những gì được cho là mục đích sống của con người, đều dùng để làm lộ phí để đi đến tự do. Mosab Abu Toha hoàn toàn có thể gặp nguy hiểm nếu ông quay trở về Gaza. Gia đình ông nơi đó. Căn bếp với bàn ăn đầm ấm với người thân ở đó. Ông đã đánh đổi để có tự do và đưa sự thật của chiến tranh đến với thế giới. Họa sĩ Ann Telnaes chấp nhận đánh đổi sự nghiệp ở một tờ báo lừng lẫy lâu đời nhất nước Mỹ để giữ đúng giá trị của mình. James của Percival Everett tái hiện vết thương nô lệ trong cộng đồng người Mỹ da đen. Những giải thưởng Pulitzer này là những tiếng nói từ sâu thẳm của một thế giới chưa bao giờ hoàn mỹ, một xã hội chưa bao giờ công bằng. Đặc biệt, giữa một thế sự đầy biến động trong chính quyền nước Mỹ hiện tại, sự can đảm và giá trị chân chính của nghệ thuật cần thiết hơn bao giờ hết.
Xin cảm ơn những người nghệ sĩ chân chính, những người cầm bút dũng cảm chống lại cái ác, không quỳ gối trước chế độ độc tài.
Kalynh Ngô