PHÓNG SỰ ĐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: NỮ VẬN ĐỘNG VIÊN PHẢI RA LỀ ĐƯỜNG KIẾM SỐNG Câu chuyện nữ vận động viên Nhữ Thị Khoa, người từng đoạt 10 huy chương vàng trong các kỳ đại hội thể thao thế giới dành cho người khuyết tật, nay phải mưu sinh bằng cách ra lề đường bán bánh mì, hoa quả để nuôi con nhỏ đang làm xã hội Việt Nam xúc động và nhìn lại cách mà chế độ CSVN sử dụng con người theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ lâu nay. Chị Nhữ Thị Khoa chỉ là một trường hợp, nhiều năm nay, báo chí Việt nam vẫn thỉnh thoảng nhắc đến chuyện các vận động viên lừng danh, sau khi đoạt giải thường bị quên lãng, thậm chí có người từng đoạt nhiều huy chương nhưng khi nghỉ thi đấu, vì được thương hại mà phân cho công việc lau chùi nhà vệ sinh ở sân thi đấu của tỉnh Thanh Hóa.
Cách sử dụng con người hết sức tàn nhẫn này của chế độ CSVN, khiến dư luận dấy lên một làn sóng chỉ trích về chuyện bạc đãi nhân tài, thậm chí là khi không còn cần nữa thì lập tức vứt ra ngoài xã hội. Quầy hàng lề đường của chị Khoa giờ đây trở nên nổi tiếng. Bất kỳ ai đi ngang đoạn đường Trần Xuân Soạn và Lò Đúc (ở Hà Nội) thì đều phải ngoái nhìn và xót thương cho một cuộc đời mà chế độ từng tâng bốc và ca ngợi khi chị đem lại nhiều niềm kiêu hãnh cho người Việt Nam. Chị Khoa cho biết năm 2005, dành dụm sau cả chục năm bán bánh mì và tiền thưởng từ những lần thi đấu, chị Khoa mua được miếng đất, cất một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô. Không có một sự trợ giúp nào từ chính quyền, ngay cả khi chị là một người khuyết tật, chị Nhữ Thị Khoa phải nghĩ đến chuyện bày hàng ở lề đường mưu sinh, nuôi con.
Đôi khi, vì thiếu người tham dự các cuộc thi ParaGames, tên gọi của thế vận dành cho người khuyết tật, người của Nhà nước vẫn tìm đến mời chị đi thi dùm, nhưng có lẽ đã quá chán ngán cách vắt chanh bỏ vỏ của chế độ, chị Nhữ Thị Khoa từ chối và nói rằng mình phải dành thời gian để nuôi con. Trong khi ở các quốc gia khác, vận động viên là những người luôn được quan tâm thì ở Việt Nam, chuyện cống hiến đời mình cho thể thao, bị tai nạn hay rồi bị lãng quên sau đó, là chuyện không ít. Người ta cũng hay nhắc về trước hợp của của nữ lực sĩ Lê Thị Huệ trong môn đô vật, khi bị chấn thương đã tàn phế và bị lãng quên một cách đáng thương trong nghèo khổ, dù trước đó, cô cũng được Nhà nước săn đón và ca ngợi không ngớt. Có lẽ do chính cách ứng xử tàn tệ với con người mà thể thao Việt Nam chưa bao giờ có một vị trí xứng đáng trong mọi bảng thành tích thể thao thế giới.
SBTN