Sáng Thế Ký của Cựu Ước Kitô giáo kể rằng thủy tổ của loài người là Adam và Eva vì không nghe lời
dặn của Thiên Chúa nên đã ăn trái cấm. Khi Thiên Chúa biết được, ngài đã nổi giận và đuổi hai người ra
khỏi vườn địa đàng cùng với lời nguyền rủa rằng từ đây họ sẽ không còn được hưởng cuộc sống sung
sướng như trước mà phải chịu nhiều đau khổ, người đàn ông phải làm lụng cực nhọc đổ mồ hôi để
kiếm miếng ăn, người phụ nữ phải đau đớn khi sinh con. Vậy thì, với người theo Kitô giáo, sự đau khổ
của con người đã có từ thuở khai thiên lập địa.
Đức Phật Thích Ca cũng có nói “Đời là bể khổ” và coi cuộc đời ở thế gian như một cái nghiệp. Biết thế
nên Ngài đã từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý, đi tìm đạo cứu rỗi cho chúng sinh, khuyên nhủ con
người hãy tu thân dưỡng tính để thoát nghiệp. Thế nhưng, đã hơn hai ngàn năm qua, dường như người
ta vẫn chưa chịu nghe theo lời khuyên ấy nên khổ đau của nhân loại vẫn trùng điệp khắp chốn.
Kìa hãy nhìn cuộc nội chiến tại xứ Syria kéo dài đã gần ba năm với hơn 100.000 người chết mà chưa
biết khi nào rồi sẽ kết thúc. Rồi thì Afghanistan, Iraq, Ai Cập, bạo loạn vẫn cứ tiếp tục xảy ra tại những
nơi này và mất mát tiếp tục đổ lên đầu những người dân vô tội. Đấy là những quốc gia với đầy bất ổn,
nhưng ở những quốc gia ổn định cũng đâu tránh khỏi đau khổ: một trái bom nổ ngay giữa lòng thành phố
Boston gây biết bao kinh hoàng mặc dù số người thiệt mạng không cao; một chiếc xe lửa phát nổ hay
chạy trật đường ray như tại Canada và Tây Ban Nha làm chết mấy chục mạng người, gây ra biết bao mất
mát cho nhiều gia đình.
Nhưng con người đâu chỉ phải chịu đựng những khổ đau do chính con người gây ra mà còn phải hứng
chịu những thiên tai bất thình lình đổ xuống không thể tránh được. Một cơn bão lốc xẹt ngang qua tiểu
bang Oklahoma cũng đủ san bằng cả một thị trấn; một cơn sóng thần tràn vào bờ biển nước Nhật cuốn
trôi đi mấy vạn nhân mạng, làm tan hoang cả một vùng rộng lớn, gây biết bao nhiêu thiệt hại mà có lẽ
phải mất một hai thập niên mới xây dựng lại được; một cơn động đất ở Haitii lấy đi mấy ngàn nhân mạng
và làm cả triệu người khác lâm cảnh màn trời chiếu đất.
Và còn biết bao nhiêu những khổ đau khác mà loài người đã phải gánh chịu bao lâu nay và chắc rằng
trong tương lai sẽ còn nhiều những khổ đau khác nữa sẽ tới như một thứ định mệnh bám riết lấy cuộc
sống của con người. Thế thì ta tự hỏi là rồi có khi nào những khổ đau sẽ giảm bớt đi hay không và ta tìm
được ý nghĩa hay thông điệp gì trong những khổ đau ấy?
Sống ở trên đời, ta không mong gì hơn là có một cuộc sống êm ả, bình thản, không sóng gió. Nhưng sự
thật thì không được như vậy. Đã sống ở trên đời là phải có lúc chịu khổ đau, hay nói cách khác khổ đau
chính là một phần của đời sống. Ta có thể thấy khổ đau có mặt ở khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống và
luôn luôn song hành cùng với cuộc sống của mỗi cá nhân. Ngoại trừ những đứa trẻ chết ngay sau khi
mới sanh ra, một cái chết thật nhanh và không đau đớn, còn thì hầu như đã là một người sống trên cõi
đời này một thời gian đủ lâu, ít ra cũng đã một vài lần chúng ta phải chạm mặt với những khổ đau mà
cuộc đời mang lại.
Có người đã phân chia khổ đau thành hai loại: khổ đau tinh thần và khổ đau thể xác. Ở loại khổ đau về
tinh thần, ta có thể tìm thấy chúng ở dưới dạng trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, không vừa ý, cô đơn, mất mát,
đau buồn, ly tán, túng quẫn, bị bỏ rơi, thất bại, tuyệt vọng, căng thẳng, chán nản v.v… Mà những điều
trên được đo lường ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng dù ở mức độ nào thì chúng cũng tạo ra những
đớn đau tinh thần cho con người. Còn khổ đau về thể xác, cũng tùy thuộc ở mức độ, một vài khái niệm
về một số trường hợp gây ra những đau đớn thể xác: bệnh hoạn, đói khổ, thời tiết quá nóng hay quá
lạnh, thương tích, tật nguyền v.v…
Vì sao con người chịu quá nhiều những khổ đau như vậy? Đó là một trong những câu hỏi lớn về cuộc
đời vẫn thường xuyên được nêu lên, và quả thật cho đến nay vẫn chưa có ai tìm ra được lời giải thích
cho thỏa đáng. Có hàng triệu con người trên thế giới mỗi ngày vẫn cứ phải chịu đựng những khổ đau ấy
hết sức vô lý. Chúng ta khó có thể tìm ra một người nào đang sống trên cõi đời này mà chưa từng phải
đối mặt với bất cứ hình thức hoặc là đau khổ về thể xác hoặc về tinh thần.
Vì đời sống là một tiến trình không ngưng nghỉ của sự mở rộng tầm nhận thức của chúng ta, thế nên cái
hướng mà cuộc đời đưa chúng ta đi tới luôn đặt cơ sở trên những gì chúng ta mong muốn được biết
hoặc được tìm hiểu. Thế nên, khổ đau trong cuộc đời có thể hiểu một cách đơn giản là một phần của
tiến trình đưa chúng ta tới những hiểu biết mới mẻ đó.
Theo tác giả Pico Iyer, hiện đang sống tại Nhật, viết trên tờ The New York Times, kể rằng khi trận sóng
thần xảy ra tại khu vực bắc Tokyo đã cuốn đi cả chục ngàn nhân mạng, nhưng điều hết sức lạ lùng mà
ông nhận thấy là những người dân sống ở mãi tận California lại bị dao động và hoảng sợ hơn là những
người dân tại Kyoto, cách Tokyo không xa. Ông cho rằng có lẽ vì người dân Nhật được thấm nhuần lý lẽ
của đạo Phật nên họ rất bình tĩnh, coi đời sống chỉ là vô thường, không có điều gì là vĩnh cửu, tất cả chỉ
là tạm thời, mất đó rồi lại có đó. Những người hàng xóm của ông không phải là những triết gia, họ chỉ là
những con người rất bình thường, nhưng nhìn vào nếp sinh hoạt trong cuộc sống người dân Nhật – khi
mùa thu đến, người dân Nhật khắp nước thường tổ chức những lễ lạc để ngắm nhìn và chiêm ngưỡng
những chiếc lá đổi màu rồi lìa cành, lìa cành nhưng không hẳn biến mất vào hư vô mà là trở về với cội
nguồn; mùa xuân đến thì họ đón xuân bằng màu sắc rực rỡ huy hoàng của những chùm hoa anh đào
đến rồi đi thật vội vàng – thì ông hiểu ra rằng, đối với dân tộc Nhật Bản, cuộc đời rất phù du. Họ được
sống trong nền văn hóa tập cho họ cách thức sống biết phải làm gì trong hoàn cảnh chia lìa và biết sắp
xếp niềm vui và vẻ đẹp của đời sống trong chừng mực. Châm ngôn của người dân Nhật là hãy cố gắng
hết mình và chịu đựng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma được nhiều người xem như là một trong những vĩ nhân của thời đại chúng ta và là
biểu tượng của hòa bình thế giới. Nhưng cuộc đời của ngài cũng phải gánh chịu nhiều khổ đau. Lúc mới
23 tuổi đã bị buộc phải rời khỏi quê hương Tây Tạng đi lưu vong để tránh cho người dân Tây Tạng khỏi
những cuộc tàn sát do xung đột với quân đội Trung Cộng. Phải bỏ lại sau lưng bạn bè, gia đình, quê
hương và chưa một lần được trở lại sau hơn nửa thế kỷ. Chỉ hai ngày sau khi bỏ trốn, những người bạn
của ngài đã bị tàn sát. Nhưng ngài đã cố gắng xem những mất mát đó như là cơ hội và có những thay
đổi trong cuộc sống lưu vong, vì nếu ở lại, cuộc đời của ngài có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Với quan điểm của một Phật tử, ngài xem những khổ đau vô bờ bến mà ngài đã phải gánh chịu như là
nghiệp chướng từ kiếp trước. Có lẽ vì hiểu được ý nghĩa của sự khổ đau trong cuộc sống nên lòng yêu
thương của ngài rộng mở đối với mọi người.
Sau 1975, như nhiều sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đã bị đày đọa nơi các trại tù Cộng sản, nhà thơ Tô
Thùy Yên, sau mười năm tù tội, khi được thả về đã viết nên bài thơ Ta về, đây có lẽ là bài thơ nhân bản
nhất không chỉ trong thi ca Việt Nam mà luôn cả thế giới. Trong đó, người đọc không thấy một lời oán
thán mặc dù mười năm bị đọa đày từ người biến thành thú như ông đã kể lại:
vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
mười năm mặt sạm soi khe nước
ta hóa thân thành vượn cổ sơ
Thế mà, ông vẫn mang ơn cuộc đời, vẫn còn tìm thấy chút niềm vui trong cuộc sống, dù nhỏ nhoi, từ
một cánh hoa dại ven đường, từ hơi ẩm của đất, từ nắng ấm dưới bầu trời:
ta về cúi mái đầu sương điểm
nghe nặng từ tâm lượng đất trời
cám ơn hoa đã vì ta nở
thế giới vui từ mỗi lẻ loi
Và nhất là biết tha thứ, cho dù đó là kẻ thù đã trù dập ông không thương tiếc. Thôi thì được trở về với
nguồn cội của mình, nghĩa là được trở lại làm một con người hẳn hoi, dù nay đã khác xưa, cuộc đời thì
tan tác, những người thân quen đã ly tán mỗi người một nơi, nhưng thế nào thì vẫn còn tấm thân này để
xin được quên đi những nghiệt oan, cho khổ đau được siêu thoát:
ta về như lá rơi về cội
bếp lửa nhân quần ấm tối nay
chút rượu hồng đây xin rưới xuống
giải oan cho cuộc biển dâu này
Chắc hẳn chúng ta không có được tấm lòng độ lượng như nhà thơ, mà chúng ta cũng không có lòng
nhân ái như Đức Đạt Lai Lạt Ma, và có lẽ chúng ta cũng chưa nhìn đời với lẽ vô thường như dân tộc
Nhật Bản, nhưng không vì thế mà chúng ta không học được chút kinh nghiệm sống của họ để có thể hỉ
xả với những khổ đau mà cuộc đời mang lại. Hỉ xả được nghĩa là chúng ta tự giảm bớt khổ đau cho
chính mình vậy.
Huy Lâm