Nếu ai có dịp qua Ba Lan, cách trung tâm thủ đô Warsaw khoảng 10 phút đi xe, tới đoạn đường Zelazna cắt đường Chlodna, sẽ gặp nhà hàng “Con Heo Ðỏ” (Pod Cerwonym Wieprzem).
Ðây là một nhà hàng khá nổi tiếng ở Warsaw, thuộc hạng trung, giá món ăn chính từ $15-$22, có bán các loại bia và rượu.
Vào các buổi chiều tối, không nhất thiết cuối tuần, nếu không đặt trước thường không có chỗ. Nhà hàng mở đến vị khách cuối cùng, nhưng thông thường đóng cửa vào lúc 12 giờ đêm.
Thực khách vào đấy có thể ngồi trong phòng lớn để ăn nói ồn ào, nhưng cũng có thể kín đáo tâm tình trong những phòng riêng biệt, thích ứng với các cuộc hò hẹn cho giới kinh doanh.
Những nhân vật nổi tiếng đã tới nhà hàng có thể kể đến Lennox Lewis (vô địch thế giới quyền Anh của WBA,WBC và IBF), Bruce Willis (ngôi sao Hollywood) hay cựu tổng thống Ba Lan A. Kwasniewski (1995-2005).
Ngay ở cửa ra vào, sẽ có một cô gái ăn mặc quân phục màu đỏ tiếp đón, giới thiệu và hướng dẫn bàn ngồi hay gửi quần áo khoác (nếu vào mùa Ðông).
Không khí của nhà hàng vui nhộn, ấm cúng và thân thiện nhờ thái độ phục vụ lúc nào cũng niềm nở và tận tình của các cô tiếp viên trẻ đẹp. Nhưng ấn tượng hơn là cách thiết kế và bài trí các đồ vật.
Ở phòng ăn lớn có một bức tranh sơn dầu choán gần hết phần tường, mô tả bữa tiệc, trong đó Eward Gierek (tổng bí thư đảng Cộng Sản Ba Lan giai đoạn 1970-1980) ngồi với Leonid Brezhnev (tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô), bên cạnh là Erich Honeker (tổng bí thư đảng Công Nhân Thống Nhất Ðức) và một số nhân vật cộng sản khác.
Trong những phòng ăn riêng chân dung của các nhà lãnh đạo cộng sản khác như Eward Gierek, Fidel Castro, Erich Honecker... được đặt trong khung kính và treo trang trọng.
Chúng ta có thể thấy cả những tấm huân chương, huy chương thời cộng sản được đặt trong một khung hình khác treo trên tường.
Thực khách có thể chọn từ thực đơn những món ăn với tên gọi ngộ nghĩnh như Chân Giò Erich, Bánh Kadar (họ của tổng bí thư đảng Cộng Sản Hungary), Salad Gomulka (họ của tổng bí thư đảng Cộng Sản Ba Lan, giai đoạn 1945-1970), Salad Todor Zhivkov (họ của Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Bulgaria), Gà Mao hay Bánh Bao Brezhnev.
Cũng có thể thưởng thức món Volodya (tên gọi thân mật của Lenin) gồm cá hồi hun khói, kem chua và trứng cá đỏ muối được Lenin ưa thích, làm theo công thức của vợ là Nadezhda Krupskaya.
Tóm lại tờ thực đơn với các món ăn phong phú được đặt tên của rất nhiều nhà lãnh đạo cộng sản. Ðiều này kích thích thị hiếu tò mò, gây liệu pháp sốc mang tính trào phúng, hài hước. Những bức tranh gợi lại ký ức một thời cộng sản xa xưa, dường như rất khó quên trong tâm lý của người Ba Lan, mặc dù nó đã sụp đổ từ năm 1989.
Vào năm 1997, hiến pháp mới của Ba Lan dân chủ ra đời, cấm tuyên truyền, hoạt động đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Phổ biến biểu tượng búa liềm nơi công cộng là phạm pháp.
Mặc dù như thế, thực khách cũng như nhà chức trách không hề xem cách trình bày, trang trí nghiêm túc của nhà hàng “Con Lợn Ðỏ” là một hình thức tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Trái lại chỉ là sự sáng tạo nghệ thuật, giải trí, chẳng có tác động gì ảnh hưởng gì tới “an ninh và chính trị”. Người ta xem nó như một trò chơi, mua vui.
Ở trong một đất nước tự do và dân chủ, con người thực sự được phát huy các sáng kiến và ý tưởng lạ trong mọi lĩnh vực.
Ở Hà Nội, Việt Nam, có chuỗi quán “Cà phê Cộng”, quán đầu tiên ở số 152D Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng, được mô tả “với một không gian không rộng lắm, nhưng vẫn đủ mang lại cho bạn sự thoải mái”.
“Cộng là sự hoài niệm về một Việt Nam chiến tranh năm nào với ghế vải dù, hay hoa văn của những chiếc chăn Tàu sặc sỡ. Bạn ngồi nhâm nhi ngụm cà phê (được pha khá chuẩn, thơm nồng), và có rất nhiều cái để ngắm: những bức ảnh lịch sử, mô hình máy bay, những dây điện được mắc cách tường bằng những quả sứ nhỏ xíu... Tất cả, hết sức giản dị mà sinh động. Những ấn tượng ấy, giúp cho chúng ta nhớ mãi về một thời chiến đấu kiên cường và hào hùng của các thế hệ cha ông” (ghiencaphe.com)..
Bài “Hương vị xưa rất tinh nghịch tại Cộng cà phê” của tờ Bưu Ðiện Việt Nam viết:
“Bước chân vào quán cà phê, bạn sẽ ấn tượng ngay với không gian xưa cũ của quán, nhưng cũng toát lên vẻ trẻ trung rất xì tin, chẳng thế mà các teen sành điệu Hà thành rất thích chọn Cộng cà phê làm điểm hẹn tán gẫu”.
“Quán bé như bao diêm, thêm một phần gác khá nhỏ ngồi bệt bên trên. Bức tường để mộc, sơn vôi trắng với đường vân gồ ghề, sàn nhà ốp gỗ mộc, bộ bàn ghế nâu trầm cũ kỹ. Trang điểm cho quán là những đồ vật hết sức đơn sơ nhưng rất ấn tượng, nào là mô hình máy bay, những cuộn chỉ cắm trên tường, những con ốc vít điện từ ngày xửa ngày xưa... Tất cả tựa như một bức tranh sắp đặt đậm chất teen tinh nghịch”.
Theo bài “Nhật kí: Cà phê đậm đà lịch sử”, “quán có treo nhiều bức ảnh đen trắng từ thời còn chiến tranh, những bức ảnh chính trị khá vui mắt, chính điều đó làm tôi cảm thấy không bí bách với chính trị và không khí ở đây. Hơn nữa, trên tường còn gắn thêm độ chục cuộn chỉ may, trên bàn bar còn decor thêm mấy gói gì đó khó mà đặt tên dán mác Cộng cà phê làm tôi vô cùng thích thú” (h3qvn.com).
Trong phần giới thiệu “Cà phê Cộng” có đoạn:
“Quán Cộng lúc nào cũng đông mặc dù diện tích chỉ khoảng 20 m2 cộng một gác lửng. Nếu bạn thả bộ trong khu phố cà phê Triệu Việt Vương thì sự khác biệt mà Cộng có được là ánh sáng vàng ấm cúng qua một khung cửa gỗ - một thứ ánh sáng của đèn sợi đốt yếu ớt của thời kỳ bao cấp. Không gian quán nhỏ nhắn, ấm cúng với những vật dụng nhiều kỷ niệm. Cái tên Cộng cũng chính là từ ý tưởng “gom góp yêu thương quê nhà”. Mọi thứ từ dây điện, áp phích cổ động thời “Cánh đồng năm tấn”, “Họp chi bộ”, chao đèn sắt Liên Xô cho đến từng cuốn menu, ca sắt tráng men đều là những món đồ quen trong những gia đình năm 1970 - 1980. Không gian như một lớp học nhỏ với vài dãy bàn học sinh và ghế ngồi rất nghịch ngợm của cái bọn “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”.
Ca sĩ Linh Dung, chủ quán, một cô gái Hà Nội lớn lên trong thời kỳ bao cấp khó khăn, tạo dựng quán “Cà phê Cộng” với cảm hứng từ quá khứ, của một thời mà cuộc sống khó khăn trôi qua chậm rãi, nhưng vô cùng sinh động...
Ngoài ra, trong “Cà phê Cộng” có vài thứ biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản được bày biện, tạo thêm ấn tượng. Ví dụ như bìa của cuốn “Lenin toàn tập” được dùng làm thực đơn trong đó thức uống được viết nguệch ngoạc bằng bút dạ. Câu nói của Lenin “Học, học nữa học mãi” được sửa thành một khẩu hiệu trong quán “Cộng, Cộng nữa, Cộng mãi”...
Cũng có bức tranh trào phúng, trên đó các lãnh tụ cộng sản, từ người sáng tạo ra học thuyết Karl Marx, đến người áp dụng nó vào thực tiễn Lenin, Stalin và những hậu duệ thực hiện nó trong hoàn cảnh thực tế như Mao hay Fidel Castro, đầu đội những chiếc mũ trang trí tung hô, có vẻ như sau một bữa tiệc.
Có lẽ vì hai đề tài cuối cùng mà Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội đã phối hợp với công an (PA83) kiểm tra xử lý chuỗi quán này. Tờ Ðất Việt phê phán quán này dám dùng sách của Lenin để làm thực đơn vì đây là “tác phẩm giá trị về tư tưởng, lý luận chính trị”, “thiếu tôn trọng một tài sản trí thức trên toàn thế giới”. Ông Tô Văn Ðộng, giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội thì khẳng định “phải xử lý quyết liệt”, vì “liên quan tới cả vấn đề an ninh và chính trị”.
Mổ con muỗi đã phải dùng tới dao phay. Một cách nhìn hẹp hòi, thiển cận, nhà quê của các nhà kiểm duyệt văn hóa Việt Nam.
Các đồ vật thuần túy chỉ gây nên một cảm tưởng tinh nghịch, thoảng chút hài hước, pha chút chế diễu, một ý tưởng rất hay trong thiết kế, trang trí hiện đại, chẳng có chút gì liên quan gì đến “an ninh và chính trị”.
Thực khách cũng chẳng màng tới ý nghĩa chính trị của chúng. Trong thực tế, “Lenin toàn tập” không phải một “tài sản trí thức” mà chỉ là tập hợp các lý luận của bạo lực chuyên chính vô sản và siêu thực, đã bị bỏ vào thùng rác lịch sử từ khi hệ thống cộng sản tại Châu Âu sụp đổ. Chỉ còn Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn cố bám víu. Nhưng ở Việt Nam, kể từ lúc “mở cửa”, nhiều thành phần kinh tế, công cụ sản xuất thuộc sở hữu của các ông chủ xanh, chủ đỏ, “Lenin toàn tập” đã không còn thực tế. Tôi cũng tin chắc rằng, trong hơn 3 triệu đảng viên, có khi chưa tới 1% số người đã đọc nó!
“Cà phê Cộng” hôm nay sau đợt chinh phạt của bộ máy kiểm duyệt đã mất đi một cái gì đó. Vẫn khung cảnh cũ, nhưng không còn thực đơn “Lenin toàn tập”, bức tranh tinh nghịch, câu khẩu hiệu “cộng, cộng nữa, cộng mãi”... Một số bức ảnh thời bao cấp, thời chiến tranh cũng đã bị gỡ mất...
Theo báo Người Việt