Tuần qua, một thẩm phán tại Anh đã ra phán quyết rằng một bị can Hồi Giáo nữ phải gỡ bỏ mạng che mặt khi ra trước tòa - tuy rằng có thể đứng đằng sau một bình phong khiến cho chỉ có quan tòa, bồi thẩm đoàn và luật sư hai bên là có thể thấy mặt bà.
Phán quyết này tạo ra một đợt tranh cãi về những hàm ý của nó với việc các xã hội Châu Âu hiện nay đang phải vật lộn với vấn đề còn chưa giải quyết làm sao hội nhập những thiểu số Hồi Giáo vào trong xã hội, cũng như những vấn đề có tính cách siêu hình hơn như quan hệ giữa bản thể (identity) và đức tin (faith), giữa tự do và khoan dung (tolerance).
Nhưng đối với những người Hồi Giáo thì đó là một bằng chứng của sự không chấp nhận của xã hội phương Tây đối với họ. Salma Yaqoob, một người Hồi Giáo và cựu hội viên hội đồng tỉnh thành phố Birmingham đã trả lời câu hỏi của phóng viên nhật báo Guardian bằng một câu hỏi khác: “Phải chăng đó là vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải đối phó tại Anh vào lúc này?”
Và đó là một vấn đề không chịu đi vào quên lãng. Bốn ngày sau phán quyết của tòa án, có tin rằng 17 bệnh viện trong hệ thống y tế quốc gia (NHS) của Anh đã ra lệnh cho những nhân viên Hồi Giáo của họ phải gỡ bỏ mạng che mặt khi tiếp xúc với những bệnh nhân. Và câu hỏi được đặt ra rằng những ồn ào chung quanh vấn đề này không phải thuần túy chung quanh bộ quần áo “niqab”, một bộ quần áo che từ đầu đến chân người phụ nữ, như là biểu tượng của sự sùng đạo, mà coi nó như là một biểu tượng của một cảm giác khác biệt sâu đậm giữa xã hội Châu Âu và Hồi Giáo vốn còn bị làm trở thành sắc cạnh hơn bởi nhiều năm nội chiến tại những nước Hồi Giáo mà đã lan đến tận cả nước Anh.
Các cuộc tranh cãi này không có gì mới. Năm 2006 vấn đề bộ “niqab” này đã được đặt ra trong trường hợp cô Aishah Azmi, một phụ giáo bị đuổi việc vì đã từ chối không chịu bỏ mạng che mặt khi dạy học.
Vào lúc đó, một năm sau sự kiện ngày 7 tháng 7, 2005, khi bốn tên đánh bom tự sát Hồi Giáo cho nổ bom tại hệ thống chuyên chở công cộng Luân Ðôn làm chết 52 ngươi, người Anh đang ở trong một tình trạng bị sốc. Thủ tướng Anh lúc đó, ông Tony Blair, gọi tấm mạng che mặt là “một dấu hiệu của sự tách rời,” đi ngược lại những cố gắng của một xã hội mà trong nhiều chục năm cố gắng đặt sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo ưu tiên hơn là việc bắt buộc hội nhập.
Bầu không khí của cuộc tranh luận lần này có vẻ nguội hơn, nhưng có những dấu hiệu rằng nó có thể bùng lên nóng hơn.
Dân số Hồi Giáo tại Anh nay cao hơn một cách đáng kể - tăng từ 1.6 triệu hay 3% dân số Anh vào năm 2001 lên tới 2.8 triệu vào lúc này, một gia tăng khiến nước Anh trở thành nước có một thiểu số Hồi Giáo nhiều thứ ba tại Châu Âu sau Pháp và Ðức.
Trong lúc số người đi lễ tại các tông phái Thiên Chúa giáo truyền thống càng ngày càng đi xuống, số người đi lễ đền thờ Hồi Giáo lại gia tăng. Xã hội Anh đang thay đổi, đưa ra những thách thức mới, nhưng đồng thời cũng tạo ra cho những người Hồi Giáo một thái độ quả quyết hơn làm khó chịu nhiều người vốn chờ đợi một mức độ nhũn nhặn nào đó từ phía các người thiểu số.
Nhật báo Telegraph viết trong một bài xã luận rằng, “Anh quốc tự hào có một truyền thống là hoan nghênh những nhóm thiểu số tôn giáo, cho họ nơi tỵ nạn tránh khỏi những áp chế và một nơi mà họ có thể tự do thực hiện đức tin của họ.
Nhưng một lý do tại sao xã hội chúng ta lại có thể vừa đa dạng vừa tương đối yên lành là vì chúng ta yêu cầu người ta cũng tôn trọng những giá trị của chúng ta và đừng cưỡng lại sự hội nhập.”
Trong vụ án có liên quan đến cái mạng che mặt tuần này, Thẩm Phán Peter Murphy đã phán quyết dựa trên mọt nguyên lý căn bản của pháp luật Anh, được xác định qua nhiều thế kỷ nói rằng, “Nếu một cuộc xử án công bình có thể được thực hiện, bồi thẩm đoàn và trong một giới hạn nào đó, quan tòa cũng cần phải có thể lượng định mức khả tin của chứng nhân.
Theo quan điểm của tôi, một vụ xử án đòi hỏi phải hoàn toàn cởi mở và truyền thông toàn diện. Tôi tin tưởng rằng việc mặc bộ 'niqab' đã cản trở tiến trình cởi mở và truyền thông đó.”
Nhưng quyết định này của tòa án cũng đặt ra câu hỏi về quyền hạn của nhà nước trong việc vi phạm tự do cá nhân của người dân, đặc biệt là nhân danh những quan ngại về an ninh. Bộ trưởng Nội Vụ Anh, bà Theresa May, khi được đặt vấn đề này cho biết: “Tôi nghĩ rằng người phụ nữ có quyền lựa chọn mặc những quần áo gì họ muốn. Nếu họ muốn che mặt thì đó là lực chọn của họ.” Nhưng bà nói thêm: “Có một số trường hợp trong đó các cơ quan công lập có quyền can thiệp. Tỷ như tại biên giới, tại an ninh phi trường, người ta có nhu cầu cần phải yêu cầu cởi mở mạng che mặt để kiểm tra.”
Các cuộc tranh luận này không chỉ giới hạn tại Anh hay ngay cả tại Châu Âu. Pháp chẳng hạn đã đặt ra ngoài vòng pháp luật việc mặc những bộ đồ che kín mặt tại những nơi công cộng cách đây hai năm. Qua những quy định phản ánh tinh thần thế quyền cao độ của xã hội Pháp, các biểu tượng của tôn giáo, như cái nón nhỏ của người Do Thái, cây Thánh giá của Thiên Chúa Giáo và khăn trùm đầu của Hồi Giáo đều bị cấm tại các trường trung học tại Pháp. Theo nhật báo Le Monde thì chính phủ Pháp nay muốn mở rộng lệnh cấm đó sang đến tận các trường đại học.
Một phần của cuộc tranh luận là chung quanh vấn đề phải chăng một lằn mức rõ rệt giữa tôn giáo và xã hội - điều căn bản của tinh thần thế quyền Pháp - tối hậu có dẫn đến một sự kết nối bền bỉ hơn là tinh thần đa văn hóa cởi mở của Anh hay không. Nhưng mặc dầu các chính sách khác hẳn, cả Anh và Pháp đều đã bị xáo trộn bởi các cuộc tấn công tại chính những thành thị của mình trong 18 tháng qua bởi chính những hậu duệ của những người di dân từ những cựu thuộc địa bị hấp dẫn bởi Hồi Giáo cực đoan vì họ cảm thấy bị từ bỏ bởi xã hội họ ngụ cư.
Lê Mạnh Hùng