Biểu tình phản đối bạo lực với phụ nữ tại Ranchi, Ấn Độ hôm 31 tháng 8 năm 2013. AFP Kết quả một cuộc thăm dò mới đây của Liên Hiệp Quốc cho thấy nam giới các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương vẫn hay sử dụng bạo lực đối với phụ nữ cũng như các em gái nhỏ.
Đây cũng là lần đầu tiên một cuộc thăm dò về bạo hành gia đình được thực hiện với đối tượng được hỏi là đàn ông thay vì phụ nữ như trước.
Vấn nạn cưỡng hiếp phụ nữCuộc thăm dò mà Liên Hiệp Quốc thực hiện, với kết quả được công bố ngày 10 tháng Chín, cho thấy gần một nửa trong số 10.000 người đàn ông được hỏi đã nói rằng họ từng sử dụng hình thức bạo hành sinh lý, còn gọi là bạo hành tình dục, đối với người phối ngẫu. Mức độ bạo hành này thay đổi từ 26% đến 80% theo từng vùng miền.
Bên cạnh đó, khoảng một phần tư trong số 10.000 ông được hỏi còn tiết lộ đã có lúc dùng vũ lực để cưỡng hiếp phụ nữ hay em gái nhỏ, tình trạng này cũng ít nhiều khác nhau từ 10 đến 62% trên từng khu vực.
Nhiều ngàn người được phỏng vấn này đều là đàn ông đủ mọi quốc tịch, sinh sống tại 9 khu vực ở Bangladesh rồi đến Cambodia, Trung Quốc, Indonesia, Sri Lanka và Papua New Guinea.
Với tựa đề “Vì Sao Người Nam Sử Dụng Vũ Lực Với Người Nữ, Làm Cách Nào Để Ngăn Ngừa”, lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc phát động cuộc thăm dò mà đối tượng được hỏi toàn là phái mạnh. Đây cũng là một công việc kết hợp giữa các tổ chức như Đối Tác Phòng Chống thuộc UNDP Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc UNFPA, Phụ Nữ Và Tình Nguyện Viên Liên Hiệp Quốc UNV.
Ông James Lang, điều hợp viên của UNDP Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, cho biết phần lớn những câu hỏi xoay quanh cách thức cư xử và kinh nghiệm thực tế của đàn ông Châu Á Thái Bình Dương trong vấn đề phụ nữ, trẻ em, bạo hành, giới tính, sức khỏe và đời sống gia đình:
“Trước giờ Liên Hiệp Quốc đã thực hiện rất nhiều cuộc thăm dò với phụ nữ, nhưng lần này là lần đầu tiên mà chúng tôi mở cuộc thăm dò mà đối tượng được hỏi là các ông, nhằm có được số liệu về hành động và kinh nghiệm của họ trước tình trạng gọi là bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em.”
Những câu trả lời từ phía nam giới đã giúp củng cố thêm bằng chứng mà phụ nữ bị bạo hành cung cấp khi được hỏi đến, ông James Lang nói:
Các ông khi được hỏi đã tiết lộ về mức độ và số liệu hơn kém mà chúng tôi thu thập được từ phụ nữ. Tuy nhiên, những điểm đáng nói mà chúng tôi ghi nhận trong phúc trình là phản ứng khác nhau của các ông trước vấn đề bạo hành đối với phụ nữ, có thể nói một cách khác là cảm nghĩ của họ khi đề cập đến những hành động họ đã làm dù biết đó là chuyện không đúng.
Sơ đồ mô tả về tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở các nơi trên thế giới. AFPĐiển hình nhiều ông nói là họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi thú thực mình từng đánh vợ đánh con gái hoặc có hành động mạnh bạo đối với phái nữ, còn lại chỉ một phần ít quí ông ở các nước, khoảng 5%,thổ lộ là họ cảm thấy nặng lòng hơn khi phải nói ra điều đó.”
Vẫn theo lời ông James Lang, điều hợp viên UNDP Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, phần nhạy cảm nhất và khó nhất của cuộc thăm dò là những câu hỏi liên quan đến hành động hiếp dâm, cưỡng bức và lạm dụng tình dục:
“Tôi nghĩ phúc trình từ cuộc thăm dò này và nhiều tài liệu liên quan được công bố tiếp đó sẽ giúp khẳng định thêm tầm quan trọng của sự hiểu biết và sự phòng chống mà người phụ nữ có thể học hỏi để tự bảo vệ.”
Chú trọng biện pháp ngăn ngừaTưởng cần biết trong qua khứ, khi vấn đề bạo hành gia đình, mà phần nhiều phụ nữ hay các em gái nhỏ là nạn nhân, người ta chỉ tập trung tìm hiểu hậu quả và hệ lụy mà người bị bạo hành phải gánh chịu chứ ít khi tập trung vào chuyện đề phòng hay ngăn ngừa trước khi bạo lực xảy ra.
Tuy nhiên, theo UNDP Chương Tình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, từ một thập niên trở lại đây, khi tệ nạn bạo hành gia đình ở Châu Á Thái Bình Dương không mấy cải thiện, thì vấn đề phòng chống và vấn đề pháp lý nhằm ngăn ngừa bắt đầu được chú trọng và được khởi xướng mạnh hơn. Cuộc thăm dò với chủ đề “Vì Sao Người Nam Bạo Động Với Người Nữ, Làm Cách Nào Để Ngăn Ngừa”, ông James Lang giải thích, không nằm ngoài mục đích khởi xướng như vừa nói.
Một trong những nguyên nhân sâu xa khác của bạo hành đàn ông đối với đàn bà tại Châu Á và Thái Bình Dương bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, từ quan niệm trọng nam khinh nữ. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy đa số đàn ông Bangladesh và đàn ông Cambodia thích chứng tỏ quyền hành và sự kiểm soát của mình bằng cách đánh đập và khống chế người bạn đời. Mặt khác, 65% đàn ông từ Papua New Guinea qua đến Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc, khai báo họ từng hành hạ tinh thần, xúc phạm thân thể tức đánh đập, hoặc có tư tưởng chà đạp phụ nữ như là chuyện thường tình. Lý do là vì chính bản thân họ từng chứng kiến cảnh mẹ của mình bị những người lớn trong gia đình ngược đãi, hành hạ và coi rẻ.
Tại buổi công bố phúc trình “Vì Sao Người Nam Sử Dụng Vũ Lực Với Người Nữ, Làm Cách Nào Để Ngăn Ngừa”, đại sứ Canada tại Thái Lan, ông Philip Calvert, nhắc đến Công Ước Xóa Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Xử Với Phụ Nữ CEDAW mà Liên Hiệp Quốc thông qua từ 1979, nhấn mạnh rằng sự phát triển đầy đủ và trọn vẹn cho một quốc gia, sự thinh vượng của thế giới và căn nguyên của hòa bình đều cần có sự tham gia tối đa của nữ giới một cách bình đẳng với nam giới trong mọi lãnh vực.
Còn theo Liên Hiệp Quốc, chuẩn thuận CEDAW Công Ước Xóa Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Với Phụ Nữ chính là giúp bảo đảm nữ quyền tại các quốc gia Đông Nam Á.
Năm 1980, Việt Nam là một trong sáu quốc gia đầu tiên trên thế giới ký kết CEDAW. Với sự phối hợp của UNDP, một chương trình chiến lược quốc gia về bình đẳng giới được thành lập giai đoạn đầu kết thúc năm 2010 và giai đoạn thứ nhì kéo dài đến 2020.
Trong dịp sang Bangkok, Thái Lan, tham dự hội nghị Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc Hỗ Trợ Tư Pháp Trong Lãnh Vực Bình Đẳng Giới hôm đầu tháng Chín, bà Tạ Thị Minh Lý, chủ tịch Hội Bảo Trợ Tư Pháp Cho Người Nghèo Việt Nam, đồng ý tình trạng bạo hành ngược đãi đối với phụ nữ thường xảy ra ở nông thôn hơn là thành thị và trong những gia đình nghèo hơn là những gia đình khá giả:
“Riêng đối với phụ nữ chúng tôi có một hệ thống là năm trung tâm chuyên những vấn đề giúp đỡ pháp luật cho phụ nữ, giúp đỡ trong trường hợp bị thôi việc trái pháp luật, những trường hợp ly hôn, chia tài sản hay những trường hợp bị bạo lực gia đình.
Như ở Việt Nam hiện nay thì có 10 Ngôi Nhà Bình Yên mà những phụ nữ bị bạo lực gia đình hoặc những nạn nhân bị mua bán có thể đến tạm trú. Tuy nhiên những trung tâm ấy được giữ bí mật vì sợ các ông chồng đến hành hung. Cách làm này tôi nghĩ cũng được nhưng còn đang là bước đầu thôi. Cả nước 63 tỉnh thành mà chỉ có 10 trung tâm thì cũng chưa đâu vào đâu.”
Bà Tạ Thị Minh Lý còn cho biết 5 Trung Tâm Tư Vấn Pháp Lý cho phụ nữ nghèo và bị bạo hành được đặt tại 5 địa bàn là Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh.
Trở lại với phúc trình “Vì Sao Người Nam Sử Dụng Bạo Lực Với Người Nữ, Làm Cách Nào Để Ngăn Ngừa”, bà Emma Fulu, chuyên gia nghiên cứu của Partners For Prevention, Đối Tác Phòng Chống, khẳng định kết quả, chứng cứ và số liệu trong bản thăm dò với các ông là một bước mới để thay đổi thói quen xử sự bất công với nữ giới, đồng thời cũng là động cơ thúc đẩy việc giáo dục thanh thiếu niên ngay từ sớm về ý thức bình đẳng giới và ý thức rằng khinh thường, lạm dụng, hành hung phái yếu là những điều không thể chấp nhận được.
Theo RFA