Viết từ Dallas: Khổ vì cái tên
Tập quán của nhiều quốc gia Tây phương và một số quốc gia Á châu như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn
Độ, người phụ nữ sau khi lập gia đình thường được gọi theo tên họ của chồng. Đọc những tác phẩm
văn chương Trung Hoa, chúng ta luôn thấy những người phụ nữ có chồng thường được những người
xung quanh gọi theo tên họ của chồng như bà Tô, bà Lý, thím Lưu, chứ không thấy ai gọi họ bằng cái
tên cha mẹ đặt cho như thời còn con gái. Tuy nhiên, được gọi thế thôi chứ những phụ nữ Trung Hoa có
chồng này không phải đổi theo tên họ chồng trong các thứ giấy tờ.
Người Tây phương thì khác, đặc biệt là nước Anh và những quốc gia nói tiếng Anh như Úc, Tân Tây
Lan, Pakistan, Quần đảo Falkland, Ái Nhĩ Lan, Ấn Độ, Phi Luật Tân, những khu vực thuộc Canada nói
tiếng Anh và Hoa Kỳ, phụ nữ sau khi lấy chồng thường đổi theo tên họ của chồng. Tập tục này đã có từ
xa xưa và đến nay vẫn còn được duy trì. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, có khoảnng 87%
phụ nữ có bằng đại học lấy họ của chồng sau khi kết hôn.
Ở Nhật Bản, luật hôn nhân nước này bắt buộc hai vợ chồng phải mang cùng một họ, vì người Nhật quan
niệm sau khi lấy nhau hai vợ chồng đã là một nhà thì nên mang cùng một tên họ. Thông thường, khi
người phụ nữ Nhật lấy chồng, nghĩa là đã gia nhập vào gia đình chồng, vì vậy họ thường lấy theo họ
chồng. Tuy nhiên, luật không nhất định ai phải theo họ ai, chỉ cần có cùng một tên họ là đủ. Nhưng nếu
gia đình bên vợ không có con trai, nhất là khi gia đình đó coi trọng việc nối dõi tông đường, thì trong
trường hợp này người chồng được coi như “ở rể” ¬¬− nghĩa là anh ta nhập vào gia đình bên vợ, lấy họ
vợ và mang trọng trách nối dõi tông đường… nhà vợ.
Về tập quán gọi theo tên họ của chồng, có lẽ người Việt Nam chúng ta là khác hẳn với tất cả các dân tộc
khác trên thế giới. Phụ nữ Việt sau khi lấy chồng không gọi theo tên họ của chồng như người Tàu, cũng
không đổi theo tên họ chồng như người Tây phương mà chỉ được gọi bằng tên tục của chồng như bà
Tuấn, mợ Hùng, thím Dũng. Toàn là những cái tên của phái nam. Âu đó cũng là nét văn hóa đặc biệt của
chúng ta.
Ở Mỹ, có một số khá đông phụ nữ sau khi lấy chồng có đổi tên họ nhưng chỉ đổi một cách nửa vời ¬¬−
tức lấy tên họ của chồng nhưng vẫn giữ tên họ của mình làm tên đệm, chẳng hạn như bà Hillary Clinton
là tên được mọi người vẫn thường gọi nhưng tên chính thức đầy đủ của bà, kể cả khi ký tên là Hillary
Rodham Clinton, không thiếu một mẫu tự. Và mặc dù là nửa vời nhưng những trường hợp như vậy vẫn
được xem như tên đã có thay đổi. Tên họ đổi trên giá thú nên tất cả mọi thứ giấy tờ khác cũng phải đổi
theo, từ bằng lái xe, đến thẻ an sinh xã hội, rồi giấy tờ khai thuế, và ngay cả cuốn sổ thông hành cũng
phải đổi. Đủ mọi thứ nhiêu khê, vừa mất thì giờ, vừa tốn kém tiền bạc. Ai dám nói làm thân đàn bà ở Mỹ
được sung sướng đâu. Câu “nhất vợ nhì trời” chắc chắn không được áp dụng trong trường hợp này.
Theo một số cuộc nghiên cứu, con số phụ nữ giữ lại tên họ của mình sau khi kết hôn đạt cao nhất vào
thập niên 1990 lên đến 23%, nhưng rồi tụt xuống khoảng 18% một thập niên sau đó.Tuy vậy, đó vẫn là
con số khá cao, cứ 10 người thì có gần hai người là giữ nguyên tên họ của mình. Một trong những lý do
là vì phụ nữ càng ngày càng lấy chồng trễ, trung bình là 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học. Nhờ mấy năm
miệt mài làm việc, lúc này, nàng đã tạo được chút tên tuổi, được nhiều người trong giới chuyên môn với
nàng biết cái tên cúng cơm đó và dĩ nhiên là trong những cuốn sổ liên lạc, tên cha mẹ đặt cho nàng nằm
ngay bên cạnh số điện thoại quen thuộc. Nhưng cũng vì vậy, bỗng dưng nàng bị đặt vào tình trạng khó
tự mình quyết định nên hay không nên. Và cuối cùng cách giải quyết tương đối ổn thỏa là dùng cả hai
tên − giữ lại tên họ của nàng rồi cho nó nằm ngay bên cạnh tên họ của chồng. Thế là chẳng ai có thể
trách nàng là mới quá hay cổ hủ quá.
Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Bước kế tiếp, các thứ giấy tờ phải đổi trước tiên là bằng lái xe. Bằng lái
xe đổi rồi thì tới sổ thông hành vì theo luật, tên trên sổ thông hành phải trùng hợp với tên trên bằng lái.
Rồi thẻ an sinh xã hội, tên trên cái paycheck ở sở làm và giấy thuế. Mà luật của sở thuế thì rất rõ ràng
đâu ra đó, nếu những ai vừa lập gia đình và lấy theo tên họ của chồng, thì bắt buộc phải đổi thẻ an sinh
xã hội và khi khai thuế thì phải khai dưới cái tên mới. Giai đoạn này người muốn đổi tên có thể sẽ gặp
phải nhiều vấn đề phức tạp như xử lý giấy tờ ra sao và những chậm trễ tại các cơ quan hành chánh. Mà
chẳng riêng gì ở Mỹ, có lẽ ở đâu cũng thế, hầu như tất cả mọi thứ giấy tờ khi đi qua văn phòng làm việc
của chính phủ thường rất chậm. Nếu may mắn, giấy tờ đi trót lọt, còn nhỡ bị thất lạc đi lầm qua cửa khác
thì kể như tiêu tùng và thường phải làm lại từ đầu.
Đấy là những loại giấy tờ công dân có liên quan đến pháp luật của một quốc gia. Rồi còn những thứ lặt
vặt khác như thẻ tín dụng, thẻ hội viên, thẻ đổ xăng, thẻ siêu thị… cũng cần phải đổi tên.
Rồi những chuyện có liên quan tới đời sống gia đình, mang cả hai tên họ cũng gây ra nhiều phiền toái.
Nên dùng tên nào trong những giấy tờ hồ sơ ở trường học của con cái? Rồi những đứa con trong nhà
đôi khi gặp trường hợp bị lẫn lộn không biết tên họ của mẹ phải gọi là gì khi có người quen vô tình gọi
mẹ chúng bằng cái tên cúng cơm? Phải chăng một trong những điều kiện mang con người gần lại với
nhau trong một gia đình là cùng mang chung một cái tên? Một phụ nữ có gia đình nhưng vẫn tiếp tục giữ
tên họ của mình thì phải chăng chính nàng đã tự tách nàng ra khỏi phần đời sống gia đình đó?
Mới đây, cô tài tử Jessica Biel, dân gốc xứ cao bồi Texas (bảo thủ?), lấy chồng là anh chàng ca sĩ
Justin Timberlake. Cặp tình nhân này đã được báo chí một thời săn đón rất kỹ để đưa tin về đám cưới
của họ làm tốn khá nhiều giấy mực. Ngay sau đám cưới, Jessica nói với báo chí rằng cô sẽ đổi tên theo
họ chồng. Và cô đã phải chờ đúng 11 tháng để hoàn tất các thủ tục hành chánh. Tuy có chờ hơi lâu thật
nhưng rốt cuộc Jessica Biel đã có cái tên mới chính thức là Jessica Timberlake. Thế nhưng, chuyện
không ngưng ở đây.
Chuyện cô tài tử này đổi tên đã làm một số người không vui, nhất là trong giới phụ nữ. Những người này
cho rằng việc Jessica đổi tên nghĩa là cô đã tự đánh mất đi căn cước của chính mình. Cái tên tự nó có
một sức mạnh vô hình − như khi chúng ta nhắc tới một chuyện gì hay một sự kiện gì thì tên của một ai
đó nổi bật lên làm ta liên tưởng ngay tới người đó cùng những điều liên quan quanh cái tên đó. Nó đóng
một vai trò quan trọng mà qua đó hướng dẫn và giúp tạo thành suy nghĩ trong mỗi con người chúng ta.
Thế nên, đổi tên cũng đồng nghĩa với thay đổi những nhận thức đã có từ trước.
Chưa hết. Theo những phụ nữ này thì vấn đề lớn nhất của việc thay đổi tên họ sau khi lấy chống là nó
làm thay đổi sự tự nhận thức của người phụ nữ và làm yếu đi cái khả năng tự quyết định của nàng. Và
điều đau đớn nhất trong cuộc tranh cãi nên hay không nên này là khi người phụ nữ thay đổi tên họ nghĩa
là nàng trương cao bảng tự chấp nhận mình lệ thuộc vào người khác. Thay đổi tên xem ra có vẻ như là
một chuyện cỏn con, nhưng thật sự ra nó mang theo nhiều ẩn ý phức tạp hơn là những mẫu tự in trên
trang giấy.
Nghe những phụ nữ chống đối việc thay đổi theo tên họ lý sự về những lợi hại của việc đổi tên mà khiếp
quá. Chắc hẳn đa số chúng ta đâu nghĩ rằng chỉ thay một cái tên thôi mà có những ảnh hưởng lên tâm lý
đến như vậy. Mà nếu ý kiến của những phụ nữ trên là đúng thì có lẽ phụ nữ không nên đổi tên, cứ giữ lại
tên cũ như văn hóa của Việt Nam ta cho an tâm, không phải lo lắng đến những chuyện về sau.
Trong những năm gần đây, có thêm nhiều phụ nữ giữ lại tên họ, nhưng sự thật là vẫn còn hơn 50%
người dân Mỹ nghĩ rằng phụ nữ nên đổi theo tên họ của chồng sau khi lập gia đình, và có hơn 90% phụ
nữ Mỹ đã đổi tên họ (bao gồm cả những phụ nữ giữ lại tên họ làm tên đệm như bà Hillary Rodham
Clinton).
Quả thật, có nhiều người coi trọng cái tên lắm. Hãy cứ nhìn những cặp vợ chồng Hollywood đặt tên cho
những đứa con của họ mấy năm gần đây thì biết ngay. Nhiều cặp cố tình tìm một cái tên không giống ai,
vừa có pha chút màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng lại vừa mang hình ảnh mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, bầu
trời thì mới được. Nhiều cái tên nghe rất kỳ lạ, đôi khi dị hợm.
Thật ra cái tên không làm nên con người. Nó chỉ là hình thức để con người dễ nhận diện nhau thôi. Đổi
cũng được mà không đổi cũng không sao. Đổi hay không cũng đâu làm sứt mẻ, trầy trụa ai. Kìa, có phải
người ta vẫn gọi nhau ơi ới đấy sao? Mà nếu chẳng may có gọi sai thì sửa lại mấy hồi.
Huy Lâm