Nghỉ hưu, tuổi hạc cao và sự ra đi của người phối ngẫu là những giai đoạn trong cuộc đời mà phần đông mọi người trước sau gì ai ai cũng đều phải trải qua hết.
Những giai đoạn vừa kể thúc đẩy chúng ta dần dần tách rời ra khỏi cuộc sống và sinh hoạt xã hội bình thường mà chúng ta hằng quen thuộc từ trước tới giờ.
Sự thay đổi trong hoàn cảnh sống có thể dẫn đến tâm trạng buồn chán khiến chúng ta cảm thấy rất lẻ loi, trống vắng và cô đơn.
Các nhà tâm lý học Tây phương đều khuyên chúng ta nên cố gắng đừng để các sự thay đổi làm giới hạn và ngăn trở mình trong mọi sinh hoạt gia đình cũng như xã hội.
Sau đây là những lời khuyên. (Không nhứt thiết là mọi người đều đồng ý tất cả...)
1- Nên duy trì một cuộc sống linh động (Be active)
Để giúp cho thân và tâm được quân bình. Việc duy trì một nếp sinh hoạt vừa thể xác và vừa trí tuệ được xem như là một phương pháp dưỡng sinh rất tốt và rất hữu hiệu để làm chậm lại tiến trình lão hóa.
Bắt trí não làm việt thường xuyên, rèn luyện trí nhớ, giao tiếp xã hội, đọc sách, viết lách lăng nhăn, chơi cờ...đều là những phương cách tốt để phòng ngừa bệnh lú lẫn Alzheimer.
Nghỉ hưu là thời gian để quân bình lại cuộc sống, để chúng ta có thể quan tâm hơn về sức khỏe của chính mình. Đây cũng là dịp thuận tiện để mình có thể thực hiện những gì mình hằng mong ước và ưa thích từ trước nhưng chưa có thời gian và cơ hội thực hiện được.
Thiết lập một thời khóa biểu nhất định trong ngày để luyện tập thân thể như: đi bộ, tập thể dục, tập tài chi, tập khí công vv...
2- Giữ một chỗ cho gia đình
Nếu con cái ở gần, ta nên đề nghị với chúng để chúng ta có thể giữ hộ các cháu mỗi tuần một ngày hoặc giữ cháu trong thời gian cha mẹ cháu bận hay cần phải đi đây đi đó…
Chúng ta lợi dụng các dịp nầy để truyền đạt kiến thức, dạy dỗ lễ nghi, phong tục Việt Nam…Đây cũng là dịp để thắt chặt thêm tình yêu thương giữa ông bà và các cháu.
Về điểm nầy, có người đã góp ý là mình không nên dính vào vì sợ con cái mình trách móc nầy nọ nếu lỡ làm không đúng ý của chúng. Riêng tác giả thì mình hoàn toàn không nghĩ như thế. Chung quy cũng do mối quan hệ và tình cảm giữa cha mẹ và con cái mà thôi.
3- Giao tiếp xã hội: Nên thường ra khỏi nhà để tiếp xúc với người khác.
Duy trì năng lực và sự linh động đồng nghĩa với sự học hỏi. Giao tiếp xã hội sẽ giúp chúng ta biết thêm nhiều tin tức và có thêm bạn mới.
Đối với người Việt Nam mình thì các hội đoàn, hội cao niên, chùa chiền, thiền viện, nhà thờ là những nơi các bạn già chúng ta có thể đến sinh hoạt để trau đổi, chia sẻ tâm sự, hàn huyên với bạn bè và đồng hương, đồng cảnh …Như vậy mình sẽ cảm thấy bớt lẻ loi cô đơn hơn. Tuy nói thế nhưng cũng có người né tránh các sinh hoạt nầy vì nhiều lý do rất cá nhân…
Chúng ta cũng có thể ghi tên tham gia vào các câu lạc bộ thể thao như bóng bàn, quần vợt, badminton, golf, pétanque, quille, bowling…
Chúng ta cũng có thể gia nhập vào những club sinh hoạt nghệ thuật, văn nghệ, văn học, viết văn, làm thơ, gõ báo chùa, tùy theo sở thích, trình độ và điều kiện của mỗi người.
Nếu có máu văn nghệ, chúng ta có thể tham gia vào những nhóm văn nghệ nghiệp dư để vừa hát hò cho nhau nghe, vừa ăn nhậu no nê, rồi sau đó ôm nhau nhảy nhót (của ai nấy ôm nhé!) để được giãn gân giãn cốt. Cam đoan vui lắm. Trong những giây phút nầy, mình sẽ quên mình già, quên những buồn bực về con cái và về chuyện nầy chuyện nọ trong gia đình.
Tác giả : Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Sửa bởi người viết 02/10/2013 lúc 10:46:06(UTC)
| Lý do: Chưa rõ