Hình như rằng ngay từ thời “năm tư” đã xuất hiện câu “chúng ta đi mang theo quê hương.” Và mãi đến sau này, khi trời vào Thu ở bất cứ nơi nào, mình còn có thể nói “chúng ta đi mang theo mùa Thu.”
Gửi gấm cái hương Thu của Hà Nội cho những người ly hương chính là Ðoàn Chuẩn. Ông là nhạc sĩ của mùa Thu, mà phải là mùa Thu của Hà Nội thanh lịch, trong cái nắng se lạnh của làn gió heo may, có tà áo nhung của nhà Cát Tường, thường được gọi là áo “Lemur.”
Không phải vì tựa đề của bài hát là mùa Thu, mà tất cả các ca khúc của Ðoàn Chuẩn đều có mùa Thu dù dưới nhan đề khác.
“Tình Nghệ Sĩ” được viết vào mùa Thu 1947 mở đầu bằng câu:
Ðây khách ly hương mấy thu vàng ấm
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng
Mơ tới bên em, em tô quầng mắt
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung...
Ca khúc đầu tiên của Ðoàn Chuẩn viết tại một hàng cà phê ngon kỳ lạ của vùng Tự Do ở Khu Tư, tên là Thanh Hương. Ðây là tên của cô hàng xinh đẹp và người nhạc sĩ muốn viết: “Ðây quán Thanh Hương mấy thu vàng ấm.” Ở trong Nam, nhiều người di cư từ miền Bắc thì nghĩ đến phận ly hương của mình, nhưng sự huyền diệu của lời ca che giấu một bí mật trong gần nửa thế kỷ.
Qua đến “Lá Thư” ông viết năm 1949 cũng mở đầu như sau:
Nhớ tới mùa Thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương
Nét bút đa tình lả lơi...
Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng
Chờ đến kiếp nào, tình đầu trong gió mùa, người yêu ơi...
Ca khúc này, người nghệ sĩ viết vì nhớ phút giây xao xuyến. Nàng là em gái của một người bạn phố hàng Ðàn. Bài hát tha thiết là lời chia tay:
Em nay về đâu, phong thư còn đây
Nhớ nhau tìm trong ánh sao...
Cũng như thế, chúng ta thấy thấp thoáng mùa Thu trong “Thu Quyến Rũ”:
Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Ðàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh..
Hay trong “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”:
Với bao tà áo xanh đây mùa Thu
Hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...
Hai bài “Chuyển Bến” và “Cánh Hoa Duyên Kiếp” có tựa cũ là “Dạ Lan Hương” cũng đậm hương Thu, được viết để tặng nữ danh ca Mộc Lan xinh đẹp nõn nà vào thập niên 50. Xúc động nhất là “Tà Áo Xanh” tức “Dang Dở” viết vào mùa Xuân 1955 là lời trao đổi đầy ân hận, lảng tránh. Ðó là mối tình trên giấy, lãng mạn mà chừng mực. Mỗi tuần, ông gửi thư và một bó hoa lan trắng đến đài phát thanh Pháp Á. Lòng ông thổn thức khi nghe tiếng nàng vang vọng trên làn sóng âm thanh câu hát của bài “Dạ Lan Hương”:
Từ một nơi xa xôi
Cách bao núi rừng suối đồi
Anh gửi mấy cánh hoa về người yêu
Hoa Lan Hương mầu trắng, như duyên anh thầm kín
Trong hương thu mầu tím buồn...
Ðúng như ông viết, “Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ, chóng tàn vì vướng muôn ý thơ...”
Có lẽ vì vậy mà bà Ðoàn Chuẩn không hề ghen với những người yêu trong nhạc của chồng. Lẽ dĩ nhiên ông rất yêu vợ, và sống trọn đời bên bà. Ông có viết một ca khúc tặng vợ yêu dấu trong những ngày chinh chiến, ly tán. Ðó là bài “Ðường về Việt Bắc” rất nổi tiếng:
Chiều nào áo tím nhiều quá.
Lòng thấy rộn ràng nhớ người
Dù đời chinh chiến xa cách nhau
Tình đầu âu yếm quên nhớ chăng?
Anh quên sao đôi mắt em, đôi môi xinh, nụ cười tươi
Ðường về lả lướt bóng ai, những chiều gió Thu qua mành the
Thầm nhắc anh về...
Về nhạc thuật, nhạc của Ðoàn Chuẩn giản dị, dễ hát và hay vì lời ca. Một số bài ông chia đoạn không cân đối nên khó hòa âm. Hát nhạc Ðoàn Chuẩn chỉ cần một cây guitare thùng, trong một thính đường nhỏ, thân mật và hát một cách thủ thỉ thì tuyệt. Nhiều người chọn hát Ðoàn Chuẩn vì dễ thành công khi diễn tả tình cảm.
Ca khúc được hát nhiều nhất là “Tà Áo Xanh” tức “Dang Dở.” Bài này bị khuyết điểm về sự thiếu cân đối hay “carrure.”
Riêng thiển ý người viết, hai bài hay nhất của ông là “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” và “Lá Ðổ Muôn Chiều.” Vì tứ nhạc hài hòa, câu mở, chuyển đoạn và kết đoạn đầy đủ.
Riêng bài “Lá Ðổ Muôn Chiều,” ông viết đoạn mở bằng âm giai thứ và cả chuyển đoạn cũng dùng âm giai thứ, đến câu kết mới tài tình dẫn qua âm giai Trưởng để nỗi buồn tan biến trong hư không như một sự tha thứ:
Thôi thế từ nay anh cố đành quên rằng có người
Cầm bằng như không biết mà thôi
Lá thư còn lại đôi ba cánh
Dành lòng cho nước cuốn hoa trôi...
Trừ bài “Gửi Gió Cho Mây Ngày Bay” là viết cho giọng nữ, các ca khúc Ðoàn Chuẩn viết cho giọng nam nên người viết cũng chỉ thích các giọng nam trình bày nhạc của ông. Trong các giọng nam, Anh Ngọc trong “Lá Thư” và “Lá Ðổ Muôn Chiều,” Ngọc Long, em trai của Anh Ngọc, qua bài “Chuyển Bến” và “Tá Áo Xanh,” và Duy Trác với “Ðường Về Việt Bắc” là những giọng đạt nhất.
Ở hải ngoại và thuộc thế hệ sau, chất giọng nhiều nam tính của Quang Tuấn cũng thích hợp với các tình khúc mùa Thu của Ðoàn Chuẩn. Chúng ta hãy nghe lại.
Quỳnh Giao