Hiện nay tôi còn nhiều vấn đề cần phải đem ra hỏi quí cụ. Nhưng mà nếu tôi cứ tiếp tục làm phiền cụ về
những chuyện tại sao, chắc cụ cũng phát khùng lên mà chúc tụng tôi bằng những lời lẽ chẳng dễ nghe
chút nào. Cho nên tôi đành phải gói ghém tất cả những câu hỏi tại sao - để dành khi khác – vì mấy hôm
nay tôi có nhiều chuyện không vui. Tôi đang muốn hỏi tại sao với Ông Trời, chứ có gây sự với cụ thì
cũng chẳng đi đến đâu mà chỉ làm các cụ thêm bận tâm suy nghĩ. Nhất là về vấn đề sống chết thì cụ
chẳng thể nào giải thích được. Đó là toàn quyền quyết định của ông Trời, cho dù cụ có là một con người
vô thần cùng cực, cụ cũng chẳng thể có câu trả lời thỏa đáng. Cho nên mặc dù tôi là một con người
bướng bỉnh và hay cãi cù nhầy, nhưng về chuyện này thì tôi chỉ đành cúi đầu vâng phục.
Tôi chẳng muốn làm phiền lòng cụ làm gì, vì tuổi già chẳng nên nghe, hay nghĩ, đến chuyện buồn cho
nó hại sức khỏe, nhưng chỉ trong tuần này, tôi nhận được hai tin buồn vì mất những người thân quen cho
nên tôi cần phải có người để tâm sự, để chia sẻ. Cụ có nhớ có cái ông bác sĩ người Ấn Độ - mấy năm
trước tôi nhớ tên ông ấy nằm lòng, nhưng bây giờ thì quên rồi. Cái ông bác sĩ đưa ra cái học thuyết thân
tâm liên quan mật thiết với nhau ý mà. Tôi tin cái thuyết này lắm vì tôi đã từng kinh nghiệm cái sự này.
Khi tinh thần cụ bình an vui vẻ, sức khỏe cụ rất tốt, nhưng khi tinh thần cụ xuống, hay cụ có chuyện buồn,
sức khỏe của cụ cũng bị ảnh hưởng lây. Tôi không muốn tin cũng không được. Cụ biết rằng tôi bị bệnh
cao máu kinh niên nhưng nhờ thuốc, cho nên áp huyết của tôi đã trở nên bình thường, thế mà khi nghe
tin một người quen ra đi một cách bất thình lình, thật tự nhiên, rồi lại có tin vị linh mục rất thân với gia
đình tôi cũng bị tai nạn lưu thông và chết tại Việt nam, tự nhiên áp huyết của tôi nhẩy vọt lên cao một
cách đáng sợ. Chuyện này cũng dễ hiểu vì cụ đã từng biết tôi là một người hay suy nghĩ, hay triết lý cùn,
và thích nghiên cứu về vấn đề sống chết, tôi hay thắc mắc và luôn muốn tìm hiểu.
Từ hồi ông xã Xệ tôi ra đi, tôi rất tin tưởng ở đời sau, tôi tin có Chúa Cứu Thế, xuống thế làm người để
đem các linh hồn về cõi vĩnh hằng, cứu rỗi linh hồn tội lỗi khỏi nơi u tối. Và tôi tin, bất cứ chuyện gì xảy ra
cũng có một lý do. Nhất là chuyện sống chết. Nếu cụ tin được như vậy, cụ sẽ bớt đau khổ khi mất người
thân yêu. Từ ngày đó, tôi luôn luôn chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi của tôi. Tôi cảm thấy hình như tính
tình tôi đỡ đáng ghét hơn trước. Cuộc đời cũng nhẹ nhàng dễ dàng và cũng không đêm nỗi đáng ghét
hay đáng sợ như trước. Con người cũng có vẻ đáng yêu hơn.Tôi cảm thấy mọi chuyện đều nhẹ như
lông hồng, thế mà sự sống chết vẫn làm tôi mất tinh thần. Tôi không sợ chết, tôi sẵn sàng chờ đón nó,
nhưng sự mất đi một người thân vẫn làm tôi xúc động, chưa thể dửng dưng, như vậy hình như tôi chưa
thuộc bài học buông bỏ.
Từ khi tôi học tu, tôi rất thích và tin tưởng ở thuyết buông bỏ, nhưng hình như, tôi chưa hiểu rõ ràng cho
lắm, ý nghĩa của học thuyết cao siêu này. Tôi chỉ hiểu đại khái là hãy cố gắng đừng bám víu quá nhiều
vào những sự kiện vật chất như tiền tài, danh lợi. Tôi nghĩ rằng khi Chúa Giêsu bảo cái anh nhà giầu phải
làm thế nào để được cứu rỗi. Chúa bảo anh ta, hãy về bán hết của cải, chia cho những người nghèo rồi
đi theo ta. Tôi tuy ngoài miệng học thuộc lòng như thế, nhưng trong bụng lại lầu bầu cãi lại, và phê bình
Chúa là đã đòi hỏi quá đáng. Rồi khi một người xin phép Chúa rằng: xin cho con về nhà chôn cất bố con
rồi con sẽ trở lại đi theo Chúa. Chúa cũng vẫn không bằng lòng và trách mắng anh ta rằng, đã muốn đi
theo Ta thì không được nhìn trở lại. Hãy để người chết chôn người chết. Thế rồi một lần nữa, một anh
nói xin cho con về từ giã gia đình vợ con rồi sẽ đi theo Chúa. Chúa cũng không cho. Chúa bảo đi là đi
không việc gì phải giã từ bịn rịn ai cả. Tôi hiểu ý Chúa, đã muốn theo Chúa thì phải bỏ tất cả, từ của cải,
danh vọng, cho đến tình yêu gia đình, tình phụ tử, nghĩa phu thê cũng bỏ hết. Và tiến hơn một bước, tôi
hiểu ra rằng buông bỏ tất cả những ràng buộc tinh thần cũng như vật chất ở thế gian, mới có thể đi theo
Chúa được. Nhưng mà điều này đâu có phải ai cũng làm được. Tiền bạc, phú quí vinh hoa, của phù vân
còn bỏ không được thì làm sao có thể buông bỏ được những tình cảm của con người. Theo tôi nghĩ thì
hình như - tới một tuổi nào đấy, bỏ của cải vật chất dễ hơn là từ bỏ những tình cảm gia đình. Tôi chắc cụ
cũng đã từng đọc những lời khuyên răn này, đừng quá níu kéo, bám víu vào của cải. Khi một người sắp
chết, không một ai nói rằng hãy cho tôi xem mấy cái tài khoản trong ngân hàng của tôi còn bao nhiêu
tiền. Lấy cho tôi nhìn mấy cái bằng cấp tôi đã đạt được. Đưa cho tôi mấy cái bằng khoán những ngôi
nhà tôi đã tậu được. Mở cái két sắt ra cho tôi xem đống vàng, và đống tiền, đống cổ phiếu tôi đã mất
công chắt chiu nhặt nhạnh suốt cả cuộc đời tôi, một lần chót hết. Chưa hề có người nào trên giường
bệnh, lúc hấp hối lại đòi hỏi những thứ đó, mà ai cũng hỏi vợ tôi đâu, cái thằng con ở xa đả về tới chưa?
Tất cả con cháu tôi có mặt ở đây không? Và thông thường, câu nói cuối cùng của một người trước khi ra
đi là: nếu biết thế này thì tôi đã chẳng để hết thì giờ làm việc cực khổ để gom góp những thứ mà lúc này
đây, tôi chẳng mang đi được một cái gì. Chúng chẳng có ích lợi gì cho tôi cả. Chúng không thể kéo dài
cuộc sống của tôi cho dù một phút, chúng chẳng thể đẩy lùi cái chết lại cho tôi lấy một giây thôi, để tôi
có thời gian làm hòa với tất cả những người tôi đã làm buồn lòng họ. Để cho tôi có thì giờ nói một câu
thật ngắn ngủi những cũng tất cần thiết: anh yêu em. Bố yêu con. Bố xin lỗi mẹ. Bố xin lỗi con. Nhất là
những người tôi yêu và đã yêu tôi. Biết thế này tôi đã để nhiều thì giờ hơn để sống với vợ với con tôi. Có
thể lúc này, cụ đọc những dòng chữ này với nụ cười chế giễu trên môi. Cụ cho là nó đầy vẻ cải lương,
giả dối. Nhưng, chừng nào đến lượt cụ nằm trên giường bệnh, trước khi từ giã cõi đời, cụ cũng sẽ thốt
lên những lời nuối tiếc thành thật này. Nhưng lúc đó thì tất cả đều quá muộn màng. Cụ không thể quay
ngược lại cái kim đồng hồ thời gian. Cái quĩ thời gian của cụ đã xuống tới số âm rồi.
Tôi không sợ cái chết thật cụ ạ. Những tôi sợ cái sự làm sao mà chết. Trên giường hấp hối, ông xã tôi
than van nhiều lần với những người ở quanh ông, cầu nguyện cho ông được ra đi nhẹ nhàng, ít đau đớn,
ông luôn nói: Sao mà chết lại khó khăn thế này. Tôi tin là ông nói đúng. Cho nên tôi luôn chờ đợi một sự
ra đi không dễ. Từ bỏ cái thân xác đã sống với mình, đã cùng mình làm nên bao nhiêu điều tốt đẹp cũng
như tội lỗi, đâu có thể giống như cởi bỏ một chiếc áo cũ. Phúc cho ai đau một giây, chết một giờ.
Thế rồi tôi nghiền ngẫm và tự đặt cho tôi câu hỏi, trên giường hấp hối, khi chia tay với người thân tôi sẽ
nói gì? May mắn thay, những người thân yêu và có thể bị ảnh hưởng nhiều về cái chết của tôi thì đã ra đi
trước tôi cả rồi. Còn các con tôi, chúng đã có gia đình, cuộc sống riêng tư, thành thử sự ra đi của tôi
không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chúng. Chúng sẽ buồn nhưng không khổ. Còn thì những giá
trị vật chất trên đời này, tôi đã không ham, không màng tới từ lâu rồi. Còn tình cảm thì tôi đả gói ghém rất
gọn gàng và đã chôn sâu xuống đất. Bây giờ, nếu lúc này đây, Chúa gọi tôi thì tôi luyến tiếc cái gì nhất?
Hình như không còn cái gì ngăn cản bước ra đi của tôi. Tuy tôi yêu con, thương cháu nhưng tôi biết vị trí
của mình. Tôi không là một vai chính trong cuộc đời của chúng. Tôi không quyến luyến chúng để cho
chúng bận lòng vì tôi. Chúng còn có cả cuộc đời của chúng ở trước mặt. Vì thế, tôi nghĩ rằng tôi ra đi rất
bình an. Không thương, không tiếc một điều gì. Có thể câu nói cuối cùng của tôi, để lại chung cho mọi
người sẽ là: tôi xin lỗi các cụ, nếu lúc sống tôi có làm điều gì buồn lòng cụ, đó chẳng qua là vì vô tình
hơn là cố ý. Tôi có xúc phạm cụ thì cũng chỉ là tại vì bị bởi tính tôi hay nói giễu, mà đôi khi lại giễu dở,
cho nên làm cụ phiền lòng. Còn tôi, thì tôi rất chóng quên, tôi không hề nhớ tới những chuyện cụ đã cố
tình làm buồn tôi. Vì tính tôi không biết buồn. Cụ tin tôi đi, tôi ra đi sẽ rất vui vẻ. Và tôi mong rằng cụ ở lại
cũng vui luôn.
Chết là chấm dứt tất cả mọi ganh đua, tranh chấp, buồn phiền. Như vậy thì việc gì mà khóc! Cụ chớ có
phí nước mắt mà khóc tôi, vì nằm trong quan tài, tôi đang cười khì khì đó. Nhìn cụ mếu máo tếu không
chịu được.