Chắc ít người từng nghe đến ba chữ lạ lẫm ‘rung tâm nhĩ’. Đây là chữ dịch ra tiếng Việt của danh từ y khoa ‘atrial fibrillation’, dùng để chỉ một tình trạng tim đập nhanh theo nhịp hỗn loạn, không đều đặn như bình thường khiến tim bóp không hiệu quả, máu chảy bị gián đoạn, không đến được khắp nơi trong cơ thể.
Nói là tim cũng không đúng hẳn, thực ra là hai buồng trên của tim (tâm nhĩ) đập hỗn loạn và bất thường, không phối hợp với hai ngăn dưới (tâm thất). Triệu chứng rung tâm nhĩ gồm có hồi hộp, khó thở và yếu ớt.
Những cơn rung tâm nhĩ có thể xảy ra bất chợt trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể xảy ra rung tâm nhĩ kinh niên. Dù rung tâm nhĩ thường không đe dọa tính mạng nhưng đây là một tình trạng y khoa nghiêm trọng đôi khi cần phải điều trị khẩn cấp vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
*Triệu chứng
Trái tim bị rung tâm nhĩ không đập hiệu quả và không có khả năng bơm đủ máu với mỗi nhịp đập của tim. Một số bệnh nhân bị rung tâm nhĩ không có triệu chứng và không biết mình có bệnh cho đến khi đi khám bệnh tổng quát và được làm tâm điện đồ. Những người bị rung tâm nhĩ có thể có những triệu chứng sau:
-Hồi hộp vì tim đập như trống đánh, như chạy đua, cảm thấy không thoải mái, có thể cảm nhận được nhịp tim không đều trong lồng ngực.
-Giảm huyết áp
-Cảm thấy yếu ớt
-Chóng mặt
-Lẫn lộn
-Khó thở
-Đau ngực
Rung tâm nhĩ có thể:
-Thỉnh thoảng xẩy ra, gọi là kịch phát (paroxysmal). Triệu chứng kéo dài chỉ trong một vài phút đến vài giờ và sau đó tự dưng ngừng lại.
-Kinh niên, nhịp tim luôn luôn bất thường .
*Khi nào nên đi khám bệnh
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng rung tâm nhĩ nào, nên làm cho một cuộc hẹn với bác sĩ. Bác sĩ có thể cho bạn biết các triệu chứng này là do rung tâm nhĩ hoặc một rối loạn nhịp tim khác.
Nếu bạn bị đau ngực, nên tìm trợ giúp y tế khẩn cấp ngay lập tức. Đau ngực có thể báo hiệu rằng bạn đang có một cơn trụy tim.
*Nguyên nhân
Trái tim gồm bốn ngăn - hai ngăn trên ( tâm nhĩ) và hai ngăn dưới ( tâm thất). Trong ngăn trên bên phải của tim (tâm nhĩ phải) có một nhóm tế bào được gọi là ‘nút xoang’ (sinus node). Đây là chỗ làm nên nhịp đập tự nhiên của trái tim. Nút xoang tạo ra một sức đẩy (impulse) bắt đầu mỗi nhịp đập của tim .
Thông thường, sức đẩy đi qua tâm nhĩ và sau đó qua một đường kết nối giữa ngăn trên và dưới của trái tim, gọi là nút nhĩ thất. Khi tín hiệu đi qua tâm nhĩ thì ngăn này sẽ bóp thắt, bơm máu từ tâm nhĩ vào tâm thất. Khi tín hiệu đi qua nút nhĩ thất tới tâm thất, ngăn này cũng co thắt, bơm máu ra khỏi tim đến các phần cơ thể khác.
Trong chứng rung tâm nhĩ, tâm nhĩ nhận được các tín hiệu hỗn loạn khiến các ngăn này rung lên. Nút nhĩ thất bị quá tải bởi những sức đẩy đang cố gắng đi tới các tâm thất. Tâm thất cũng đập nhanh, nhưng không nhanh như tâm nhĩ . Lý do là nút nhĩ thất cũng giống như một đường vào xa lộ, chỉ có một ít xe được qua cùng một lúc.
Kết quả là tim sẽ đập nhanh và không đều. Nhịp tim trong chứng rung tâm nhĩ có thể từ 100 tới 175 nhịp một phút. Bình thường, tim đập chỉ từ 60 đến 100 nhịp một phút.
*Nguyên nhân gây chứng rung tâm nhĩ
Gồm có:
· Cao huyết áp
· Cơn trụy tim
· Van tim bất thường
· Khuyết tật tim bẩm sinh
· Bệnh tuyến giáp trạng hoạt động quá mức hoặc các bệnh về mất cân bằng biến dưỡng khác
· Tiếp xúc với các chất kích thích, chẳng hạn như thuốc, cà phê hay thuốc lá, hoặc rượu
· Hội chứng nút xoang bị bệnh
· Khí phế thủng hay các bệnh phổi khác
· Từng giải phẫu tim
· Nhiễm trùng siêu vi
· Căng thẳng do viêm phổi, giải phẫu hoặc các bệnh khác
· Ngưng thở khi ngủ
Tuy nhiên, một số người bị chứng rung tâm nhĩ không có bất kỳ khuyết tật hay bệnh tim nào, họ bị một tình trạng gọi là rung tâm nhĩ đơn độc. Trong chứng rung tâm nhĩ đơn độc, nguyên nhân thường là không rõ ràng và các biến chứng nghiêm trọng rất hiếm.
*Rung tâm nhĩ nhẹ (Atrial Flutter)
Rung tâm nhĩ nhẹ cũng tương tự như rung tâm nhĩ nhưng nhịp điệu trong tâm nhĩ có tổ chức và ít lộn xộn hơn rung tâm nhĩ. Đôi khi bạn bị rung tâm nhĩ nhẹ, sau đó phát triển thành rung tâm nhĩ và ngược lại. Các triệu chứng, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của rung tâm nhĩ nhẹ cũng tương tự như của rung tâm nhĩ. Ví dụ, tai biến não cũng là một mối quan tâm với rung tâm nhĩ nhẹ. Cũng như rung tâm nhĩ , rung tâm nhĩ nhẹ thường không đe dọa tính mạng khi được điều trị đúng .
*Ai dễ bị rung tâm nhĩ?
Những yếu tố sau đây ảnh hưởng đến nguy cơ bị rung tâm nhĩ:
-Tuổi . Tuổi càng cao, rủi ro bị chứng này càng lớn.
-Bệnh tim. Bất cứ ai có bệnh tim mạch, gồm cả bệnh van tim, bệnh sử trụy tim và giải phẫu tim, đều có nguy cơ bị rung tâm nhĩ .
-Tăng huyết áp. Bị cao huyết áp , đặc biệt là khi không được kiểm soát tốt bằng cách thay đổi lối sống hay uống thuốc, có thể làm tăng nguy cơ bị rung tâm nhĩ .
-Những bệnh kinh niên khác . Những người có bệnh tuyến giáp trạng, ngưng thở khi ngủ và một số vấn đề y tế khác cũng bị tăng nguy cơ rung tâm nhĩ .
-Uống rượu. Một số người khi uống rượu có thể gây ra một cơn rung tâm nhĩ. Uống một lúc quá nhiều - năm ly trong hai giờ cho nam giới, hoặc bốn ly cho phụ nữ - có thể đặt bạn vào nguy cơ cao hơn.
-Bệnh sử gia đình. Một số gia đình tự nhiên dễ bị rung tâm nhĩ mà không có nguyên nhân nào rõ rệt.
*Biến chứng
Đôi khi rung tâm nhĩ có thể dẫn đến các biến chứng sau đây:
-Tai biến não. Nhịp đập hỗn loạn của tim khiến máy đọng lại trong tâm nhĩ và tạo nên cục máu đông. Cục máu này có thể tróc ra và chạy lên óc, làm nghẽn mạch máu g6y r ti biến não (stroke). Nguy cơ tai biến não cao hơn ở người lớn tuổi, người có huyết áp cao, tiểu đường, hoặc có tiền sử suy tim hoặc trụy tim, và các yếu tố khác. Thuốc làm loãng máu có thể làm giảm nguy cơ tai biến não hoặc tổn thương các cơ quan khác do cục máu đông.
-Suy tim. Rung tâm nhĩ, nếu không được kiểm soát, có thể làm suy yếu tim và dẫn đến chứng suy tim - tình trạng trái tim không bóp đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
*Định bệnh
Bác sĩ có thể làm các thử nghiệm sau để định bệnh: Tâm điện đồ ( ECG), đeo máy theo dõi nhịp tim 24 giờ Holter, đeo máy ghi những sự kiện xảy ra có thể trong nguyên 1 tháng, siêu âm tim, thử máu, chụp quang tuyến X.
*Thay đổi lối sống
Bạn có thể cần phải thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe trái tim, đặc biệt là để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh như huyết áp cao . Bác sĩ có thể đề nghị bạn nên :
-Ăn các thực phẩm có lợi cho tim
-Ăn ít muối , có thể giúp hạ huyết áp
-Tăng cường hoạt động thể chất của bạn
-Bỏ hút thuốc
-Tránh uống nhiều hơn một ly rượu nếu là phụ nữ hoặc nhiều hơn hai ly đối với nam giới mỗi ngày.
*Phòng ngừa
-Giảm hoặc bỏ thức uống chứa caffeine và rượu
-Cẩn thận khi uống thuốc mua tự do ngoài quầy (OTC). Một số thuốc, thí dụ như thuốc cảm có chứa pseudoephedrine, chứa các chất kích thích có thể gây ra rung tâm nhĩ. Ngoài ra, một số thuốc OTC có thể có tương tác nguy hiểm với các thuốc chống loạn nhịp tim .
BS Nguyễn Thị Nhuận