Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học đoạt Giải Nobel Hòa Bình 2013 Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjorn Jagland công bố giải Nobel Hòa Bình tại Oslo, ngày 11/10/2013.Giải Nobel Hòa Bình năm nay được trao cho Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học OPCW, là tổ chức đang ra sức làm việc để phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria.
Khi công bố tin này hôm nay tại Oslo, Ủy ban Nobel công nhận những “nỗ lực to lớn” của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học “để loại trừ vũ khí hóa học”.
Tổ chức có trụ sở chính tại La Hayes đã được thành lập năm 1997 để thực thi Công ước Quốc tế Cấm Vũ khí hóa học.
Trong một tuyên bố hôm nay, Ủy ban Nobel nói rằng việc làm của OPCW đã giúp xác định rằng việc sử dụng vũ khí hóa học “là một điều cấm kỵ dưới luật pháp quốc tế.” Ủy ban Nobel nói rằng những biến cố tại Syria hồi gần đây, nơi các vũ khí hóa học mới đây đã được dùng để tấn công thường dân, “nêu bật nhu cầu phải củng cố các nỗ lực loại trừ các loại vũ khí như thế.”
Syria thừa nhận rằng họ có sở hữu vũ khí hóa học, và đang chuẩn bị trở thành thành viên của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học vào ngày thứ Hai sắp tới.
Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học được tài trợ bởi các nước hội viên và ngân sách của tổ chức này là vào khoảng 100 triệu đôla.
Tổ chức này có 500 nhân viên làm việc tại trụ sở chính ở thành phố La Hayes của Hà Lan. Theo OPCW, họ đã thực hiện hơn 5.000 cuộc kiểm tra tại 86 quốc gia, với 100% các kho vũ khí hóa học được khai báo đã được kiểm kê và chứng thực.
Việc chọn Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học để trao tặng Giải Nobel Hòa Bình được coi là một sự ngạc nhiên.
Trước đó, cô Malala Yousafzai, thiếu nữ hoạt động tích cực để cổ vũ cho việc giáo dục phụ nữ ở Pakistan, được coi là có triển vọng đoạt được Giải Nobel Hòa bình năm nay. Hôm thứ Năm, cô đã được trao tặng Giải Tự do Tư tưởng Sakharov của Châu Âu.
Trong số các nhân vật hoặc tổ chức từng đoạt Giải Nobel Hòa Bình có Liên hiệp Âu Châu, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi, và nhà tổ chức công đoàn Ba Lan Lech Walesa.
Các giải Nobel vinh danh những thành tựu trong các lĩnh vực khoa học, văn chương và hòa bình lần đầu tiên được trao tặng vào năm 1901, theo di chúc của ông Alfred Nobel, một nhà sáng chế và cũng là một doanh gia.
Theo VOA
Nobel Hòa bình về tay Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học Tổng Giám đốc Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học OPCW Ahmet Uzumcu phát biểu nhân một cuộc họp báo tại La Haye (Hà Lan) ngày 09/10/2013.
REUTERS/Toussaint Kluiters/United PhotosỦy ban Nobel Na Uy hôm nay, đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OIAC/OPCW). Hoạt động của OIAC nằm ở trung tâm thời sự quốc tế hiện nay, kể từ khi tổ chức này được giao trách nhiệm thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, kiểm soát việc phá hủy hệ thống vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bachar al-Assad, từ nay đến 30/06/2014.
Trong bản thông báo công bố giải, Ủy ban Nobel hòa bình Na Uy cho biết là việc giải trừ vũ khí đã được Alfred Nobel nhấn mạnh trong di chúc của mình. Ủy ban Nobel Na Uy, qua nhiều giải thưởng khác nhau, đã nêu bật sự cần thiết phải loại trừ vũ khí hạt nhân. Với phần thưởng trao cho OIOA lần này, Ủy ban muốn góp phần vào việc loại trừ hoàn toàn vũ khí hóa học. Ủy ban giải Nobel Hòa bình nhắc lại rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng với khối lượng lớn trong Thế chiến thứ nhất, rồi bởi nước Đức phát xít trong chính sách diệt chủng trong Thế chiến Hai.
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học OIAC, có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), vốn ít được công chúng rộng rãi biết đến cách đây ít tuần. Với việc trao phần thưởng cho OIAC, Ủy ban Nobel muốn nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức này, không những trong cuộc khủng hoảng Syria, mà còn đến những thành tích của OIAC kể từ khi thành lập.
Tổ chức OIAC được thành lập năm 1997, nhằm thực thi Công ước quốc tế về cấm vũ khí hóa học, được ký ngày 13/01/1993. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học có nhiệm vụ chính là tiêu hủy toàn bộ các vũ khí hóa học đang tồn tại và có các biện pháp cần thiết để chấm dứt việc sản xuất vũ khí hóa học. OIAC có trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ các quốc gia thành viên bị đe dọa bằng vũ khí hóa học. Tổ chức này đồng thời có vai trò trong việc khuyến khích các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sử dụng vũ khí hóa học cho mục tiêu hòa bình.
Theo OIAC, cho đến nay đã có 58.172 tấn vũ khí hóa học, chiếm hơn 81% tổng số vũ khí hiện tồn, đã được phá hủy tại các quốc gia như Irak, Libya, Nga hay Hoa Kỳ. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đã tiến hành hơn 5.000 cuộc thanh tra vũ khí hóa học tại 86 quốc gia. Ủy ban Nobel Hòa bình cũng lưu ý hiện còn một số quốc gia chưa tham gia Tổ chức này, như Israel hay Bắc Triều Tiên, bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Nga là các quốc gia không tôn trọng thời hạn phá hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân trước tháng 4/2012.
Cũng liên quan đến giải Nobel Hòa bình, một ứng cử viên sáng giá năm nay là thiếu nữ người Pakistan. Đó là cô Malala Yousafzai, sinh năm 1997, một biểu tượng của cuộc đấu tranh cho nhân quyền, cho quyền của người phụ nữ.
Theo RFI