Các chuyên gia NASA đang lắp ráp Vệ tinh thám hiểm sao Hỏa MAVEN, Trung tâm Không gian Cape Canaveral, Florida, Hoa Kỳ, 27/09/2013
REUTERSCông ty Mars-One của Hà Lan cho biết, có hơn 200 ngàn người, thuộc 140 quốc gia, đăng ký lên sao Hỏa, chấp nhận một đi không trở lại và sống những ngày còn lại của mình trên hành tinh này.
Tháng Tư vừa qua, công ty Mars-One, một tổ chức phi vụ lợi, tung ra dự án đưa người lên sao Hỏa. Chuyến công du một chiều này sẽ kéo dài 9 tháng và dự tính bắt đầu từ năm 2023.
Hiện đã có 202 586 người, thuộc 140 quốc gia, nộp đơn xin tham gia đợt một chuyến viễn du một đi không trở lại này. Trong số các ứng viên, có 24% là người Mỹ, 10% người Ấn Độ, 6% người Trung Quốc, 5% người Brazil…
Công ty Mars-One cho biết, trong vòng hai năm tới, việc tuyển chọn sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn : Từ nay đến 2015, có từ 6 đến 10 nhóm, mỗi nhóm 4 người, được huấn luyện đầy đủ. Đến năm 2023, một trong những nhóm này sẽ hạ cánh xuống sao Hỏa và sống những ngày còn lại của mình trên hành tinh này.
Dự án này tốn kém khoảng 6 tỷ đô la, nhận được sự ủng hộ của giải thường Nobel Vật lý năm 1999, ông Gerard’t Hooft. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến bi quan.
Cho đến nay, chỉ có cơ quan nghiên cứu không gian, vũ trụ Mỹ NASA, đưa thành công các máy thăm dò, thám hiểm lên sao Hỏa. Tháng Năm vừa qua, NASA cho biết có ý định đưa người lên hành tinh này trong vòng hai chục năm tới.
Theo giới chuyên gia, dự án của công ty Mars-One phải đối mặt với nhiều khó khăn như khả năng đưa các nhà du hành vũ trụ trở lại trái đất, những người trên sao Hỏa sống trong các « căn nhà » đặc biệt, rất nhỏ hẹp, phải tìm được nước, sản xuất oxy và trồng trọt các loại rau hoa quả để sống trên đó.
Thế nhưng, sao Hỏa là một sa mạc khổng lồ, khí quyển chủ yếu bao gồm dioxyde carbon và nhiệt độ trung bình là âm 63° C. Các nhà du hành vũ trụ sẽ phải hứng chịu phóng xạ nguy hiểm trong quá trình bay lên hành tinh này.
Khó khăn cuối cùng là hiện chưa có loại tên lửa và khoang chở các nhà du hành vũ trụ lên tới sao Hỏa.
Theo RFI