Trong lãnh vực điện ảnh Hoa Kỳ, loại phim “cao bồi” về thời kỳ khai phá miền Viễn Tây đã có một chỗ đứng riêng. Từ những phim rất tầm thường đến tác phẩm xuất sắc, phim “Western” là một phần quan trọng của văn hóa và nghệ thuật Hoa Kỳ.
Trong một giai đoạn khá lâu thời trước, nhạc phim cao bồi đều có nét chung là rất ồn và hòa âm hơi bát nháo, nhất là ở những đoạn rượt đuổi ngoài sa mạc hay trên đồi núi. Nhưng cũng trong loại phim này, một số nhạc khúc đã tồn tại với thời gian và gần như có một đời sống riêng, chẳng khác gì nhiều tác phẩm âm nhạc trong loạt phim về James Bond.
Nổi bật nhất và có lẽ là trường hợp hãn hữu mà nhạc phim đã cứu cả tác phẩm thì có bài “Do Not Forsake Me” của phim “High Noon,” xuất hiện từ năm 52. Thời xưa ở nhà, chúng ta xem phim Mỹ qua ấn bản Pháp nên cuốn phim lại có tên là “Le Train Sifflera Trois Fois” và bài hát mở đầu với câu trầm hùng u uẩn: “Si toi aussi tu m'abandonnes...” Người viết còn nhớ là sinh thời, hai chú Mai Thảo và Hoài Bắc mà cao hứng là lại khuỳnh khuỳnh đôi tay cùng ông ổng ca bài này bằng tiếng Pháp với đôi chân nhịp nhịp như cưỡi ngựa.
Mãi về sau, khi qua Mỹ thì mình mới biết được nguyên bản và còn biết thêm rằng tác phẩm âm nhạc này đã được giải Oscar. Tác giả là một nhạc sĩ Mỹ gốc Nga, Dimitri Tiomkin, cũng là người viết nhạc phim và ca khúc bất hủ “OK Corral” mà lũ nhóc nào cũng biết. Ông để lại dấu ấn cho rất nhiều nhạc phim nghệ thuật chứ không chỉ nổi bật trong loại phim cao bồi.
Là một phản diện mà cũng để trả lời cho cái nhìn bi quan chua chát của “High Noon,” năm 59, đạo diễn Howard Hawks tung ra phim “Rio Bravo.” Phụ trách phần nhạc vẫn là Dimitri Tiomkin và ca khúc “My Rifle, My Pony, and Me” qua giọng hát ngọt như mía lùi của Dean Martin là một phần khó quên của tác phẩm. Với người viết, đây là một trong những phim cao bồi hay nhất.
Nhưng có một cuốn phim cao bồi xuất sắc lại ít được chúng ta nhắc đến. Ðó là “Johnny Guitar.”
Ðây là phim cao bồi do phụ nữ thủ vai chính và quả thật là một phim đầu tiên về nữ quyền trong thế giới của sỏi cát, súng đạn và ngựa nản chân bon của đàn ông. Nội dung là sự đối nghịch của một ả giang hồ lãng mạn mà lỳ lợm với một cô trại chủ tham lam và tai ngược. Ở giữa là các đấng mày râu khá thụ động và mờ nhạt.
Trong vai nàng Vienna, Joan Crawford với nét cười khinh bạc trở về mở sòng bạc ở một nơi hoang vu của Arizona. Nàng đợi ngày thịnh vượng nhờ đường xe lửa sẽ đi qua vùng đó. Nhưng nơi đây đã có nàng Emma ngự trị, qua tài diễn xuất của Mercedes McCambridge. Là một kịch sĩ trên đài phát thanh, McCambridge lột tả được chất bạo ngược của Emma làm khán giả có khi cũng muốn nổ súng. Ở trong phim và ngoài đời, Joan Crawford và Mercedes Cambridge khi đó cũng lại là tình địch nên họ diễn xuất như thật. Cuốn phim là một bản hùng ca về súng đạn trong tay đàn bà.
Nam tài tử trong phim, chàng Johnny Guitar lại là kẻ... ôm đàn đến giữa đời!
Không đeo súng mà chỉ cầm đàn, chàng đi giữa hai lằn đạn và giấu hẳn quá khứ là một tay xạ thủ khét tiếng, người tình xưa của nàng Vienna... Thủ diễn vai này là một tài tử có vóc dáng cao to mà sự nghiệp mờ nhạt, là Sterling Hayden. Hình như lần cuối mà chúng ta gặp diễn viên này là trong phim Godfather, là viên đại úy cảnh sát tham ô bảo vệ một tay trùm mafia và bị Michael Corleone bắn hạ trong quán ăn!
Trong cuốn phim, chàng Johnny Guitar có thể là một truyền nhân của Quách Tĩnh. Là đại cao thủ chân thật, chàng lặng lẽ đi sau để bảo vệ người mình yêu, dù đôi khi bị nàng đối xử rất tàn tệ. Nhân vật trong phim không dám xúc phạm vào nữ quyền của nàng Vienna mà chỉ kín đáo ra tay khi cần thiết. Người viết không muốn kể thêm vì biết đâu chừng là còn có người chưa xem tác phẩm này.
Với dân sành điệu, Johnny Guitar là một tuyệt tác, và được lưu trữ trong di sản văn hóa của điện ảnh Hoa Kỳ.
Với người viết, đây còn là cuốn phim xuất sắc về nhạc. Ca khúc Johnny Guitar có nét u uẩn thê thiết là tác phẩm của Victor Young, một nhạc sĩ khét tiếng đã 22 lần được tuyển vào giải Oscar. Nhưng lời từ mới là phần đáng nhớ vì thật sự là một bài ngợi ca tình yêu. Viết lời từ và trình bày trong cuốn phim là phần đóng góp của một đại danh ca, kiêm tài tử và nhà soạn nhạc có tài, đó là Peggy Lee.
Ngày xưa ở nhà, khi thấy người lớn ngợi ca cuốn phim và ngân nga hát bài Johnny Guitar, mình vẫn thờ ơ. Sau này thì mới biết thưởng thức và hiểu là vì sao ca khúc là một tiêu biểu của nhạc phim cao bồi. Nếu có dịp, xin quý vị xem lại và nghe lại.
Quỳnh Giao