“Điều chúng ta gọi là nỗi tuyệt vọng chẳng qua là nỗi đau đớn phát sinh do một niềm hy vọng không đạt được” (George Eliot). Đó là tình trạng của tướng Naaman và của 10 người bị phong hủi mà chúng ta nghe nói đến trong sách các vua quyển 2 và trong Tin Mừng của thánh Luca.
Họ bị bệnh phong cùi về thể xác, một thứ bệnh mà vào thời đó y học đành bó tay. Họ bị sống cô lập, cách biệt với cộng đồng, bị cộng đồng xa lánh. Sống trong tình trạng tuyệt vọng ấy, họ vẫn nuôi một niềm hy vọng. Hy vọng ấy mong tìm được thứ thuốc nào đó, tìm được một lương y tài giỏi nào đó có thể giúp họ thoát khỏi cuộc sống tuyệt vọng ấy. Ai nói ăn gì, uống gì hay nghe nói ai đó có thể chữa lành căn bệnh quái ác của mình, họ đều nuôi một chút hy vọng. Còn nước còn tát!
Tướng Naaman, một người quyền thế. Ông bị bệnh phong hủi. Với một người quyền thế và đầy dủ phương tiện để chạy chữa như ông, nhưng cũng đành bó tay. Thế mà chỉ qua tin đồn chẳng biết thực hư thế nào của một đứa đầy tớ gái, bị bắt từ đất Israel đưa về nói: “Phải chi ông chủ con được giáp mặt một vị ngôn sứ ở Samari, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phong hủi.” Cùng đường, ông cũng đến trình với vua, thuật lại lời đồn đãi và xin vua để cho ông đi gặp ngôn sứ ấy.Vua đồng ý và còn viết thư cho vua Israel.
Ông Naaman và đoàn tùy tùng đứng trước nhà ông Êlisa. Êlisa sai người ra nói với Naaman: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Jordan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch”.
Nghe đầy tớ Êlisa bảo : “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Jordan”. Naaman nổi giận bỏ đi và nói: “ Ta nghĩ bụng thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ông ta… Nước các sông Avana và Pácpa chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Israel sao?”.
Ông tức tối quay lưng ra đi thì các đầy tớ đến gần nói: “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: “Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch!” Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Jordan, theo lời của người Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.
Còn trường hợp mười người bị phong cùi thì sao?
Trên đường lên Jerusalem, Chúa Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có 10 người phong hủi đón gặp Ngài. Họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.
Và 10 người phong hủi đang trên đường đi trình diện các tư tế thì họ được sạch.
Đi tắm bảy lần trong dòng sông Giođan, đi trình diện với các tư tế, cả hai việc xem ra chẳng liên quan gì đến một thứ y dược để chữa trị bệnh phong cùi! Thật khó tin, nhưng những việc ấy lại có thể chữa bệnh.
Với quyền năng của Thiên Chúa thì việc tầm thường cũng trở thành việc phi thường, cái không thể lại trở nên cái có thể! Naaman, người có uyền thế, có điạ vị xã hội thì cho việc đi tắm ở một dòng sông là chuyện vớ vẫn; nhưng các đầy tớ năn nỉ, và ông làm theo. Còn 10 người phong hủi thì số phận xã hội thấp kém , chỉ biết đứng xa xa mà la lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi!” Naaman và 10 người phong hủi đã tin qua những công việc bình thường!
Phương thuốc chữa trị cho Naaman và 10 người phong hủi là tin vào quyền năng của Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu nói với người Samari được chữa lành: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu anh”.
Trên đường đi đến trình diện các tư tế thì họ đã được lành bệnh, nhưng trong số 10 người được chữa lành, thì 9 người “được chim quên ná, được cá quên nơm”, chỉ có một người Samari “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”; thấy mình được khỏi, anh liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn.
Và như Naaman, sau khi được chữa lành, ông đã cùng với đoàn tùy tùng, trở lại gặp người của Thiên Chúa và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel. Bây giờ xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi đây”. Và sau khi nài ép Êlisa nhận quà không được, ông xin lấy một số đất vừa sức hai con lừa để làm vật chứng cho việc được chữa lành của ông; và ông hứa “sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa” và nếu có phải tháp tùng vua vào điện của thần Rimmôn, thì cũng xin tha thứ vì ép buộc phải làm thế.
Đối với 9 người phong cùi được sạch bệnh, họ đến gặp các tư tế để được xác nhận mình đã được lành. Họ không trở lại tôn vinh Thiên Chúa, có lẽ họ cho rằng Thiên Chúa phải ban ơn cho họ, phải quan tâm đến họ, vì họ là những người phải được thương xót. Chỉ một người khi thấy mình được chữa lành đã quay trở lại để tỏ lòng biết ơn và tôn vinh Đấng ấy.
Không cha mẹ nào đòi buộc con cái phải trả ơn và tôn vinh; nhưng tạ ơn và tôn vinh cha mẹ là bổn phận của con cái. Thiên Chúa cũng không đòi hỏi chúng ta cám ơn Ngài, nhưng nhắc nhớ cho họ biết tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa.
Tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa là biểu lộ lòng tin, biết nhận ra người thi ơn, biết ơn hay tạ ơn cũng nói lên lòng khiêm tốn của người thụ ơn.
Chỉ khi nào chúng ta tín thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa, vào tình thương của Ngài, chúng ta mới cảm nhận được như thánh Phaolô:” Tất cả là hồng ân”.
Naaman đã được sạch nhờ nước của dòng sông Jordan, 10 người phong hủi được sạch khi đi gặp các tư tế: Naaman đã nhận Bí Tích Rửa Tội và 10 người phong hủi đã nhận Bí Tích Hoà Giải, và chỉ có một người Samari biết quay trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa.
Trong chúng ta, ít nhiều cũng bị phong hủi về tinh thần, cũng cần được chữa trị. Chúng ta may mắn được nhận Bí Tích Rửa Tội, có Bí Tích Giao Hòa để trở về với Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đã được sạch nhờ những phương thế ấy, thì cũng như Naaman hay người Samari, chúng ta cũng phải trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể.
Lời Chúa Giêsu: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” cũng là lời trách yêu của Chúa đối với chúng ta vậy!
LM. Trịnh Ngọc Danh