Kính gửi bác sĩ Nguyễn Ý Đức,
Chúng tôi mới ở Việt nam về. Hồi này bên nhà đang có dịch đau mắt đỏ, lan tràn tại nhiều tỉnh. Tôi thấy
tội nghiệp cho các cháu bé học sinh, đi học mà mắt cứ đỏ hoe, không được chăm sóc chữa trị. Bác sĩ
có thể viết một bài về bệnh này, nhất là về cách phòng ngừa và điều trị để gửi về cho họ hàng bên nhà,
giúp họ biết về bệnh để phòng ngừa.
Cảm ơn bác sĩ.
Phương Minh – San Antonio
* * *
Chào bà Phương Minh,
Thực ra thì báo chí bên nhà cũng nói đến dịch đau mắt đỏ này ở Việt Nam khá nhiều rồi. Chúng ta sống
ở Hoa Kỳ, bệnh cũng ít khi xảy ra, vì dân chúng biết cách đề phòng cũng như cứ thấy đỏ mắt là đi bác sĩ
khám chữa ngay, cho nên bệnh ít thành dịch, như ở bên nhà.
Theo lời yêu cầu, chúng tôi xin nói rõ về bệnh này, để bà tùy nghi phổ biến. Xin nói thêm là bài viết chỉ có
mục đích để bà con hiểu thêm về bệnh chứ không có ý chữa bệnh. Nếu nghi bị bệnh thì nên đi bác sĩ
để được khám xác định bệnh rồi điều trị.
Đau Mắt Đỏ (Pink Eye) hoặc Viêm Kết Mạc (Conjunctivitis) là một bệnh truyền nhiễm của kết mạc
(conjunctiva).
Kết mạc là một lớp tế bào mỏng bao phủ phía trước của nhãn cầu và mặt trong của mi mắt. Kết mạc
nằm trong mi mắt có rất nhiều mạch máu, còn kết mạc trên nhãn cầu ít mạch máu cho nên nom trong
suốt.
Đau mắt đỏ có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em.
Nguyên ngân
Có nhiều nguyên nhân:
- Vi khuẩn như staphylococci hoặc streptococci, thường thấy ở trẻ em, rất dễ lây lan qua sự tiếp xúc
trực tiếp với người bệnh.
Dấu hiệu bệnh gồm có mắt đỏ và sưng, nhiều khi đóng ghèn, có mủ nhất là vào buổi sáng khi mới thức
dậy.
- Nhiều loại virus như adenovirus, thường kết hợp với các bệnh cảm lạnh, viêm họng hoặc nhiễm trùng
đường hô hấp trên như mũi, khí quản. Đây là trường hợp thường xảy ra ở Việt Nam hiện nay.
Mắt bị đỏ có thể là ở một bên hoặc cả hai mắt với nước mắt chảy ra rất nhiều và rất lỏng.
Đau mắt đỏ do virus lây lan rất mạnh qua tiếp xúc thể chất. Bệnh nhân dụi mắt rồi sờ vào vật dụng nào
đó như áo gối, điện thoại. Người khác đụng vào vật đó là nhiễm virus mắt, vì virus còn khả năng gây
bệnh ở ngoài không khí trong vài giờ.
Virus cũng có thể làm tổn thương giác mạc cornea, kéo dài cả nhiều tuần lễ, khiến cho thị giác mờ đi.
- Do dị ứng với phấn của cây cỏ, nhất là vào cuối mùa hè, đầu mùa Thu. Mắt bệnh nhân bị sưng đỏ,
ngứa, chảy nước mắt, nước mũi.
- Do các chất hóa học, như chlorine trong nước hồ bơi, mỹ phẩm hoặc bị bụi bặm bắn vào mắt.
- Do vi khuẩn chlamydia trachomatis. Ngoài mắt ra, vi khuẩn này cũng gây bệnh ở các bộ phận khác của
cơ thể và gây bệnh do quan hệ tình dục.
Nói chung, đau mắt đỏ thường không nguy hiểm, nhưng gây khó chịu. Nếu được điều trị đúng lúc, đúng
cách bệnh sẽ khỏi hẳn.
Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh
Bé sơ sinh có thể bị nhiễm với vi khuẩn trong cơ quan sinh dục người mẹ, như với vi khuẩn bệnh lậu
gonococcal hoặc chlamydia. Do đó, ngay sau khi sanh, các cháu được nhỏ thuốc mắt để tránh bị bệnh.
Điều trị
Điều trị tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh.
1-Đau mắt đỏ do vi khuẩn
Bệnh do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh chloramphenicol dưới dạng thuốc nước
nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ thoa lên nhãn cầu.
Mắt cần được lau rửa sạch sẽ với bông gòn thấm nước đun sôi để nguội để lau hết ghèn dỉ dính vào mí
mắt.
Bình thường, 64% trường hợp bệnh viêm đỏ mắt do vi khuẩn tự hết trong vòng 5 ngày, nhưng với kháng
sinh, bệnh sẽ được trị dứt và sớm lành.
2-Đau mắt do virus
Không có thuốc đặc trị cho bệnh viêm đỏ mắt do virus nhưng thuốc mỡ nhỏ mắt giúp mắt bớt khó chịu
hơn.
Ngoài ra nên chườm mắt với khăn mặt thấm nước lạnh và uống thêm thuốc giảm đau như paracetamol,
ibuprofen.
Trường hợp này rất dễ lây lan, cho nên cần áp dụng kỹ càng phương pháp phòng ngừa lan truyền bệnh
như rửa tay, không dùng chung khăn mặt. Trẻ em bị bệnh nên ở nhà trong vài tuần lễ đầu để tránh truyền
bệnh sang các em khác.
Đôi khi bệnh kéo dài lâu ngày và cần nhỏ mắt với thuốc có chất steroid, nhưng cần phải được bác sĩ
chuyên khoa về mắt ophthalmologist chỉ định và theo dõi.
3-Đau mắt đỏ do vi khuẩn chlamydia
Bệnh thường được điều trị với thuốc mỡ chlorotetracycline nhỏ vào cả hai mắt và thuốc viên uống
tetracycline để loại trừ hết vi khuẩn. Với trẻ em, dùng erythromycin thay cho tetracycline, vì thuốc này
làm vàng răng.
4-Đau mắt đỏ do dị ứng
Bệnh có thể điều trị với thuốc nhỏ mắt chống dị ứng như sodium cromoglicate trong vài tuần lễ. Đôi khi
bệnh trầm trọng, cần đến thuốc nhỏ có chất corticosteroid, nhưng cần được bác sĩ nhãn khoa chỉ định.
Điều quan trọng là cần phải tìm ra chất gây ra dị ứng để tránh xa chúng.
Khi nào cần đi bác sĩ khám bệnh
Đi bác sĩ khi:
- Mắt vửa đỏ vừa rất đau.
- Rối loạn thị lực như mắt mờ hoặc chóa mắt với ánh sáng.
- Khi nghi rằng mắt bị nhiễm với virus các bệnh Herpes simplex hoặc Herpes Zoster.
- Nhiễm với vi khuẩn không chữa khỏi với thuốc kháng sinh.
Phòng ngừa
Đau mắt đỏ do dị ứng hoặc hóa chất không lây lan nhưng do vi khuẩn hoặc virus đều dễ dàng truyền lan
sang người khác và có thể gây ra dịch bệnh. Do đó, người bệnh cần áp dụng một số phương thức
phòng ngừa như sau:
- Rửa tay với nước và xà bông.
- Tránh dụi tay lên mắt.
- Lau rửa nước mắt hoặc ghèn mắt nhiều lần trong ngày với khăn mặt rồi giặt cho sạch hoặc lau bằng
giấy lau mềm. Nhớ ném giấy đã dùng vào thùng rác.
- Rửa tay sau khi nhỏ thuốc đau mắt.
- Không được dùng cùng lọ thuốc nhỏ mắt cho mắt bệnh và mắt lành.
- Giặt áo gối khăn trải giường, khăn tắm với nước nóng.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn mặt, chăn gối với người khác.
- Không dùng chung bông phấn, bút kẻ lông mi và mỹ phẩm với người khác.
- Không tắm hồ bơi khi bị đau mắt.
Ngoài ra, khi ở gần người bị đau mắt đỏ cũng cần rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc dụng cụ
cá nhân của họ, rửa tay sau khi nhỏ thuốc đau mắt cho người bệnh.
Khi đã khỏi bệnh, nên vứt bỏ các mỹ phẩm, nước rửa kính contact lense đã dùng trong khi bị bệnh.
Hiện nay chưa có vaccine ngừa bệnh Đau Mắt Đỏ.
Ngoài ra, một trường hợp Đau Mắt Đỏ chưa được y giới xác định nhưng truyền thông đã nêu ra là Đau
mắt đỏ do hôn lưỡi vào nhãn cầu.
Trên tạp chí Las Vegas Guardian Express ngày 15 tháng 6, 2013, tác giả Jayeeta Shamsul có bài viết
tựa đề Eye-kissing Endangers Eyes Resulting in Oculolinctus and Conjunctivitis. Tác giả cho hay bệnh
khám phá ra ở nhiều học sinh trung học bên Nhật, khi thay vì hôn nhau ở miệng thì họ đưa lưỡi hôn liếm
nhãn cầu, và cảm thấy nhiều gợi cảm dục tình hơn.
Bác sĩ nhãn khoa Robert Noecker ở Connecticut nhận xét rằng: “Mắt là bộ phận rất nhạy cảm của cơ thể
và nhãn cầu tạo ra cảm giác rất dễ chịu chẳng khác chi khi nhâm nhi ‘mút’ đầu ngón chân”. Do đó, lớp
tuổi teen thích cảm giác đó”.
Hy vọng hành động “eye-ball kissing” này chỉ là do bồng bột của tuổi trẻ, không trở thành một thói quen
tỏ tình lan rộng. Để “hai mắt là ngọc” không bị thêm một rủi ro bị bệnh. Vì như bác sĩ Robert Glatter,
Bệnh Viện Lenox -New York, có ý kiến rằng đây là một hành động nguy hiểm vì trong miệng có nhiều
virus, vi khuẩn. Nếu truyền sang mắt, chúng có thể gây ra nhiễm trùng làm mủ nhãn cầu và mí mắt.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức