Trên thế giới có 20 triệu người theo đạo Sikh, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Punjab của Ấn ÐộĐẠO SIKH(Một bài thuyết trình trước Đại hội) Thưa các Huynh Đệ,
Khi bàn tới đạo Sikh chúng ta giáp mặt với điều có thể được gọi là một phong trào lưỡng bội. Vốn căn bản là mang tính tôn giáo ngay từ đầu, do áp lực của hoàn cảnh nó bị cưỡng chế thành ra một tổ chức hiếu chiến. Khi nghĩ tới đạo Sikh hầu hết mọi người đều liên tưởng đến một chiến sĩ anh dũng, một chiến binh oanh liệt. Nhưng ta sẽ sai lầm rất trầm trọng nếu những người nghiên cứu như chúng ta coi y chỉ là và thậm chí căn bản là một chiến sĩ. Điều đó chỉ bắt nguồn từ áp lực của hoàn cảnh, do áp lực của môi trường xung quanh; nhưng bản thân của phong trào này với tính cách trường cửu cơ bản vẫn là một phong trào tôn giáo. Đó là một phong trào trưởng thành trong lòng Ấn Độ giáo vốn tưởng niệm tới bậc Giáo chủ vĩ đại của mình là Đạo sư Nānak có ý niệm kết hợp tín đồ Ấn giáo với tín đồ Hồi giáo thành một liên đoàn vì tình thương của Thượng Đế và phụng sự cho con người. Ý tưởng của Đạo sư Nānak – ta thấy nó được biểu hiện chẳng những qua ngôn từ của ngài mà còn hơn thế nữa, qua cuộc đời ngài – là kết hợp những yếu tố chiến đấu này của dân tộc Ấn Độ trên một nền tảng mà cả đôi bên đều có thể chấp nhận được.
Nền tảng ấy căn bản là tình thương Thượng Đế, Bhakti tức lòng Sùng tín: Bhakti đối với Thượng Đế cũng như đối với Sư phụ, vì chính tên gọi Sikh có từ nguyên là Śisya, môn đồ, và ý tưởng yêu thương Thượng Đế cũng như kính ngưỡng sư phụ chính là nền tảng và gốc rễ của đạo Sikh. Như vậy, đó là một phong trào cơ bản là sùng tín. Xét về triết lý, nó mang tính cách Ấn giáo; nhưng xét về mặt phong trào nó có bản chất cải lương, phấn đấu chống lại chủ nghĩa hình thức đương thời, chống lại chủ nghĩa nghi lễ đương thời để mưu tìm cái sự sống ẩn bên dưới hình tướng, mưu tìm cái cốt tủy của sự thật làm linh hứng cho các nghi lễ. Dưới thời Đạo sư Nānak cũng rất thường xảy ra trong lịch sử thế giới, một tôn giáo lớn càng ngày càng mang tính hình thức và thiên hạ đói khát với cái lớp vỏ trấu bao bọc hạt gạo hơn là chịu ăn chính hạt gạo. Đạo sư Nānak ra sức tìm thấy cái hạt gạo ấy, và khi làm như vậy ngài đã dẹp bỏ phần lớn lớp vỏ trấu; ngài phấn đấu dẫn dắt con người thấu hiểu được thực tại của tôn giáo, sức sống của tôn giáo, cốt tủy của tôn giáo để hiểu được rằng sức sống và cốt tủy ấy ở việc yêu thương Thượng Đế và Sư phụ, yêu thương con người là con của Thượng Đế duy nhất. Các bạn hầu như có thể tổng kết chính cốt tủy của đạo Sikh qua cụm từ ấy. Bây giờ ta sẽ thấy trong cuộc đời mình, ngài đã cố gắng ra sao để thu hút những yếu tố mâu thuẫn lại xung quanh mình. Bây giờ ta sẽ thấy trong cuộc đời mình, ngài đã chứng tỏ đó là một bài ca tán dương và yêu thương Thượng Đế biết chừng nào, ngài đã luôn luôn mưu tìm Đấng Tối Cao và sau khi đã tìm thấy Đấng Tối Cao, ngài ra sức dạy cho đồng đạo làm thế nào mà họ cũng có thể đạt được tri thức ấy qua lòng sùng tín. Đấy là tư tưởng mà tôi muốn các bạn nhớ kỹ khi nghiên cứu về đạo Sikh và bây giờ tôi sẽ cho các bạn thấy điều này được tiến hành ra sao qua các giáo huấn trong kinh điển đạo Sikh.
Nhưng trước khi làm như vậy và trước khi nói tới cuộc đời của bậc đại Thánh, tôi phải phác họa sơ lược cho các bạn, có thể nói là bối cảnh lịch sử của đạo Sikh để cho các bạn có thể hiểu được bằng cách nào mà một phong trào cốt yếu là Sùng tín, nó lại chuyển sang được đồng nhất hóa với tinh thần chiến đấu dũng cảm nhất. Và khi làm như vậy, dĩ nhiên tôi không thể trình bày mọi chi tiết mà bạn có thể tự đọc lấy. Nhưng bao giờ cũng có nguy cơ là tâm trí của đa số ắt chú trọng quá nhiều tới những chi tiết trong khi nghiên cứu mà quên đi mất những nét đại cương chỉ có chúng mới khiến cho ta hiểu được tổng thể. Giáo sư Huxley thường phàn nàn về các sinh viên khoa học là khi nghiên cứu cây họ quên mất rừng và điều này vẫn đúng mãi. Người ta bù đầu trong mê lộ các tiểu tiết cho nên không lĩnh hội được những nguyên tắc thống nhất trong lịch sử để thấy được khuynh hướng chính cũng như diễn tiến và ý nghĩa của các biến cố. Thế mà xét về lịch sử đạo Sikh, tôi chỉ muốn trình bày với các bạn phần đại cương khiến cho các bạn hiểu được làm thế nào mà nó lại ra nông nỗi như vậy. Có mười Đạo sư, vị này nối tiếp vị kia, không gián đoạn, mà Đạo sư Nānak là sơ tổ, người thanh khiết nhất, thánh thiện nhất và cao cả nhất, là nguồn sống, tâm hồn và linh hồn của tín đồ. Bây giờ ta sẽ xét tiểu sử của ngài (từ năm 1469 tới năm 1539 sau Công nguyên), tôi tạm thời chỉ đề cập tới hồng danh của ngài. Sau đó là nhị tổ, Đạo sư Angad (1539-1552) mà ta chẳng có bao nhiêu điều để nói ngoại trừ việc ngài thu thập nhiều bài hát và nhiều giáo huấn của bậc tiền bối, và thế là ngài bắt đầu biên soạn kinh điển của đạo Sikh tức Ādi Grantha Sāhab. Rồi tới tam tổ, Đạo sư Amār Dās (1552-1574) mà có một điều đặc biệt đáng chú ý là ngài có hội kiến với hoàng đế Hồi giáo, Akbar, về những vấn đề tôn giáo; điều này cho thấy tinh thần của Đạo sư Nānak đã khống chế ra sao và người ta toan tính mang lại hòa bình cho hai tín ngưỡng lớn cạnh tranh với nhau là Ấn giáo và Hồi giáo. Rồi tới Đạo sư kế tiếp, tứ tổ, Rām Dās (1574-1581) vẫn còn giao hảo thân hữu với Akbar có đầu óc phóng khoáng và quãng đại, vị hoàng đế này ban cho ngài một mảnh đất ở Amritsar, nơi ngài đào được một cái thùng phi nổi tiếng. Rồi tới ngũ tổ Arjunmal (1581-1606), ngài xây dựng Đền thờ Hoàng kim nổi tiếng ghi một cột mốc trong đạo Sikh vì đền thờ này cung cấp cho tín đồ một trung tâm, một nơi tá túc, một nơi tụ họp. Đền thờ trước hết được hiến cho Hari và được gọi là Hari Mandir, vì Đạo sư Nānak đã từng dạy rằng sự giải thoát là nhân danh Hari. Về sau nó trở thành Darbār Sāhab. Thế là tín đồ đạo Sikh có thể nói là có được nơi chốn riêng của mình. Họ bắt đầu tụ tập xung quanh đền thờ, họ bắt đầu lập thành một cộng đồng xác định. Đạo sư Arjunmal trở thành thủ lĩnh của một cộng đồng tôn giáo có tổ chức xác định được qui tụ lại ở một địa điểm riêng biệt – thế là tiểu bang Sikh khởi đầu. Lại nữa, công trình vĩ đại của ngài cũng thu thập giáo huấn của các bậc tiền bối, chính ngài đã biên soạn dứt khoát Ādi Grantha Sāhab; rồi xuất bản nó, nó bao gồm một phần là các bài hát và các giáo huấn của những Đạo sư đời trước, một phần cũng là những bài hát của các vị Thánh trong phong trào Sikh v.v. . .
Bây giờ mới nói tới một chút câu chuyện về cuộc tranh đấu trong tương lai. Jehangir nối ngôi Akbar, có đầu óc ít phóng khoáng và ít độ lượng hơn tiên đế. Con trai Jehangir nổi loạn chống lại ông. Đạo sư Arjunmal – xét theo biểu kiến là chẳng có cớ gì hoặc vì một cớ thật ra chẳng phải là cớ gì cả - bị buộc tội là có thiện cảm với nghịch tử. Tôi nói là “vô cớ” bởi vì nguồn gốc của sự buộc tội dường như do lòng sân hận và ghen tuông của một vị đại thần quyền uy mà ông từ chối không chịu gả con trai. Và vị đại thần này kích động lòng ngờ vực của Jehangir chống lại Đạo sư, xúi hoàng đế bắt giữ và bỏ tù bậc Đạo sư. Bậc Đạo sư tử nạn vì chịu sự hà khắc trong ngục.
Đây là điều khiến cho cộng đồng vốn thuần túy mang tính tôn giáo và hòa bình bắt đầu được dẫn dắt đi vào con đường biến nó thành một đoàn thể hiếu chiến do sự gây hấn đối với vị Đạo sư và Thủ lĩnh của mình. Aurangzib nối ngôi Jehangir và mọi chuyện càng ngày càng tồi tệ dưới quyền cai trị của nhà cầm quyền cuồng tín. Bậc Đạo sư kế tiếp là lục tổ, Har Govind (1606-1645) dứt khoát bắt đầu tự vệ qua việc tổ chức tín đồ đạo Sikh; ngài ràng buộc họ thành một đoàn thể khác với Ấn giáo và Hồi giáo, không còn là một đoàn thể liên kết hai tôn giáo với nhau mà là một đoàn thể ly khai với cả hai tôn giáo. Tiểu bang Sikh bắt đầu lớn mạnh và giờ đây bắt đầu chinh chiến với những trận giao chiến, xung đột, giao đấu lẫn nhau, thì càng gắn kết tín đồ đạo Sikh thành một đoàn thể chiến đấu. Thất tổ là Đạo sư Har Rai (1645-1661) mà ta chẳng có bao nhiêu điều nói tới, vốn tịch lặng và hiếu hòa nhưng xung quanh ngài càng có thêm đấu tranh, chiến tranh; tranh đấu ngày càng có thêm tinh thần chiến đấu cho đến khi có thể nói khía cạnh tôn giáo hầu như chìm vào trong bối cảnh ngoại trừ sự linh hứng và sức mạnh ràng buộc mà nó còn cung ứng. Rồi tới bát tổ là Đạo sư Har Kisan (1661-1664), ngài chẳng qua chỉ là một đứa trẻ, một đứa trẻ kế vị năm lên sáu tuổi rồi qua đời khi được chín tuổi để được kế vị bởi cửu tổ, là Đạo sư Tegh Bahādur (1664-1675). Cuộc đời của ngài đầy xáo trộn và ngài bị hoàng đế Aurangzib sát hại một cách dã man để rồi được kế vị bởi con trai là vị tổ cuối cùng, thập tổ, Đạo sư Govind (1675-1708), ngài mang lại cho tín đồ đạo Sikh tổ chức quân sự hùng mạnh, kết hợp họ thành đoàn thể dựng nên đế quốc Sikh ở bang Punjab dưới thời Rangit Singh.
Ta phải dừng lại một chút về vị thập tổ này. Khi chỉ mới là con nít, ngài phải lưu vong tìm đường sống sau khi cha bị sát hại và trong vòng 20 năm ngài vẫn biệt tích chẳng nghĩ gì tới sứ mệnh của mình. Dĩ nhiên ngài vẫn suy gẫm về việc phụ thân tử nạn, dĩ nhiên ngài vẫn cay đắng đối với kẻ thù giết cha mình, lòng thù ghét Hồi giáo dường như đã trở thành một bổn phận cho đứa con trai đảm nhiệm chức Đạo sư và vì vậy là bổn phận của tín đồ đạo Sikh. Tình bạn cố cựu đã biến mất, dòng máu của cha đã tạo nên sự hận thù giữa bậc Đạo sư và Hoàng đế Hồi giáo. Như tôi có nói, trong vòng 20 năm ngài vẫn ẩn cư biệt tích, suy gẫm về công việc mở ra trước mắt mình, suy gẫm về công trình như là bậc Đạo sư nhưng vẫn còn là một người tổ chức quân sự nữa. Và cuối cùng ngài xuất hiện khỏi nơi ẩn cư, sẵn sàng công trình dũng mãnh, chuẩn bị cho sứ mệnh của cuộc đời. Ngài quyết tâm tâm tách biệt tín đồ đạo Sikh ra khỏi mọi khả năng lẫn lộn với những người thuộc bất kỳ tín ngưỡng nào khác. Ngài triệu tập năm tín đồ thuần thành xung quanh mình, với năm người này và ngài là trung tâm điểm, ngài lập nên nghi lễ Pahul, là lễ nhập môn, đơn giản, giống như chiến sĩ. Ngài lấy nước và vợ ngài ngẫu nhiên đưa năm loại thịt và ngài lấy năm loại thịt sống ấy mỗi thứ một chút bỏ vào trong nước. Ngài khuấy nước lên bằng con dao hai lưỡi; ngài vẫy nó lên năm người xung quanh mình, đưa cho mỗi người uống, đến lượt họ vẫy lên người ngài, đưa cho ngài uống và ngài tuyên bố họ là Khālsā tức là kẻ thanh khiết, rồi ra lệnh cho họ thêm hình dung từ Singh vào tên gọi của mình, Singh nghĩa là con Sư tử. Đây là những môn đồ đầu tiên được nhập môn, được đặc trưng với mọi môn đồ khác qua dấu hiệu đặc biệt mà mọi tín đồ Sikh đều mang theo mình. Tóc dài để phân biệt với tín đồ Ấn giáo cạo trọc, cái lược, con dao găm hai lưỡi, cái vòng bằng thép, quần sọt xuống tới đầu gối. Đây là năm dấu hiệu mà họ gọi là 5 K, bởi vì mỗi dấu hiệu đều bắt đầu bằng chữ K trong thỗ ngữ, nhờ đó ngài tách biệt mỗi tín đồ đạo Sikh chân chính còn mang theo đến tận ngày nay. Đó là nghi lễ mà ngài đặt ra như là lễ nhập môn và ở đâu có năm tín đồ đạo Sikh tụ tập lại thì ở đó theo lời ngài ắt có tinh thần của ngài và ở đó có khả năng nhập môn. Ngài là vị Đạo sư cuối cùng, sau ngài không còn Đạo sư nào quang lâm nữa, quyền lực được giao phó cho các Khālsā được vận dụng qua hội đồng thủ lĩnh, Guru Mātā mà thẩm quyền đối với tín đồ đạo Sikh vốn ở trong quyển thánh thư do Đạo sư Govind hoàn tất sau này.
Giờ đây ngài là chiến sĩ lãnh đạo và tín đồ đạo Sikh qui tụ xung quanh soái kỳ của ngài. Ngài chiến đấu, đấu tranh xây dựng quân đội hùng mạnh, quân lính của ngài nổi tiếng nhờ lòng quả cảm nhiệm mầu qua cách thức họ đương đầu với nghịch cảnh trên chiến trường, ta thấy nơi chiến sĩ đạo Sikh cũng có lòng đam mê làm linh hoạt người Hồi giáo trong đời sinh hoạt theo gót bậc Đại Đạo sư đi chinh phục thế giới và họ vui lòng chết cũng giống như những người khác hân hoan sống. Chẳng lấy gì làm lạ khi thoạt đầu họ đã mang theo tất cả trước mắt mình thế nhưng sau nhiều phen chiến đấu rốt cuộc chỉ còn lại một ít trong đám ba quân, ta thấy họ bị đánh bại trên chiến trường khi họ chiến đầu dũng cảm chống lại quân địch áp đảo về mặt số lượng vì thiểu số này đã quyết tâm chống lại đế quốc Hồi giáo hùng mạnh ở phương Bắc.
Họ chỉ là một ít người chống lại đại đa số, nhưng họ chưa bao giờ ngã lòng, khiếp sợ, chán nản; bậc Đạo sư theo cùng họ ở bất cứ nơi đâu họ đi tới và họ tin vào ngài – ngài đã bị đánh bại cho đến cuối cùng qua một nỗ lực oanh liệt, ngài chuyển bại thành thắng và đẩy lùi quân địch; quân địch không dám truy kích ngài nữa. Nơi ấy được gọi là Giếng Cứu Độ, nơi trận chiến cứu chuộc đã được giao tranh.
Chính sau khi ấy, để khích lệ ba quân ngài đã xuất bản Kinh điển cuối cùng của đạo Sikh là Thánh thư của bậc Thánh vương thứ Mười, Daswen Pādsāhī, để hoàn tất Ādi Grantha Sāhab.
Rồi thì cũng tới lúc kết liễu. Ngài bị một kẻ tên là Pathan tấn công, y cãi cọ với ngài về vấn đề buôn bán, chỉ là những chuyện vặt thôi nhưng kẻ ấy đe dọa mạng sống của ngài và bậc Đạo sư chiến sĩ đã quật ngã y. Y chết đi. Các con trai của người ấy kéo tới và ngài ngỏ lời với họ một cách ôn tồn tử tế đầy lòng ưu ái vì nhớ rằng mình đã giết hại cha của chúng, cho nên ngài thương cảm những đứa con trai mà mình đã khiến cho chúng mồ côi cha; ngài thu nạp chúng để phục vụ cho những chuyện tin cẩn và khi ngài biết rằng mình đã tới số thì có một vở tuồng kỳ lạ xảy ra. Ngài nói với một trong những đứa con trai về bổn phận phải trả thù, về việc phải giết kẻ đã giết hại thân bằng quyến thuộc của mình, cho đến lúc cuối cùng ngài kích động y giáng cho ngài một đòn chí tử. Ngài cứu thanh niên ấy khỏi sự giận dữ của các tín đồ khi bảo rằng y chỉ trả thù cho nợ máu của cha mình và y phải được tha bổng. Ngài ra lệnh cho tín đồ phải theo Kinh điển, phải trung thành với Khālsā, rồi từ trần.
Thế là sau khi ngài qua đời, không còn bậc Đạo sư nào nữa; nhưng như tôi có nói, thẩm quyền thực sự chính là Ādi Grantha Sāhab với hội đồng trưởng lão và Khālsā là toàn thể cộng đồng tín đồ đạo Sikh, trong đó không có sự khác nhau về giai cấp, không có sự phân biệt giữa người và người, tất cả đều là huynh đệ và bình đẳng.
Rồi tới câu chuyện oanh liệt về cuộc đấu tranh quân sự và khải hoàn quân sự, đỉnh cao cuối cùng là chiến công lừng lẫy của Ranjit Singh, Con Sư tử ở Panjab (1797). Ông đã biến Panjab thực tế thành đế quốc của đạo Sikh. Ông băng hà năm 1839. Thế rồi tiếc thay là câu chuyện đáng buồn nhất về sự phản bội, bội bạc, về những chiến sĩ dũng cảm và anh hùng bị lừa gạt và bán đứng, tuyệt vọng chiến đấu chống lại mọi người. Đây là câu chuyện đáng buồn nhất nhưng là chuyện cứ xảy đi xảy lại ở Ấn Độ nơi mà huynh đệ bán đứng huynh đệ, bạn bè bán đứng bạn bè, người dân Ấn phản bội người dân Ấn – mọi chuyện ấy cũng được lập lại trong câu chuyện suy vong của Đế quốc Sikh. Chưa bao giờ có một câu chuyện anh hùng hơn, chưa bao giờ có một câu chuyện thê thảm hơn khi những người quả cảm chiến đấu chống lại nghịch cảnh đè bẹp, đến nỗi ngay cả lòng anh hùng của họ cũng không cứu được họ cho đến khi Đế quốc hoàn toàn tan rã và vùng Panjab chuyển sang tay quân đội Anh vào năm 1849. Đó là bối cảnh bên ngoài.
Bây giờ ta hãy bỏ qua điều ấy để xem đâu là tín ngưỡng, đâu là sức sống đã mang lại cho đạo Sikh cái khả năng ràng buộc, cái chủ nghĩa anh hùng mầu nhiệm, cái sức mạnh hoành tráng ấy. Đó chính là cuộc đời và giáo huấn của Đạo sư Nānak, bậc có tính tình ôn hòa nhất và là con người thánh thiện nhất.
Ngay từ thời tấm bé cũng giống như đặc trưng của mọi bậc Đạo sư, cậu bé Nānak đã nổi bật lên, khác hẳn những người đồng loại. Câu chuyện thời thơ ấu của ngài không có nhiều sóng gió lắm nhưng thật là cảm động và rất kỳ quặc. Kỳ quặc là ở chỗ vì ngài sinh ra trong một gia đình những người tốt bụng, có phẩm chất tầm thường nhất, giống như con chim ưng sinh ra trong tổ chim sẻ, đám chim sẻ không hiểu được chim ưng cho nên cũng chẳng hiểu cái tạo vật này là cái loại gì. Ngài tính tình vốn tịch lặng, dè dặt, kín miệng, thích lẻn đi tham thiền khi những đứa trẻ khác đang đùa nghịch; ngài là một đứa trẻ kỳ lạ không chịu học như bao nhiêu những đứa trẻ khác, không chịu chơi đùa như bao nhiêu những đứa trẻ khác; khi ngài tiến tới thầy để hỏi cho biết rõ ý nghĩa thần bí của những chữ viết thì ngài đã chọc giận vị học giả Bắc phạn khi hỏi những câu cắc cớ mà thầy không trả lời được. Ngài luôn luôn va chạm với môi trường xung quanh vì ngài muốn biết điều ẩn tàng bên trong và không thỏa mãn với điều lồ lộ ra bên ngoài. Và còn gì khó chịu hơn cho một người nam nữ bình thường khi bị vặn hỏi về thực tại trong lúc mình hiu hiu tự đắc trên cái gối đệm an toàn của những công thức cũ rích; thế là Nānak ngay từ khi còn nhỏ đã là một thử thách lớn cho cha mình. Chắc hẳn là cậu bị điên vì cậu ngồi hằng giờ tham thiền mà chẳng ăn uống gì cả; cậu ắt lên cơn sốt. Người ta đưa bác sĩ tới khám bệnh cho cậu. Nānak hỏi bác sĩ liệu ông có thể chữa được bệnh của linh hồn không. Cái loại bệnh nhân nào mà dám chào đón bác sĩ theo kiểu ấy? Hoặc ông phải khám bệnh khi nghi lễ dùng sợi chỉ linh thiêng được thực hiện. Câu chuyện này đặc trưng đến nỗi tôi sẽ trình bày với các bạn và ở đây tôi xin nói tất cả những câu trích dẫn của mình đều tùy thuộc vào những người bạn theo đạo Sikh của tôi, họ tử tế đến nỗi dịch chúng ra cho tôi trong những sách vở riêng của họ để cho tôi có cơ sở đứng vững trên đấy.
“Khi mọi chuyện đã sẵn sàng và vị Purohit (vị lễ sư dành cho gia đình) sắp sửa cử hành nghi lễ thì Nānak quay sang hỏi: ‘Thưa Panditji, xin ngài cho con biết sợi chỉ này dùng để làm gì? Đâu là bổn phận của người thắt sợi chỉ? Tại sao cần phải thắt sợi chỉ?’
Vị Purohit vốn chỉ là một học giả quê mùa và không biết ý nghĩa bí mật của sợi chỉ linh thiêng trả lời: ‘Không ai thực hiện một nghi thức hiến tế nào mà lại không đeo sợi chỉ, sợi chỉ này tẩy trược cho người đeo nó và giúp cho y có thể tham dự và thực hiện mọi nghi lễ’.
Nānak hỏi: “Nếu người nào đã đeo sợi chỉ linh thiêng này mà vẫn chứng nào tật nấy, vẫn sống một cuộc đời ô uế thì liệu sợi chỉ ấy có tẩy trược được cho y và rốt cuộc có giúp ích gì được cho y chăng? Chẳng lẽ y không gặt quả báo của mình?”.
Vị Purohit trả lời: “Ta cũng chẳng biết, nhưng trong kinh điển ra lệnh như vậy và chúng ta phải tuân theo tổ tiên”.
Nānak trả lời: “Từ lớp bông từ bi mới dệt ra được sợi chỉ bác ái, thắt nút nó qua sự tiết dục và chân lý; mong sao tâm trí của ngài sẽ đeo lấy sợi chỉ này, nó sẽ không bị đứt, không bị ô uế, không bị thiêu cháy, không bị mất đi. Đáng khen thay cho kẻ nào đeo sợi chỉ này”.
Vị Purohit nói: “Ngươi nói hay lắm, nhưng cứ nhìn vào chi phí và sự lao tâm lao lực mà cha ngươi đã đặt vào đấy, hãy nhìn xem thân bằng quyến thuộc của ngươi, họ sẽ thất vọng xiết bao nếu ngươi không chịu đeo sợi chỉ này”.
Nānak trả lời: “Con rất lấy làm tiếc là không thể chiều theo ý ngài. Con không thể đeo sợi chỉ và con cũng khuyên ngài nên nghĩ về cốt tủy của sự việc nhiều hơn là nghĩ tới hình thức của nó. Chỉ khi xác tín thì người ta mới được kính trọng và nhờ tán dương Thượng Đế, sống theo chân lý thì con người mới đạt được sự toàn bích”.
Rốt cuộc thì thân mẫu ngài năn nỉ ngài xin vì bà mà đừng làm bà thất vọng. Bấy giờ Nānak mới nói gọn lỏn: “Thưa mẹ, con xin vâng lời”, rồi ông cầm lấy sợi chỉ và đeo nó vào người [[1]].
Ta có một câu chuyện rất đặc trưng về người thiếu niên này với những đặc điểm mang dấu ấn của một bậc Đạo sư bao giờ cũng mưu tìm sự thật nội giới qua những sự trình diễn ở bên ngoài.
Ông lớn lên và trở thành một đứa con trai đáng thất vọng nhất đối với một người cha tốt bụng nhưng khù khờ, vì ông không nối nghiệp canh nông, không có cửa hàng buôn bán, cũng chẳng đi giao dịch kinh doanh. Công việc của ông chỉ cốt ở việc bố thí hoặc đúng hơn là cấp dưỡng cho các tu sĩ Samnyāsi mà cha ông cho rằng đây không phải là một thương vụ có lợi vì thấy nó không thỏa đáng bao nhiêu mặc dù Nānak nghĩ rằng đó là công việc tốt nhất mà ông có thể làm được. Cha ông đã thực hiện một điều đối với một thiếu niên là gửi ông tới cho một người chị và chồng bà rất yêu thương ông. Ông phục vụ dưới quyền của một Nawāb và phụng sự rất trung thành tận tụy; nhưng ông bao giờ cũng bố thí và cuối cùng khi chán chường với thế gian, ông quyết định không phục vụ nữa, từ bỏ cuộc sống nơi gia đình mà ông đã tham gia vào để đi lang thang mưu tìm Thượng Đế, để thực chứng được tình thương của Ngài. Rồi tới một vở tuồng đặc trưng khác với vị Nawāb sau khi ông không phục vụ nữa. Vị Nawāb cho vời người thiếu niên mà một lúc sau ông mới tới. Vị Nawāb giận dữ vì ông không đến trình diện ngay tức khắc.
Nānak trả lời: “Thưa ngài Nawāb Sāhab, con không còn phục vụ cho ngài nữa. Giờ đây con phụng sự cho Thượng Đế”.
“Liệu con có tin vào một Thượng Đế duy nhất hay con tin có nhiều Thượng Đế?”, Nawāb cật vấn.
Nānak trả lời: “Chỉ có một đấng duy nhất mà con tin ngài là Thượng Đế đáng tôn thờ thấm nhuần vạn vật, không thể phân chia được, tự tại và không ai hiểu được”. “Thế thì bởi con tin vào một Thượng Đế duy nhất và ta cũng tin như vậy cho nên Thượng Đế của con phải giống như Thượng Đế của ta; vậy thì nếu con tin chắc như vậy, con hãy đi cùng ta đến đền thờ Hồi giáo để cùng cầu nguyện với chúng ta”.
Nānak trả lời: “”Con xin sẵn sàng”.
Cha vợ của ông sững sờ câm lặng và ngay tức khắc rời bỏ nơi ấy vì tin rằng Nānak đã theo Hồi giáo. Hôm đấy ngày thứ sáu, và đó là lúc cầu nguyện cho nên Nawāb đứng lên đi tới đền thờ Hồi giáo có Nānak đi kèm. Khi vị Kāzi bắt đầu lập lại lời cầu nguyện thì Nawāb và đoàn tùy tùng bắt đầu trải qua nghi lễ cúi đầu thông thường, nhưng Nānak vẫn đứng im như trời trồng. Khi buổi cầu nguyện qua rồi, Nawāb quay sang Nānak và công phẩn hỏi: “Tại sao con không tuân theo những nghi lễ thông thường? Con nói láo và chỉ giả vờ. Con đâu có tới đây để đứng im như khúc gỗ”.
Nānak nhận xét: “Ngài phủ phục xuống đất trong khi tâm trí ngài lại bay tít lên trời; ngài đang nghĩ tới việc đi tậu những con ngựa ở Candahār chứ có cầu nguyện gì đâu; và thưa ngài lễ sư, trong khi ngài tự động tuân theo tiến trình khấu đầu quì lạy thì ngài lại chỉ đang nghĩ tới sự an toàn của con ngựa cái nó vừa mới đẻ ngày hôm kia. Làm sao tôi có thể cầu nguyện với những kẻ trải qua nghi lễ phủ phục theo phong tục và lập lại lời cầu nguyện như con vẹt?”
Vị Nawāb công nhận rằng ông quả thật có nghĩ đến việc đi tậu ngựa và suốt trong buổi cầu nguyện thì tư tưởng ấy cứ dằn vặt ông, nhưng vị Kāzi rất bất mãn quay sang Nānak tuôn ra một tràng cật vấn” [[2]].
Thế rồi lại xuất hiện tinh thần của người mưu cầu thực tại. Ông bắt đầu đi lang thang. Ông cứ đi lang thang, hát hò với một nhạc sĩ và một người bạn đi theo ông, đó là Mardāna và Bālā, rồi ông tới một ngôi làng nơi ông cần có thức ăn uống. Có một người nghèo là Lālu, làm nghề thợ mộc, người này sống cuộc đời thanh bạch đã nghênh đón vị tu sĩ đi khất thực; dành cho ông giường ngủ, dâng cho ông đồ ăn nóng sốt và Nānak thọ thực. Ngày hôm sau có một chủ ngân hàng giàu có ở thị trấn mở đại tiệc khoản đãi người Bà la môn và mời Nānak đến dự tiệc với mình. Nānak đi nhưng không thọ thực. Người chủ nhà hỏi: “Tại sao ngài không thọ thực của tôi?” Nānak trả lời: “Bởi vì đồ ăn của ngài không trong sạch, vì ngài nấu thức ăn để khoe khoang bản ngã, đó là một tặng vật mang tính tāmas cho nên không trong sạch”.
“Ngài bảo thức ăn của tôi không trong sạch trong khi đồ ăn của kẻ hạ lưu Lālu trong sạch? Sao vậy nhỉ?” Rai Bhag thắc mắc một cách khinh thường.
Nānak trả lời: “Ngài đối xử một cách thất kính và khinh bỉ thực khách, điều ấy chứng tỏ mục tiêu tāmas của ngài. Tôi ăn thực phẩm do Lālu nấu vì nó được nấu bằng tình thương và dâng lên một cách kính cẩn mà không mong muốn được đền đáp lại. Ngài phải học bài học ấy từ Lālu khiêm hạ. Thực phẩm của ngài đầy máu”.
Rai Bhag hỏi một cách giận dữ: “Ngài có bằng chứng gì là thực phẩm của tôi không trong sạch”.
Nānak một tay cầm thực phẩm của Rai Bhag còn tay kia cầm thực phẩm do Lālu nấu. Và khi ông ấn vào mỗi món ăn thì từ thực phẩm của Rai Bhag rịn ra những giọt máu trong khi từ thực phẩm của Lālu ứa ra những giọt sữa [[3]] .
Đó là cách thức mà Đạo sư Nānak giảng dạy bao giờ cũng liên quan tới thực tại và lật tẩy màn trình diễn. Ngài theo Ấn giáo chăng? Thiên hạ cãi nhau xem ngài là ai vì ngài vượt lên trên những sự phân biệt do tín điều bề ngoài, ngài yêu thương mọi người và không tự xưng là gì cả. Khi đã đến lúc ngài từ trần sau 70 năm sống cuộc đời cao thượng với những giáo huấn vô giá, môn đồ của ngài còn tranh cãi xem ngài thực sự thuộc tín ngưỡng nào, nên thiêu ngài như một tín đồ Ấn giáo hoặc nên chôn ngài như một tín đồ Hồi giáo? Và trong khi họ đang cãi nhau thì một người nhấc tấm khăn liệm xác lên và xác ngài biến mất để cho khỏi bị thiêu cũng chẳng bị chôn.
Đó là tinh thần của bậc đại Đạo sư được thể hiện qua cuộc đời và cách hành xử của ngài, qua giáo huấn mà ngài còn truyền lại. Giáo huấn ấy cho thấy cái tinh thần làm ngài vận động, đó là lòng sùng tín sâu sắc với Đấng Tối Cao, tình thương Thượng Đế mà người trần tục gọi là điên khùng, cái sự đam mê và sùng tín mà chư Thánh trong mọi thời đại và mọi tôn giáo đều cảm thấy. Xét về mặt triết lý, ngài là một tín đồ Ấn giáo, ngài chuyên môn sùng tín sâu sắc và ngài rất ghét sự giả vờ. Ta hãy xét giáo huấn của ngài cũng như giáo huấn của những vị kế nghiệp vì ở đây ta không cần phân biệt để xem các ngài dạy những gì và xem tinh thần của giáo huấn ấy. Ở đây ta có một số lớn những đoạn trích ra từ Ādi Grantha Sāhab được phân loại theo một vài đề mục mà tôi đã yêu cầu cho giáo huấn chuyên biệt đạo Sikh để tôi có thể trình bày với các bạn phác họa đầy thẩm quyền về giáo huấn ấy và tôi xin rút ra những đoạn trích từ những bản dịch về đạo Sikh này để cho các bạn thấy chính xác bản chất của các giáo huấn [[4]].
Trước hết là về Đấng Tối Cao:
Con là Ta và Ta là Con. Có gì khác nhau đâu?” “Đấng Nhất Như bao hàm trong mọi thứ mà ngài ngự nơi ấy”. “Bản thân ngài là Nhất Bổn và chính ngài cũng là Vạn Thù. Ngài không chết mà cũng chẳng tiêu vong. Ngài chẳng đến mà cũng chẳng đi. Nānak bảo rằng ngài luôn luôn được bao hàm trong vạn vật.”
Ta có thể nắm bắt được dư âm của Áo Nghĩa Thư được trình bày qua một ngôn ngữ bình dân hơn, cái tư tưởng sâu sắc của triết học Ấn Độ khoác lấy một hình thức mà dân gian sử dụng được.
Đấng Nhất Như Omkāra là Hồng danh chân chính, là Đấng Tạo Tác, Tinh Thần, là Hình tướng vô úy, phi thời gian, không có ác ý. Ngài không từ một tử cung nào sinh ra, ngài vốn tự tại, cực lạc (hoặc do hồng ân của sư phụ mà được thực chứng). Hỡi Nānak, ngài chân thực ngay từ đầu, ngài chân thực trước khi có thời gian (các Yugas); hiện thực và là thực tại.
[Japa I.]
Ngài không có dấu ấn để cho không điều gì có thể vượt qua, không đạt tới được (hoặc không ai biết được); không phải đối tượng (của các giác quan), không chịu tác động của thời gian; có bản chất vô sinh, không sinh ra từ tử cung nào, tự tại; vô điều kiện; không nao núng. Mong sao con sẽ là vật hiến tế cho Thực tại Chân thực này. Ngài không có hình tướng, không có màu sắc, không nét phác họa, ngài được vạch ra qua Linh từ Chân thực. Ngài không có mẹ, cha, con trai, không có người thân quyến, không tham dâm, không có vợ, không có bè phái. Ngài không nhuốm màu hão huyền, ngài không bị siêu việt, ngài cao hơn cả điều cao nhất, ngài là Ánh Sáng của vạn vật, là Brahma ẩn trong mọi vật chứa, Ánh Sáng của ngài hoàn chỉnh trong mọi dẫn thể (tâm hồn). Nhờ giáo huấn của Sư phụ, Cánh Cổng cứng rắn hé mở và cái nhìn vô úy đăm đăm không chớp mắt. Sau khi đã tạo ra vạn vật, ngài đưa thời gian vào đấy (sự chết) rồi kiểm soát mọi sự điều tiết. Nhờ phụng sự Sư phụ, ta tìm thấy được của cải chân thực, nhờ làm theo lời ngài ta có được tự do. Chân lý chỉ có thể sống trong vật chứa trong sạch (tâm hồn), hiếm khi nào người ta cư xử trong sạch. Bản thể trong Bản thể cao nhất đã hòa lẫn rồi; hãy qui y với Nānak nơi bản thân các con.
[Sorath I.]
Sự kiểm chứng những điều tham chiếu có thể trở nên dễ dàng hơn qua sự mô tả đính kèm theo đây nội dung của Ādi Grantha Sāhab được rút ra từ tác phẩm Lịch sử tín đồ đạo Sikh của J. D. Cunningham, ấn bản lần thứ nhì trang 368, 371.
Ādi Grantha Sāhab được chia thành những bộ phận sau đây:
Japji tức Thần chú của Sư phụ, của đạo sư Nānak.
Sodur Reih Bas, của đạo sư Nānak có thêm thắt.
Kīrit Sohila, của đạo sư Nānak có thêm thắt.
Sửa bởi người viết 06/08/2012 lúc 07:43:35(UTC)
| Lý do: Chưa rõ