Giáo viên và học sinh Viện hải dương CIMI và con cá oarfish.LOS ANGELES – Hôm Chủ Nhật vừa qua, một giáo viên ngành hải dương học, khi đang bơi lặn tại vùng biển miền Nam California, đã phát hiện xác chết của một con cá “oarfish” (cá mái chèo) dài 18 foot (5.5 mét), hình dáng trông giống một con thuồng luồng.
Bà Jasmine Santana, giáo viên tại Viện hải dương học đảo Catalina (CIMI), đã phải nhờ đến 15 người mới có thể kéo được con cá lên bờ. Các nhân viên tại CIMI đã gọi đây là một khám phá “để đời.”
Ông Mark Waddington, thuyền trưởng tàu huấn luyện Tole Mour của CIMI, nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy con cá lớn như vậy. Con cá oarfish mà chúng tôi nhìn thấy gần đây nhất chỉ dài 3 feet.”
Vì cá “oarfish” thường sống ở độ sâu 3,000 feet (hơn 900 mét), nên con người rất ít khi nhìn thấy và có dịp nghiên cứu về loại sinh vật này. Con cá dài 18 foot này được xác định là chết vì nguyên nhân tự nhiên. Các mẫu vật và hình ảnh về con cá đã được gởi cho các nhà sinh vật học tại đại học UC Santa Barbara.
Bà Santana đã nhìn thấy một vật gì đó sáng lấp lánh ở độ sâu 30 mét, khi đang đi lặn cùng với các đồng nghiệp, trong một chuyến nghiên cứu của trường tại vịnh Toyon, đảo Santa Catalina. Bà nói: “Tôi quyết định phải kéo con cá vào bờ, nếu không sẽ chẳng có ai tin tôi cả.” Bà Santana đã vừa bơi vừa kéo đuôi con cá oarfish được hơn 75 feet, thì các đồng nghiệp nhìn thấy, và giúp bà kéo con cá vào bờ.
Xác con cá được đem trưng bày vào hôm Thứ Ba, cho các học sinh cấp 2 đang học tại CIMI. Con cá sau đó sẽ được chôn xuống cát để phân hủy hoàn toàn, và bộ xương của nó sẽ được tẩy rửa và tiếp tục được trưng bày.
Cá oarfish có thể dài đến hơn 50 feet, là một loài cá biển nước sâu, và là loại cá có xương dài nhất thế giới, theo CIMI. Loài cá này có thể là nguồn gốc cho những câu chuyện huyền thoại về thuồng luồng, thường được nhắc đến trong lịch sử.
Theo báo Viễn Đông