Bãi biển Bondi tại New South Wales. Hội đồng Ung thư Úc khuyến cáo 2/3 dân Úc sẽ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trước tuổi 70. (Credit: ABC) .Ung thư da xuất hiện khi tia cực tím từ Mặt trời làm tổn thương ADN ở da, khiến các tế bào da biến đổi và hình thành khối ung thư. Người Úc có nguy cơ bị ung thư da cao nhất thế giới
Mặt trời là yếu tố cần cho cuộc sống giống như nước và ô-xi. Mặt trời mang lại hơi ấm cho con người, giúp con người tồn tại vì nó thúc đẩy sự phát triển của chuỗi thức ăn là nguồn thực phẩm của con người, đồng thời giúp duy trì môi trường sống.
Mặt trời cũng có tác động tới tâm lý con người vì ánh sáng Mặt trời làm con người cảm thấy thoải mái. Nghiên cứu cho thấy con người ít bị trầm cảm hơn nếu sống ở vùng khí hậu nắng ấm.
Ánh sáng Mặt trời là yếu tố cần thiết giúp cơ thể sản sinh vitamin D, chất đóng vai trò quan trọng trong nhiều quy trình chuyển hóa như giúp xương chắc khỏe. Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu mối liên hệ giữa vitamin D và các chứng bệnh khác như bệnh tim, tiểu đường, các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp và đa xơ cứng, bệnh Parkinson và một số dạng bệnh ung thư bao gồm trực tràng, vú và tuyến tụy.
Tuy nhiên, ánh sáng Mặt trời cũng có mặt trái của nó. Tia cực tím trong ánh sáng Mặt trời làm tổn thương ADN trong da, khiến các tế bào da biến đổi và chuyển thành tế bào ung thư.
Người Úc có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao nhất thế giới. Hội đồng Ung thư Úc khuyến cáo 2/3 dân Úc sẽ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trước tuổi 70.
Có ba loại bệnh ung thư da, được gọi theo tên loại tế bào da hình thành tế bào ung thư.
Ung thư biểu mô tế bào vảy (Non-melanoma skin cancers - NMSC) là dạng phổ biến nhất và ít nguy hiểm hơn khối u ác tính. Hai dạng NMSC chính là ung thư tế bào đáy (basal cell carcinoma - BCC) và ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma - SCC).
Ung thư tế bào đáy (BCC)BCC là dạng ung thư phổ biến nhất, chiếm 60% số bệnh nhân tới gặp bác sĩ để khám và điều trị NMSC, so với 30% trường hợp bị SCC. Tế bào ung thư này xuất hiện từ những tế bào da lớp dưới cùng.
BCC được phát hiện chủ yếu ở vùng tai, mũi, cổ và thân trên.
Những khối ung thư này phát triển chậm và giống như những khối u màu hồng bóng hay màu ngọc trai, thường phát triển thành ổ loét. Đôi khi, khối u có màu hơi đỏ hoặc đóng vảy. BCC thường gặp ở những người lớn tuổi.
Những khối u này không lan ra ngoài da mà chỉ thâm nhập da cục bộ.
Ung thư tế bảo vày (SCC)SCC xuất hiện từ lớp da ngoài cùng. Chứng này ít phổ biến hơn BCC nhưng nguy hiểm hơn vì có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Vùng da ung thư trông giống như những vảy đỏ, gây ngứa, chảy nước và dường như không bao giờ lành. Tế bào vảy xuất hiện ở những vùng thường tiếp xúc với Mặt trời nhiều nhất như đầu, cổ và vùng lưng trên.
Mặc dù hiếm gặp, SCC có thể di căn tới hạch bạch huyết (dưới nách, háng, hoặc cổ) hay qua mạch máu sang các bộ phận khác trong cơ thể.
U hắc sắc tố (Melanoma)Melanoma là dạng ung thư da ít gặp nhất nhưng không phải là dạng hiếm. Trên thực tế, đây là dạng ung thư phổ biến thứ tư ở Úc (sau ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột và ung thư vú) với 12.500 ca được phát hiện trong năm 2012.
Melanoma là dạng ung thư phổ biến nhất ở người trẻ trong độ tuổi 15-29. Do có xu hướng di truyền trong gia đình, các nhà khoa học cho rằng gen đóng vai trò nào đó vì một số người có yếu tố di truyền dẫn tới dễ mắc bệnh hơn.
Melanoma là dạng ung thư da nguy hiểm nhất và là nguyên nhân đứng thứ bảy gây tử vong ở Úc.
Đây là loại ung thư ở tế bào biểu bì tạo hắc tố trên da. Do vậy, vùng ung thư có màu nâu sẫm, đen hoặc xanh đen. Vùng ung thư có thể phẳng hoặc lồi lên, thường thì đường biên không giống nhau.
Khối u hắc sắc tố có thể xuất hiện ở một phần da bình thường hoặc trên một nốt ruồi hoặc tàn nhang có sẵn trên da. Những dấu hiệu nguy cơ khi nốt ruồi hoặc tàn nhang trở thành khối u hắc sắc tố bao gồm:
thay đổi hình dạng (lồi lên hoặc có đường biên khác lạ)
thay đổi màu sắc (ví dụ màu thẫm hơn)
chảy máu hoặc ngứa
nốt ruồi phát triển
U hắc sắc tố có thể mọc ở bất cứ nơi nào trong cơ thể, không chỉ ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời. Đôi khi, khối u này có thể xuất hiện ở gan bàn chân, lòng bàn tay và bên trong miệng hoặc dưới móng chân, tay.
Khối u có thể phát triển nhanh và di căn sang các hạch bạch huyết gần đó hoặc qua đường máu tới các cơ quan nằm ở xa như xương, gan, phổi hoặc não.
Phương pháp điều trị u hắc sắc tố thường là phẫu thuật để đảm bảo khối u được loại bỏ hoàn toàn. Các lựa chọn điều trị khác như dùng thuốc, thử nghiệm vắc xin, liệu pháp xạ trị, hóa trị cũng có thể được áp dụng.
Tương lai của người bị u hắc sắc tố có triển vọng nếu được phát hiện sớm. Nếu u hắc sắc tố được cắt bỏ trước khi di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, người bệnh sẽ có 99% khả năng sống tiếp 5 năm sau khi được chẩn đoán.
91% số người được phát hiện có u hắc sắc tố sẽ sống được 5 năm sau khi phát hiện bệnh.
Những người có tiền sử gia đình có người bị u hắc sắc tố (họ hàng gần nhất) hoặc có nhiều nốt ruồi hoặc nốt ruồi bất thường cần khám bệnh thường xuyên với bác sĩ giàu kinh nghiệm (như bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ da liễu).
Những người da sáng màu có nguy cơ cao hơn.
Phòng ung thư daĐể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư da, điều quan trọng là bạn cần hạn chế tiếp xúc với bức xạ cực tím và tránh để cháy nắng. Để làm được điều này, bạn cần:
cẩn thận khi mức tia cực tím từ 3 trở lên, nhớ rằng tuyết, cát và nước phản chiếu ánh nắng lên da và có tác hại như tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng Mặt trời. (Nha Khí tượng công bố chỉ số tia cực tím trong dự báo thời tiết hàng ngày)
ở trong bóng râm khi có thể
trang phục phù hợp với thời tiết như mũ rộng vành, áo dài tay và quần
dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ (thoa kem khoảng 20 phút trước khi ra đường và thoa lại sau mỗi hai giờ nếu ở ngoài nắng)
đeo kính râm theo tiêu chuẩn Úc.
Điều quan trọng là bạn phải biết rõ về da của mình và tập thói quen kiểm tra những nốt lạ và thay đổi ở vết tàn nhang hoặc nốt ruồi. Bạn cũng cần nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh ung thư da.
Theo ABC