Bề mặt sao Kim
WikipediaVì sao Kim Tinh và Địa Cầu, hai hành tinh láng giềng và gần như là chị em sinh đôi, lại tiến triển khác nhau đến thế ? Một ê-kíp các nhà vũ trụ học sẽ tiến hành cuộc điều tra kéo dài ba năm mang tên Euro Vénus, sẽ đặc biệt nghiên cứu về khí quyển và gió của Sao Kim.
Thomas Widemann thuộc Đài Thiên văn Paris, người điều phối dự án được Ủy ban châu Âu tài trợ 2,2 triệu euro nhấn mạnh : « Kim Tinh có lẽ còn rất nhiều bí mật để khám phá ».
Đối với sáu phòng thí nghiệm tham gia chương trình tại Pháp, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha và Anh, thì đây là việc kéo dài nhiệm vụ của Vénus Express của Cơ quan Hàng không châu Âu (ESA), khi tiếp tục khai thác các dữ liệu, đồng thời quan sát từ các kính viễn vọng mặt đất như ALMA ở Chilê.
Được phóng lên từ tháng 11/2005, Vénus Express là vệ tinh duy nhất trên quỹ đạo quay quanh Sao Kim. Sứ mạng của vệ tinh này hồi tháng Sáu đã được gia hạn đến năm 2015, trong khi còn một khối lượng dữ liệu khổng lồ chưa khai thác hết.
Theo ông Thomas Widemann, dự án Euro Vénus sẽ giúp châu Âu khẳng định vai trò hàng đầu trong việc nghiên cứu Kim Tinh. Còn Colin Wilson, trường đại học Oxford, Anh cho biết, một tàu thăm dò Nhật có thể được đưa vào quỹ đạo quanh Sao Kim vào năm 2015.
Thường được gọi là « Ngôi sao của người chăn cừu », Kim Tinh được hình thành trong cùng một thời kỳ và cùng một khu vực với Địa Cầu, và cũng có thể từ những vật liệu giống nhau. Hành tinh này có kích cỡ tương tự với Trái Đất : bằng 95% về đường kính và 80% về khối lượng.
Tuy vậy, trong khi cuộc sống hiện diện trên Trái Đất, thì Sao Kim ngày nay là một hành tinh chết. Kim Tinh cứng như một hòn đá, và ngự trị trong bầu khí quyển chủ yếu là khí cacbonic, một hiệu ứng nhà kính đậm đặc khiến nhiệt độ bề mặt lên đến trên 450°C.
Đối với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vũ trụ học, thì việc hiểu được sự tiến triển dài hạn của hành tinh là chị em của Trái Đất là một « chìa khóa chủ chốt » của việc tìm hiểu các hành tinh mới sẽ được phát hiện ngoài Thái Dương hệ của chúng ta. Những « hành tinh ngoài Trái Đất » này có thể có hy vọng phát triển một dạng nào đó của sự sống. Các ngôi sao này sẽ là một Địa Cầu đầy quyền lực, hay ngược lại trở thành những Kim Tinh trong tương lai ?
Euro Vénus sẽ giúp hiểu thêm bầu khí quyển của Sao Kim vốn gồm những biến thể « không phù hợp với các định luật vật lý » do các nhà khoa học đưa ra. Chương trình này sẽ nghiên cứu đặc biệt về một hiện tượng luôn làm cộng đồng các nhà nghiên cứu thắc mắc : đó là những ngọn gió trên Kim Tinh. Trong khi hành tinh này quay xung quanh chính mình trong 243 ngày, khí quyển chung quanh Sao Kim lại có vận tốc cao hơn đến 50 lần, quay quanh toàn bộ hành tinh chỉ trong bốn, năm ngày.
Đài Thiên văn Paris nhấn mạnh, được gọi là « siêu vòng quay », hiện tượng trên đây có cơ chế chưa được biết rõ, « cũng được xem là sẽ diễn ra đối với khí quyển của các ngôi sao ngoài Thái Dương hệ, trong khi những hành tinh giống như Trái Đất có vòng quay rất chậm ».
Dự án Euro Vénus tập hợp các nhà nghiên cứu của các Đài Thiên văn Paris, Côte d’Azur, Viện Hàng không Không gian Bỉ, trường đạo học Cologne, đại học Lisboa và đại học Oxford.
Theo RFI