Cây vĩ cầm của nhạc trưởng con tàu Titanic đã được bán với giá 1,45 triệu đô la tại Wiltshire Anh Quốc ngày 19/10/2013.
REUTERS/Cathal McNaughtonHơn 100 năm sau tai nạn chìm tàu Titanic, cây vĩ cầm của dàn nhạc giao hưởng được bán đấu giá tại Luân Đôn. Giá khởi đầu ước tính từ hai đến ba trăm ngàn bảng Anh.
Buổi bán đấu giá diễn ra vào chiều nay tại thủ đô Anh Quốc. Đây là một chiếc đàn tương đối thuộc loại trung bình, được sản xuất tại Đức, có thể là từ một nhà máy gần Berlin hay Desde. Theo giới thẩm định thì chiếc violon này ra đời khoảng năm 1880 sau đó mới được gắn nhãn hiệu của nhà sản xuất nhạc cụ Giovan Paolo Maggini Brescia.
Đây là cây đàn từng thuộc về nhạc sĩ Wallace Hartley, chỉ huy dàn nhạc chơi trên tàu Titanic. Nhạc sĩ Hartley đã ôm cây vĩ cầm này và chơi cho đến khi con tàu chìm trong lòng Đại Tây Dương vào ngày 15/04/1912. Theo lời những người còn sống sót sau tai nạn kể lại để trấn an mọi người Hartley đã điềm tĩnh chơi đàn. Ông can đảm quên cả cái chết gần kề. Bảy nhạc sĩ trong ban nhạc của ông đều đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic.
Thi hài của Wallace Hartley lênh đênh trên biển trong mười ngày ròng rã trước khi được vớt lên. Khi đó, nhân viên cứu hộ đã tìm thấy cây vĩ cầm của Hartley được xếp trong một chiếc vali bằng da, cột chặt vào thân ông. Sau này, trả lời báo chí mẹ ông nói bà biết rằng con trai mình đã chết chung với cây đàn vì Wallace Hartley rất gắn bó với nhạc cụ này . Đấy là một món quà quý giá mà Hartley được vị hôn thê, Maria Robinson, tặng cho. Trên chiếc vĩ cầm này có một miếng bạc nhỏ với hàng chữ « Tặng Wallys, kỷ niệm ngày đính hôn của chúng ta. Maria ».
Sau khi tìm thấy thi hài Hartley và chiếc vĩ cầm gắn chặt trên người ông, chính quyền Canada đã hoàn lại cây đàn cho cô Maria Robinson. Khi Maria qua đời năm 1939 chiếc violon này chẳng hiểu vì sao đã được đem tặng cho một hội từ thiện. Trong một bức thư một thầy giáo dậy vĩ cầm khẳng định rằng không thể nào sử dụng được cây đàn đó. Chắc hẳn là do đàn đã bị ngâm nước quá lâu ngày.
Sau đó cây đoàn của Hartley đã ngủ quên trong nhà kho trước khi được đem đi triển lãm. Sau này nhạc cụ đó đã được trưng bày tại hai bảo tàng ở Mỹ và đã được hơn 315 000 người chiêm ngưỡng, rồi cây đàn lại được chuyển tới bảo tàng Titanic Belfast, cách không xa nơi chiếc tàu khổng lồ Titanic được thiết kế.
Giá trị của cây đàn nằm ở chỗ nó là nhân chứng cho thái độ can đảm lạ thường của nhạc sĩ Wallace Hartley vào lúc mà 2 200 hành khách và nhân viên trên con tàu Titanic đang hoảng loạn khi thấy cái chết cận kề. 1 500 người trong số đó đã thiệt mạng trong đêm 14 rạng sáng ngày 15/04/1912.
Theo RFI