Trụ sở của tập đoàn JP Morgan Chase, New York, Hoa Kỳ
REUTERSTheo các nguồn tin báo chí, ngày 18/10/2013 tập đoàn ngân hàng JP Morgan đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Ngân hàng Mỹ bị kiện vì đã đánh lừa hai tập đoàn tài chính chuyên về bất động sản do Nhà nước kiểm soát, là Fannie Mae và Freddie Mac. Thiệt hại lên tới 33 tỷ đô la.
Nhật báo tài chính The Wall Street Journal trích dẫn một nguồn tin thông thạo, theo đó, thỏa thuận đã được chính Bộ truởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder và cố vấn tư pháp của ngân hàng JP Morgan đồng ý. Báo New York Time cho biết, đích thân Chủ tịch Tổng giám đốc JP Morgan, ông Jamie Dimon, đã có mặt trong các cuộc đàm phán với bên tư pháp. Theo thỏa thuật này, ngân hàng JP Morgan sẵn sàng nộp 13 tỷ đô la để không bị kiện về phương diện dân sự. Đây là một khoản nộp phạt kỷ lục, nhưng JP Morgan sẽ vẫn bị tòa án ở Sacramento, California, điều tra về hình sự.
Cụ thể hơn là vào tháng 9/2011, Cơ quan Tài trợ về Nhà ở của Hoa Kỳ, FHFA, đại diện cho chính quyền Liên bang đệ đơn kiện tập đoàn JP Morgan Chase. Lý do : Ngân hàng này đã bán lại nợ xấu cho hai tập đoàn tài chính bán công chuyên về địa ốc của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac. Hai cơ quan tài chính bán công đó kiểm soát đến 90 % tín dụng địa ốc trên toàn quốc.
Năm 2007, khi khủng hoảng subprime bùng nổ, Fannie Mae và Freddie Mac bị đe dọa phá sản. Chính phủ Mỹ dưới thời tổng thống George W.Bush đã phải cấp tốc tung ra 140 tỷ đô la để cứu vãn tình hình, quốc hữu hóa hai cơ quan tài chính nói trên. Theo các giới chức tài chính Hoa Kỳ, JP Morgan Chase gây thiệt hại hơn 33 tỷ đô la cho Fannie Mae và Freddie Mac.
Đi sâu hơn vào chi tiết, báo chí Mỹ cho biết thêm là trong số 13 tỷ đô la tiền phạt kể trên, 4 tỷ sẽ phải nộp cho Cơ quan Tài trợ về Nhà ở của Hoa Kỳ, FHFA ; 4 tỷ khác sẽ được dùng để bồi thường thiệt hại cho các khách hàng của Fannie Mae và Freddie Mac. 5 tỷ đô la cuối cùng là tiền phạt. Bản tin của AFP nói rõ, trước mắt thỏa thuận chính thức giữa JP Morgan Chase với Bộ Tư pháp chưa được thông báo, do đôi bên còn phải thảo luận tiếp về một số chi tiết. Bởi vì trên thực tế, các tập đoàn lớn ở Mỹ thường đàm phán và sẵn sàng đền bù cho các nạn nhân, nhưng lại không sẵn sàng công khai nhìn nhận sai lầm.
Theo RFI