Nhà hát Sydney, Úc, kỷ niệm 40 năm ngày thành lập
REUTERSNhà hát nổi tiếng Sydney, “một trong những tác phẩm kiến trúc độc đáo nhất của thế kỷ XX”, công trình táo bạo của kiến trúc sư Đan Mạch Joern Utzon, được UNESCO xếp vào Di sản văn hóa Thế giới hôm nay, 20/10/2013, tưng bừng mừng tròn 40 tuổi.
Một đám đông nhộn nhịp tụ tập trước biển để tham gia vào các lễ hội cùng với một hạm đội các nhân viên cứu hộ, các điệu nhảy thổ dân và một chiếc bánh sinh nhật khổng lồ.
Thời tiết cũng dường như chia vui cùng với Sydney, quang cảnh hoành tráng lễ mừng diễn ra dưới một bầu trời trong xanh không gợn chút mây. Đến dự lễ hội, còn có sự tham gia của ba thế hệ kế thừa nhà thiết kế Joern Utzon.
Là học trò của kiến trúc sư Phần Lan Alvar Aalto, Utzon được một hội đồng quốc tế giao công việc thiết kế nhà hát vào năm 1957. Thế nhưng, trong quá trình thi công, nhiều bất đồng xảy ra giữa ông và chính quyền Úc thời bấy giờ, buộc Utzon phải từ bỏ đứa con tinh thần của mình vào năm 1966, giao trọng trách hoàn thành tác phẩm lại cho ba cộng sự là Peter Halln, David Littlemore và Lionel Todd. Và ông qua đời vào năm 2008, thọ 90 tuổi.
Nhà hát Sydney có hình dạng con sò hay như những cánh buồm đang vươn gió, bao gồm ba quần thể lớn có 5 nhà hát lớn, 5 khu diễn tập và một khu nhà hàng, cuối cùng cũng được khánh thành vào ngày 20/10/1973, dưới sự chứng kiến của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Nhà hát này có sức chứa trên 2000 người và mở cửa đón hơn 8 triệu khách tham quan mỗi năm.
Đối với Jan, con trai kiến trúc sư, “thiết kế nên một tòa nhà lộng lẫy như thế cũng chỉ có được một lần trong đời mà thôi”. Quả thật, Utzon đã thành công biến nhà hát Sydney thành một biểu tượng của nước Úc. Đến nước Úc mà chưa đến tham quan nhà hát thì chưa phải là biết quốc gia này. Nhà hát Sydney là điểm tham quan đầu tiên cần phải đến khi du lịch tại Úc.
UNESCO năm 2007 từng tuyên bố rằng “khi trao quyết định thực hiện nhà hát Sydney cho kiến trúc sư Đan Mạch Joern Utzon vào năm 1957, cho thấy Úc thật sự muốn có sự đổi mới triệt để trên phương diện kiến trúc”. Tổ chức này còn đánh giá : “Đây là một trải nghiệm độc đáo và có tầm nhìn, có một tầm ảnh hưởng lâu dài về kiến trúc cuối thế kỷ XX và hơn thế nữa”.
Quả thật, nhà hát là một trong những công trình tham vọng nhất của thế hệ Utzon. Để xây dựng nhà hát, các cần cẩu của Pháp được thiết kế đặc biệt, chỉ để sử dụng cho việc xếp hàng triệu miếng ngói trên mái cong của nhà hát.
Theo RFI