Chuột chũi không lông xấu xí nhưng lại có tuổi thọ rất cao (DR)Chuột chũi Đông Phi, hay chuột chũi không lông, với tên khoa học Heterocephalus glaber, là động vật rất yếu ớt và bị coi là xấu nhất hành tinh. Thế nhưng, điều kỳ lạ là chúng có tuổi thọ rất cao, khoảng 30 năm và đặc biệt là không bị ung thư. Chính khả năng đề kháng tuyệt vời này của chuột chũi Đông Phi mà giới khoa học đang chú ý tới chúng.
Từ nhiều thập niên qua, chuột vẫn thường xuyên được dùng làm vật thí nghiệm vì có thể dễ dàng đưa các loại bệnh ung thư giống như ở người, cấy vào chuột để thử nghiệm. Hơn nữa, mô hình này cho phép nghiên cứu được các cơ chế gen và tế bào có liên quan đến sự phát triển của các bệnh ung thư. Các nghiên cứu đã đạt được những tiến bộ lớn trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khả năng đề kháng ung thư của chuột chũi Đông Phi đã làm thay đổi hẳn cách tiếp cận nghiên cứu. Thay vì tìm hiểu cơ chế hình thành và phát triển ung thư, giới chuyên gia giờ đây muốn biết làm thế nào một bộ phận trong cơ thể lại chống được ung thư một cách tự nhiên.
Theo trang khoa học báo Le Monde, số ra ngày 25/09/2013, đây là nghiên cứu của hai nhà khoa học, Vera Gorbunova và Andrei Seluanov, thuộc đại học Roschester, Hoa Kỳ. Trong báo cáo được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín Nature, số 346, họ cho biết đã nhận diện được một loại tín hiệu phân tử (signal moléculaire) giúp cho các tế bào của chuột chũi Đông Phi kìm hãm được sự phát triển của các tế bào, do vậy, ngăn chặn được ung thư.
Đối với tất cả các động vật, sự tiếp xúc giữa các tế bào là một trong những nhân tố điều chỉnh sự phát triển của tế bào : Nếu mật độ các tế bào càng lớn thì khả năng phát triển của chúng càng chậm. Chính các tế bào ung thư đã làm mất đi sự tiếp xúc nhậy cảm giữa các tế bào và do vậy, chúng càng phát triển.
Nhờ các đường dẫn tín hiệu, các tế bào nhận biết được môi trường của chúng, kể cả việc tiếp xúc với các tế bào xung quanh và thích ứng với môi trường. Như vậy, đường dẫn đóng vai trò chuyển tải tín hiệu từ bên ngoài vào bên trong tế bào.
Tất cả các động vật, kể cả ở người, đều tồn tại đường dẫn tín hiệu có liên quan đến khả năng đề kháng ung thư, giống như ở chuột chũi Đông Phi. Đường dẫn tín hiệu báo cho mỗi tế bào biết về mật độ tế bào ở xung quanh, qua đó, giúp điều chỉnh mức độ phát triển các tế bào. Tại một bộ phận trên ở thể, khi có tín hiệu báo mật độ cao, ngay lập tức, cơ chế phát triển tế bào bị kìm hãm.
Đường dẫn tín hiệu ở chuột chũi Đông Phi có mức độ nhậy cảm rất cao, đến mức chỉ cần một tín hiệu yếu ớt, một vài tiếp xúc giữa các tế bào, cũng đủ để làm ngưng ngay việc phát triển tế bào, tức là ngăn chặn sự hình thành các khối u.
Phát hiện này mở ra hướng nghiên cứu ngăn ngừa, chữa trị ung thư, ví dụ như nâng cao nhịp độ hoạt động của đường dẫn tín hiệu ở các bệnh nhân.
Bên cạnh việc phục vụ nghiên cứu phòng chống ung thư, công trình này còn cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục thăm dò tìm hiểu sự đa dạng của sinh vật sống trên trái đất. Bởi vì có những vấn đề đang làm cho giới khoa học đau đầu thì quá trình tiến hóa của động vật đã giải quyết được từ hàng triệu năm nay.
Theo RFI