Ông cựu Đốc Sự Châu Văn Đễ thuyết trình đề tài “Cửu Đỉnh: Văn Hóa Việt Nam”.
WESTMINSTER. Ngày Văn Hóa Việt Nam đã được Hội Lê Văn Duyệt Foundation tổ chức vào trưa Chủ Nhật 20.10.2013 tại hội trường nhật báo Việt Báo ở Westminster, với sự tham dự của hơn 200 quan khách, đồng hương và các cơ quan truyền thông.
Giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm, người sáng lập tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation vừa trải qua một cơn bệnh đột biến, đang cần nghỉ ngơi tịnh dưỡng nhưng ông cũng cố gắng đến tham dự và nói mấy câu ngắn gọn chào mừng mọi người, và xin lỗi đã không thể nói lâu được, và giáo sư đã nhờ cựu Đốc Sự Châu Văn Đễ trình bày đề tài “Cửu Đỉnh và Văn Hóa Việt Nam”.
Ngoài giáo sư Nguyễn Thanh Liêm còn có sự hiện diện của các giáo sư Lưu Trung Khảo, Vũ Ngọc Mai, Cao Minh Châu..., các Đốc sự Hành Chánh Châu Văn Đễ, Lê Thiện Tùng, Hoa Thế Nhân, Lê Ngọc Diệp và một số quan khách, đại diện hội đoàn, đoàn thểnhư Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ , Nhóm Thiện Nguyện Nhân Ái và Nhóm Cổ Nhạc Niềm Vui.
Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm, ông Phạm Văn Tú, Tổng Thư Ký Lê Văn Duyệt Foundation đồng thời là Trưởng Ban Tổ Chức, lên trình bày và giải thích ý nghĩa hai chữ Văn Hóa. Ông đưa ra mấy tiểu mục: Văn Hóa Qua Các Tuyệt Phẩm như áo dài, nón lá; Văn Hóa Ẩm Thực như phở, chả giò, gỏi cuốn v.v.. là những thứ văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
Theo ông, hiện nay còn có hai loại văn hóa mới xuất hiện đó là Văn Hóa Vô Cảm và Văn Hóa Dân Chủ đang bộc phát trong nước. Ông nêu trường hợp một ca sĩ khi về Việt Nam ca hát, bị giựt bóp ngay giữa thanh thiên bạch nhật, cô tri hô lên nhưng không một ai ứng cứu dù đang có rất đông người xung quanh, và người ca sĩ này đã phải thốt lên: “Việt Nam bây giờ ai có thân người ấy lo; đó là thứ văn hóa vô cảm.” Văn hóa dân chủ cũng đang xuất hiện bằng những khẩu hiệu, bích chương, truyền đơn viết rất hay, rất lạ, đòi dân chủ trong nước.
Diễn giả đầu tiên, Đốc sự Châu Văn Đễ, tức thi sĩ Hoàng Châu trình bày đề tài ‘Cửu Đỉnh và Văn Hóa Việt Nam’; một đề tài được ông nghiên cứu và soạn thảo công phu. Mở đầu, diễn giả trích đọc hai câu thơ của vua Trần Nhân Tôn:
Xã tắc lưỡng hồi lao Thạch Mã
Sơn hà thiên cổ điện Kim Âu.
Sau đó, ông giải thích hai chữ Văn Hóa, có người cho văn hóa là trình độ học vấn hay văn học, nghệ thuật ; có người cho là ý thức hệ hay văn minh. Một học giả Tây Phương định nghĩa văn hóa là cái gì còn lại sau khi mất tất cả. Riêng Đốc sự Châu Văn Đễ, ông giải thích theo nghĩa đen: Văn là vẻ đẹp, hóa là biến đổi; văn hóa là sự biến đổi theo trào lưu càng ngày càng đẹp hơn.
Diễn giả cũng nêu nhận xét của GSTS Nguyễn Thanh Liêm như là nhánh văn hóa sông Hồng, nhánh văn hóa sông Hương, nhánh văn hóa sông Cửu Long v.v..và nêu những nét đẹp văn hóa trong cung điện các vua triều Nguyễn. Tuy không nguy nga tráng lệ như lăng tẩm, cung điện bên Trung Hoa hay Thái Lan nhưng nét văn hóa của dân tộc ta cũng có nhiều nét nổi bật.
Diễn giả đặc biệt nêu Cửu Đỉnh, tức chín cái Đỉnh đúc bằng đồng để trước Sân Rồng. Cửu Đỉnh rất nặng khó có thể di chuyển được, biểu hiệu cho sự bền vững và uy quyền tột đỉnh của nhà vua. Cửu Đỉnh gồm: Cao Đỉnh, Nhơn Đỉnh, Chương Đỉnh, An Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuấn Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, Huyền Đỉnh và diễn giả cắt nghĩa từng Đỉnh một. Đốc sự Châu Văn Đễ còn lưu ý mọi người về con số 9, biểu hiệu của sự hoàn chỉnh, tròn trịa nên Việt Nam đã dùng số 9 trong nhiều trường hợp như 9 sống lớn, 9 núi lớn, 9 tinh tú và 9 cửa biển (diễn giả nêu rõ từng địa danh).
Sau bài thuyết trình thứ nhất, hai tiết mục văn nghệ gồm nhạc phẩm Dòng An Giang và ca kịch “Qua cầu gió bay” được trình diễn. Kế tiếp 2 diễn giả khác là Đốc sự Lê Thiện Tùng và Trương An Ninh thuyết trình hai đề tài “Địa danh các miền Nam Việt Nam và Lê Văn Duyệt giáng cơ tại Việt Nam” là những đề tài được mọi người theo dõi với đầy vẻ hứng thú.
Ngày Văn Hóa Việt Nam do Lê Văn Duyệt Foundation tổ chức bế mạc vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày sau một chương trình văn nghệ rất phong phú.
Thanh Phong/Viễn Đông