Cầu nguyện là một vũ khí để chiến thắng cám dỗ, để giữ vững đức tin. Chúa Giêsu đã khuyên bảo: “Anh
em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu
đuối.” Ngài đã cho chúng ta một mẫu cầu nguyện: đó là kinh Lạy Cha. Ngài cũng đã dạy chúng ta “phải
cầu nguyện luôn, không nản chí”.
Hôm nay, Ngài lại dạy chúng ta một tâm tình thái độ nữa khi cầu nguyện qua dụ ngôn sau đây:
Hai người lên Đền thờ cầu nguyện: một người Pharisiêu và một người thu thuế.
Người Pharisiêu đứng riêng một mình. Người ấy cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa” và anh
bắt đầu vỗ ngực: “Vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế
kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.
Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực
vừa thưa rằng: “ Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”
Ngươi Pharisiêu theo như lời ông kể, thì ông là một người đạo đức, ông có đức tin, ông giữ luật còn
hơn luật quy định. Nhưng cái sai lầm của ông là đề cao mình lên bằng cách hạ nhục người khác: “Con
không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Ông kể công trạng
của mình với Thiên Chúa dường như buộc Ngài phải quan tâm đến ông: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần,
con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.
Ông lấy công trạng của mình để so sánh, miệt thị người khác. Ông khinh chê người khác, vì họ không
thánh thiện như ông. Ông là một người tự mãn, khoe khoang. Ông thấy cần làm cho Thiên Chúa biết
những việc ông đã làm. Ông dễ dàng nhận ra khuyết điểm của người khác mà lại không nhận ra khuyết
điểm của mình. Ông lấy cái yếm kém, khuyết điểm của người khác để tâng bốc công trạng của mình
lên. Ông nâng mình lên bằng cách hạ nhục người khác. Ông vỗ ngực xưng tên!
Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực
vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Ông chỉ biết nói có thế! Lời cầu nguyện
của ông chân thành, khiêm tốn. Ông tự nhận biết mình là người bất xứng, tội lỗi trong tinh thần thống hối
ăn năn. Ông tin là Chúa biết tất cả những gì ông đã làm. Khác với người Pharisiêu tự cho mình là công
chính mà khinh chê người khác, ông quay về với chính mình để nhận ra mình là người tội lỗi bất xứng.
Ông đấm ngực ăn năn!
Một người vỗ ngực xưng tên và một người lại đấm ngực ăn năn thống hối! Hai thái độ, hai tâm tình đối
nghịch: Kiêu ngạo và khiêm nhường!
Và Chúa Giêsu kết luận: “ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên
công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống
sẽ được tôn lên”.
Hai nhân vật: người Pharisiêu, đại diện cho thành phần cao cấp trong xã hội. Họ nổi tiếng trung thành
tuân giữ luật pháp rất kỹ lưỡng; đối với họ, luật pháp là trên hết. Người thu thuế, bị xem là hạng cùng
đinh trong xã hội Do Thái, bởi vì họ sống xa cách lý tưởng tôn giáo và luân lý.
Hai nhân vật biểu tượng, đối nghịch nhau về địa vị và giai cấp xã hội; do đó, đối nghịch nhau về tâm tình
và thái độ: Người thu thuế thì nhận biết mình là người tôi lỗi, còn người Pharisiêu lại kiêu ngạo, tự mãn,
khoe khoang, lấy cái tôi của mình làm cái rốn vũ trụ.
Một nhà khoa học nọ khám phá ra cách nhân bản chính mình một cách hoàn hảo đến nỗi, không ai phân
biệt được đâu là chính ông ta và đâu là phiên bản của ông ta.
Một hôm, biết Thần Chết đang tìm kiếm mình, ông làm ra một loạt mười hai phiên bản của chính ông.
Thần Chết đến, nhìn vào mười ba con người hoàn toàn giống nhau, không biết ai là nhà khoa học thật.
Thần Chết đành bỏ đi.
Nhưng vì rất am hiểu bản tính của con người, nên sau đó không lâu, Thần Chết quay trở lại với một ‘khí
cụ đăc biệt’. Thần Chết nói: “Này nhà khoa học, ông là một thiên tài khi đã thành công trong việc làm ra
những phiên bản giống hệt chính mình như thế. Tuy nhiên, ta đã khám phá ra một sơ suất nhỏ trong
công trình của ông, dù chỉ là một sơ suất nhỏ.”
Nhà khoa học lập tức nhảy chồm lên, sừng sộ: “Sơ suất gì? Thử nói ra xem!”
“Thưa ông, nó đây này!” Thần Chết vừa nói vừa tóm lấy nhà khoa học, lôi ông ra khỏi các phiên bản kia
và mang ông đi.
Hai nhân vật trên, chúng ta vẫn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày; nhưng có lẽ hình ảnh người
Pharisiêu thì chúng ta bắt gặp nhiều hơn hình ảnh người thu thuế.
Chuyện ấy cũng dễ hiểu, vì người thích phô trương mình thì nhiều hơn người âm thầm tự nhận biết
mình bất toàn với cõi riêng tư của mình. Người ta phô trương công trạng của mình cho người khác biết,
điều đó còn chấp nhận được; nhưng người Pharisiêu lại phô bày công trạng của mình với Đấng đã ban
cho ông những điều ông thụ hưỡng từ lòng thương xót và nhân hậu của Ngài.
Cũng là con người, nhưng người tự cao tự đại thì lại lấy ân huệ của Thiên Chúa làm tài trí của mình; còn
người khiêm nhường thì lại quay về cõi lòng mình để thành thật nhận ra mình là người bất xứng.
Người ta dễ nhìn thấy cọng rác nơi mắt người khác, mà lại khó thấy cái xà nơi mắt mình!
Con người hay nhìn bề ngoài để xét đoán và đáng giá ngưới khác, Thiên Chúa lại nhìn cái bên trong để
đánh giá. Đánh giá của Ngài không thiên vị, thiên lệch. Sách Huấn ca đã viết:“ Đừng hối lộ, Người không
nhận đâu. Đừng ỷ vào của lễ bất chính. Vì Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người
không vị nể mà làm hại người nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi
thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa.”
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Đó là số phận của người vỗ
ngực và người đấm ngực!
LM. Trịnh Ngọc Danh