Nhiều phụ nữ mặc cảm khi khó có conNghiên cứu mới cho thấy phụ nữ Anh Quốc ở độ tuổi 35-45 thấy mặc cảm khi không có con.
Ngay cả khi họ dự định sẽ có con, gần 60 phần trăm từng cảm thấy không thoải mái vì có con muộn.
Khoảng 40% rất ngượng nghịu khi nói về khả năng sinh sản, nhất là với gia đình và bạn bè vì họ thường là những người hay gây sức ép nhất.
Bà Susan Seenan từ Mạng lưới Vô sinh ở Anh nói mặc cảm khiến phụ nữ ngại tìm trợ giúp khi có vấn đề liên quan tới sinh sản.
Tổ chức này đã phỏng vấn 500 phụ nữ cho nghiên cứu của họ và nói tình trạng mặc cảm khá phổ biến.
"Cố có con là chuyện cá nhân và không phải ai cũng muốn nói về chuyện này.
"Nhưng gia đình lại thường hay nói kiểu "đến lúc rồi đấy...
"Và nếu người phụ nữ không nói gì, mọi người lại nghĩ rằng cô ấy yêu cuộc sống tự do hơn là có con."
Bà Seenan cũng nói cảm giác cô đơn của người phụ nữ còn lớn hơn khi phát hiện ra họ có vấn đề sinh sản.
Tủi thânCô Neela Prabhu, 36 tuổi, sống ở London và hiểu được nỗi khổ khi cố nhiều năm mới có con.
Cô và chồng cố một năm trước khi nhờ tới sự giúp đỡ của y khoa và cả hai đều cảm thấy sức ép.
"Tâm lý của tôi lúc đó không được tốt và cho dù bạn bè đều có ý tốt thôi, họ luôn nói những thứ không phù hợp gì cả về tình huống của chúng tôi."
"Họ cố tỏ ra hữu ích nhưng chỉ làm chúng tôi thêm tủi thân."
Cô Neela muốn phụ nữ cởi mở hơn khi nói về vấn đề sinh sản ngay cả khi họ đang "chết trong lòng" và không nên coi đây là đề tài cấm kỵ.
Tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm đối với phụ nữ trên 40 ở Anh chỉ còn 5%Cuối cùng Neela Prabhu cũng có con gái nhờ thụ tinh ống nghiệm cách đây bốn năm và gần đây phát hiện ra cô đang mang bầu đứa thứ hai sau hai lần thụ tinh ống nghiệm bất thành hồi năm ngoái.
Neela không bao giờ biết lý do tại sao cô khó có con cho dù đã nhiều lần đi khám.
Cô bắt đầu thử có con từ năm 27 tuổi nhưng nhiều phụ nữ bắt đầu muộn hơn nhiều và vì vậy họ để lỡ khả năng có bầu tự nhiên và trong trường hợp gặp vấn đề có thể không còn trong diện tuổi được ngành y hỗ trợ miễn phí.
Theo quy định hiện nay của Anh, phụ nữ dưới 39 tuổi được hỗ trợ miễn phí ba chu kỳ thụ tinh ống nghiệm trong khi phụ nữ từ 40-42 tuổi chỉ được một chu kỳ.
'Giải pháp tình thế'Bác sỹ Tim Child của Phòng Khả năng Sinh sản Oxford thuộc Đại học Oxford nói nhiều người mất quá nhiều thời gian trước khi tới gặp bác sỹ về vấn đề sinh sản.
"Các cặp vợ chồng cần tới gặp bác sỹ ngay khi họ bắt đầu bàn tới khả năng sinh nở.
"Các bác sỹ có thể cho lời khuyên từ sớm về cân nặng, chế độ ăn uống, lượng rượu có thể tiêu thụ và các vấn đề khác."
Ông Child nói nhiều phụ nữ nghĩ rằng thụ tinh ống nghiệm là "giải pháp tình thế" trong khi tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm là 40-50% đối với phụ nữ dưới 35 trong khi giảm xuống chỉ còn 20% đối với phụ nữ dưới 40 và 5% với phụ nữ từ 40-43.
Neela hy vọng mọi người sẽ hiểu biết và cảm thông hơn với những phụ nữ khó có con và thay vì hỏi những câu mang tính cá nhân và thọc mạch, người ta ý thức được rằng cứ bảy cặp vợ chồng dị tính thì có một cặp gặp vấn đề sinh sản.
Cô nói: "Mọi người hay hỏi tôi 'Cô có muốn có thêm đứa nữa không'. Nhưng đó là chuyện của tôi chứ có liên quan gì tới người khác."
Theo BBC