Đối phó với một kẻ bắt nạt (bully)
Bị bắt nạt trong trường học là chuyện thường xảy ra và từng được coi như chuyện phải trải qua trong cuộc đời. Nhưng trong xã hội hôm nay, những hình thức bắt nạt ngày càng tinh vi hơn là chuyện chặn đường đòi tiền ăn trưa hay tỏ ra lạnh lùng không thèm chơi với. Chuyện bắt nạt xẩy ra dưới nhiều hình thức và có thể đem đến những hậu quả tâm lý trầm trọng cho đứa trẻ bị bắt nạt lẫn đứa trẻ đi bắt nạt người khác. Đã có khá nhiều những trường hợp các em tuổi “teen” bị bắt nạt tự tử vì xấu hổ và cảm thấy không thể trực diện với cuộc sống nữa. Để giúp đỡ các em, cha mẹ ngày nay cần nhận ra những dấu hiệu của việc bị bắt nạt cũng như chú ý nghe các em nhiều hơn để giúp em đối phó với vấn đề quan trọng này.
Các hình thức bắt nạt
Bắt nạt là một hình thức gây hấn khi một hay nhiều đứa trẻ nhiều lần cố ý uy hiếp, sách nhiễu, gây hại cho một nạn nhân được coi là không thể tự chống đỡ. Bắt nạt có thể có nhiều hình thức:
-Thể lý. Đây là loại bắt nạt gồm có đánh đá, làm vấp ngã cũng như phá hoại tài sản của đứa trẻ .
-Bằng lời nói. Gồm có chọc ghẹo, đặt tên, mắng nhiếc và nói những lời tình dục không phù hợp.
-Tâm lý và xã hội . Đây là loại bắt nạt liên quan đến việc phát tán tin đồn về một đứa trẻ , làm nó xấu hổ nơi công cộng, hoặc loại trừ nó ra khỏi nhóm .
-Điện tử. Bắt nạt trên mạng gồm việc sử dụng phương tiện điện tử, chẳng hạn như email , các trang web, một nơi truyền thông xã hội, tin nhắn, hoặc video đăng trên trang web hoặc gửi qua điện thoại, để đe dọa hoặc làm hại người khác .
Hậu quả của việc bắt nạt
Một đứa trẻ từng bị bắt nạt có thể có những hậu quả liên quan đến :
-Các vấn đề sức khỏe tâm thần. Trẻ bị bắt nạt dễ bị trầm cảm, lo âu, mất ngủ, thiếu tự tin, và có những ý nghĩ tự hại hay tự tử.
-Giảm thành tích học tập. Trẻ bị bắt nạt có thể sợ đi học và dễ bị điểm thấp. Chúng có thể dễ bị phạt hay bị cấm đi học, trốn học hay bỏ học.
-Lạm dụng ma túy. Trẻ bị bắt nạt dễ đi vào đường sử dụng rượu và ma túy.
-Bạo lực. Trẻ bị bắt nạt có thể dễ mang vũ khí ở trường. Một số ít trẻ em bị bắt nạt có thể trả đũa bằng bạo lực.
Dấu hiệu của bắt nạt
Nếu bị bắt nạt, đứa trẻ có thể giữ im lặng vì sợ hãi, xấu hổ hoặc bối rối. Nên để ý những dấu hiệu cảnh báo sau:
-Bị mất hoặc bị phá hủy quần áo, điện tử hoặc đồ dùng cá nhân
-Mất bạn đột ngột hoặc tránh tham dự các sinh hoạt xã hội
-Kết quả học tập kém hoặc tỏ vẻ miễn cưỡng đến trường
-Hay than nhức đầu, đau bụng hoặc các bệnh khác
-Khó ngủ
-Thay đổi thói quen ăn uống
-Có vẻ đau khổ sau khi dành lên mạng hay nói điện thoại
-Cảm giác bất lực hoặc giảm tự trọng
-Có hành vi tự hủy hoại, chẳng hạn như bỏ nhà đi hoang
Phải làm gì nếu con bạn bị bắt nạt
Nếu con bạn có dấu hiệu bị bắt nạt, phải coi đó là tình trạng nghiêm trọng, chớ coi thường:
-Khuyến khích con bạn chia sẻ mối lo lắng. Giữ bình tĩnh, lắng nghe một cách yêu thương, và hỗ trợ cảm xúc của cháu. Thể hiện sự hiểu biết và quan tâm. Nhắc nhở con em của bạn là bị bắt nạt không phải do lỗi của cháu.
-Tìm hiểu mọi chuyện. Bảo đứa trẻ mô tả kỹ bị bắt nạt như thế nào, khi nào, do ai. Tìm hiểu xem con bạn đã làm được gì để ngăn chặn việc bắt nạt, có thành công hay không. Hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp cháu cảm thấy an toàn.
-Dạy cho trẻ cách đối phó. Không nên khuyên cháu trả đũa hoặc chống lại kẻ bắt nạt . Thay vào đó, có thể dùng lời nói yêu cầu những kẻ bắt nạt để mình yên, lảng đi chỗ khác để tránh kẻ bắt nạt, tỏ vẻ không để ý đến chúng, hoặc yêu cầu thầy giáo, huấn luyện viên hoặc một người lớn khác giúp đỡ. Đi chung với nhóm bạn khi đến chỗ thường bị bắt nạt. Cũng vậy, nhắc cháu cứ phớt lờ những hăm dọa trên mạng. Nếu có thể, dùng phần mềm để chặn các hăm dọa này.
-Nói chuyện với cháu về chuyện sử dụng Internet, các mạng xã hội, hoặc điện thoại của mình để giao thiệp với người khác. Nếu cháu bị đe doạ qua mạng, không nên lấy đi quyền sử dụng máy. Trẻ em có thể không dám nói về chuyện bị bắt nạt trên mạng với cha mẹ vì sợ bị cấm dùng điện thoại di động hay Internet.
-Giúp đứa trẻ tăng lòng tự tin. Khuyến khích con bạn xây dựng tình bạn và tham gia vào các hoạt động có thể phát triển tài năng của mình .
Giải quyết chuyện bị bắt nạt
Nếu cháu xác nhận là bị bắt nạt, cha mẹ cần hành động ngay:
-Ghi lại những chi tiết của chuyện bắt nạt. Viết xuống ngày giờ, những ai liên quan, và những gì xảy ra. Giữ lại hình ảnh, email và texts. Ghi lại các sự kiện một cách khách quan.
-Liên lạc với người có trách nhiệm trực tiếp. Tìm sự giúp đỡ từ người hiệu trưởng, thầy cô hay hướng dẫn viên. Báo cáo lên chủ trang mạng hay công ty điện thoại về những hăm dọa trên mạng. Nếu cháu đã bị tấn công thể lý hoặc bị đe dọa tấn công, nên cho nhà trường biết và gọi cảnh sát.
-Nói lên mối quan tâm của bạn một cách trực tiếp. Thay vì đổ lỗi, nên yêu cầu đượcgiúp đỡ để giải quyết vấn đề bắt nạt. Ghi chép về các cuộc họp này. Giữ liên lạc với viên chức nhà trường. Nếu việc bắt nạt tiếp tục, cần nhấn mạnh điều này và theo dõi liên tục.
-Yêu cầu được cung cấp chích sách của nhà trường về việc bắt nạt. Tìm hiểu chuyện bắt nạt được đề cập ra sao trong chương trình giảng dạy cũng như cách các nhân viên nhà trường bắt buộc phải đáp ứng về những vụ bắt nạt đã xảy ra hay đang bị nghi ngờ.
Nếu con quý vị đã bị thương hoặc bị tổn thương bởi liên tục bị bắt nạt, nên tham khảo ý kiến một chuyên viên về sức khỏe tâm thần. Bạn cũng có thể tham khảo với một luật sư. Dùng pháp luật để phá vỡ chuyện bắt nạt có thể giúp cho cộng đồng an toàn hơn cho tất cả các trẻ em.
Nguyễn Thị Nhuận