VRNs (27.10.2013) – Có thể nói, những điều phúc họa trên trần gian này rất khó phân biệt. Chẳng biết đâu thực sự là phúc và đâu mới hoàn toàn là họa. Bằng nhãn quan trần tục, cứ thấy ai giàu có sung túc, ăn sung mặc sướng, vợ đẹp con khôn, quyền cao chức trọng… thì đều cho là phúc. Còn những kẻ suốt đời khố rách áo ôm, lầm than khổ cực… thì được gọi là vô phúc. Nếu lấy giá trị trần thế làm thước đo phúc họa thì muôn đời khập khiễng. Bởi người giàu cũng khóc, sung sướng giàu sang đó, tài giỏi kia…rồi ngày nào đó cũng nhắm mắt xuôi tay, tay trắng mà đến trước tòa Chúa, của cải châu báu có quý giá đến chừng nào cũng vô hiệu.
Người giàu thường lắm tội, tội ngạo mạn, kiêu căng… Kẻ nghèo thì dễ khiêm nhượng hơn, vì nhận biết được giới hạn của mình. Dụ ngôn người Pharisiêu và người thu thuế hôm nay là một thí dụ điển hình. Anh chàng Pharisiêu luôn cho mình là người công chính thánh thiện, tự khoác trên vai chiếc áo thánh thiện để rồi khinh thường kẻ khác. Lên đền thờ cầu nguyện, anh kể lể tất cả những công phúc mình lập được để rồi hạ bệ kẻ thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 18, 11-12) Riêng người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18, 13) Đức Giêsu đã khẳng định rõ ràng: “Tôi nói cho các ông biết: người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18, 14)
Vậy đó, rõ ràng theo chuẩn mực xã hội, với cái nhìn của con cái loài người, kẻ thu thuế đã bị liệt vào hàng tội lỗi, là những kẻ đáng bị nguyền rủa và xấu xố. Thế mà chỉ vì lòng khiêm nhường, biết nhìn nhận tội lỗi và giới hạn của mình, biết tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa mà anh đã được cứu độ. Chính niềm tin và sự khiêm nhường của anh đã cứu anh. Ngược lại, kẻ Pharisiêu kiêu ngạo, tự cao tự đại kia, khi xã hội phong cho anh chức vị tư tế, anh đã tự khoác trên mình chiếc áo kiêu ngạo, xem thường, khinh miệt người khác, chính thái độ hống hách kênh kiệu ấy đã khiến anh trở nên người bất hạnh.
Sự thay đổi hoàn toàn trái ngược ấy, với con mắt nhân loại, nào mấy ai có thể ý thức và đón nhận. Chỉ có những ai có tâm hồn khiêm nhượng, biết chân nhận sự thật về mình với những giới hạn và khiếm khuyết nhất định, đồng thời biết qui phục Thiên Chúa mới có thể nên công chính.
Có thể khẳng định, không một người phàm nào trong nhân loại là người công chính, chỉ những ai được Thiên Chúa cứu độ mới trở nên công chính. Chính lòng thương xót của Thiên Chúa cùng với ơn cứu độ của Ngài đã thánh hóa họ và làm cho họ trở nên công chính.
Lạy Chúa, những lúc thành công, may mắn, con lại càng hống hách, kiêu căng và tự phụ. Chỉ những khi nào thất bại, bị thua thiệt, bị mất mát… con mới biết chạy đến tín thác vào Chúa và nhìn nhận sự bất toàn của bản thân. Xin giúp con, giữ mãi lời nguyện xin thống thiết của người thu thuế kia trong lòng, để chỉ cậy dựa vào lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Vì dẫu cho con có làm được gì, cũng không thể tự mình trở nên công chính chi bằng một chỉ biết cậy dựa vào Ngài mà thôi.
M. Hoàng Thị Thùy Trang