Mốt mới tại Hồng Kông : Nói tiếng Mỹ thay vì tiếng Anh Là một thuộc địa của Anh Quốc cho đến tận 1997, thế nhưng Hồng Kông ngày nay lại đang có xu hướng chạy theo Mỹ về mặt ngôn ngữ : Học tiếng Anh với giọng Mỹ (American English) thay vì tiếng Anh thuần túy (British English)Hồng Kông : Trường dạy tiếng Mỹ thường là trường tư, tiếng Anh thì được dạy ở trường công - ReutersLà một thuộc địa của Anh Quốc cho đến tận 1997, thế nhưng Hồng Kông ngày nay lại đang có xu hướng chạy theo Mỹ về mặt ngôn ngữ : Học tiếng Anh với giọng Mỹ (American English) thay vì tiếng Anh thuần túy (British English) như thường được dùng tại vùng lãnh thổ này. Điều đáng nói là mốt « văn hóa » thời thượng này lại do chính những gia đình giàu có từ Lục địa khỏi xướng, kể tù khi Hồng Kông trở về dưới trướng Trung Quốc.
Theo ghi nhận của một nhà báo AFP trong bản tin đề ngày 29/10/2013, tại thuộc địa cũ của Anh này, hiện nay, nói tiếng Anh với giọng chuẩn của Mỹ mới là điều sáng giá. Nhà báo đã không khỏi ngạc nhiên khi ghé thăm một lớp tiếng Anh tại Hồng Kông và chứng kiến cảnh một bé gái 9 tuổi đang đọc trước lớp một bài học thuộc lòng diễn văn ủng hộ ông Obama làm ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2008 của bà Hillary Clinton, với một giọng Mỹ cực chuẩn.
Câu hỏi đặt ra là vì sao tiếng Mỹ lại nổi lên thành mốt như vậy trên một vùng về lý thuyết là lãnh địa của tiếng nói của Shakespeare ? Lý do, theo AFP, đến từ hai lẽ : Một phần là vì lý do thực tiễn, các bậc cha mẹ khá giả muốn cho con em mình đi học tại các trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ, và một phần khác là vì tâm lý kênh kiệu, muốn cho thấy là mình sang hơn số đông bình thường.
Trả lời AFP, ông Rodney Jones, người chịu trách nhiệm về môn giảng dạy Anh ngữ tại Đai học City University ở Hồng Kông, đã giải thích : « Trước đây, nói tiếng Anh với giọng Anh đồng nghĩa với có giáo dục tốt, nhưng bây giờ thì không còn như thế nữa. Giọng Mỹ giờ đây như mang lại thêm « vốn liếng văn hóa » (cho người sử dụng). Nói cách khác là người dùng tiếng Mỹ có vẻ hợp thời hơn, hiện đại hơn, thích hợp với kinh doanh quốc tế hơn ».
Ông Adam Bell, một chuyên gia tư vấn về tuyển dụng nhân sự, còn giải thích thêm là giọng Mỹ hiện nay được gắn liền với một khái niệm nào đó về sự thành đạt, vì thế có thể giúp tìm việc làm dễ dàng, nhất là trong một công ty Mỹ.
Những trường dạy tiếng Mỹ tại Hồng Kông thường là các trường tư thục, trong lúc tiếng Anh (với giọng Anh) thì vẫn được dạy ở các trường công.
Con em các gia đình giàu có từ Trung Quốc đẫ góp phần rất nhiều vào xu hướng thời thượng này. Theo ông Tim Laubach, người sáng lập các lớp học mang tên ‘American English Workshop’ khẳng định là 1/3 học sinh đến từ Trung Quốc. Có các em theo học các lớp tiếng Mỹ từ lúc rất nhỏ, như lớp gọi là ‘Nature EQ’, dạy vào cuối tuần, với học sinh nhiều khi chưa đầy 5 tuổi.
Thành lập từ trước năm 1997, lớp Nature EQ chỉ có khoảng 40 học sinh. Ngày nay, con số này đã lên đến 350 em.
Học sinh, sinh viên Hồng Kông rất tán thưởng tiếng Mỹ. Họ cho là tiếng Mỹ mang tính ‘quốc tế’, và cũng dễ học nhờ việc phim ảnh Mỹ chiếm lĩnh thị trường, cho nên nghe rất quen tai.
Thế nhưng tại Hồng Kông cũng có những người bảo vệ giọng Anh – được cho là ‘thanh lịch hơn’. Có người cho rằng người Hồng Kông nên nói tiếng Anh, tốt nhất là với giọng Anh, còn nếu không thì hãy nói với giọng Hồng Kông. Có điều là không phải ai cũng thích giọng Hồng Kông.
Theo giáo sư Rodney Jones, dẫu sao thì ‘giọng Anh’ vẫn còn nhiều ngày tươi sáng tại Hồng Kông, vì cư dân chính gốc tại đây vẫn tiếc nuối « thời thuộc Anh », và rất bực tức đối với chính sách của Trung Quốc.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 29/10/2013 lúc 04:33:03(UTC)
| Lý do: Chưa rõ