Đời sống xã hội Việt Nam trước đây, do ảnh hưởng của đạo Khổng, bị ràng buộc nghiêm ngặt trong vòng lễ giáo. Mà không chỉ riêng Việt Nam, những dân tộc khác sống trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Đại Hàn cũng bị ảnh hưởng nên có chung một số quan niệm bảo thủ trong những phong tục, tập quán, lễ nghi từ trong nhà ra đến ngoài xã hội như chúng ta. Một trong những sinh hoạt đậm nét văn hóa đó là việc dựng vợ gả chồng cho con cái. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, những người trẻ không được phép có ý kiến. Nhưng thường thì cha mẹ luôn kiếm cho con mình một người môn đăng hộ đối để tránh tình trạng đũa lệch dễ đưa tới những hậu quả không hay cho hạnh phúc vợ chồng. Còn chuyện có hợp tính hợp tình hợp nhãn nhau hay không thì là chuyện về sau này. Mà nhiều phần là trước ngày cưới, hai người trẻ đâu có cơ hội gặp mặt nhau để tìm hiểu. Thế nên, chắc cũng có nhiều trường hợp người trong cuộc phải nuốt lệ làm vui. Và với quan niệm xưa cùng những ràng buộc của lễ giáo, phần lỗ lã, mất mát thường đè lên cuộc đời của người đàn bà nhiều hơn. Người đàn ông, nếu chẳng may không tìm được hạnh phúc với người vợ đầu, sau này có điều kiện có thể đi kiếm một người vợ thứ. Còn người đàn bà thì chịu, chỉ biết cắn răng chấp nhận như thể là điều không may xảy ra cho mình.
Người con gái xưa ấy biết thân biết phận mình nên đâu dám có ý kiến đối nghịch với cha mẹ. Thế nên, nếu muốn có chút ý kiến gì thì cũng chỉ dám nói bóng gió xa gần nhắc nhở:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu.
Thế thôi. Và để phòng hờ những ngày trái gió trở trời, anh chồng giở chứng, thì còn dám nói một câu “tui về nhà má tui, ông ở đó mà làm tàng đi” trước khi cuốn gói quay về nhà má gần đó ít bữa cho anh chồng một phen tái mặt chơi.
Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” chỉ có trong xã hội Á đông của ta thôi thì lầm to. Tây phương họ cũng thế. Cũng có cảnh cha mẹ chọn vợ chọn chồng cho con cái. Điển hình như trong vở kịch Romeo and Juliet của William Shakespeare mà nhiều người trong chúng ta biết, có cảnh Juliet bị cha mẹ đem gả cho bá tước Paris, nàng buồn quá không biết phải làm sao nên đến nhờ thầy tu Laurence cho nàng một liều thuốc ngủ giả chết.
Vậy thì Đông và Tây cũng có những điểm giống nhau chứ không phải không. Và cho đến nay, bước qua thế kỷ 21, tâm lý chung của các bậc cha mẹ cả Đông lẫn Tây trong việc chọn vợ chọn chồng cho con cái vẫn không mấy thay đổi, vẫn muốn gây ảnh hưởng và có tiếng nói quyết định trong việc con cái chọn người bạn tình, dù dưới những hình thức khác, vừa trực tiếp lại vừa gián tiếp. Và dĩ nhiên là khéo léo, tế nhị hơn. Họ còn biết cập nhật và sử dụng kỹ thuật tin học để theo kịp với lối sống của những người trẻ hiện đại.
Người ta nói rằng, hiện nay có một số bà mẹ và cả một số ông bố nữa, sẽ làm bất cứ điều gì mà họ cho rằng có thể giúp con cái họ lấy được người vợ hoặc chồng tương lai xứng đáng, thậm chí chịu học hỏi để biết sử dụng kỹ thuật tin học, lên mạng và hơn nữa lục tìm hồ sơ cá nhân của con cái họ qua những mục kiểu “Tìm bạn bốn phương” và qua đó, tự tìm hiểu rồi đi tìm một ý trung nhân cho chúng, cũng qua mạng internet. Tâm lý chung của các bậc cha mẹ này là họ xem con cái họ như bản in của cuộc đời họ vậy. Thế nên, họ nghĩ rằng họ cũng là một trong những người có quyết định tối hậu bởi vì họ cho rằng hôn nhân không chỉ là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ mà còn là sự kết hợp giữa hai gia đình.
Nắm được điểm đó, một số trang mạng như TheJMom.com và Duo được mở ra để phục vụ cho những bậc cha mẹ quá sốt sắng này. Qua các trang mạng trên, các vị phụ mẫu lập một hồ sơ, đưa ra những tiêu chuẩn đòi hỏi cũng như một số câu hỏi để tìm hiểu đối tượng là mẫu người nào, mà theo truyền thống cũ mặt giáp mặt nhau, đôi khi có những câu hỏi không tiện nói ra và nếu trực tiếp đưa ra tiêu chuẩn đòi hỏi thì có vẻ sỗ sàng quá. Vì thế, cách hay nhất là để những trang mạng trên làm người đưa tin. Sau khi đóng một khoản tiền lệ phí và lập một hồ sơ, tiếp theo đó là sẽ được trang mạng giới thiệu một số đối tượng cho con cái họ chọn lựa, rồi hẹn hò tìm hiểu. Còn các vị phụ mẫu này có thể vào trang mạng theo dõi xem tình duyên con cái họ tiến triển ra sao.
Việc cha mẹ vẫn hay xen vào cuộc sống riêng tư của con cái do bởi những bậc cha mẹ này nghĩ rằng nếu họ không xen vào những quyết định của những đứa con, không chỉ riêng chuyện chọn vợ chọn chồng, mà hầu như tất cả những quyết định khác, từ chuyện học hành cho đến chọn nghề nghiệp, thì chúng dễ bị lạc đường rồi đi đến thất bại trong đời. Đây là vấn đề cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Có người nghĩ rằng cha mẹ không nên xen vào việc chọn người bạn đời của con cái bởi lẽ đó là cuộc đời của chúng và chúng có quyền tự chọn lấy hướng đi tương lai cho mình. Con cái nên có quyền tự quyết định lấy cuộc đời mình, và nhờ đó sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Ý kiến này có thể đúng ở một khía cạnh nào đó. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có lợi điểm là họ từng trải hơn, kinh nghiệm sống dồi dào hơn. Họ có thể giúp con cái của họ quyết định đúng hay sai nhờ ở những kinh nghiệm trải đời đó. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng đã từng đối diện với nhiều hoàn cảnh khó khăn nan giải trong suốt cuộc đời của họ. Những kinh nghiệm này giúp họ sống thực tế hơn và nhờ vậy, các bậc cha mẹ có khả năng đưa ra những quyết định có tính cách thực tế cho con cái họ.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, từ bao lâu nay, trong hầu hết các nền văn hóa trên khắp thế giới, cha mẹ luôn cố gây ảnh hưởng lên cuộc sống tình cảm của con cái họ. Và kết quả của những cố gắng đó có cả thành công lẫn thất bại. Các cuộc nghiên cứu cho thấy, trong những trường hợp trên, cha mẹ và con cái thường không có chung tần số trong việc chọn lựa mẫu bạn tình thích hợp.
Theo Tim W. Fawcett, nhà nghiên cứu Sinh học thuộc Đại học Bristol ở Anh Quốc, bất cứ khi nào có một hành vi nào đó của con người được phổ biến trong số đông, thì chúng ta có lý do để nghi ngờ rằng điều đó có thể có liên quan đến quá trình tiến hóa của loài người. Nếu trường hợp cha mẹ nghĩ rằng người bạn tình của con cái không thích hợp với mình và tìm cách ngăn cản, thì rất có thể sự việc đó là do lỗi ở quá trình tiến hóa.
Khi nói đến việc lựa chọn bạn tình, Fawcett dựa vào thuyết lựa chọn giới tính (theory of sexual selection). Thuyết này chú trọng vào sự cạnh tranh ráo riết trong một tập thể giữa thành viên này với thành viên khác để lôi cuốn đối tượng, và nó khá thành công trong việc giải thích về những hành vi khác nhau trong cách ve vãn và kết bạn của thế giới loài vật, từ chiếc đuôi sặc sỡ xòe ra của loài công đến tiếng kêu gọi tình của những chú dế đực.
Lý thuyết lựa chọn giới tính cho thấy sở thích kết bạn của giống cái và những đặc tính của giống đực cùng nhau phát triển ra sao để rồi từ từ tiến tới giai đoạn trở thành một cặp uyên ương. Nhưng khi áp dụng lý thuyết này vào loài người thì gặp trở ngại. Ở loài người, thêm một điều kiện liên quan nữa chen vào – đó là cha mẹ.
Ở loài vật, chỉ có con đực và con cái quyết định với nhau. Ở loài người, ngoài người nam và người nữ, có thêm sự quyết định của cha mẹ.
Đáng lý ra, cha mẹ và con cái cùng có chung sợi dây di truyền, thì hẳn phải hợp ý nhau chứ. Thế nhưng, thực tế là mỗi người cha và người mẹ chỉ truyền tới con cái họ một nửa số di truyền mà thôi. Suy ra, những suy nghĩ và ý tưởng của cha mẹ và những đứa con sẽ không hoàn toàn giống nhau, mà đôi khi còn trái ngược. Và do đó, quan niệm về việc lựa chọn người bạn tình giữa hai phe cũng sẽ khác nhau.
Khi chọn người bạn tình cho con cái, cha mẹ luôn dựa trên những tiêu chuẩn như người đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội, hoàn cảnh gia đình ra sao, thuộc sắc dân nào và ăn học đến đâu.
Trong khi đó, những người trẻ lại căn cứ trên những tiêu chuẩn hoàn toàn khác như sức lôi cuốn, vóc dáng bên ngoài, mùi của cơ thể, tính khôi hài và óc sáng tạo.
Thế nên, xung khắc giữa cha mẹ và con cái trong việc lựa chọn người bạn tình phát xuất từ đó.
Trong kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, không thấy nhà nghiên cứu nào nêu ra một khía cạnh tâm lý khác, đó là lòng thương con của cha mẹ. Khía cạnh tâm lý này đóng một vai trò không nhỏ trong những quyết định có liên quan đến sinh hoạt tình cảm. Vì lòng thương con nên cha mẹ nào cũng muốn con mình thành công, tìm được hạnh phúc trong cuộc sống. Khi con cái được hạnh phúc, cha mẹ sẽ bớt phải bận tâm lo lắng cho chúng. Nếu hiểu được điều đó, những người trẻ hôm nay cũng nên thông cảm cho những người cha người mẹ đó.
Khi mới cắp sách đến trường, chúng ta cũng đã từng được nghe dạy câu “cá không ăn muối cá ươn” đấy sao. Hóa ra câu tục ngữ này vẫn có thể áp dụng trong cuộc sống hôm nay. Vậy thì, hãy ráng nghe lời cha mẹ đi, chứ cãi lại làm gì để mất hòa khí gia đình.
Huy Lâm